| Hotline: 0983.970.780

Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người

Chủ Nhật 11/11/2018 , 09:35 (GMT+7)

Bây giờ, chuyện hẹn hò và yêu đương giữa người Việt và người phương Tây đã rất bình thường. Thế nhưng, cách đây hơn 60 năm, nhất là trong bối cảnh đất nước chiến tranh, thì đó là một sự kiện gây xôn xao. 

Vượt lên tất cả, mối tình giữa nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nữ sĩ Pháp - Madeleine Riffaud khiến nhiều thế hệ ngưỡng mộ vì dư âm tồn đọng trong những câu thơ “Ngôi sao nhớ ai mà ngôi sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây…”.

08-47-49_nguyendinhthi
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924-2003) là một nhân vật thành danh khi còn rất trẻ. Ở tuổi 20, Nguyễn Đình Thi đã nổi tiếng cả trong văn chương và âm nhạc, với “Đất nước”, “Người Hà Nội”, “Diệt phát xít”… Vì vậy, nhà thơ Nguyễn Đình Thi được chọn làm một trong những đại diện của Việt Nam tham dự Liên hoan Thanh niên Thế giới năm 1951 tổ chức tại Berlin - Đức. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong tư cách Tổng Thư ký Hội Văn hoá Cứu quốc của Việt Nam, được sự quan tâm đặc biệt của báo chí quốc tế. Và nữ phóng viên báo Nhân đạo của Pháp - Madeleine Riffaud cũng có cuộc phỏng vấn Nguyễn Đình Thi. Sau khi Liên hoan Thanh niên Thế giới kết thúc, thì mối tình giữa nhà thơ Việt - Nguyễn Đình Thi và nhà báo Pháp - Madeleine Riffaud lại bắt đầu.

Thuở ấy, phương tiện liên lạc chỉ là những lá thư gửi xuyên biên giới. Cuối năm 1951, nhà thơ Huy Cận khi sang Pháp họp, đã tình cờ trở thành nhịp cầu cho Madeleine Riffaud và Nguyễn Đình Thi. Nhà báo Madeleine Riffaud trao cho nhà thơ Huy Cận một phong bì ghi rõ "Xin mở xem thư và nhớ học thuộc lòng càng tốt, để đọc lại cho anh Thi nghe, nhỡ mà thư có thể trôi mất hoặc ướt khi qua suối qua đèo". Dĩ nhiên, nhà thơ Huy Cận làm theo yêu cầu và khá bất ngờ khi nữ phóng viên Pháp lại thuộc khá nhiều ca dao Việt Nam để trích dẫn trong lá thư tình. Lá thư mở đầu bằng ca dao "Ông tơ ghét bỏ chi nhau/ Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi" và cũng kết thúc bằng ca dao "Đôi ta làm bạn thong dong/ Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng". Sang đầu năm 1952, nhà thơ Huy Cận mới có dịp gặp nhà thơ Nguyễn Đình Thi ở chiến khu Việt Bắc và đọc thuộc lòng nguyên cả bức thư tình ấy trước khi trao thư cho người nhận!

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi là một người tài hoa và đa cảm. Những ngày đầu Thủ đô tản cư kháng chiến, ông đã viết: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” thì làm sao có thể dửng dưng với chân tình của một người đẹp nước Pháp dành cho mình.

Hơn nữa, thời điểm ấy người vợ đầu của nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng đã qua đời. Vài lần thư đi thư lại cũng không vơi được nỗi tương tư, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết bài thơ “Nhớ” ghi rõ “Tặng M…”. Trong hoàn cảnh ấy, ai cũng hiểu nhân vật “M” chính là Madeleine Riffaud: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây/ Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn/ Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt/ Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời/ Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực/ Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người…”.

Không biết bài thơ “Nhớ” đến tay Madeleine Riffaud vào lúc nào, nhưng nữ phóng viên báo Nhân đạo đã quyết định sang Việt Nam tác nghiệp sau khi cách mạng giành được Hà Nội. Không chỉ dịch cuốn tiểu thuyết “Mặt trận trên cao” của Nguyễn Đình Thi ra tiếng Pháp để xuất bản tại Paris, mà Madeleine Riffaud còn thể hiện sự ủng hộ cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam của Việt Nam. Nhà báo Madeleine Riffaud từ thực tế trải nghiệm ở Việt Nam đã cho công bố những bài bút ký nổi tiếng trên báo Nhân đạo, trong đó phải kể đến “Viết dưới làn bom miền Bắc Việt Nam” và “Ở vùng du kích Việt cộng”.

08-47-49_mrilies_riffud
Nhà báo Madeleine Riffaud ở Việt Nam năm 1956

Lửa gần rơm, và tình chàng ý thiếp mặn nồng, sao nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nhà báo Madeleine Riffaud không kết hôn? Chỉ có thể nói, do hoàn cảnh lịch sử. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi là một người kháng chiến luôn khao khát thống nhất non sông: “Xiềng xích chúng bay không khoá được/ Trời đầy chim và đất đầy hoa/ Súng đạn chúng bay không bắn được/ Lòng dân ta yêu nước thương nhà!” nên không để tình riêng ảnh hưởng việc chung.

Ngày 18/4/2003, nhà thơ Nguyễn Đình Thi qua đời. Trong chiếc cặp cũ mà ông trao lại cho con trai - nhà văn Nguyễn Đình Chính có hàng trăm lá thư của Madeleine Riffaud được lưu giữ rất nâng niu cẩn trọng. Còn về phía Madeleine Riffaud, bà vẫn tôn thờ nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Trong lá thư viết cho nhà văn Nguyễn Đình Chính sau khi nhà thơ Nguyễn Đình Thi qua đời, bà bày tỏ mong muốn được tặng một ngôi biệt thự của mình ở Pháp để làm nhà lưu niệm Nguyễn Đình Thi!

(Kiến thức gia đình số 45)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?