| Hotline: 0983.970.780

Chuỗi sản xuất trứng vịt 12 triệu quả/năm tìm cách vượt khó do Covid

Thứ Ba 29/09/2020 , 07:15 (GMT+7)

Chuỗi này do Hội Chăn nuôi sản xuất tiêu thụ trứng vịt Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội thực hiện nhưng gần đây gặp nhiều khó khăn do dịch Covid

Những hộ sản xuất lớn

Anh Lê Văn Trẻo người có trang trại nuôi 4.000 vịt đẻ, 10 ha ao cá trở thành viên trong Hội Chăn nuôi sản xuất tiêu thụ trứng vịt Liên Châu đã 5 năm nay. Cứ như lời anh kể với tôi rằng, lúc trước còn đạt hiệu quả nhưng năm 2019 và nhất là 2020 giá trứng hạ, thường thấp dưới giá thành sản xuất nên mỗi năm đàn vịt nhà anh ước lỗ 400 triệu.

“Nếu như con gà có sức đề kháng yếu phải dùng nhiều thuốc, kháng sinh trong quá trình chăn nuôi thì con vịt lại rất khỏe, gần như không cần đến kháng sinh. Hơn thế, môi trường nuôi sạch, ăn sạch, ở sạch, uống sạch giúp cho quả trứng vịt ở đây rất chất lượng, tuy nhiên tiêu thụ còn nhiều khó khăn. Dù đã có thương hiệu, nhãn mác nhưng khi đóng gói như thế sẽ đội giá mỗi quả trứng lên 200 đồng. Trong khi đó xuất hàng vào siêu thị họ không chốt giá, không chốt số lượng, không làm hợp đồng mà chỉ là ký gửi, không bán được sẽ trả lại. Người chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi hiện nay như những con kiến còn các tập đoàn, công ty thương mại như những con voi vậy, hợp tác rất khó”, anh Trẻo chia sẻ.

Anh Trẻo kiểm tra mẻ trứng vịt đang ấp. Ảnh: NNVN.

Anh Trẻo kiểm tra mẻ trứng vịt đang ấp. Ảnh: NNVN.

Cũng theo anh Trẻo, những người chăn nuôi rất cần mặt bằng đất đai ổn định, cần cơ chế chính sách hỗ trợ để có thể duy trì và phát triển sản xuất nhưng nhiều khi chưa được đáp ứng. “Như trước đây, đất sản xuất chúng tôi thuê của xã hợp đồng ký 5 năm/lần nhưng hiện nay chỉ được 1 năm/lần, đã thế giá lại cao tới 1 triệu đồng/sào/năm dù nếu chúng tôi bỏ ra không thuê cũng chỉ là ruộng hoang. Quả trứng chúng tôi sản xuất ra có chất lượng trong khi nhiều người tiêu dùng cứ thấy rẻ là mua còn không quan tâm đến bên trong lớp vỏ đó có những chất gì, có được nuôi kiểu sạch không. Bởi thế, điều chúng tôi cần nhất bây giờ là có doanh nghiệp đến ký hợp đồng bao tiêu ổn định theo thời hạn cỡ 6 tháng, 1 năm để có thể yên tâm mà sản xuất”, anh nói.

Ngoài những vấn đề trên, vốn luôn là một yếu tố thiết yếu của sản xuất. Anh Trẻo đã 2 lần được vay vốn từ quỹ khuyến nông thành phố, mỗi lần được 500 triệu với mức lãi suất chỉ bằng ½ của ngân hàng, trong khi lại dễ tiếp cận hơn, thủ tục không quá phức tạp. Tuy nhiên theo anh với quy mô lớn như hiện nay, đã đầu tư vào trang trại cả chục tỉ đồng thì hạn mức vay tối đa 500 triệu từ quỹ khó mà đáp ứng nổi nên đề nghị nâng lên cỡ 1 tỉ, thời gian vay thay vì 2 năm nên kéo dài thành 3 năm.

Trứng vịt-sản phẩm nổi tiếng của Liên Châu nhưng vẫn phải bán với giá hàng chợ. Ảnh: NNVN.

Trứng vịt-sản phẩm nổi tiếng của Liên Châu nhưng vẫn phải bán với giá hàng chợ. Ảnh: NNVN.

Cũng ở quy mô lớn không kém gì anh Trẻo, anh Đào Quang Vĩ đang nuôi 15.000 gà đẻ và gà hậu bị, mỗi ngày xuất ra 6.000 quả trứng. Đây là lần thứ hai anh vay vốn từ quỹ khuyến nông thành phố, mỗi lần được 500 triệu. "Vốn vay lãi suất thấp nhưng giải ngân theo đợt, trả xong là bị hẫng khó vay lại ngay mà phải chờ đợi vài tháng nên để thuận tiện hơn cho người vay thì phải cải thiện điều này cũng như tăng thời gian vay, hạn mức vay tối đa lên”.  

Một cán bộ quỹ khuyến nông thành phố cho biết, trước đây mỗi năm chỉ tiến hành cho vay 2 đợt nhưng để đáp ứng cho nhu cầu của bà con nay nâng lên thành 3-4 đợt.

Mong mỏi của ông Giám đốc HTX

Còn các hộ sản xuất ở quy mô vừa thì sao? Anh Đào Quang Tư vừa rồi đã là lần 3 vay từ quỹ khuyến nông thành phố (số tiền 400 triệu) trong đó đã trả được 2 lần. Hiện thời gian vay được 2 năm, mức vay tối đa được 500 triệu/hộ lãi suất 6%/năm với điều kiện vay lần sau phải tăng quy mô sản xuất hơn so với lần trước là tương đối phù hợp cho anh. Với 2.000 con vịt đẻ, 2 lò ấp trứng để làm trứng vịt lộn, 7,5 mẫu ao thả cá mỗi năm anh lãi trên 300 triệu, tiết kiệm được cỡ 250 triệu.

Với thủy sản, thức ăn công nghiệp chỉ chiếm phần nhỏ còn lại phần chính là ngô hạt ngâm, thóc ngâm nhú mầm, bã bia nên chất lượng sản phẩm rất tốt. Năm nay do tình hình dịch Covid kéo dài, giá các loại nông sản làm ra có rẻ hơn như cá trắm cỏ trước bán 55.000đ/kg giờ 47.000đ/kg, cá chép trước bán 50.000đ/kg giờ 42.000đ/kg, cá trôi trước bán 30.000đ/kg giờ còn 24.000đ, cá mè trước bán 20.000đ/kg giờ còn 16.000đ/kg. Nếu không có quỹ khuyến nông thành phố những hộ như anh Tư chắc sẽ liêu xiêu.

Một góc của trang trại anh Trẻo. Ảnh: NNVN.

Một góc của trang trại anh Trẻo. Ảnh: NNVN.

Ông Hoàng Như Dã-Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Châu Mai của xã Liên Châu cho biết, đơn vị có 78 thành viên nuôi 30 ha cá, 800.000 vịt đẻ, 200.000 gà đẻ thì có trên 40 hộ được tiếp cận với nguồn vốn của quỹ khuyến nông thành phố với hạn mức vay 350-400 triệu đồng.

“Khác với ngân hàng, khi vay vốn hay trả lãi phải đến trụ sở, ở đây các thành viên khi vay vốn quỹ khuyến nông thành phố chỉ việc ra xã để vay và trả lãi cũng chỉ ở xã chứ không cần phải đi đâu.Hơn thế, vay quỹ lãi 6 tháng mới phải trả 1 lần còn ngân hàng phải trả hàng tháng.

Làm xong thủ tục vay ngân hàng là cầm tiền rồi về là không dính dáng gì nữa nhưng quỹ trước khi vay được thẩm định hồ sơ, phương án sản xuất, kiểm tra giấy tờ thuê thầu, chuồng trại một cách kỹ càng. Sau khi vay còn được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai hướng dẫn các kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, hàng tháng, hàng quý xuống kiểm tra, nếu phát sinh dịch bệnh còn hỗ trợ để chữa trị”. ông Dã cho biết.

Vốn, sản xuất của hợp tác xã đều khá thuận lợi nhưng về đầu ra, mỗi năm cả triệu quả trứng các loại, 350-400 tấn cá thì còn khá bí, dù chất lượng cao hơn nhưng giá chỉ ngang với loại hàng chợ. Ông Dã tâm tư: “Chúng tôi chỉ mong muốn được ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho mình. Vừa qua, có doanh nghiệp lớn là Ba Huân đã về tập huấn kỹ thuật ở huyện về cách thức nuôi gà đẻ trứng nhưng chờ mãi không thấy kết nối với bà con để tiêu thụ. Người ta chỉ trông vào giá, rẻ mới mua. Bởi thế, hiện nay sản phẩm trứng của xã Liên Châu hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, bán ngay tại cửa trại, giá cả lên xuống hàng ngày. Có những đợt bà con tồn hàng, thương lái ép xuống giá bao nhiêu cũng phải đành phải chịu”.

6 tháng qua quỹ khuyến nông thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và tổ chức 3 đợt thẩm định được 122 phương án xin vay vốn quỹ khuyến nông của các quận, huyện, thị xã với số tiền xin vay là 42.878.000.000 đồng. Thời gian giải ngân chậm do thời gian hoàn thiện hồ sơ thế chấp tài sản của một số hộ dân còn dài. Diễn biến thời tiết phức tạp, dịch bệnh Covid 19 đã làm ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các hộ vay vốn phát triển sản xuất. Quy chế về quản lý và sử dụng quỹ khuyến nông ban hành kèm theo Quyết định số 142/2007/QĐ-UBND ngày 10/12/2007 của UBND thành phố Hà Nội qua quá trình hoạt động đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động quỹ khuyến nông (hạn chế về quy mô, đối tượng vay vốn quỹ khuyến nông; quy định về tổ chức bộ máy, chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên quản, cán bộ kiêm nhiệm công tác quỹ khuyến nông chưa cụ thể)...

Xem thêm
Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.