| Hotline: 0983.970.780

Chút tình "Cùng em tới lớp"

Thứ Hai 15/10/2012 , 10:52 (GMT+7)

Chương trình "Cùng em tới lớp" do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) phối hợp cùng NNVN tiếp tục trao 100 xe đạp cho học sinh ở hai huyện Ba Bể và Bạch Thông (Bắc Kạn).

Sau TP Cần Thơ, các tỉnh Cà Mau, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Tuyên Quang..., Chương trình "Cùng em tới lớp" do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) phối hợp cùng NNVN tiếp tục trao 100 xe đạp (giá 1,2 triệu đồng/chiếc) cho 100 học sinh ở hai huyện Ba Bể và Bạch Thông (Bắc Kạn).

>> ''Cùng em tới lớp'' đến Tuyên Quang
>> Về Trà Vinh cùng em tới trường
>> Cùng em tới lớp

Ngày hội của học sinh nghèo

Trời vùng cao mùa này khá lạnh. Vậy mà, từ rất sớm, những bậc phụ huynh của 50 em học sinh từ 15 trường THCS thuộc huyện Ba Bể đã đưa con em mình đến tập trung tại trường THCS Thượng Giáo. Đó là 50 học sinh nghèo vượt khó tiêu biểu đã qua bình bầu, lựa chọn trong toàn huyện để được nhận xe đạp. Khuôn mặt, ánh mắt của cả phụ huynh và học sinh đều rạng ngời niềm vui.


Niềm vui nhận xe đạp của học sinh nghèo vượt khó

Từ 3 giờ sáng, em Đào Thị Nhông - người dân tộc Mông (học sinh lớp 6, trường THCS Mỹ Phương) đã thức đậy để cùng bố xuống đèo Vi Hương. Khi được nhận xe đạp, bố của Nhông cứ loay hoay mãi vì chính ông còn chưa biết đi xe đạp. Vậy là, Nhông đạp xe đi trước, bố chạy theo sau ngược về phía đèo.

Mồ côi cha, mẹ bỏ đi, em Hoàng Phương Thảo (học sinh lớp 6, trường THCS thị trấn Chợ Rã) ở cùng ông, bà. Hằng ngày, Thảo phải đi bộ gần 5km để đến trường. Nhận được xe đạp, Thảo nói: Từ nay, cháu sẽ không lo trễ giờ vào lớp, lại tiết kiệm thêm được thời gian để lo giúp việc nhà.

Cũng có hoàn cảnh đặc biệt, cả 3 em học sinh đến từ trường THCS Đồng Phúc đều mồ côi cha. Mất cha từ sớm, mẹ đi bước nữa, em Hà Thị Ngân (học sinh lớp 8, trường THCS Đồng Phúc) được vợ chồng chú ruột nuôi dạy.

Dắt chiếc xe đạp mới tinh vừa được trao tặng cho cháu, chị Hoàng Thị Duyên (thím của Ngân) rưng rưng nước mắt. Chị Duyên thổ lộ: Ngân ham học lắm, ngày nào, cháu cũng đi bộ vượt gần 6km đường để đến trường. Thương cháu nhưng hoàn cảnh gia đình còn thiếu thốn quá, lo đủ ăn còn khó, đâu dám nghĩ đến việc mua một chiếc xe đạp!

Không khí của lễ trao xe đạp tại trường THCS Phủ Thông của huyện Bạch Thông chẳng khác nào một ngày hội trường. Có 50 học sinh nghèo vượt khó đến từ 11 trường THCS của huyện được nhận xe. Mặc dù là địa bàn xa nhất nhưng 6 em học sinh của trường THCS Cao Sơn (cách Phủ Thông khoảng 60km) lại được thầy cô giáo hoặc người nhà đưa đến gần như sớm nhất.


Trao xe đạp tại huyện Bạch Thông

Anh Trương Văn Chung là phụ huynh của học sinh Trương Văn Hoàng (lớp 8, trường THCS Cao Sơn) cho biết, vì đường xa, lại khó đi nên phải đi thật sớm để tránh mưa rừng. Ngay sau khi nhận xe, phụ huynh của 6 học sinh đã nhờ những công nhân lắp ráp tháo dời các bộ phận của xe để dễ mang về.

Ông Đồng Phúc Hình, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Bể, cho rằng, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Chương trình “Cùng em tới lớp” có giá trị nhân văn sâu sắc. Còn ông Phạm Lê Ngà, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn, nhận xét: Chương trình không chỉ mang lại sự động viên lớn lao đối với các em học sinh nghèo vượt khó mà còn đối với sự nghiệp giáo dục địa phương.

Thoát cảnh ở trọ

Anh Đặng Kiềm Cán cho biết, con gái anh là cháu Đặng Mùi Sĩ (học sinh lớp 7, trường THCS Phúc Lộc, huyện Ba Bể). Gia đình anh ở bản Phia Phả, một bản vùng cao khuất núi, cách trường hơn 10km. Để theo học, cứ đầu tuần, Sĩ lại xuống ở trọ gần trường, cuối tuần mới trở về nhà. Vậy nên, trong hành trang đi học của Sĩ không chỉ có sách vở mà em còn mang theo cả gạo, rau, muối và 20.000 đồng để mua thức ăn cho một tuần học tập.

Tham gia lễ trao tặng xe đạp, ông Nguyễn Văn Du, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cho rằng, Chương trình “Cùng em tới lớp” là sự hỗ trợ, động viên rất có ý nghĩa. Chương trình sẽ đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, hơn thế, còn góp phần để Bắc Kạn thực hiện công cuộc giảm nghèo nhanh và hiệu quả.

Tiếp nối ý kiến đó, ông Triệu Đức Lân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn mong muốn, Quỹ Thiện Tâm và NNVN sẽ tổ chức chương trình thành hoạt động thường niên để chắp cánh và nâng niu được nhiều hơn nữa những ước mơ, hoài bão của học sinh nghèo vượt khó.

Mỗi khi nhà có việc hoặc nhớ con, anh Cán lại xuống trường đón cháu về. Được nhận xe đạp của Chương trình “Cùng em tới lớp”, việc đầu tiên của anh Cán là phải dạy cho Sĩ biết đi xe để hằng ngày có thể đi về mà không phải trọ học nữa.

Cũng giống như hoàn cảnh của em Đặng Mùi Sĩ, em Bàn Thị Chuổng (lớp 6, trường THCS Đôn Phong, huyện Bạch Thông) phải đi bộ 18km để đến trường. Nhà Chuổng ở bản Nậm Tốc, nơi có 42 hộ gia đình người dân tộc Dao định cư. Cả bản có 8 học sinh theo học cấp 2 trường xã, nhưng không có học sinh lớp 8 và lớp 9. Nhà xa trường, phải trọ học, đi lại vất vả nên các em không theo đến cuối cấp được.

Tại lễ trao xe đạp, Chuổng và mẹ là chị Phùng Thị Thế cứ mân mê, vuốt ve mãi chiếc xe vừa mới nhận, thậm chí còn chẳng dám bóc lớp giấy bọc xe. Phấn khởi, Chuổng hăng hái nói, có xe đạp đi về, không phải trọ học, chắc chắn em sẽ theo học hết lớp 9 và cố gắng học giỏi hơn nữa.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm