| Hotline: 0983.970.780

Chút xôn xao giữa những đoạn phim chậm

Chủ Nhật 30/01/2011 , 08:17 (GMT+7)

Đối với tôi, nông thôn Việt Nam không thể mường tượng bằng bờ tre và mảnh ruộng, mà còn chứa đựng hồn vía Việt Nam lẫn cốt cách Việt Nam.

Xưa nay, nói về những điều có tính bền vững và lưu truyền đều không đơn giản, và không khéo sẽ rơi vào tình trạng ngoa ngôn sáo ngữ. Không chỉ thâm căn cố đế, nông thôn Việt Nam lại đang luân chuyển nhiều sự vận động âm thầm và mãnh liệt giữa quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đối với tôi, nông thôn Việt Nam không thể mường tượng bằng bờ tre và mảnh ruộng, mà còn chứa đựng hồn vía Việt Nam lẫn cốt cách Việt Nam.  

Mỗi khi có dịp ngồi với đồng nghiệp, bằng cách này hay cách khác, tôi luôn cố tình khơi dậy những ý nghĩ của họ về nông thôn để được lắng nghe, được chia sẻ và được thao thức. Những ngày cuối cùng khép lại thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, tôi thử hỏi – đáp với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư theo hình thức talk show vẫn thường xuất hiện trên truyền hình. Nghĩa là, sự đối thoại của chúng tôi có những câu chuyện dẫn dắt giống như những video-clip minh họa. Biết đâu, giữa những đoạn phim chậm ấy, lại thấy bật lên vài suy niệm xanh thẳm! 

Đoạn phim chậm thứ nhất: Thế kỷ 20, nông thôn bước từ bóng tối ngàn năm nô lệ ra vùng ánh sáng cách mạng, và trở thành một bức tranh đậm nét trong văn học. Hàng loạt tác phẩm ra đời phản ánh đời sống nông dân khắp nơi như “Lão Hạc” của Nam Cao, “Vợ nhặt” của Kim Lân, “Rừng mắm” của Bình Nguyên Lộc, “Bà chúa Hòn” của Sơn Nam. .. Sau năm 1975, gai góc hơn có thể kể đến “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc, “Dòng sông mía” của Đào Thắng. Thậm chí nông thôn chẳng khác gì một phong vũ biểu để đánh giá sự vận động về bút pháp của nhà văn, như trường hợp Đoàn Giỏi từ “Đất rừng phương Nam” đến “Tiếng gọi ngàn”. Thế nhưng, bước sang thế kỷ 21, những trang viết về nông thôn vắng vẻ dần.

Lê Thiếu Nhơn: Thật tình tôi không thể nào hiểu được, một đất nước có truyền thống nông nghiệp lâu đời như Việt Nam, mà càng ngày càng ít những trang viết về nông thôn. Thế hệ nhà văn U… 40, đếm qua đếm lại, chỉ có Nguyễn Ngọc Tư vẫn gắn bó với đề tài này. Vì sao thế nhỉ?

Nguyễn Ngọc Tư: Ông hỏi vì sao là vì sao tui ở lại, hay vì sao người khác không đến? Tui cũng hay tự hỏi sao lại viết mãi về ruộng đồng, câu trả lời hóa ra đơn giản, tui không biết hoặc có biết thì lại mơ hồ những mảng đề tài khác. Và nếu có cơ hội tui cũng bỏ đi, biết đâu chừng… Quan trọng là thứ chín rã trong tui, khiến chữ phải chảy ra khỏi những đầu ngón tay,chứ không phải là nông thôn hay thành thị.  Tui thấy vẫn nhiều người viết, nhiều trang viết về nông thôn đó chớ, chỉ có điều tụi tui không đủ sức gây ra tiếng vang, không tạo thành một làn sóng… 

Đoạn phim chậm thứ hai: Trong giới cầm bút có không ít người bươn bả cả cuộc đời với sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ nhà văn Trần Kim Trắc. Những năm sống ở miền Bắc, ông phải lòng và đi theo một người phụ nữ lên tận Tuyên Quang lập nghiệp. Hành trang đuổi bắt hạnh phúc của ông chỉ có một gói nấm mốc làm men nước chấm và một cái thùng gỗ nuôi ong. Nhà văn có truyện ngắn “Cái lu” đoạt giải từ năm 1952 ấy, đã sống những năm cuối thập niên 1960 và những năm đầu thập niên 1970 trong căn nhà nhỏ cạnh hồ Nông Tiến bằng nghề sản xuất nông sản. Cứ ba ngày thì ông làm được một lu nước chấm, làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Nếu tiếp tục duy trì, thì có lẽ đến hôm nay ông đã sở hữu một thương hiệu nước chấm lừng danh hơn cả nước tương Chinsu hay nước mắm Nam Dương đấy chứ. Chuyển sang nuôi ong, với cái thùng gỗ ban đầu, ông Trần Kim Trắc thuần dưỡng ong rừng thành ong nhà, và nhanh chóng được biết đến như một vua ong ở bến đò Bình Ca. Tháng 7/1975, vợ chồng nhà văn Trần Kim Trắc để lại sản nghiệp cho họ hàng và mang 20 đàn ong hành phương Nam. Và đến già, ông Trần Kim Trắc vẫn sống thảnh thơi với nghề nuôi ong. Căn nhà của ông ở Sài Gòn không cần treo biển, không cần quảng cáo mà vẫn có người tìm đến mua mật ong dinh dưỡng.  

Lê Thiếu Nhơn: Tôi cứ phấp phổng nghĩ rằng, một người như ông Trần Kim Trắc mà viết hồi ký thì chúng ta sẽ có một cuốn sách cực kỳ thú vị về nông nghiệp. Đối với Nguyễn Ngọc Tư, thực tế nông thôn có cần thiết không? Và Nguyễn Ngọc Tư thu thập tư liệu để viết về nông thôn như thế nào?

Nguyễn Ngọc Tư: Trước giờ, tui gần như viết bằng ký ức pha trộn một ít tưởng tượng. Nhưng ý tưởng nảy sinh từ những chuyến đi đến những làng quê xa xôi nào đó, những xao động mà tui có khi ở đó, những niềm nhớ khi tui rời khỏi. 

Đoạn phim chậm thứ ba: Năm 2010, bộ phim “Cánh đồng bất tận” chuyển thể từ nguyên tác của Nguyễn Ngọc Tư gây được tiếng vang lớn trong công chúng điện ảnh. Thế nhưng, những cảnh quay trên phim rất đẹp và rất nhộn, không thua kém những thước phim tuyên truyền du lịch. Còn thực chất truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” lại u uẩn buồn.

Lê Thiếu Nhơn:Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư,  đậm nhạt khác nhau, nhưng vẫn phảng phất nét buồn. Những tác phẩm trước và sau “Cánh đồng bất tận” như “Thương quá rau răm” hay “Khói trời lộng lẫy” cũng vậy. Nhắm mắt lại, tôi vẫn hình dung được những nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư đều mang khuôn mặt buồn, dẫu là một cô gáilầm lũi chèo xung ba lá trong rặng đước Năm Căn hay dẫu là một chàng trai ngồi vỏ lãi hát “Tình anh bán chiếu” xuôi về dòng kênh Ngã Bảy...

Nguyễn Ngọc Tư: Ờ, trong tui mặc định nông thôn gắn với nỗi buồn, nỗi hiu hắt nào đó ám ảnh cả thời thơ ấu đèn dầu. Cả mùa mưa xóm tui như bị bỏ quên. Tối thứ Bảy tui lội bộ cả cây số đi coi cải lương trên truyền hình. Lúc nào cũng nhìn trời nháo nhác bởi những đệm lúa đang phơi ngoài sân đã sắp lên mầm, mới nắng ráo tí đã thấy phía chân trời mưa lấp ló. Những trận mưa cuối năm ít khi mang đến điều lành, ngập lút mớ lúa sạ vụ hai, hoa Tết trổ sớm, nước trong ao đìa không chịu cạn… Hồi ấy nhìn trời không phải để ngắm mây, người ta gần như đánh mất khả năng cảm thụ những cái đẹp kiểu vậy. Cả đời đặt cược vui buồn vào mưa nắng. 

Đoạn phim chậm thứ tư: Những năm gần đây, văn học viết về nông thôn ở Trung Quốc có nhiều khởi sắc đáng kể, mà một tài năng nổi bật là Mạc Ngôn. Năm 18 tuổi, cậu thanh niên đói khổ Quản Mạc Nghiệp nghe ai đó đồn rằng chỉ cần viết một cuốn sách thì mỗi ngày sẽ được ăn ba bữa, nên xin tiền mẹ mua một lọ mực và một cuốn vở rồi bò ra phản viết tác phẩm đầu tiên “Bên bờ sông Giao Lai” với chương đầu tiên đầy hào khí “Đại hội chi bộ Tết Nguyên Tiêu, âm mưu của địa chủ bị đập tan” và dòng chữ đầu tiên cũng đầy nhiệt huyết “Thủy lợi là mạch máu của nông nghiệp...”. Tuy nhiên, phải đến tác phẩm “Cao lương đỏ” được Trương Nghệ Mưu dựng phim thì Mạc Ngôn mới nổi tiếng. Và tác phẩm khiến Mạc Ngôn vang danh thế giới là “Phong nhũ phì đồn” mà chúng ta dịch ra tiếng Việt thành “Báu vật của đời”. Có một cảnh tượng ám ảnh trong “Báu vật của đời”: khi nhân vật nữ chính Thượng Quan Lỗ Thị sinh đôi, con lừa của nhà này cũng đang sinh con. Cả người và lừa đều khó sinh, nhưng bố mẹ chồng của Thượng Quan Lỗ Thị lại quan tâm đến con lừa hơn, họ đã mời bác sĩ thú y đến chăm sóc con lừa, nhưng chẳng hề hỏi han gì đến con dâu. Cảnh tượng ấy không chỉ đau đớn ở thôn Cao Mật, tỉnh Quảng Đông nước bạn, mà còn trực tiếp nhắc nhở chúng ra hãy đề phòng phẩm giá của con người thường bị lăng nhục nơi những vùng quê nghèo tăm tối...

Lê Thiếu Nhơn: Có một thực trạng miền Tây Nam bộ mà ai cũng dễ dàng nhìn ra, đó là rất nhiều cô gái dấn bước lấy chồng ngoại như một sự lựa chọn nghiệt ngã. Viễn cảnh xứ lạ làm sao lường trước được tai họa gì sẽ ập đến. Vậy mà họ vẫn đi, đi lặng lẽ, đi ngậm ngùi, đi xót xa. Đôi lần tôi tự hỏi, hình như những cô gái ấy không còn niềm tin với những mối hôn nhân quanh quẩn kênh rạch nữa?

Nguyễn Ngọc Tư: Ôngchỉ tự hỏi đôi lần thôi á? Trời, tui thì tự hỏi không đếm được bao lần. Họ mang cái máu khai phá dấn thân của cha ông đi mở cõi xưa? Họ mang cá tính miền Tây phóng khoáng phớt đời không coi chuyện gì là quan trọng hết, kể cả phẩm giá? Họ ngại khó, muốn đổi đời nhanh nhanh? Họ nghèo?... Giả thuyết nào cũng không ổn. Tui vẫn nhìn thấy họ đi, nhưng không phải đi lặng lẽ, ngậm ngùi, xót xa như ông tưởng. Họ đầy hy vọng. Tui muốn chạy đi hỏi những người con trai, tại sao họ không đưa ra được cái gọi là hy vọng đó, để giữ những cô gái lại, nhưng e rằng sẽ nhận lại những cái cười buồn đầy vẻ yếm thế nín nhịn, hoặc cười dài dại vì say xỉn.  

Đoạn phim chậm thứ năm: Tốc độ đô thị hóa đang làm thu hẹp đất canh tác. Có những người nông dân nhiều đời làm ruộng, vẫn quyết tâm bám ruộng, dù xung quanh láng giềng đã bán đất để cất nhà mua xe. Tôi có một người bạn thuở ấu thơ, bây giờ vẫn kiên nhẫn cấy cày, dù cuộc sống thiếu trước hụt sau. Để chống lại cái rét miền Trung, anh ta luôn húp mấy muỗng nước mắm cho ấm bụng trước khi ra ruộng. Có lần tôi nói về tương lai, anh ta vẫn lạc quan khẳng định sẽ làm giàu bằng chính hạt lúa và từ thu nhập nông nghiệp sẽ xây một ngôi nhà nhiều tầng. Tôi thăm dò, khoảng mấy tầng. Anh ta hóm hỉnh: “Không biết mấy tầng, chỉ cần mỗi khi cảnh sát khu vực đến kiểm tra hành chính thì tớ đứng trên tầng cao nhất hỏi vọng xuống: “Có gì vui không, đồng chí?”. Công an ngẩng đầu lên nhìn tớ, thì cái mũ kết-bi rơi ngược ra phía sau!”

Lê Thiếu Nhơn: Cứ nhớ đến người bạn nông dân kia, tôi lại thấy xao xác cho một giấc mơ kỳ vĩ và đẹp đẽ.  Quá trình công nghiệp hóa đang làm thay đổi rất nhanh bộ mặt nông thôn. Những bàn tay quen cầm cày, lẽ ra phải được lái máy cày thì lại thành anh lái xe ôm. Đó có phải là một nghịch lý không?

Nguyễn Ngọc Tư: Không, anh lái xe ôm vào những ngày nông nhàn thì hay quá chớ. Sống cũng có trăm đường sống. Nhưng sống trên đất mà mất cảm giác đất, mà lưu vong, mới là thứ nghịch lý nhứt hạng. Xứ tui từ hồi phá ruộng vườn để nuôi tôm, nhiều nhà cả cọng hành, cọng ngò cũng đi mua. Chứng kiến lần nào tui cũng nghe giận run giận rẩy. 

Đoạn phim chậm tạm kết: Nhà thơ Raxun Gamzatốp lừng lẫy một thời ở Liên Xô từng viết rằng: “Lãnh tụ cũ ra đi, sẽ có lãnh tụ mới. Những sắc lệnh, họp bàn, tranh cãi… Đất cần có nông dân và nắng mưa. Chứ đâu cần quyết định trên giấy tờ”. Ở nước ta, nhà văn số một là Nguyễn Khải cũng có lúc say sưa cổ vũ chủ trương bằng cái nhìn hơi gượng ép với thực tế. Nhìn lại thái độ thiếu chuẩn mực của mình khi viết về nhân vật Tuy Kiền trong “Tầm nhìn xa” với ánh mắt phiến diện “đó là một ông nông dân Việt Nam chính hiệu, tham lam, trí trá, hống hách khi có dịp, thích khoe công và hay dỗi vặt”, nhà văn Nguyễn Khải tự thú một cách ăn năn: “Viết về người ta như thế, gặp lại cũng ngượng. Ờ thì anh là nhà văn nhà báo của Đảng của Chính phủ, khen ai chả được, chê ai chả được, quyền của anh mà, chúng tôi thấp cổ bé miệng, thân phận con ong cái kiến làm sao dám cãi. Nghĩ thế là ngượng. Ngượng với mình, ngượng với người”. Mấy chục năm trôi qua, kể từ lúc công bố “Tầm nhìn xa”, nhà văn Nguyễn Khải trở lại thăm nguyên mẫu Tuy Kiền để ngỏ lời xin lỗi. Nguyên mẫu Tuy Kiền ứng xử theo đúng cách của nông dân, ông nhờ người quen thưa với nhà văn Nguyễn Khải: “Ông bủ Kiền không giận anh đâu, có gì mà phải giận, nhưng ông không dám mời anh lại chơi nhà là vì sợ trẻ con chúng nó nghĩ cạn dễ nói hỗn”. Dành không ít tâm tư cho nông nghiệp, Nguyễn Khải sưu tầm khá nhiều câu vè dí dỏm, những năm cuối đời ông thường đọc lúc cao hứng: “Tỉnh về thì Huyện giết trâu, Huyện lên Tỉnh hỏi đi đâu chú mày? Huyện về thì Xã giết cày. Xã lên Huyện bảo chú mày đó a! Xã về thì Ấp giết gà, Ấp lên Xã quát bỏ nhà đi đâu”. Lần nào đọc, Nguyễn Khải cũng cười khoái chí, miệng cười mà mắt cũng cười...

Lê Thiếu Nhơn: Nếu có một điều ước cho nông dân, Nguyễn Ngọc Tư  sẽ ước điều gì?

Nguyễn Ngọc Tư: Sự kính trọng. Không phải là rẻ khinh, không phải là thương hại, không phải là xa xót, càng không phải ra chiều thông cảm… 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất