| Hotline: 0983.970.780

Chúng tôi chưa cần nhà hát lúc này

Thứ Bảy 20/10/2018 , 08:01 (GMT+7)

“Bà con chúng tôi ở đây chỉ biết con tôm con cá, con heo con gà, vườn rau, cả đời chân lấm tay bùn, biết nhạc giao hưởng là gì đâu. Cho nên, chúng cần chính quyền thành phố giải quyết cho xong việc bền bù, thu hồi nhà đất của bà con Thủ Thiêm chứ chưa cần nhà hát”.  Đó là suy nghĩ, chia sẻ của những người dân ở Thủ Thiêm mà chúng tôi hỏi chuyện.

Sau đây là cuộc trò chuyện với vợ chồng anh Lê Văn Hơn - Nguyễn Thị Nhung, hiện đang ở tại khu nhà tạm cư phường An Lợi Đông, quận 2 về việc TP. Hồ Chí Minh sẽ xây một nhà hát 1.500 tỷ đồng cách nhà cũ của họ không xa.

14-23-46_nh_4
Cuộc sống của hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm có đất bị thu hồi như thế này, liệu họ có tâm trí để quan tâm Nhà hát giao hưởng?

Cuộc sống của gia đình anh chị trước và sau khi bị giải toả, thu hồi nhà đất như thế nào?

Trước kia gia đình tôi ở bên ấp 4, phường An Lợi Đông, quận 2, tổng diện tích nhà và đất khi đó là gần 800m2, trong đó, hơn 500m2 có sổ. Vợ chồng tôi có 4 đứa con, sống chủ yếu bằng nghề nông. Đất rộng, chăn nuôi, trồng trọt thoải mái. Nên dù không phải giàu sang dư dả gì nhưng sống khoẻ, chẳng phải lo miếng cơm manh áo, tinh thần thoải mái. Đến khi bị giải tỏa, thu hồi đất để xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chúng tôi buồn lắm, nhưng vẫn chấp nhận, vì đây là chủ trương của nhà nước, có từ lâu. Nghĩ nếu phải đi thì dù không thể bằng ngày xưa, nhưng tiền đền bù cũng đủ để ít nhất cũng đủ mua cho mỗi đứa con một cơ ngơi nhỏ. Nhưng đến khi họ đưa quyết định bồi thường, tổng số tiền đền bù cho toàn bộ đất, nhà và tài sản trên đất chỉ có chưa đến 590 triệu đồng. Đây là nơi gia đình tôi sống từ 3 đời nay, vậy mà giờ gần như mất trắng.

Chúng tôi về khu nhà tạm này ở đến nay là gần chục năm rồi. Ban đầu họ chỉ cấp cho 1 căn. Khi đó các con tôi đã có gia đình riêng hết rồi, tính cả vợ chồng tôi nữa là 5 gia đình, vậy mà ban đầu họ cấp cho có 1 căn mấy chục mét vuông vầy, anh bảo ở làm sao? Có 2 phòng ngủ dành cho 2 cặp, 2 cặp còn lại nằm ngoài này, cặp trên cái phản gỗ anh đang ngồi, cặp trải chiếu nằm dưới sàn nhà. Còn vợ chồng tôi thì nằm ngoài cửa. Sau khi chúng tôi nói quá thì họ cấp thêm cho 1 căn nữa. Bây giờ cả đại gia đình tôi 3 thế hệ, tổng cộng 16 con người. May là một số căn ở khu tạm cư này họ chuyển về chung cư, nên con tôi vào đại 1 căn ở, nên dễ thở hơn chút xíu.

Bây giờ anh chị kiếm sống như thế nào?

Ngày xưa vợ chồng tôi làm ruộng, trồng rau. Rảnh thì ra sông bắt cá, cải thiện bữa ăn. Dư thì bán bớt. Nhưng mấy năm nay tôi bị bệnh tim, huyết áp, sức khoẻ tôi không còn nên chỉ nằm nhà là chính. Giờ chỉ còn chồng tôi đi làm, ổng làm tự do, ai thuê gì làm nấy. May mắn thì ngày kiếm 1-2 trăm ngàn, không thì vài chục. Mấy đứa con dâu, con rể tôi cũng vậy, suốt ngày lăn lóc ngoài đường, ngoài ruộng, ngoài sông… nhưng vẫn không đủ ăn.

Vừa rồi họ đến thuyết phục chúng tôi về chung cư ở nhưng chúng tôi không chịu đi. Ở đây chẳng sung sướng gì đâu. Anh thấy nền nhà tạm này cao hơn bên ngoài cỡ 60 phân chứ không ít nhưng mỗi khi mưa hay triều cường, nước dâng, tràn vào nhà cả hai ba mươi phân. Nghĩa là muốn ra ngoài phải lội nước sâu đến bụng người lớn. Nhưng nếu ở đây, ngày ngày còn ra sông bắt con cá, ra mấy đám ruộng bỏ hoang hái rau về ăn được, chứ về đó ở để, ngày ngày nhìn nhau rồi chết đói à?

Vừa rồi thành phố đã họp thông qua việc sẽ xây một nhà hát lớn trị giá 1.500 tỷ đồng ở gần ngay đây, anh chị có biết không?

Chúng tôi biết, và kịch liệt phản đối việc xây nhà hát lúc này. Vì sao ư? Ngày xưa khi chưa làm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cuộc sống của chúng tôi tuy lam lũ nhưng đó là cái lam lũ chung của người nông dân. Lam lũ nhưng mình làm chủ mảnh vườn của mình, cho dù đó chỉ là mảnh đất trồng rau, là cái chuồng heo, chuồng gà, làm chủ căn nhà của mình, cho dù đó chỉ là căn nhà lá. Và tự do, muốn làm gì trên mảnh vườn, trong ngôi nhà của mình thì làm. Đùng một cái, chúng tôi mất tất cả. Chục năm nay chúng tôi sống trong khổ sở, thiếu ăn thiếu mặc đã đành, tài sản tích cóp cả đời của gia đình gần như mất trắng đã đành, chúng tôi còn phải sống trong nỗi đau khi chứng kiến nơi gắn bó cả đời của gia đình mình bị trả với một cái giá rẻ mạt, để sau đó, họ đầu tư và bán lại với giá cao gấp hàng trăm lần.

14-23-46_nh_9
Đô thị mới Thủ Thiêm và khu đất dự kiến xây Nhà hát giao hưởng hơn 1.500 tỷ

Anh chị có biết và có nghe đến nhạc giao hưởng chưa?

Giao hưởng là nhạc gì? Đây là lần đầu tiên tôi nghe. Chúng tôi là nông dân, xưa giờ chỉ nghe ca sĩ họ hát trên ti vi, hay ngoài đường, chợ, chứ cũng chưa bao giờ bước chân đến cái sân khấu nào bên trung tâm thành phố. Có vài lần tôi đi ngang qua Nhà hát thành phố, thấy có mấy anh, người thì ngồi gõ trống, người thì ngồi thổi kèn, kéo đàn inh ỏi, đó có phải giao hưởng không? Mà tôi thấy có hay gì đâu, nghe như vịt nghe sấm.

Vậy theo anh khi nào xây nhà hát thì được?

Khi nào thì tôi chịu. Nhưng trước khi xây cái nhà hát này, phải giải quyết ổn thoả chuyện khiếu nại cho dân Thủ Thiêm trước đã. Người dân chúng tôi bây giờ cần cái ăn, cái mặc và cả cái hợp lý, công bằng trong việc giải quyết khiếu nại trước. Giải quyết xong, thành phố muốn làm dự án gì, công trình gì chúng tôi cũng ủng hộ. Còn ngay bây giờ mà làm nhà hát thì chưa ổn đâu.

(Kiến thức gia đình số 42)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất