| Hotline: 0983.970.780

Chương trình lúa giống 02-01 và ký ức về Đại tướng

Thứ Năm 21/11/2013 , 08:57 (GMT+7)

Chương trình lúa cấp nhà nước mang tên 02-01 ra đời với mục đích tạo ra những giống lúa năng suất cao, đẩy lùi nạn đói.

Người đàn ông luống tuổi tay run run đơm một bát cơm gạo mới đặt bên cạnh di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong hương khói trầm mặc của Lễ 49 ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những dòng ký ức ngày nào chợt ùa về…

Ông là Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên quyền Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Bộ NN-PTNT), một trong những người kéo dây đo đạc, đặt nền móng cho Viện thành lập năm 1968. Chiến tranh rồi thời bao cấp đã khiến cho thiếu lương thực trở thành một quốc nạn.

Những kỹ sư nông nghiệp của Viện hồi ấy tiêu chuẩn hàng tháng chỉ có 13 kg lương thực trong khi anh công nhân đóng cầu dao máy bơm hay vận hành kho lạnh được những 22 kg. Mỗi bữa có trên hai lạng cả gạo lẫn bo bo nên đang tuổi thanh niên bụng anh nào cũng đói.

Sáng, chiều, quần xắn lên tận bẹn lội bùn để chọn giống, nắng phực lên hoa hết cả mắt muốn lả. Lãnh đạo Viện thấy cảnh đó linh động thêm cho mỗi người mỗi sáng một lạng gạo để ăn. Mấy ông ở Phòng lương thực huyện Gia Lộc, Hải Dương (địa bàn đơn vị đóng - PV) biết chuyện cứ vào hoạnh họe, xét nét một lạng gạo sai chính sách kia.

Ông Lương Định Của, Viện trưởng khi ấy đã bực mình mà gắt lên rằng: “Người ta làm ra lương thực mà không cho ăn no làm sao mà có thể lội ruộng chọn giống?”. Thấy không đấu lý được với ông Của, nhóm cán bộ lủi thủi ra về. Ngay chính con trai ông Của là anh Lương Hồng Việt khi ấy cũng chỉ được tiêu chuẩn 13 kg gạo như mọi người, đến bữa cũng toàn phải ăn rau khoai lang, rau muống độn đến xanh cả bát.

Cái đói về lượng cộng cái đói về chất thành ra đói triền miên, thèm từ miếng thịt mỡ thèm đi. Hồi ấy, ông Của nghĩ ra được cách làm giò từ… bột mì. Cách chế biến như sau bột mì đổ vào rá, cái rá lại để trên một cái thúng có đặt một miếng vải.

Cứ dội nước vào thì bao nhiêu tinh bột ngấm xuống bên dưới, cuối cùng ở trên nan rá còn sót lại một cục dai như cao su, kéo ra lại co lại, đó chính là đạm của bột mì. Đem đạm đó ngào với một ít mỡ lợn rồi bó lấy lá chuối bó thành một khúc giò luộc lên khi ăn thơm ngon chẳng kém gì giò lụa chính hiệu.

Thập niên 80 của thế kỷ trước nạn đói ngày càng thêm trầm trọng. Một buổi, ở sân của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm người ta thấy có mấy chiếc ô tô đỗ, cửa xe bật mở, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước ra niềm nở bắt tay tất thảy mọi người.


Đại tướng đang xem một mẫu gạo mới

Đại tướng khi ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đang là tổng tư lệnh mảng khoa học kỹ thuật. Tướng Giáp ở trong phòng khách của Viện có một cái “giường cánh quạt” (giường có hồi bằng gỗ, ghép lại với nhau như hình cánh quạt), có cái quạt điện cũ ngoài ra không thêm bất cứ vật dụng gì khác.

Đại tướng mặc quần áo bộ đội, ăn cơm tập thể nấu và chỉ sử dụng có một bảo vệ tiếp cận. 15 người thư ký, phụ tá của ông gồm những chuyên gia nổi tiếng cũng ăn ngủ như vậy. Hết ra đồng lúa, đồng màu lại vào phòng thí nghiệm, gần hai mươi ngày đêm tướng Giáp cùng các cộng sự chụp họp với cán bộ của Viện để hoài thai ra Chương trình lúa cấp nhà nước mang tên 02-01 với mục đích tạo ra những giống lúa năng suất cao, đẩy lùi nạn đói.

Hồi ấy phổ biến trong dân là những giống lúa có thời gian sinh trưởng dài 6 tháng mà năng suất chỉ 70 - 80 kg. Viết xong chiến lược cho cây lương thực, Đại tướng hoan hỉ tặng một hộp kẹo nặng đến cả chục cân cho toàn thể cán bộ, công nhân trong Viện.

UBND Gia Lộc mời ông ra nói chuyện về khoa học kỹ thuật. Tất cả cử tọa khi phát biểu đều kính thưa, kính gửi đầy đủ các chức danh dài dằng dặc của Đại tướng khiến ông xua xua tay mà rằng: “Các đồng chí đừng kính thưa như thế, cứ cho mình ít tiền thì tốt hơn”. Tiếng vỗ tay rào rào nổi lên vì câu nói vô cùng hóm hỉnh của Đại tướng.

Chương trình 02-01 thành công, khi cái bụng không còn ùng ục réo suốt ngày vì đói nữa người ta mới đặt ra vấn đề phải ăn ngon. Trong thập kỷ 90, sau gần 20 năm nghiên cứu, chọn tạo, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã đưa ra sản xuất dòng lúa P mà khởi đầu là P4. P ở đây chính là viết tắt của chữ Protein.

Hồi đó, Viện trưởng Vũ Tuyên Hoàng lý luận thế này: Dân Việt Nam ăn cơm là chủ yếu, thức ăn ít thì làm sao để đủ dinh dưỡng? Cách tốt nhất là phải tăng hàm lượng protein trong gạo lên. Dòng gạo P có ưu thế vượt trội về protein với hàm lượng 11% so với gạo thường 7 - 8%.

Buổi tổng kết giải thưởng Vifotec, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đến dự. Tác giả của giống P4 có biếu ông một ít gạo để ăn kiểm chứng. Sau này Đại tướng bảo: “Ngon quá! Tốt quá! Sao các anh không nhân rộng giống này ra cho đồng bào nhất là người già, trẻ em ăn?”.

Lời khen của Đại tướng hơn mọi phần thưởng khích lệ sáng tạo. Giống P4 tuy giàu đạm nhưng có nhược điểm khi nấu dẻo quá không hợp thị hiếu canh cua, cà pháo của nông dân nên được cải tiến thành P6 sau này với hàng vạn ha canh tác đến tận bây giờ. Dòng P nổi tiếng đến mức chính ông Nguyễn Quốc Tuấn đã từng nhận sự ủy quyền của Viện trưởng vào tận nhà máy Vinamilk gặp Tổng giám đốc bàn chuyện dùng nó để chế bột dinh dưỡng.

Cảm tấm lòng của Đại tướng với hạt gạo, kể từ đó mỗi tháng một lần, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lại cử người mang đến cho ông 12 kg. Gạo biếu Đại tướng được xát trước một hôm để giữ mùi vị ngon nhất. Trông thấy từ xa chiếc xe u oát của Viện là mấy anh cảnh vệ ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội (địa chỉ nhà Đại tướng) đã ra mở cổng.

Trưa ấy, anh Nguyễn Văn Tăng, cán bộ Phòng Tổ chức Hành chính của Viện, được phân công đem gạo đến. Từ trong nhà, vị Đại tướng chậm rãi bước ra, niềm nở: “Vào ăn cơm với bác”. Anh Tăng mau mắn: “Thưa bác, chúng cháu vừa ăn cơm xong rồi ạ”. Đại tướng bảo: “Vậy đợi bác một chút nhé”.


Cán bộ Viện đang nói chuyện với Đại tướng ở nhà riêng

Phòng khách của người chỉ huy những chiến thắng chấn động địa cầu đơn sơ một bộ bàn ghế mây và cái giá sách. Chén trà trên tay anh Tăng chưa kịp nguội đã thấy Đại tướng bước ra. Ông đã ăn rất nhanh vì muốn trò chuyện cùng mọi người. Hỏi về đời sống cán bộ ngành nông nghiệp rồi ông ôn tồn: “Cán bộ nông nghiệp vất vả nhưng nông dân còn khổ hơn. Làm sao cho người nông dân đỡ vất vả, làm sao cho ngày công của họ được cao lên…”.

Khi sức khỏe yếu dần, Đại tướng có bảo: “Bác giờ ăn kém, các cháu mang ít gạo thôi”. Mười mấy năm liên tiếp biếu gạo cho Đại tướng, khoảng vào giữa năm 2008, một buổi anh Tăng đến 30 Hoàng Diệu thấy nhà vắng vẻ, chỉ có anh cận vệ ra nhận gạo. Băn khoăn nhưng không tiện hỏi, về sau qua đài báo anh mới hay Đại tướng phải nằm viện.

Đó chính là đợt tặng gạo cuối cùng của anh Tăng cho một vị tướng không chỉ quý từng giọt máu của bộ đội ngoài chiến trường mà còn thắt ruột lo đến từng bát cơm vơi đầy của người nông dân.

Mấy năm sau buổi gặp mặt Đại tướng, ông Phạm Văn Ro, cán bộ của Viện, được cử đi Ấn Độ học. Một buổi Đại sứ quán VN có triệu tập lưu học sinh về để gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vừa gặp mặt, Đại tướng đã hỏi trước: “Ồ, thế cậu sang đây học à? Học được cái gì? Làm được cái gì?”. Trò chuyện đến trưa, Đại sứ quán mời Đại tướng vào phòng nghỉ, ông chỉ xuề xòa: “Thôi, cho tớ cái gối, tớ nằm trên ghế sôpha này được rồi”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm