| Hotline: 0983.970.780

Chuột phá nát đồng

Thứ Năm 07/03/2013 , 10:27 (GMT+7)

Tại Quảng Bình, do không có lũ lớn trong năm 2012 nên nguy cơ chuột phá hại lúa ĐX 2012 - 2013 là rất lớn.

Trên cánh đồng Tân Lộc (giáp ranh xã Gia Ninh với Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) lúa đã bén xanh nhưng thưa hẳn. Nông dân Mai Văn Ly đứng trên bờ giải thích: “Lúa năm ni thưa vì bị chuột phá. Vào vụ gieo, chuột cứ nhặt hết mầm. Nhiều người gieo tới gieo lui đến ba lần mà lúa vẫn bị phá”...

Thiệt hại lớn

Theo ông Ly thì vào vụ, nhà gieo hơn 2 mẫu (2 mẫu Trung bộ = 1 ha) lúa ngắn ngày. Gieo xong tháo nước thì chuột tràn vào phá. Ba ngày sau hơn nửa diện tích phải gieo lại lần hai vì mạ giống bị chuột “dọn” gần hết. Nhưng gieo lần thứ hai cũng chưa xong, phải gieo lần thứ ba.

Ra Tết, thăm đồng, thấy ruộng trơ đất xém ngoách, màu xanh trên ruộng chỉ lơ thơ vài mảng. Hai vợ chồng ông Ly thúc nhau chạy khắp vùng để tìm mua mạ về cấy dặm cho kịp chứ không thể gieo lại được nữa. “Chúng tôi phải đi mua vét mạ ở các nơi về cấy. Đến nước này thì cũng chẳng cần lựa chọn giống má chi nữa, có mạ cấy là tốt rồi chứ không lẽ bỏ hoang ruộng. Tính ra, tiền mua mạ cũng ngót gần 1,5 triệu đồng. Năm ni thì khó thiệt”, ông Ly than thở.

Tại Quảng Bình, do không có lũ lớn trong năm 2012 nên nguy cơ chuột phá hại lúa ĐX 2012 - 2013 là rất lớn. Cánh đồng Cồn Hoàng (xã Gia Ninh) rộng trên 20 ha gần như bị mất trắng. Bà con đã cố gắng gieo đến lần thứ 3 nhưng cũng không thể giữ được. Theo ông Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Ninh, xã đã hỗ trợ mỗi ha 1 triệu đồng để mua giống nhằm giúp bà con vượt qua khó khăn.

Nông dân Mai Văn Minh (xã Gia Ninh) cho hay, tuyến đê Cồn Hoàng dài gần 2 km trước đây kết cấu mái đê bằng đá hộc. Vài năm sau, tuyến đê này trở thành “thủ phủ” của chuột vì chúng cứ chui về sinh sôi ở dưới. Bắt không thể hết, mà bới đá lên thì vi phạm đến công tác bảo vệ đê điều.

“Chúng tôi đã nhiều lần rải bả sinh học. Được lần đầu, sau đó chuột không ăn nữa nên không mấy hiệu quả. Tuyến đê này chứa vài tấn chuột là cái chắc”, ông Minh cho hay. Được biết, chuột từ tuyến đê Cồn Hoàng còn “hành quân” phá 40 ha lúa ở xã bên. “Không chỉ năm nay mà năm trước, cánh đồng Cồn Hoàng đã bị mất trắng vì chuột. Chúng tôi đã kiến nghị cho xây dựng lại tuyến đê này để ngăn nạn chuột nhưng cũng chưa thấy động tĩnh gì. Nếu cứ như vậy sẽ mất mùa liên tục”.


Nông dân Quảng Bình dùng ni lông che ruộng ngăn chuột

Cánh đồng Ông Đồng năm phía hữu sông Kiến Giang (thuộc huyện Quảng Ninh) rộng đến cả ngàn ha. Dù người dân đã tổ chức săn bắt, đánh bả... nhưng chuột cứ phát triển với tốc độ chóng mặt. Thân lúa dài gần gang tay người lớn bị chuột cắn ngang, cây nổi lên mặt nước bị gió thổi dạt về thành từng tấm rều lớn ở góc bờ ruộng. Trong đám rều có cả ngọn lúa đã khô, ngọn úa vàng và nhiều ngọn còn xanh như vừa bị chuột cắn lúc sẩm tối.

Đi thăm lúa, ông Nguyễn Lanh (xã Gia Ninh) quơ nắm ngọn lúa lên nhìn và lắc đầu: “Chắc là chịu. Bà con đã rải thuốc lần thứ ba rồi mà chuột giảm không đáng kể. Nếu nó cứ phá như vậy cho đến khi lúa trổ đòng thì tỷ lệ bị hư hại chiếm trên phân nửa rồi. Không chừng năm nay mùa thất bát vì chuột thôi”.

Đi các cánh đồng khác ở huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, rồi vùng núi Minh Hóa, Tuyên Hóa... đâu cũng nhiều cảnh lúa bị chuột tàn phá. Ông Nguyễn Thế Cảnh (xã Tân Ninh) lo lắng: “Ra đồng là thấy chuột nhiều lắm. Bà con có đi bắt nhưng không xuể. Trước đây, bắt chuột còn bán được tiền. Ngày đi bắt cũng kiếm được trăm bạc. Bây giờ có đánh bả sinh học nên không ai làm thức ăn nữa khiến chuột càng sinh sôi”.

Đủ cách diệt nhưng không xuể

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Xác đinh vụ ĐX sẽ gặp khó khăn bởi nạn chuột phá nên huyện đã chỉ đạo nhân dân tích cực diệt chuột và phòng trừ sâu bệnh, đồng thời hỗ trợ 80% kinh phí mua bả sinh học Biorat và thuốc diệt chuột Rat K. Đến nay toàn huyện đã sử dụng 7,3 tấn bả sinh học, 10.000 gói diệt chuột RatK...”.

Sau Tết, huyện Quảng Ninh đã phát động phong trào diệt chuột và chọn thôn Thế Lộc (xã Tân Ninh) làm điểm phát động đầu tiên ra quân diệt chuột. Ông Cảnh cũng cho hay: “Bà con vừa mua thuốc diệt chuột, vừa được thôn nhận từ trên cấp để đánh bả nhưng thấy chúng chết không nhiều. Không biết nên ngăn chặn làm sao cho có hiệu quả?”. Người suốt ngày có mặt ở ruộng lúa và có kinh nghiệm đánh chuột như ông Mai Văn Ly cũng gặp khó vì chuột quá nhiều.

Nông dân Nguyễn Lanh (xã Gia Ninh): “Chưa thấy năm nào chuột phá từ đầu vụ “hỗn” đến như năm nay. Có thể lúa bị chuột phá hại nặng chưa nhiều, nhưng tính tỷ lệ cây thưa thớt trên đồng với tổng diện tích vài trăm ngàn ha thì sẽ thấy diện tích bị thiệt hại là rất lớn”.

“Cứ rải thuốc xuống ruộng nhưng vẫn thấy đàn mẹ, đàn con chạy như đuổi chợ. Ở bờ ruộng hôm trước chỉ thấy một hang chuột thì hôm sau đã có cả chục hang mới đào, không biết thuốc có tác dụng lớn không nữa”. Ngoài cách diệt chuột bằng thuốc vi sinh, ông Ly còn tránh chuột bằng việc cắm từng hàng dài những cành tre, dương, trên đó cột các túi bao bóng, làm hình nộm để đuổi chuột. Tuy nhiên, với nhiều cách thì cuối cùng, ông cũng phải thở dài: “Cứ làm gì cũng được ba hôm là hết tác dụng. Rải bả hay làm thủ công thì cũng chỉ được rất ít, mà chuột thì quá nhiều”.

Nông dân các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch... có sáng kiến dùng thuốc diệt cỏ pha liều lượng lớn, phun vào những bụi cỏ rậm rạp để phát quang cỏ chết, chuột không có nơi trú ngụ. Tuy nhiên, cách này cũng không mấy hiệu quả vì không có bụi bờ thì chuột đào hang. Một số nông dân dùng lưới, bạt, ni lông vây lại từng thửa ruộng, thửa mạ để ngăn chuột vượt vào phá. Tuy nhiên, nói theo ông Ly thì phương pháp đó quá tốn kém và khó khả thì vì diện tích ruộng cả mấy mẫu thì làm sao mà bao, quây cho kín hết được.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất