| Hotline: 0983.970.780

Chúng tôi có địa lợi, nhân hòa

Thứ Sáu 14/09/2012 , 08:47 (GMT+7)

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với thời tiết ôn hòa, đất bazan màu mỡ, Lâm Hà còn được xây dựng bởi những người nông dân xa xứ, có truyền thống cần cù, chịu khó từ bao đời nay.

Ông Trần Văn Tự, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng)

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với thời tiết ôn hòa, đất bazan màu mỡ, Lâm Hà còn được xây dựng bởi những người nông dân xa xứ, có truyền thống cần cù, chịu khó từ bao đời nay. PV NNVN đã có cuộc trò chuyện thú vị với ông Trần Văn Tự, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) về những thành tựu kinh tế của huyện đã đạt được và chiến lược phát triển trong tương lai.

>> Cặp vợ chồng ''siêu giỏi''
>> Đưa hoa Đà Lạt nở vùng đất mới
>> Người nông dân số 1 Lâm Hà
>> Đào Nhật Tân trên vùng đất Bazan
>> Tỷ phú Hà Thành trên cao nguyên

Dù là huyện vùng cao, nhưng có vẻ như Lâm Hà không thua kém gì so với những “đàn anh” đi trước. Điều đó có đúng không, thưa ông?

Đúng! Đến tháng 10 này Lâm Hà mới kỷ niệm 25 năm ngày thành lập huyện. Nhưng hiện nay, Lâm Hà đang nằm trong nhóm thứ 2 về phát triển kinh tế khá của tỉnh, chỉ sau TP Đà Lạt, Bảo Lộc và Đức Trọng. So với các huyện khác thì Lâm Hà phát triển tương đối nhanh và có cơ sở để phát triển bền vững.

Tổng diện tích đất toàn huyện là 94.000 ha. Một nửa trong số này là đất nông nghiệp, trong đó có 42.000 ha cây công nghiệp, 1.650 ha lúa nước, 1.300 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, 22.010 ha rừng. Lâm Hà có 3 cây trồng chủ lực là cà phê, chè và dâu tằm. Trong đó có gần 40.000 ha cà phê. Hơn 30% diện tích cà phê đạt năng suất 5 - 6 tấn/ha. Cá biệt có những hộ cho năng suất “khủng”, đến 7 - 8 tấn/ha. Dâu tằm có 1.670 ha, chè 646 ha. Ngành chăn nuôi như heo, bò, thủy sản cũng là nguồn thu nhập đáng kể. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của huyện đã được sử dụng hết công suất, gần như không có mảnh đất nào bị lãng phí. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 trong huyện là 27 triệu đồng/người/năm, năm 2012 này sẽ là 31 triệu đồng/người/năm. Loạt bài viết về những tỷ phú ở Lâm Hà đăng trên báo NNVN chỉ mới phản ánh một góc nhỏ, còn rất nhiều nông dân sản xuất giỏi như thế, hơn thế.

 Thưa ông, những yếu tố nào để Lâm Hà phát triển nhanh như vậy?

 Yếu tố quan trọng nhất góp phần cho Lâm Hà phát triển mạnh là con người. Mặc dù có đến 24 dân tộc sinh sống (21% là dân tộc thiểu số), nhưng dân gốc Bắc vẫn chiếm đa số, trong đó có đến 61% dân số là người Hà Nội. Bên cạnh đó, Lâm Hà được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình trong năm từ 21-22 độ C, đất bazan màu mỡ. Người nông dân vốn đã có sẵn tính cần cù, chịu khó, nay lại được canh tác trên vùng đất như thế, phát triển nhanh là đương nhiên. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn sát cánh, hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn sản xuất…

Ngoài ra, chúng tôi còn có hậu phương lớn, vững chắc là thủ đô Hà Nội. Đây là một yếu tố rất quan trọng để Lâm Hà phát triển nhanh hơn. Mặc dù Lâm Hà đã thuộc tỉnh Lâm Đồng, nhưng vùng kinh tế mới này vẫn được lãnh đạo thành phố Hà Nội coi như “huyện thứ 30 của thủ đô”. Năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thủ đô đã hỗ trợ cho Lâm Hà khoảng 50 tỷ đồng để xây dựng các công trình công cộng như Trung tâm Văn hoá - Thể thao (21 tỷ đồng), 3 trường học và 1 phòng khám đa khoa khu vực (14 tỷ đồng)… Có thể nói, chúng tôi có 2 yếu tố quan trọng nhất để phát triển là “Địa lợi – Nhân hòa”.

 Chiến lược phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới của Lâm Hà là gì, thưa ông?

Ngoài 3 cây trồng chính là cà phê, chè và dâu tằm, thời gian vừa qua, mô hình rau – hoa Đà Lạt được một số hộ làm khá hiệu quả. Điều đó cho thấy, Lâm Hà hội đủ yếu tố thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển loại hình kinh tế này. Từ nay đến 2015, chúng tôi giữ ổn định diện tích cà phê, nhưng sẽ đầu tư cho việc cải tạo khoảng 500 ha (trong đó có 100 ha cải tạo theo hướng công nghệ cao, 200 ha trồng tái canh, 200 ha được thực hiện cải tạo theo phương pháp ghép chồi). Làm sao để cà phê đạt năng suất bình quân 4 tấn/ha; Vận động bà con nông dân trồng mới 300 ha dâu tằm (trong đó huyện và các dự án đầu tư hỗ trợ 150 ha), 30 ha chè chất lượng cao. Từ các nguồn vốn ngân sách địa phương và của bà con, năm 2011 Lâm Hà đã thực hiện chuyển đổi được 300 ha cà phê giống mới, ghép cải tạo 300 ha cà phê robusta đã già cỗi, trồng mới 325 ha dâu tằm, 31 ha chè cao sản, 8 ha chuối Laba và gần 4 ha hoa trong nhà kính…

Thế mạnh của Lâm Đồng nói chung là rau, hoa, nhưng trong tương lai gần, diện tích trồng rau, hoa ở TP Đà Lạt sẽ phải giảm dần để nhường đất cho những công trình khác. Như vậy, diện tích trồng rau, hoa sẽ phát triển ra các vùng lân cận. Nhận định như thế, cho nên sắp tới chúng tôi tập trung vào phát triển mô hình rau – hoa, phải đạt 40 ha rau hoa công nghệ cao. Tuy nhiên, do vốn đầu tư vào mô hình hoa nhà kính khá cao, ngót 100 triệu đồng cho mỗi ha nhà kính, nếu để nông dân tự làm thì rất khó mở rộng, cho nên, chúng tôi sẽ hỗ trợ mỗi ha 50% kinh phí (khoảng hơn 40 triệu đồng). Mục tiêu Lâm Hà đặt ra là đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt khoảng 2.000 USD.

Song song với phát triển kinh tế, chúng tôi đang tiến hành xây dựng NTM. Thuận lợi nhất của chúng tôi là được dân đồng lòng. Kinh tế hộ gia đình phát triển là tiền đề quan trọng để kêu gọi nhân dân cùng tham gia với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Ngoài đường liên thôn, liên xã được nhà nước đầu tư hoặc TP Hà Nội hỗ trợ, các tuyến ngõ xóm cũng đang từng bước hoàn thiện theo hình thức Nhà nước đầu tư 50%, còn lại nhân dân đóng góp. Phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có 6 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, 3 xã đạt 13/19 tiêu chí, 3 xã đạt 10/19 tiêu chí. Hai xã khó khăn nhất trong huyện là Tân Thanh và Phi Tô cũng phải đạt 8 tiêu chí. Đến năm 2020, chương trình xây dựng NTM sẽ hoàn thành.

 Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm