| Hotline: 0983.970.780

Chuồng đã nát lợn chẳng thấy đâu

Thứ Năm 10/05/2012 , 10:25 (GMT+7)

Như đã nói ở số báo trước về chuyện hỗ trợ giống cây trồng, đối với giống vật nuôi còn phá kỷ lục chậm trễ hơn nhiều.

Chuồng đã nát mà lợn chưa về
Như đã nói ở số báo trước về chuyện hỗ trợ giống cây trồng, đối với giống vật nuôi còn phá kỷ lục chậm trễ hơn nhiều.

>> Chạy đua ''làm'' giống trợ giá

Năm 2009 theo chương trình 30a xã Tân Lang được hỗ trợ xây 135 chuồng và 135 con lợn. Mỗi cái chuồng nhà nước cho 1 triệu, dân phải bỏ thêm vài triệu nữa mới thành hình, thành dạng cho ra dáng cái chuồng. Đến khi chuẩn bị cung ứng giống, dân mở cờ trong bụng thì đùng cái nghe tin có dịch tai xanh nên trên bảo phải chờ, phải đợi.

Đã qua bao mùa lúa dưới đồng xanh rồi chín vàng, vụ ngô trên đồi non rồi đóng bắp cũng chẳng thấy bóng dáng một con lợn nào về Tân Lang. “Nhiều hộ nằm trong danh sách nghèo giờ đã thoát nghèo. Năm nay trên lại có quyết định mới cho 135 con lợn mà ngặt nỗi chỉ cho hộ nghèo, hộ không nghèo không được cho. Đó là một bất cập bởi đã nghèo thường không có điều kiện chăn nuôi. Có những hộ chỉ có một người, hai người, ốm đau quanh năm thì lấy đâu ra sức để sản xuất, bản thân nó chẳng trông nổi chứ đừng nói trông lợn. Không đảm đương được nên có 3 hộ xin trả lại suất, tuy nhiên hiện giờ vẫn chưa có lợn về”. Chủ tịch xã Sa Đình Khoát ngán ngẩm.

Người Tân Lang gọi chương trình hỗ trợ lợn cho hộ nghèo là chương trình lợn xịt. Các cuộc họp dưới thôn trên xã, cứ xáp mặt cán bộ là họ kêu. Kêu nhiều, kêu lắm đến mức khản giọng, mất niềm tin nên giờ chẳng ai thèm đả động.

Anh Hà Văn Viện - Trưởng bản Vường vừa nhận 75 kg ngô giống hỗ trợ cho cả bản theo chương trình 30a nhưng bị chậm thời vụ, đáng trồng tiết xuân hè giờ vẫn bỏ lăn lóc ở một góc nhà. Bản Vường có 13 hộ được hỗ trợ làm chuồng lợn ba năm về trước để rồi dài cổ chờ lợn mà chỉ thấy tăm cá, bóng chim. Năm nay 13 hộ được hỗ trợ làm chuồng hầu hết đã không còn nằm trong danh sách nghèo nữa. Chúng tôi đến nơi trước đây là chiếc chuồng lợn được hỗ trợ của nhà chị Hà Thị Lưa. Giờ nó chỉ còn trơ mỗi cái nền xi măng cùng vài thanh gỗ mục nát, tơ hơ thi gan cùng năm tháng.

Chị Lưa tay lếch thếch đứa cháu nhỏ đứng cạnh chiếc chuồng chỉ trỏ ra điều dỗi vì cán bộ thất hứa. Ông Thào A Lù - Chủ tịch xã Suối Bau - địa phương chủ yếu là dân tộc H’Mông bảo với tôi rằng giai đoạn 2001-2005 dự án giảm nghèo mua trâu bò địa phương hỗ trợ cho dân sở tại rất phù hợp, phát triển tốt. Nay mua bò lai Sind nơi khác về hỗ trợ cho dân là không hợp vì không biết đi gặm cỏ, không biết leo trèo. Những con bò này từ bé đã quen với chế độ ăn cỏ băm nhỏ trộn cùng cám, nay về đây dân không có cám cho ăn, thả rông nên 25 con bò trong dự án 30a đã chết mấy con vì ngã xuống núi, vì ốm. Cầm Long - Cán bộ khuyến nông của xã khẳng định thêm: “Đầu tư hỗ trợ giống phải theo nguyện vọng của dân chứ không thể ở trên rót xuống”.

Chương trình 30a, 102, 135, chống hạn…, hàng loạt những chương trình hỗ trợ sản xuất về chậm, nông dân Phù Yên phải tự mua những giống ngô khác về trồng. Một người trong ngành phân tích, giống phải bảo quản trong kho lạnh đúng quy trình, nhiệt độ khắt khe mới đảm bảo độ nảy mầm, phẩm cấp, còn quăng quật ở ngoài trời nóng ròng rã mấy tháng, suy giảm chất lượng là điều hiển nhiên: “102 chậm, ít nữa 135 lại cấp. Mấy chương trình đều dồn vào hộ nghèo gây ra hiện tượng no dồn, đói góp. Tất cả giống đều xử lý, bảo quản bằng hóa chất độc. Người ăn không được, gia súc, gia cầm ăn không xong nếu mà dân không dùng đó là một sự lãng phí lớn. Số tiền hỗ trợ mua giống và phân bón ngô, lúa riêng chương trình 30a đến nay của huyện là 13,29 tỉ đồng. Huyện cấp giống cho xã, dân không ưng bán đổi cho đại lý với giá rẻ mạt, đại lý bán hoặc trả công ty, công ty lại xuất bán cho đồng bào theo một chương trình trợ giá khác. Vòng tròn luẩn quẩn đó cứ lặp đi lặp lại hệt như cái đói, cái nghèo của bà con vùng cao”.

Với mong muốn tìm gặp lãnh đạo huyện để trao đổi về những bức xúc của dân trong các chương trình hỗ trợ nhưng liên hệ mãi ai cũng bảo bận họp. Cuối cùng chị cán bộ văn phòng UBND sắp xếp cho tôi gặp anh Nguyễn Văn Quỳnh - Phó phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện - đơn vị nắm tổng quát các chương trình hỗ trợ huyện nghèo. Anh Quỳnh phân tích cho tôi những đường đi của 30a mảng hỗ trợ cây con qua Phòng Nông nghiệp, 102 qua Phòng Dân tộc, mảng xây dựng cơ bản qua Phòng Kinh tế hạ tầng và Phòng Tài chính. Tổng cộng chương trình 30a rót về cho huyện cỡ 44 tỉ/năm, trong đó nặng về xây dựng cơ bản.

Năm nay có tình trạng khó khăn trong việc cấp vốn nên tiền rót về chỉ để trả nợ cho năm 2011 còn làm mới các công trình thì chưa có (gồm các công trình nước sinh hoạt, đường giao thông, thủy lợi, đường điện…). “Nguyên tắc của chương trình 30a khi hỗ trợ giống gì là phải tổng hợp từ nguyện vọng của người dân, Phòng Nông nghiệp căn cứ địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ thâm canh của dân để duyệt rồi trình đưa hội đồng nhân dân. Các chương trình “đá nhau”, 102 hỗ trợ sản xuất, 30a cũng hỗ trợ sản xuất, có thể trùng nhau đối tượng hưởng lợi nên thống nhất lại các văn bản, chính sách chung cho huyện nghèo”.

Hàng loạt những chính sách khác cũng chưa thực sự phù hợp như thu hút tri thức trẻ về địa phương dù họ được đào tạo khá bài bản nhưng kinh nghiệm thực tiễn non nớt, kỹ năng quản lý nhà nước yếu kém. Chính sách thu hút thì đang bị cào bằng, xã vùng ba cũng hưởng như xã vùng một gây cảnh cán bộ ai cũng chạy vào vùng một dễ tạo lỗ hổng để quan chức trục lợi. Chính sách xuất khẩu lao động, hỗ trợ trọn gói ăn, nghỉ, đi lại, đào tạo trung bình cho một người hết 4-6 triệu đồng nhưng chưa có cơ chế ràng buộc nên họ rủ nhau đi học như… đi du lịch. Cứ đi 2 tháng về ai cũng béo tốt, trắng nõn ra rồi không đi xuất khẩu nữa. Trung bình có 30-40% số người như vậy. Tiền hỗ trợ đó cấu từ 30a ra để trả nên cũng là một dạng thất thoát kinh phí mà điển hình như năm 2010, đăng ký 150 người đi đào tạo chỉ đi được 30 người.

Phải đầu tư một cục cho lãnh đạo hoặc chia cho lãnh đạo, các phòng ban từ huyện xuống xã nên một cân giống “bò” được vào chính sách trợ giá, hỗ trợ có khi mất đến 20.000đ.
Anh Quỳnh kết luận về những tồn tại của 30a: “Công tác lập đề án hỗ trợ sản xuất của cấp xã, bản còn hạn chế, chưa kịp thời, nguyên nhân do trình độ cán bộ cơ sở còn hạn chế, công tác chỉ đạo điều hành còn lúng túng từ khâu khảo sát, lập dự toán đến tổ chức thực hiện. Khối lượng công việc nhiều nhưng cán bộ chủ yếu làm kiêm nhiệm do đó mức độ hoàn thành chưa cao. Người dân vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào nhà nước, việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành của các hộ vừa chậm, vừa thiếu chính xác. Thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến thời vụ sản xuất và khả năng cung ứng giống của các đơn vị chưa được kịp thời dẫn đến chậm tiến độ của một số hợp phần”. Một dạng tồn tại ai cũng biết nhưng không phải ai cũng muốn làm, phần vì khó, phần vì có tồn tại đó mới có cơ hội “đục nước, béo cò”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.