| Hotline: 0983.970.780

Chương trình OCOP tại Nghệ An: Nỗ lực vun trồng, quả ngọt xứng đáng

Thứ Tư 16/12/2020 , 08:19 (GMT+7)

Một chương trình lớn, dài hơi chẳng thể nào nóng vội, bằng không dễ dẫn đến tình trạng xôi hỏng bỏng không. Để phát triển theo hướng bền vững, nhất thiết cần sự kiên trì.

Nghệ An lắm lợi thế, nhiều tiềm năng. Ảnh: VK.

Nghệ An lắm lợi thế, nhiều tiềm năng. Ảnh: VK.

Đánh thức tiềm năng

Đất rộng người đông, địa hình đa dạng, hiển nhiên Nghệ An sở hữu lắm tiềm năng, nhiều ưu thế trong lĩnh vực tam nông. Tuy nhiên xuất phát từ nhiều nguyên do, quá trình phát triển nông nghiệp, trọng tâm là tái cơ cấu ngành chưa đạt được kết quả như ý.

Trước thách thức của thời cuộc, việc Đảng và Nhà nước triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” thực sự là lời giải cho mọi nút thắt. Chưa đầy 2 năm, bộ mặt “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” Nghệ An đang biến chuyển toàn diện, tất thảy đổi thay đến ngỡ ngàng, điều này góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Đánh giá tổng thể, ông Lê Văn Lương, Chi Cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Nghệ An khẳng định: Chương trình OCOP từng bước lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội. Thành quả hình thành nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ trên xuống dưới cùng đồng lòng chung sức vì mục tiêu chung.

Rượu men lá Con Cuông là sản phẩm được lựa chọn tham gia, phân hạng OCOP năm 2020 tại Nghệ An. Ảnh: VK.

Rượu men lá Con Cuông là sản phẩm được lựa chọn tham gia, phân hạng OCOP năm 2020 tại Nghệ An. Ảnh: VK.

Những con số thống kê đã nói thay tất cả, năm 2019 toàn tỉnh có 48 sản phẩm chính thức được gắn sao OCOP (15 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao). Từ nền móng ban đầu, năm nay Nghệ An tiếp tục “trình làng”, đưa hơn 100 mặt hàng tiêu biểu, đặc trưng của 16 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh “lên sàn” tham gia hội thi đánh giá, phân hạng.

Hội thi tạo động lực khuyến khích các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh) tham gia đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm đảm bảo các quy định theo Bộ tiêu chí về đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP được quy định tại Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đây từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Các sản phẩm lần này cho thấy tính “đa mục tiêu”, vừa  phong phú, đa dạng về chủng loại lại cải thiện rõ rệt về chất lượng, nổi bật có thể kể đến các làng du lịch cộng đồng (Homestay), hay như các sản vật đặc trưng gắn với bảo tồn sản phẩm truyền thống (gừng, chè Tuyết Shan; thịt bò giàng; nhút, bưởi; rượu men lá…)

Xét tổng thể, tín hiệu nhìn chung rất khả quan, nhiều sản phẩm cơ bản hội tụ các yếu tố cần thiết, xứng đáng khoác lên mình tấm áo OCOP.

Kiên trì gỡ khó

Tiềm năng lợi thế là điều dễ nhận thấy, nhưng chừng đó là chưa đủ để bảo chứng cho thành công. Trên thực tế khi bắt tay vào thực hiện Nghệ An đối diện với muôn vàn thách thức: ít sản phẩm xây dựng được thương hiệu; sức cạnh tranh thấp; mẫu mã sơ sài, không bắt mắt; chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa của địa phương; thất thế trong quá trình cạnh tranh với hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Dù vậy với quan điểm “OCOP là đòn bẩy quan trọng”, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển chung, Nghệ An đã lĩnh hội đúng chủ trủ trương, kịp thời xây dựng kế hoạch, triển khai bài bản để từng bước đẩy lùi khó khăn, xóa nhòa những mặt hạn chế.

Trong động thái mới nhất, tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã thông qua chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Đối tượng được thụ hưởng là các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.

Tỉnh sẽ tiến hành hỗ trợ sau đầu tư kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị công nghệ; trang thiết bị bảo quản, trang trí điểm giới thiệu sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên… riêng nội dung hỗ trợ bao bì, nhãn mác và tiền thưởng (được hỗ trợ thêm) áp dụng đối với mỗi lần nâng hạng.

Những người như ông Lê Văn Đông đã góp phần đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu. Ảnh: VK.

Những người như ông Lê Văn Đông đã góp phần đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu. Ảnh: VK.

“Lý thuyết song hành với thực tế”, chính sách thiết thực là động lực, đòn bẩy hữu hiệu để nâng tầm nông thôn tỉnh nhà, trực tiếp giúp các chủ thể có điều kiện mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng được nhu cầu trong xu thế hội nhập.

Chương trình trọng điểm, có sức lan tỏa sâu rộng đến đời sống xã hội, muốn đi vào thực chất cần sự nỗ lực của từng cá thể, trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nói thế để đấy, thành quả OCOP ngày hôm nay của Nghệ An không ngẫu nhiên mà có.

OCOP tạo đà liên kết, tạo sự thúc đẩy cần thiết để tất cả cùng nỗ lực, gắng sức. Lấy trường hợp của ông Lê Văn Đông (xã Bồng Khê, huyện Con Cuông), chủ nhân của sản phẩm rượu men lá trứ danh làm ví dụ.

Để khôi phục vốn quý, ông Đông phải đấu tranh tư tưởng không biết bao nhiêu bận, để rồi chấp nhận buông bỏ những gì đã có để đương đầu thử thách, chông gai. Cất công lần mò, rong ruổi khắp chốn, tiêu tốn nhiều thời gian, tiền của, trên hết là niềm tin mãnh liệt rốt cuộc cũng được tưởng thưởng xứng đáng. 

Bằng bàn tay và khối óc của bậc nghệ nhân, thương hiệu rượu men lá Con Cuông chính thức được phục hồi sau khoảng thời gian dài tưởng chừng thất truyền. Với việc đủ điều kiện gắn sao OCOP năm 2020, tin tưởng mặt hàng này sẽ tiếp đà bay cao.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.