| Hotline: 0983.970.780

Chuyển biến ở xứ Đông: Đột phá về nước sạch

Thứ Sáu 13/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Rất ít địa phương trong toàn quốc có người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ cao như ở Hải Dương. / Từ kỳ vọng của Phó Thủ tướng

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 72 nhà máy (NM) nước sạch, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 67%, nước hợp vệ sinh đạt 98%.

Riêng tại huyện Bình Giang 18/18 xã, thị trấn tỷ lệ người dân dùng nước sạch đạt 99%, có xã đạt 100%.

Xã Thúc Kháng (huyện Bình Giang) được biết đến là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Trong đó có làng nghề Châu Khê và Lương Ngọc chuyên chế tác đồ trang sức bằng bạc nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.

Nhờ có nghề này nên đời sống người dân ở đây khá giả. Việc huy động sức dân tham gia làm NTM không mấy khó khăn. Song vấn đề đặt ra chính là nguồn nước sinh hoạt.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trước năm 2014 nguồn nước ngầm ở 7 thôn trong xã Thúc Kháng đều bị nhiễm các kim loại nặng như Asen, sắt… Do đó, người dân đã đầu tư khá lớn để xây bể chứa nước mưa nhưng vẫn không đủ sinh hoạt.

Nhiều gia đình có điều kiện khoan giếng nhưng nguồn nước vẫn bị nhiễm phèn. Cho nên hầu hết các thiết bị sinh hoạt của gia đình sau một thời gian đều ngả màu vàng úa và hoen rỉ.

Có gia đình đào và khoan giếng 3 - 4 lần vẫn không có nước sạch để dùng. Nhiều hộ trong làng, khi có công việc lớn đều phải mua nước sạch từ các xe bồn giá khoảng 50.000 đồng/m3.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Huy Thư, Bí thư Đảng ủy xã, chính vì nguồn nước không đảm bảo nên các loại bệnh như đau mắt đỏ, ngứa da, tiêu chảy đã xuất hiện.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có một thực tế là người dân làng nghề đã sử dụng một lượng lớn a -xít với nồng độ cao để tẩy rửa sản phẩm. Chính nguồn nước thải này đã thấm vào đất, phần nào ảnh hưởng đến nguồn nước dùng của chính họ.

Sau nhiều lần họp bàn, Đảng ủy có hẳn nghị quyết về vấn đề nước sạch. Hai giải pháp là tiếp tục khoan giếng và lấy nước từ sông Cửu An đều không thành. Bởi giếng khoan thì đã nhiều gia đình làm, kể cả mua bộ lọc. Còn nước sông Cửu An thì bị ô nhiễm quá nặng.

Trước tình trạng người dân vùng nông thôn thiếu nước sạch sinh hoạt không chỉ xảy ra ở Thúc Kháng mà còn nhiều nơi khác ở trong tỉnh nên đầu năm 2012 lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo không cho triển khai xây dựng các NM nước có quy mô bé, công suất nhỏ.

Nhân việc triển khai Chương trình xây dựng NTM, UBND tỉnh chỉ đạo Cty TNHH MTV Nước sạch Hải Dương mở rộng địa bàn đưa nước sạch về phục vụ nhân dân. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm (Cty đầu tư 60%, nhân dân đóng góp 40% = 2 triệu đồng/hộ) để kéo ống dẫn nước về cho nhân dân.

Ông Nguyễn Huy Thư cho biết: “Chưa có một chương trình nào lại nhận được sự hào hứng và đồng thuận cao như chương trình nước sạch về làng. Chỉ chưa đầy 1 năm triển khai, toàn xã đã có 1.800/1.820 hộ sử dụng nước sạch từ TP. Địa phương quyết tâm đến 30/3 sẽ có 100% số hộ trong xã sử dụng nước sạch”.

Sướng lắm!

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Văn Nghị ở thôn Lương Ngọc, một trong những gia đình sử dụng nước sạch đầu tiên của làng. Gặp chúng tôi, vợ anh Nghị phấn khởi khoe: “Sướng lắm! Từ ngày có nước sạch, áo quần màu trắng sau khi giặt không hay bị ngả màu như trước.

Đặc biệt, nước luộc rau cũng có màu xanh hơn trước đây dùng nước giếng khoan. Miếng ăn đưa vào miệng có cảm giác ngon hơn hẳn”.

Nói rồi, chị dẫn chúng tôi đi xem hệ thống lắp nước vào nhà. Chị bảo, các hộ lắp nước sạch chỉ phải đóng góp 2 triệu đồng cho Cty. Nước được dẫn về đến tận ngõ. Kinh phí lắp đặt từ ngõ vào nhà do gia đình chịu. Sử dụng nước sạch rất yên tâm về sức khỏe và tương lai con cái sau này. Đặc biệt thiết bị dẫn, lắp đặt cũng gọn nhẹ hơn trước. Ngày trước đầu tư lịch kịch lắm, xây dựng bể lọc, mua máy bơm, thiết bị lọc. Máy bơm thì nhanh bị hoen rỉ phải thay suốt. Nhưng nay, vòi nước dẫn vào đến tận bếp, phòng tắm, nhà vệ sinh.

Tâm trạng của vợ anh Nghị cũng giống như niềm vui của bao gia đình khác. Chẳng hạn như anh Đào Huy Hùng, người có hơn chục năm làm nghề chế tác bạc trong làng, thú nhận rằng: Để có một sản phẩm đẹp thì tất nhiên phải sử dụng a-xít để tẩy sạch. Chính lượng nước thải này là nỗi ám ảnh của chúng tôi khi sử dụng nước từ giếng đào, giếng khoan.

Vì thế, ngay sau khi xã ký kết với Cty nước sạch, anh Hùng bàn với vợ phải tham gia thực hiện ngay. Anh Hùng bảo, hệ thống lọc nước giếng khoan của gia đình trước đây được đầu tư khá bài bản, tốn kém nhưng rõ ràng chất lượng nước thì không thể bằng 4 - 5 triệu đồng từ một lần đầu tư lấy nước ở TP về. Còn chi phí dùng mỗi tháng cũng không phải là nhiều lắm. (Hết)

Hàng loạt xã được dùng nước sạch

Dự kiến vào tháng 4 năm nay, Vĩnh Lập là xã cuối cùng của huyện Thanh Hà (Hải Dương) sẽ có nước sạch sinh hoạt.

Năm 2012, Thanh Hà có 10 NM nước sạch, cấp nước cho 12 xã, thị trấn. Đến nay có 14 NM cấp nước sạch cho người dân ở 24 xã, thị trấn. Thanh Hà đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ có 98% số hộ dân dùng nước sạch.

Dự án cấp nước sạch cho xã Vĩnh Lập có tổng mức đầu tư 8,3 tỷ đồng.

Nguồn nước được lấy từ NM nước Thanh Hồng. Khởi công từ cuối năm 2014, đến nay, đơn vị thi công đã lắp đặt xong hệ thống đường ống tới đầu cổng từng hộ dân.

Trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, 6 địa phương cuối cùng trong huyện Cẩm Giàng cũng đã có nước sạch sinh hoạt.

Để đưa nước sạch về các xã Kim Giang, Thạch Lỗi, Ngọc Liên, Lương Điền, Cẩm Hưng và thị trấn Cẩm Giàng, UBND huyện đã thỏa thuận với Cty TNHH MTV Nước sạch Hải Dương triển khai xây dựng hệ thống cấp nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. 

Tổng vốn đầu tư xây dựng đường ống, thiết bị, đồng hồ đo nước… ở các xã trên lên tới gần 48 tỷ đồng. Cty cam kết sẽ cung cấp nước sạch cho trên 10.000 hộ dân với 45.000 nhân khẩu, công suất đạt khoảng 6.200 m3/ngày đêm.

Thiện Nhân

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm