| Hotline: 0983.970.780

Chúng ta lo một, nông dân lo mười

Thứ Sáu 09/05/2014 , 14:38 (GMT+7)

Rất trăn trở với câu chuyện chuyển đổi đất lúa ở ĐBSCL, vựa lúa của cả thế giới, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn chia sẻ: Chuyển đổi là tất yếu, nhưng phải làm từ từ, phải để nông dân tự quyết định số phận của họ./ Trăn trở từ vựa lúa quốc gia

17-32-52_dsc_3948
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn
 

Lúa vẫn là lợi thế lớn của ĐBSCL

Thưa ông, Bộ NN-PTNT vừa chủ trì một hội nghị chuyển đổi trồng lúa sang cây trồng khác ở ĐBSCL, là người trăn trở với câu chuyện chuyển đổi này của ĐBSCL, ông đánh giá thế nào?

Mục đích của việc chuyển đổi là nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn trên cùng diện tích. Vấn đề không đơn giản.

Thứ nhất, tôi khẳng định, lúa vẫn là lợi thế lớn của ĐBSCL, rất nhiều nước trên thế giới mơ ước có một vựa lúa như thế mà không được. Vì vậy, nếu việc sản xuất đang hiệu quả thì không nên chuyển đổi. Ở ĐBSCL, nếu nông dân làm lúa đang có lời cứ để họ làm.

Nếu tích tụ được diện tích lớn, đưa cơ giới hóa, tiến bộ KHKT, giảm được chi phí đầu tư, cứ để họ làm. Nếu hô hào chuyển đổi, đem đất lúa đi trồng những loại cây khác có khi rơi vào cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.

Thứ hai, nếu chuyển đổi thì chuyển sang cây gì? Đất lúa có phù hợp với loại cây ấy không? Hiệu quả cao hơn không và có thị trường không? Nếu hiệu quả vừa không cao vừa không có thị trường cứ để lúa vẫn hơn.

Thứ ba, thực tế hiện nay chúng ta đang thừa lúa gạo. Nhưng chúng ta chưa thử sản xuất theo hướng phân loại lúa chất lượng cao để xuất khẩu, còn lúa chất lượng thấp sẽ làm thức ăn chăn nuôi. Theo tôi, nếu đi theo hướng đó tiến thoái đều được.

Ở ĐBSCL đã có nhiều nơi nông dân xay lúa làm TĂCN rất hiệu quả, thậm chí còn hiệu quả hơn nhiều so với bán lúa giá thấp.

Tóm lại, nếu bớt diện tích lúa để chuyển sang trồng các loại cây khác thì phải từ từ, theo một lộ trình nhất định.

Đúng là diện tích đất lúa hiện nay đang thừa nhiều, nhưng phải chuyển mỗi năm một ít. Không phải cứ làm bất chấp bằng mọi giá, làm vội vàng. Nông dân không có điều kiện để làm và không đủ thời gian để chuẩn bị.

Nói thế có nghĩa việc chuyển đổi ở ĐBSCL cần phải cân nhắc kỹ hơn?

Thực tế thế này, việc chuyển đổi ở ĐBSCL chưa chắc đã bức thiết, đã thuận lợi hơn những vùng đất khác. Nếu muốn giảm diện tích lúa, chuyển đổi sang cây trồng khác thì miền Trung, ĐBSH bức thiết hơn nhiều. Vừa là nhu cầu, đất đai những vùng đó dễ chuyển hơn.


"Nếu muốn giảm diện tích lúa, chuyển đổi sang cây trồng khác thì miền Trung, ĐBSH bức thiết hơn ĐBSCL nhiều" - ông Nguyễn Công Tạn nói

Thái Bình, Nam Định hay các tỉnh miền Trung... mỗi gia đình vài ba sào ruộng thì chuyển sang việc khác mà làm thôi chứ. Lúa gạo có thiếu sẽ chuyển từ miền Nam ra. ĐBSCL vẫn là vựa lúa lớn của thế giới, hãy để mảnh đất này phát huy lợi thế số một của mình là lúa gạo.

Nếu xét ở giá trị kinh tế, nếu đồng ruộng được cơ giới hóa hết thì biết đâu chừng cây lúa vẫn là số một ở đây cũng nên. Trước mắt, theo tôi, chuyển đất lúa sang cây khác nên làm từng bước một. Song song với việc chuyển đổi thì một vấn đề quan trọng khác là tìm biện pháp nâng cao giá trị diện tích còn lại.

Nhưng thực tế cũng đã chứng minh nhiều mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Với lại chúng ta đang ở trong tình cảnh thừa lúa gạo, thưa ông?

Thì quan điểm của tôi chuyển đổi vẫn là nhu cầu tất yếu, buộc phải làm, vấn đề cách làm thế nào? Theo tôi nên chuyển đất lúa sang các cây trồng cạn. Cây ngô vẫn là số một. Cả nước hiện nay chẳng có cây nào có thị trường tiêu thụ tốt như cây ngô.

Cây ngô ngắn ngày, dễ làm, có thị trường và nhiều giống ngô tốt, khả năng hiệu quả cao hơn lúa. Nhưng để tăng năng suất ngô lên 10 tấn/ha là khó. Thực tế thì năng suất đạt 6 – 7 tấn/ha là thành công rồi. Bằng năng suất lúa thôi cũng được (6 tấn/ha).

Lợi thế ở chỗ, chúng ta có hẳn một tập đoàn ngô bao gồm ngô lấy hạt, ngô làm rau (ngô bao tử), ngô đường (để bán bắp luộc, chế biến)…

Ở Quảng Đông (Trung Quốc), tôi thấy nông dân chủ yếu chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô. Trước đây diện tích trồng lúa của Quảng Đông rất nhiều, nhưng bây giờ chỉ có 3,7 triệu ha. Ngô là sản phẩm chủ lực. Để làm được điều đó phải kết hợp tổng thể giữa chuyển đổi cơ cấu giống, tích tụ ruộng đất và đưa KHCN vào nông dân mới giàu được.

Cả nước hiện nay tiêu thụ khoảng 25 triệu tấn TĂCN (gồm thức ăn chăn nuôi công nghiệp và thức ăn chăn nuôi trong dân để nuôi đàn gia súc, gia cầm, thủy sản). Tương đương khoảng 15 triệu tấn tinh bột một năm. Tôi đố ai trồng được cây gì mà đủ chừng ấy lượng tinh bột.

Sản lượng ngô của cả nước năm 2013 có 5,1 triệu tấn, thiếu vô cùng. Nguyên liệu TĂCN vẫn phải nhập. Nhu cầu thịt, trứng, sữa rất lớn nên chăn nuôi sẽ phát triển, TĂCN sẽ còn thiếu.

Rồi còn rau. Chúng ta sẽ trồng các loại đậu tương rau, đậu Hà Lan… vì thị trường thế giới rất ưa chuộng. Trồng ngô rau (ngô bao tử) để chế biến thành đồ hộp xuất khẩu, các loại rau cao cấp. Nếu chuyển đổi sang trồng các loại này thì không bao giờ phải lo thị trường cả.

 "Tôi quan điểm, để nông dân tự cân đối thị trường, lúc nào cảm thấy “lệch pha” mới đưa chính sách vào điều chỉnh. Nông dân giờ bơi giỏi chứ. Miễn là chính sách, cơ chế thông thoáng. Ví dụ, khi chuyển đổi nên chú trọng vào các hỗ trợ DN tiêu thụ, tức là vấn đề thị trường. Ngô, đậu tương, rau... phải có các DN cam kết thu mua. Cho vay vốn, không đánh thuế để hai bên đều có lợi", ông
Nguyễn Công Tạn.

Về cây ăn quả, đất lúa có thể chuyển được sang cây ăn quả, nhưng thị trường tiêu thụ, giá cả lại có rất nhiều biến động. Chúng ta chỉ nên chọn những loại cây ăn quả chiến lược, vừa hiệu quả cao vừa đảm bảo tính bền vững như thanh long (nhưng cũng cần phải xem xét loại cây này vì thanh long hiện nay phát triển ở miền Trung nhiều hơn).

Trên đất không ngập nước, bị khô hạn có thể tích tụ diện tích lớn, tập trung nuôi cỏ làm thức ăn chăn nuôi để phát triển bò sữa, bò thịt cũng cực kỳ hiệu quả. Nhưng với đặc thù của ĐBSCL thì cần cân nhắc thật kỹ.

Rồi nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế rất cao. Các loại tôm nước ngọt, cá, cua… rất triển vọng, cho thu nhập hàng tỷ/ha mỗi năm là chuyện bình thường.

Nhà nước không thể làm thay thị trường

Có một thực tế mà nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp đã nhận định là nhận thức của cán bộ nông nghiệp, của nông dân ĐBSCL đã quá quen với canh tác lúa. Cây lúa vẫn có thu nhập, ít rủi ro. Hay nói cách khác lúa vẫn còn nặng nợ với ĐBSCL lắm?

Đúng vậy. Như tôi đã nói, lúa vẫn là một lợi thế lớn của ĐBSCL. Bây giờ chuyển từ cây lợi thế lâu đời này sang cây trồng khác không hề đơn giản chút nào. Nhưng rõ ràng sự chuyển đổi là tất yếu vì làm lúa có thể ổn định, nhưng với thực tế như hiện nay thì nông dân vẫn bị hạn chế về thu nhập. Làm giỏi lắm, 1 ha lúa chỉ được 70 triệu/ha/năm.

Nếu so sánh với nhiều loại cây khác cho thu nhập mấy trăm triệu đồng thì không thể không chuyển đổi.

Và làm thế nào để thay đổi nhận thức người dân?

Nông dân bây giờ không nghe lý thuyết suông. Muốn họ nghe phải có mô hình, phải có thực tiễn. Phải chứng minh được 3 yếu tố: cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng ở ĐBSCL, có thị trường và có hiệu quả kinh tế cao.

Vì vậy, Nhà nước nên định hướng thông qua đẩy mạnh xây dựng mô hình. Nông dân sẽ tham quan, học tập (ví dụ chỗ thì ngô cánh đồng lớn, chỗ thì rau cánh đồng lớn…). Hãy để dân tự chọn. Luật đất đai mới, cơ chế thoáng rồi, dân được quyền tự do, chuyển đổi thoải mái.

Có chính sách, có chủ trương nhưng cơ bản vẫn là để cho thị trường điều khiển. Chuyển đổi mà không hiệu quả hơn thì người ta chả làm. Nói chuyển đổi không có nghĩa là hô hào đồng thanh chuyển đổi. Nông dân là chủ thể. Hãy để họ tự quyết định cuộc sống của họ. Mà nông dân tự lo được hết. Tự sống, tự phát triển.

Tôi chả bao giờ thấy nông dân bó tay. Cứ cái gì nhiều tiền để họ làm. Nông dân giờ suy nghĩ chán. Chúng ta ngồi đây lo một thì dân lo mười. Họ nối mạng toàn cầu rồi. Chỉ cần có chính sách, hành lang pháp lý để giải quyết vấn đề thị trường là được.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.