| Hotline: 0983.970.780

Chuyển biến ở xứ Đông: Từ kỳ vọng của Phó Thủ tướng

Thứ Năm 12/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Tính đến 31/12/2014, toàn tỉnh Hải Dương có 13/226 xã đạt 19 tiêu chí NTM bằng bình quân chung của cả nước. 

So với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng thì số xã đạt NTM ở Hải Dương còn ít. Tuy nhiên, đây là một kết quả nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Thành công ở Hải Dương chính là thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cán bộ và sự đồng lòng của nhân dân.

Nhìn thẳng sự thật

Ông Trần Khắc Đoan, Phó Chánh văn phòng BCĐ xây dựng NTM tỉnh Hải Dương, nhớ lại: Cuối tháng 4 năm ngoái, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và đoàn công tác của Chính phủ về làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế của Hải Dương như, tuy nằm trong vùng kinh tế trọng điểm nhưng Hải Dương vẫn là tỉnh phải nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Ngày đó, Hải Dương vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn NTM. Về môi trường, Hải Dương vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong xử lý nguồn rác thải. Hải Dương cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM nhưng phải bền vững và đem lại lợi ích thật sự cho người dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Hải Dương phải tập trung tái cơ cấu nền nông nghiệp, duy trì và phát triển các mô hình SX lớn; hỗ trợ người dân về thông tin, thị trường. Các cấp chính quyền phải là cầu nối giữa người dân với DN, nhất là phải phát huy liên kết "bốn nhà" để hỗ trợ, đảm bảo SX, tiêu thụ nông sản, nâng cao đời sống cho người dân.

Gần một năm qua, Hải Dương đã vượt qua những hạn chế để thúc đẩy phong trào xây dựng NTM. Tính riêng 57 xã giai đoạn I đến nay đã đạt 879 tiêu chí (15,5 tiêu chí/xã). Sau 4 năm đã tăng thêm 415 tiêu chí (mỗi xã tăng thêm 7,5 tiêu chí). Riêng năm 2014 tăng được 200 tiêu chí và có 13 xã đạt chuẩn NTM.

Về nguồn lực đầu tư, nếu như trong 3 năm 2011 - 2013, UBND tỉnh Hải Dương chỉ dành 80 tỷ đồng cho Chương trình NTM thì riêng năm 2014, con số này lên đến 314 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2014 các huyện và các xã đã chủ động trích ngân sách 297 tỷ đồng cho đầu tư NTM.

Còn nhớ, trung tuần tháng 4/2014, khi nhìn vào báo cáo của BCĐ xây dựng NTM tỉnh Hải Dương, chúng tôi thấy sự thẳng thắn trong việc chỉ ra các nguyên nhân chậm tiến độ. Thứ nhất, nhận thức của một số xã về xây dựng NTM chưa toàn diện, còn tư tưởng trông chờ vào nguồn lực của tỉnh và Trung ương. Các xã chưa tích cực, chủ động trong triển khai chương trình, chưa năng động sáng tạo trong cách làm. Thứ hai, các văn bản hướng dẫn thực hiện ở giai đoạn đầu của các Bộ NN-PTNT và Bộ GTVT chưa thống nhất. Thứ ba là nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình của Trung ương, tỉnh, huyện chưa được nhiều.

Thời điểm đó, ngoài việc chưa có một xã nào đạt chuẩn NTM thì toàn tỉnh vẫn còn 20% số xã chưa phê duyệt xong quy hoạch. Cho nên sau 1 năm nhìn lại mới thấy rằng, chỉ có nói thẳng, nói thật và quyết tâm cao thì mới làm nên được thành công.

Sức mạnh tổng hợp

Trong báo cáo sơ kết xây NTM năm 2014 của tỉnh Hải Dương nêu rõ: “Hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. SX phát triển ổn định theo hướng kinh tế hàng hóa. Đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 30,24 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4,27%. Quyết tâm trong năm 2015 sẽ có thêm 38 xã về đích NTM”.

Những nhận định đó và các số liệu trên không phải là không có căn cứ. Chúng tôi đã đi thực tế ở một số xã tại huyện Bình Giang để kiểm chứng cho những nhận định này.

Nhân Quyền là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM ở đây. Để đánh giá cho phần nào những nhận định trên, có lẽ xin mượn nhận xét của một cán bộ ở một tỉnh miền Trung khi tham quan, học tập kinh nghiệm làm NTM ở xã Nhân Quyền rằng: “Tỉnh chúng tôi đã có 5 xã đạt chuẩn NTM nhưng với hạ tầng và các điều kiện ở những xã đó chắc phải 10 năm nữa mới đạt được như Nhân Quyền bây giờ”.

Chúng tôi cho rằng, điều thành công bước đầu ở đây chính là thể hiện quyết tâm quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cán bộ và sự đồng lòng của nhân dân. Vì chỉ có như vậy mới thực sự có chuyển biến tích cực.

Chẳng hạn, đầu năm 2010, huyện Bình Giang có ngay đề án hỗ trợ 20% giá trị đầu tư xây dựng đường bê tông cho các xã. Sau đó 2 năm, UBND tỉnh đã áp dụng cách làm của Bình Giang để hỗ trợ xi măng cho các xã trong toàn tỉnh làm đường giao thông.

Cho nên trong các tiêu chí NTM mà Hải Dương đã đạt thì số km đường đạt chuẩn có tỷ lệ cao nhất. Cụ thể, toàn tỉnh đã có 1.192/1.288 km đường trục xã, liên xã; 2.084/2.272 km đường trục thôn; 2.385/2.693 km đường ngõ xóm và 1.102 km đường nội đồng đạt chuẩn. Năm 2014, tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp bằng xi măng cho các xã với tổng giá trị 175 tỷ đồng.

Để có hạ tầng được khang trang, hiện đại, đời sống nhân dân được nâng cao, theo ông Vũ Quang Sang, Chủ tịch UBND huyện Bình Giang thì ngoài những cái chung như nhiều nơi khác có thì mỗi địa phương cần có nét riêng, cách làm sáng tạo.

Ông Sang cho rằng, “có thực mới vực được đạo”, muốn nông thôn chuyển biến thì phải có vốn đầu tư. Nhà nước không thể cáng đáng tất cả nhưng để nhân dân kham hết thì cũng không nổi.

Do đó, giải pháp mà Bình Giang triển khai chính là phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động các nguồn lực đầu tư. Về phía lãnh đạo trong điều kiện có nhiều khó khăn như diện tích tự nhiên nhỏ, dân số ít hơn so với một số huyện và SX chủ yếu là nông nghiệp nhưng 5 năm qua thu ngân sách luôn luôn đạt và vượt. Cùng với đó là các xã đã thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa, đi đầu trong toàn tỉnh.

Toàn huyện hiện có 70% diện tích tập trung SX lúa hàng hóa chất lượng cao và được cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu. Mặc dù SX lúa hàng hóa có năng suất thấp hơn so với các giống lúa khác nhưng giá trị thu nhập lại tăng 1,2 - 1,5 lần. Đặc biệt, mỗi năm Bình Giang cần khoảng 500 tấn giống chất lượng cao thì đã tự chủ được 50% số lượng đó. Đây được coi là thành công lớn trong SXNN ở Bình Giang. Nhờ đó, thu nhập của người dân được nâng lên.

Ngoài ra, Bình Giang còn khôi phục và phát triển nhiều làng nghề truyền thống như nghề mộc, nghề làm đồ trang sức ở Thúc Kháng. Cấp ủy, chính quyền đã kêu gọi được nhiều cá nhân, tổ chức về đầu tư xây dựng các cơ sở may mặc ở Bình Xuyên. Phát triển các cụm chăn nuôi tập trung theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc…

Cách làm đó đã giải quyết một lượng lớn lao động ở nông thôn có mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/tháng. Thu nhập có thể chưa cao nhưng mọi chi phí sinh hoạt rất thấp, lại được ở gần gia đình nên phần lớn lao động ở Bình Giang gắn bó với quê nhà.

Cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm chưa có phụ cấp

Khó khăn nhất hiện nay của Hải Dương chính là kinh phí cho 3 cán bộ chuyên trách và 23 cán bộ kiêm nhiệm.

Sau gần 5 năm đi vào hoạt động nhưng đến nay các cán bộ này không được một đồng phụ cấp nào cả.

Tại các huyện, Phòng Nông nghiệp cũng nhiều việc nhưng vẫn bố trí một cán bộ chuyên trách mảng NTM. Tại các xã thì chưa có cán bộ chuyên trách.

Nhìn chung toàn hệ thống chuyên trách và kiêm nhiệm ở Hải Dương đang làm việc bằng tinh thần chứ nguồn động viên chưa thấy đâu.

Văn phòng BCĐ NTM có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị có kinh phí phụ cấp cho các đối tượng này ở mức 200.000 đồng/người/tháng đối với kiêm nhiệm và 300.000 - 500.000 đồng/tháng/người đối với Phó Chánh Văn phòng và Chánh Văn phòng.

Thế nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt kinh phí. Trong khi đó hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều có kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng này.

 

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất