| Hotline: 0983.970.780

Chuyện biệt thự Pháp ở Quảng Yên

Thứ Bảy 25/05/2019 , 07:10 (GMT+7)

Chính nhờ ở vị thế “đất hàng tỉnh” một thời mà thị xã Quảng Yên ngày nay được thừa hưởng một kho tàng di sản kiến trúc mà người Pháp để lại với số lượng khá lớn.

15-38-03_ubnd_thi_x_qy
Dinh tỉnh trưởng Quảng Yên cũ - nay là trụ sở UBND thị xã Quảng Yên

Nhà thơ Trương Thiếu Huyền, Phó Tổng biên tập báo Quảng Ninh, kể với tôi rằng: Thị xã Quảng Yên là “đất hàng tỉnh” cho nên vùng đất ấy sản sinh ra nhiều nhân vật tài năng. Quả thật, thị xã Quảng Yên là đô thị cổ đã có tuổi đời trên 200 năm hình thành và phát triển. Nếu lấy dấu mốc từ năm 1883 khi người Pháp nổ súng hạ thành Quảng Yên để rồi từ đó thiết lập ách thống trị, cho đến năm 1963 khi Chính phủ sáp nhập ba tỉnh Quảng Yên, Hồng Quảng và Hải Ninh để thành lập tỉnh Quảng Ninh hiện nay thì thời thuộc Pháp, Quảng Yên từng là trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng của vùng Đông Bắc.

Những ngôi nhà kiến trúc Pháp luôn mang nét đẹp riêng, không lẫn vào đâu được ở các khu phố chính của thị xã Quảng Yên như phố Hoàng Hoa Thám, phố Trần Nhật Duật, phố Ngô Quyền v.v...

Theo thống kê, một số công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu được thị xã Quảng Yên bảo tồn khá nguyên vẹn sau hơn một thế kỷ như: Dinh tỉnh trưởng tỉnh Quảng Yên cũ nay là Trụ sở HĐND, UBND thị xã; Sở cẩm (công an) nay là trụ sở Thị uỷ Quảng Yên; Kho bạc cũ nay là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nhà kiểm lâm nay là trụ sở Công an thị xã v.v..

Dinh tỉnh trưởng Quảng Yên ngoài những chi tiết kiến trúc Pháp thường thấy, theo các nhà nghiên cứu kiến trúc còn một số chi tiết khá đặc trưng, đó là những lỗ hoa văn trang trí ở trên các cuốn ở mặt đứng có gạch gốm hoa chanh. Gạch gốm hoa chanh là đồ dùng trang trí đặc sắc cổ điển Việt Nam. Đó chẳng phải sự giao thoa văn hoá Đông Tây hay sao? Cứ nhìn những lỗ hoa văn trang trí bằng gạch gốm hoa chanh ấy tôi mường tượng rằng đây chắc chắn phải có bàn tay tài hoa của người thợ Việt Nam.

Tôi lững thững tìm đến ngôi nhà riêng của bác sĩ Lê Văn Cơ - đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên (1946) tỉnh Quảng Yên. Ngôi nhà hai tầng nằm ngay ngã tư trung tâm thị xã đã nhuốm màu thời gian. Chủ nhân hiện nay của ngôi nhà, cụ Lê Văn Lập là con trai cả bác sĩ Lê Văn Cơ. Cụ Lập nhớ lại ngôi nhà này do ông nội là nhà thầu khoán Lê Bá Khai xây dựng vào năm 1904. Nằm trong quần thể 800m2 có nhà bếp, sân vườn hài hòa, đẹp mắt, ban đầu ngôi nhà hai tầng với kiến trúc vuông vắn 10 x 10m đột khởi giữa nhô lên trong không gian toàn dãy nhà một tầng khiến người dân nơi đây ai đi xa cũng thấy.

Cụ Lê Văn Lập trước “bảo tàng mini” về bác sĩ Lê Văn Cơ. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Cụ chủ nhân của ngôi nhà hiện nay sinh năm 1922, dù đã 97 tuổi song rất minh mẫn. Hai ông cháu ngồi thủ thỉ chuyện trò, tôi nhắc đến những đồng nghiệp cụ như nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, nhà ngoại giao Hoàng Nguyên, nhà văn hóa Hữu Ngọc, cụ Lập như trẻ ra.

Cụ Lập chậm rãi vịn mình lên gác hai. Tôi theo cụ để rồi quá đỗi ngạc nhiên khi trước mắt là cả một không gian hoài cổ. Cửa sổ bạc phếch, nhiều mảnh gỗ đã long. Những làn mưa bụi giăng mắc trên các gian phòng tầng hai qua ánh chiều hoàng hôn khiến cho tôi lần đầu tiên bước vào có cảm giác liêu trai kỳ lạ.

Uy tín nghề nghiệp của bác sĩ Lê Văn Cơ khiến cho chính những người Pháp ở Quảng Yên cũng rất nể trọng. Đã giỏi về tay nghề, bác sĩ Cơ còn rất thương người. Bệnh nhân tới khám, không phân biệt hoàn cảnh sang hèn, đều được hết lòng cứu chữa. Tiếng lành vang xa, trong cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 6/1/1946, tại tỉnh Quảng Yên, bác sĩ Lê Văn Cơ được đoàn thể giới thiệu ra ứng cử. Kết quả, ông đã trúng cử với số phiếu cao nhất.

Suốt 14 năm làm đại biểu Quốc hội (1946 - 1960) của tỉnh Quảng Yên, bác sĩ Lê Văn Cơ đã làm tròn phận sự đại biểu nhân dân. Khi còn làm việc, cụ ở Hà Nội nhưng từ khi được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ, cụ Cơ chọn trở về sống tại căn nhà của mình ở Quảng Yên cho đến năm 1980 thì mất, hưởng thọ 83 tuổi. Nhiều năm công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương và Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới), theo nếp nhà, nghỉ hưu, cụ Lập trở lại căn nhà cũ của cha mẹ ở Quảng Yên tiếp tục hương khói thờ phụng tổ tiên. Ngôi nhà với tuổi đời xấp xỉ 120 năm hàng ngày chỉ có vợ chồng cụ Lê Văn Lập sinh sống. Cụ bà cũng ngót tuổi 90. Hàng ngày, người dân Quảng Yên vẫn thấy ông ngồi đọc báo (cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp) cho bà nghe trước cửa trong ánh bình minh chiếu rọi hoặc khi chiều tà.

(Kiến thức gia đình số 21)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất