| Hotline: 0983.970.780

Chung tay giúp đỡ học sinh vùng lũ

Thứ Tư 27/08/2008 , 22:18 (GMT+7)

Chia sẻ khó khăn với các gia đình phụ huynh, giúp các em học sinh vùng lũ có điều kiện đến trường, Báo NNVN mở cuộc quyên góp “Chung tay giúp đỡ học sinh vùng lũ”.

Chia sẻ khó khăn với các gia đình phụ huynh, giúp các em học sinh vùng lũ có điều kiện đến trường, báo Nông nghiệp Việt Nam mở cuộc quyên góp “Chung tay giúp đỡ học sinh vùng lũ”. Chỉ một tuần, báo đã nhận được gần 2 vạn quyển vở từ các các đơn vị, cá nhân để chuyển tới tay những học sinh vùng lũ còn lấm láp bùn đất… 

Những tấm lòng hảo tâm

Nhìn những em học sinh vùng lũ của các xã: Y Can, Đào Thịnh, Văn Lãng, Bạch Hà… phơi những cuốn sách, quyển vở ngấm bùn trong trận lũ đêm 8/8 vừa qua trên mái cọ, bờ rào… tôi điện cho Tổng Biên tập Lê Nam Sơn, đề xuất ý kiến hỗ trợ học sinh vùng lũ. Anh trả lời tôi: Mình hoàn toàn ủng hộ, báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng, ngoài ra báo sẽ vận động các doanh nghiệp và cá nhân giúp đỡ thêm các cháu…

Liên hệ với Tổng giám đốc Cty Apatit Việt Nam Bùi Văn Việt, anh đáp: Thái Sinh à, Cty mình cũng bị ngập lụt, các khai trường và tuyến đường sắt Cam Đường - Phố Lu bị ngập và sạt lở nhiều đoạn, thiệt hại nhiều lắm. Mặc dù vậy, Cty vừa hỗ trợ tỉnh Lào Cai hơn 400 triệu rồi. Thôi, của ít lòng nhiều Cty Apatit Việt Nam và Xí nghiệp phân bón hoá chất hỗ trợ 15 triệu, nhờ báo NNVN mua giúp vở chuyển đến tay các cháu học sinh vùng lũ…

Phó TGD CTy giấy VN Ngô Anh Dũng (thứ 3 từ trái phải sang) trao vở cho học sinh xã Văn Lãng
Phó TGD CTy giấy VN Ngô Anh Dũng (thứ 3 từ trái phải sang) trao vở cho học sinh xã Văn Lãng.

Ngay khi được tin NNVN phát động hỗ trợ sách vở cho trẻ em vùng lũ, lãnh đạo TCTy giấy Việt Nam bày tỏ nhiệt tình: CB-CNV TCty chúng tôi vừa trực tiếp hỗ trợ 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, nhưng ý tưởng hỗ trợ sách vở cho các em vùng lũ trước ngày tựu trường rất hay, thiết thực, chúng tôi xin ủng hộ các em khoảng 7 ngàn cuốn vở.

Trưởng Ban phóng viên, biên tập Trọng Đảm thông báo cho tôi: Cty CP giống cây trồng miền Nam đã nhận lời ủng hộ bằng giống ngô. Anh liên lạc với Vũ Minh Việt để xem cụ thể số lượng bao nhiêu nhé… Tôi điện cho Vũ Minh Việt, Bí thư chi Đoàn TNCSHCM, anh đang đi viết bài ở Thái Bình nên đã thông báo ngay: Cty CP giống miền Nam ủng hộ 400kg ngô giống, họ tạm ứng số giống đó tại kho của Trung tâm giống Yên Bái. Cty CP giống Thái Bình ủng hộ các cháu 2 triệu. Của ít lòng nhiều mà anh… Chị Lan Anh- kế toán của báo cho biết: Ngoài số tiền của cơ quan, Công đoàn và Đoàn thanh niên quyên góp mọi người trong cơ quan thêm được mấy triệu và 7 thùng quần áo cũ, một thùng sách nữa chú ạ…

Chiều Chủ nhật ngày 24/8, Vũ Minh Việt lại thông báo: Cty giống miền Nam sẽ ủng hộ 900kg giống, anh chuẩn bị xe để vận chuyển, còn TCT giấy Việt Nam sẽ chở hàng bằng xe tải lên đó…

Xúc động những món quà tình nghĩa

Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Yên Bái Nguyễn Quang Vinh không ngần ngại "điều" cho tôi một chiếc xe con để chở vở. Do không lường trước được trọng lượng của 4 ngàn quyển vở mua tại Yên Bái lại cộng thêm 9 tạ ngô giống nên xe ô tô của KL Yên Bái không thể đi xa được, tôi lại điện hỏi mượn xe của Trung tâm giống vật nuôi Yên Bái, GĐ Nguyễn Huy Bái đồng ý ngay: Tôi xin được trực tiếp lái xe chở vở cho báo NNVN tới những địa chỉ mà báo hỗ trợ các cháu học sinh.

Con đường mùa mưa lũ sạt lở tứ tung suốt từ Phú Thọ lên tận Yên Bái, đoàn xe của báo NNVN và TCT Giấy VN xuất hành từ Bãi Bằng khoảng lúc 10h, nhưng mãi tới gần 3 giờ chiều mới tới Yên Bái. Phó TGĐ Ngô Anh Dũng mái tóc đã muối tiêu trực tiếp đi trao vở cho các cháu học sinh xã Văn Lãng (Trấn Yên), anh xúc động nói: Vừa qua TCT giấy Việt Nam đã ủng hộ 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái mỗi tỉnh 50 triệu đồng. Nay báo NNVN vận động giúp học sinh vùng lũ, đây là cơ hội để TCT giấy Việt Nam được chia sẻ khó khăn tới gia đình và các cháu… Do không có thời gian anh nhờ báo NNVN, chính quyền địa phương và các thầy cô giáo chuyển món quà của TCty tới tay các cháu. Cầm những quyển vở mới tinh trên trên tay để chuẩn bị bước vào năm học mới, nhiều em học sinh cứ ngỡ ngàng, một em hỏi tôi: Các chú cho cháu những quyển vở này à?

Trời đã nhá nhem tối chúng tôi mới tới được xã Y Can (Trấn Yên), Bí thư Đảng uỷ xã Đặng Văn Thu xúc động lắm, anh bảo: Chúng tôi chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn, cảm ơn báo NNVN và các doanh nghiệp rất nhiều… Nói rồi anh Thu chỉ vào hai cháu Vũ Bá Công, Vũ Bá Quyền quần áo lấm lem bùn đất: Bố của hai cháu mất năm ngoái, ngày khai giảng đến rồi mẹ cháu chưa biết tìm đâu ra tiền để mua sách vở cho cháu, mấy sào lúa ngô lũ cuốn trôi cả rồi…

Nhìn hai đứa trẻ mặt mũi hốc hác, hai nhà báo Vũ Minh Việt và Lê Hùng xé thùng vở phát luôn cho hai cháu. Lúc này chúng tôi quên mất trên xe còn mấy thùng quần áo cũ, anh Trần Xuân Cường - lái xe của báo nhắc luôn: Còn quần áo nữa, khổ quá, nhìn chúng ăn mặc thế này phát luôn cho các cháu đi… Hai đứa trẻ mồ côi cha ở làng Y Can nhận những món quà từ tay chúng tôi không nói được thành lời đầu cứ gật gật.

Tối chúng tôi mới về được TP.Yên Bái, phó TBT Trịnh Bá Ninh điện hỏi tôi: Đoàn đi được những đâu rồi? Tôi cho anh biết những địa điểm mà chúng tôi đã đến và báo cáo với anh về đoạn đường lên Lào Cai rất khó khăn trong việc vận chuyển số vở và ngô giống lên đó, xin được hỗ trợ cho các xã ở Yên Bái. Giọng anh buồn hẳn: Ông tìm cách nào đi, lúc này người dân mới cần đến chúng ta…Tôi bàn với Vũ Minh Việt cần một xe tải nhỏ để chở hàng. Việt bảo: Em điện cho bác Ngô Anh Dũng xin luôn chiếc xe của TCty giấy chở hàng cho mình, chắc là được… 

Nhà báo Vũ Minh Việt trao quà cho các em học sinh

Tôi đi viết bài suốt những ngày mưa lũ ở Yên Bái, nhưng không thể tưởng tượng được con đường lên Lào Cai lại khủng khiếp đến thế, gần 20 ngày mưa lũ đi qua nhưng tuyến đường vẫn be bét bùn đất, những cánh đồng hai bên đường hoang tàn phủ kín đất đỏ, không còn nhận đâu là ruộng đâu là suối. Đêm qua tôi hỏi thăm đường lên xã Long Phúc, anh Lê Văn Lạc - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Lào Cai bảo tôi: Đường còn tắc lắm, đất vẫn tiếp tục sạt, nếu báo NNVN uỷ nhiệm cho Chi cục lâm nghiệp Lào Cai chuyển số vở và giống đến cho bà con xã Long Phúc thì chúng tôi phải chở nhiều chuyến. Cơ quan cử anh Tô Mạnh Tiến đi tiếp nhận số hàng đó… Đoàn của báo NNVN khởi hành lúc 6h30’ từ Yên Bái, đoàn của Chi cục lâm nghiệp Lào Cai khởi hành lúc 6h từ Lào Cai nhưng mãi tới 11h 30’ chúng tôi mới tới Long Khánh. Anh Tiến chỉ chiếc biển dán trên xe “Xe kiểm tra bão lũ”: Nhờ cái biển kia mà thì xe mới được ưu tiên đi trước, còn nhiều xe đang tắc ở trên kia, chưa biết bao giờ mới được đi.

Sau khi trao số sách vở, ngô giống và quần áo cho chính quyền xã Long Khánh chúng tôi quay về Yên Bái, theo sông Hồng ngược lên hai xã An Bình và Lâm Giang thuộc huyện Văn Yên, chủ tịch xã An Bình Trần Hiệp Sĩ nắm tay chúng tôi: Dù một quyển vở hay một hạt ngô giống đối với chúng tôi lúc này quí vô cùng. Một miếng khi đói bằng cả gói khi lo anh à…

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm