| Hotline: 0983.970.780

Chuột hại gia tăng

Thứ Ba 30/07/2013 , 10:34 (GMT+7)

Dù mới trong giai đoạn cây lúa đẻ nhánh, thế nhưng theo thống kê của Chi cục BVTV tỉnh Hải Dương, đến ngày 23/7 diện tích lúa bị chuột hại đã lên tới 86,7 ha.

Dù mới trong giai đoạn cây lúa đẻ nhánh, thế nhưng theo thống kê của Chi cục BVTV tỉnh Hải Dương, đến ngày 23/7 diện tích lúa bị chuột hại đã lên tới 86,7 ha (cao hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm). Tỷ lệ hại trung bình 3 - 5% số dảnh; trong đó có 2 ha tỷ lệ hại 10 - 15% số dảnh.

Diện tích bị hại còn tăng

Ông Vũ Đình Phiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hải Dương cho biết: Mấy năm gần đây thời tiết ấm hơn những năm trước, vì thế số lượng cá thể chuột gia tăng rất nhanh. Điểm đáng chú ý là thời điểm này cây lúa mới đang trong giai đoạn đẻ nhánh, chưa phải thời kỳ phân hoá đòng (chuột phá hoại dữ dội nhất).

So với cùng kỳ nhiều năm thì diện tích bị chuột hại là rất nhỏ, không đáng kể, nhưng năm nay có sự gia tăng đột biến. Nguyên nhân khiến tình trạng chuột hại bùng phát sớm hơn mọi năm được ông Phiên nhận định là do địa hình đồng đất không bằng phẳng, những ruộng cao bà con thường cấy sớm hơn lịch thời vụ. Mặt khác, việc mở rộng diện tích gieo vãi, sạ hàng cũng cơ hội tốt để chuột tấn công lúa.

Theo chân chị Vũ Thị Chanh, chuyên viên Trạm BVTV huyện Nam Sách (Hải Dương) thăm đồng, chúng tôi không còn thấy khung cảnh đồng lúa xanh bao la nữa, mà điểm vào đó là nhằng nhịt những tấm ni lông quây thành ô trắng xóa sát bờ thửa để ngăn chuột xâm hại. Có những ruộng bị chuột cắn gốc nham nhở, nhánh lúa gãy gục, nằm rạp xuống nền đất, chỗ dày chỗ mỏng.


Để ngăn chuột hại lúa, rất nhiều nông dân đã phải bỏ ra số tiền lớn mua nilong về căng quanh ruộng

Ông Vũ Đình Tuyến, 59 tuổi, một nông dân ở thôn An Xá, xã Quốc Tuấn, than thở: “Chuột càng ngày càng hoành hành dữ dội. Những năm trước, chỉ cần sau 2 - 3 lần diệt chuột đồng loạt bằng thuốc là vãn hẳn. Nhưng năm nay không hiểu sao lại nhiều như thế. Nhà tôi có 40 cái bẫy hình bán nguyệt. Suốt 3 tháng nay ngày nào ông cháu tôi cũng đạt bẫy quanh khu ruộng rộng 3 ha nhà mình. Hôm ít nhất được 15 - 20 con, còn ngày nhiều 30 - 35 con”.

Bà Phạm Thị Hậu, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Nam Sách cho biết: “Năm nay, số lượng chuột dự kiến tăng gấp 2 lần năm ngoái. Tổng diện tích thiệt hại của huyện cho đến thời điểm này khoảng 28 ha. Tuy nhiên, ở giai đoạn này cây lúa vẫn có khả năng đền bù lớn nên thiệt hại về bông không đáng kể. Nếu không quyết liệt diệt chuột ngay bây giờ, thì khi lúa chuyển sang giai đoạn phân hoá đòng là rất nguy hiểm”.

Diệt không tập trung, thiếu kinh phí

Theo bà Hậu, công tác diệt chuột ở địa phương đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, trước đây xã nào cũng có các tổ đội diệt chuột, nhưng bây giờ rất ít. Ngọn nguồn xuất phát từ tâm lý “ăn xổi” của người nông dân.

“Nếu tổ đội diệt chuột làm tốt quá, 1 - 2 vụ lúa không bị phá hoại thì người ta thấy nạn chuột không nguy hại gì lắm, phải bỏ tiền thuê như thế là phí, không thuê nữa. Còn nếu diệt chuột kém quá thì càng chết vì mỗi hợp đồng luôn phải kèm theo các điều khoản quy định: Nếu để xảy ra thiệt hại thì tổ đội phải đền bù.

Như đợt vừa rồi UBND xã Nam Hồng ký hợp đồng với 1 tổ đội diệt chuột, số tiền khoảng 100 triệu đồng. Nhưng, vì chuột nhiều quá, không thể đánh hết nên phải đền bù 600 triệu. Người ta xin phá hợp đồng”, vẫn theo bà Hậu.

Vì không thể duy trì tổ đội diệt chuột nên hoạt động diệt chuột diễn ra không thường xuyên, liên tục. Chỉ có một số xã tổ chức cho nhân dân đánh bả chuột sinh học tập trung như: Nam Trung, Hợp Tiến, Nam Hưng, Nam Hồng… còn lại là đánh nhỏ lẻ theo từng thôn kiểu “mệnh ai nấy lo”. Hệ quả là cánh đồng này vừa tiêu diệt sạch chuột, nhưng chỉ một tuần sau là chuột ở những cánh đồng lân cận lại kéo đến phá hoại.


Phần lúa sát bờ không được che chắn ni lông bị chuột cắn tả tơi

Cũng theo bà Hậu, hiện tại Nhà nước không hỗ trợ kinh phí diệt chuột mà người dân phải tự chi trả. Vì thế, UBND xã và các tổ đội diệt chuột gặp rất nhiều trở ngại khi thoả thuận với nông dân. Có xã hợp đồng với người dân 1,5 kg thóc/sào/vụ (như Hợp Tiến, Nam Trung...).

Nhưng cũng có xã, người dân chỉ chấp nhận mức phí 3 lạng thóc/sào/vụ (như xã Quốc Tuấn). Đó là mức cực thấp, không thể đảm bảo hiệu quả công tác diệt chuột với số lượng như hiện nay, nhưng để tăng lên thì người dân lại không nghe.

“Giả sử những năm trước có 10 con chuột mà mình bỏ 10 mồi thuốc thì đảm bảo. Nhưng giờ 20 con chuột mà vẫn sử dụng ngần ấy mồi thì không thể tiêu diệt hết được. Chỉ cần 3 con còn sống là rất nguy hại. Bởi khả năng sinh sản của chúng là cấp số nhân”, bà Hậu nói.

Là người trực tiếp tư vấn sử dụng thuốc diệt chuột cho bà con, chị Chanh chia sẻ: “Nhiều khi người dân nghĩ chỉ cần đánh bả một lần là sạch chuột. Trong khi đó, yêu cầu của công tác diệt chuột là phải tiến hành thường xuyên liên tục mới hiệu quả. Mặt khác, khi chuột ăn phải bả sinh học, phải đợi một thời gian thì thuốc mới phát huy tác dụng.

Có khi chúng chui vào trong hang hoặc di chuyển sang khu vực khác mới chết. Nhưng có người vẫn hoài nghi về chất lượng thuốc, và chấp nhận chi 50.000 - 60.000 đồng để căng ni lông quanh ruộng rất tốn kém”.

Chủ yếu dựa vào thuốc hoá học

Để diệt chuột có hiệu quả, an toàn cho người, gia súc và bảo vệ môi trường, Chi cục BVTV Hải Dương khuyến cáo bà con nên sử dụng đồng bộ các biện pháp canh tác, thủ công, sinh học, hoá học; phải tiến hành đồng loạt trên đồng ruộng và cả khu dân cư ngay từ đầu vụ và duy trì thường xuyên, liên tục.

 Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, trong đó có huyện Nam Sách, biện pháp chủ yếu để ngăn chuột hại vẫn là sử dụng thuốc hoá học hoặc thuốc vi sinh.

Trong khi đó, biện pháp thủ công như đào hang, đổ nước, hun khói; dùng bẫy sập cơ học - vật lý (bẫy sập hình bán nguyệt, bẫy lồng, bẫy cò ke, bẫy dính, bẫy trà và bẫy cây trồng…) hoặc lấp chặt hang để diệt chuột khá đơn giản và dễ làm, ít ảnh hưởng đến môi trường, vật nuôi, kinh phí đầu tư ban đầu thấp nhưng lại không được nông dân sử dụng phổ biến.

“Trên lý thuyết, việc phát triển số lượng đàn chó, mèo là một giải pháp hữu hiệu để hình thành thiên địch diệt chuột. Tuy nhiên biện pháp này không mấy khả thi bởi hiện nay giá chó, mèo đang lên cao. Chủ nhà không dám thả ra ngoài vì sợ kẻ xấu bắt trộm”, chị Chanh cho biết.

Theo Chi cục BVTV Hải Dương, biện pháp hoá học vẫn được sử dụng rộng rãi để làm giảm tức thì mật độ chuột trên đồng ruộng, cũng như vào thời điểm quan trọng. Tuy nhiên, thuốc hoá học lại rất độc với người và động vật có ích, vì vậy, khi sử dụng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của chuyên ngành.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.