Việc Bộ GD- ĐT vừa thông qua chương trình môn học và được thầy Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới lý giải là sẽ “giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành”… Tuy nhiên, khi xem tất cả chương trình môn học, số tiết học chúng tôi thấy không giảm.
Chương trình giáo dục phổ thông mới còn khá nặng nề |
Ai cũng biết chương trình, sách giáo khoa hiện hành (năm 2000) đã bộc lộ nhiều hạn chế là có nhiều kiến thức hàn lâm, nhiều đơn vị kiến thức chồng chéo lên nhau giữa các môn học, nội dung còn nặng về lý thuyết, ít có cơ hội thực hành cho học sinh. Vì thế, việc ra đời chương trình, sách giáo khoa mới nhằm khắc phục những hạn chế là cần thiết trong bối cảnh giáo dục hiện nay, đây cũng là điều giáo viên và phụ huynh mong muốn.
Tuy nhiên, theo thông tin trong buổi công bố chương trình môn học ngày 27/12/2018 thì chương trình giáo dục phổ thông mới, bậc tiểu học có 7 môn học ở lớp 1 và lớp 2; 9 môn học ở lớp 3; 10 môn học ở lớp 4 và lớp 5. Trong khi đó, chương trình hiện hành có 10 môn học lớp 1, lớp 2 và lớp 3; 11 môn học ở lớp 4 và lớp 5. Còn ở bậc trung học cơ sở, các lớp đều có 12 môn học.
Chương trình hiện hành ở cấp trung học cơ, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học. Đến cấp trung học phổ thông, theo chương trình mới, các lớp đều có 13 môn học. Trong khi chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.
Đọc những thông tin so sánh này, chúng tôi thấy băn khoăn, là có thực sự là chương trình mới đã giảm được số môn học hay không. Đầu tiên, tất cả các môn học hiện hành không có môn học nào bị bỏ đi trong chương trình giáo dục phổ thông mới đối với tất cả các cấp học phổ thông. Vì thế, nói giảm môn học là không đúng.
Thứ nữa, các môn học cấp tiểu học hiện hành được giữ nguyên và chương trình mới tăng thêm môn Tin học và Công nghệ; hoạt động trải nghiệm. Đó là chưa nói đến một số môn học tự chọn như Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (lớp 1-2) cũng có một số lượng tiết học tương đối lớn.
Cuối cùng, ở cấp trung học cơ sở các môn học hiện hành vẫn được giữ nguyên trong chương trình mới. Chương trình mới thêm môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp từ lớp 6 (105 tiết/năm) và phần môn tự chọn có môn Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2 (mỗi môn có 105 tiết/năm).
Điều chúng tôi băn khoăn là lãnh đạo Bộ nói chương trình cấp trung học cơ sở hiện hành ở lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học. Chúng tôi đã đếm đi, đếm lại nhưng không hề thấy số liệu này.
Hiện lớp 6, lớp 7 có các môn học sau: Toán, Lý, Sinh, Tin học, Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Tiếng Anh, Thể dục, Nhạc, Họa; Công nghệ. Như vậy, 2 khối lớp này có 13 môn học. Lên lớp 8, 9 thì có thêm môn Hóa học nữa là 14 môn. Ở lớp 9 có thêm hoạt động hướng nghiệp một số tiết nhưng học kì II của lớp 9 thì 2 môn học Nhạc và Họa đã không còn nữa được giảng dạy nữa.
Việc chương trình mới của cấp trung học cơ sở có 12 môn là do gộp 5 môn học hiện hành Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh thành 2 môn tích hợp là môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học tự nhiên. Việc gộp môn này không được gọi là giảm vì số tiết vẫn gần như 5 môn học hiện hành (chỉ giảm 35 tiết cho cả 4 năm THCS).
Chưa nói, cấp trung học phổ thông thì các môn học hiện hành cũng được giữ nguyên trong chương trình mới và có thêm môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Các môn học đi vào chuyên sâu và tăng khả năng tự học của học sinh khá cao. Như vậy, chương trình mới không hề giảm môn như Bộ và các thầy xây dựng chương trình mới nói lâu nay. Thực tế, các môn học ở cả 3 cấp đều được tăng lên.
Việc giảm tiết học cũng chưa hẳn đã đúng với phát biểu của Bộ bởi cấp tiểu học sắp tới học sinh sẽ học chương trình với 2.838 giờ (còn chương trình hiện hành là 2.353 giờ. Rõ ràng đây là “tăng” số tiết so với hiện hành nhưng được Bộ giải thích là “giảm” bởi là chương trình học hiện hành học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.
Chương trình mới là chương trình mà cấp tiểu học phải học 2 buổi/ ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học. Như thế, học sinh tiểu học sẽ học tăng thêm 4 buổi/ tuần trong chương trình mới thì việc lãnh đạo ngành nói là “giảm” nhưng thực tế lại tăng thêm buổi học?
Theo Bộ GD- ĐT thì đối với cấp Trung học cơ sở trong chương trình mới sẽ giảm 54 giờ học và trung học phổ thông có giảm 262 giờ. Nhưng, để học được những tiết học trong chương trình mới thì học sinh phải chuẩn bị ở nhà mất rất nhiều thời gian bởi chúng tôi đã đọc tất cả dự thảo chương trình môn học thấy môn học nào cũng đều rất nặng về kiến thức. Nếu học sinh không chuẩn bị ở nhà thì rất khó thực hiện các công việc trên lớp.
Là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở phổ thông, bản thân chúng tôi cũng như rất nhiều giáo viên khác đều mong chương trình giáo dục phổ thông mới nhẹ nhàng, tăng tính thực tiễn hơn. Và, chúng tôi cũng là phụ huynh, chúng tôi cũng mong muốn con em mình đỡ vất vả hơn trong chương trình mới. Tuy nhiên, khi tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới , cũng như tham khảo một số ý kiến của lãnh đạo ngành, các thầy cô trong ban biên soạn chương trình môn học trong thời gian qua thì thực tế, chương trình mới vẫn không hề giảm tải khi các môn học cũ vẫn giữ nguyên mà lại có thêm nhiều môn học mới cho mỗi cấp học. |