| Hotline: 0983.970.780

Chuyện buồn bên dòng Cấm Sơn

Thứ Ba 04/05/2010 , 10:50 (GMT+7)

Cách trung tâm huyện khoảng 40km, Cấm Sơn là xã 135 thuộc loại khó khăn nhất nhì của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Cuộc sống của người dân ở đây vẫn còn nhiều tối tăm, nghèo khó...

Cách trung tâm huyện khoảng 40km, Cấm Sơn là xã 135 thuộc loại khó khăn nhất nhì của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Cuộc sống của người dân ở đây còn nhiều tăm tối, nghèo khó như những đám mây trên đỉnh đèo Quao lúc nào cũng âm u, vần vũ. Khó không phải do nhà nước không quan tâm mà những quan tâm ấy bị biến tướng, lệch hướng đi bởi những “công bộc” của dân...

Những di hại từ một thủ quỹ ở tù

Tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Hướng, nguyên trưởng thôn Cấm, rồi làm thủ quỹ của xã từ giữa năm 2006 đến cuối năm 2008, khi dính vào vòng lao lý.

Chỉ có bà mẹ vợ anh cùng đứa con gái nhỏ ở nhà. Giữa năm 2009 cả hai vợ chồng vào Nam rồi đến khi anh bị bắt vì tội biển thủ công quỹ, bà đã phải đem sức già ra cáng đáng nuôi hai đứa cháu. Ngay ngôi nhà tường xây, mái bờ - rô - xi - măng trước đây của gia đình từ cái tấm lợp đến viên gạch men, cân xi măng, sợi sắt thép…đều lấy lương bà là công nhân cầu đường về hưu ra trả. Hồi đó, vợ chồng anh nghèo lắm, làm trưởng thôn phụ cấp không đủ trả tiền xăng xe mà đi tối ngày, rồi ngay khi được giao trọng trách thủ quỹ xã, ôm cả một đống tiền, cùng một số người ăn tiêu, chơi bời xa hoa ra sao vẫn chẳng đem gì về nổi cho cái gia đình với một vợ, hai nách con.

“Lúc nó thôi giữ chức thủ quỹ, về nhà bởi chuyện nợ nần, tôi trước khi đi xuống làm thuê cho người em trai dưới Bắc Ninh để lại cho hai vợ chồng một con lợn, một tạ gạo, 120 lít xăng cùng bánh kẹo các loại (mẹ vợ làm bán quán - PV) về 2 tháng sau là hết nhẵn. Ngay đến gạo cũng không còn một hột. Nghe bảo nó xà xẻo công quỹ, tôi còn phải “cắm” sổ lương, vay 10,2 triệu đồng, bán 10 con lợn trong 2 lứa nuôi để Hướng đem tiền đến cơ quan công an khắc phục hậu quả. Đến cả chuyện nó vay tiền ngân hàng 20 triệu để học bổ túc cấp ba, sơ cấp chính trị cũng đã trả được đâu”, bà nghẹn ngào, quay sang chải tóc cho đứa cháu gái. Bàn tay cầm lược cứ mân mê mãi, dường như ngập ngừng rồi mới kể tiếp: “Lúc vợ chồng nó lánh vào Nam làm ăn, thấy động tĩnh ngoài này, Hướng có gọi về bảo: Các giấy tờ, sổ sách cứ đốt hết đi. Nhưng tôi thầm nghĩ, đốt hết là mất bằng chứng, tội càng nặng nên vẫn cất giữ, chờ trao trả cho cơ quan chức năng. Đến đầu năm 2010 này, nó bị công an bắt, dẫn giải về giam ở tỉnh, tôi phải đi tiếp tế mấy lần”.

Giờ bà lại gò lưng ra nuôi hai đứa cháu dại, trong khi vợ Hướng vẫn phải ở trong Nam lần tìm từng đồng tiền một gửi về cho hai đứa con ăn học, cho những món nợ chẳng biết khi nào trả nổi. Đã có lúc tiêu cực, bà định tìm đến một liều bả chuột cho cả ba bà cháu cùng chết nhưng trộm nghĩ, lũ cháu thơ dại có tội tình gì, lại chùn tay. Những người dân ở thôn Cấm bảo tôi rằng, thằng Hướng chỉ là con tốt, là thủ quỹ nhãi nhép không thể một mình lộng quyền bòn rút của công được, phải có người làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho Hướng. Giờ chỉ mình Hướng trong chốn lao tù, bỏ vợ dại, con thơ, mẹ già ở nhà, tội nghiệp quá, bỏ sót quá!.

Càng tìm hiểu nguồn cơn tội lỗi của người cựu trưởng thôn này, tôi càng ngỡ ngàng vì những ngang trái, những bất công mà người dân nơi đây phải chịu. Họ bảo đến ngay cả tiền ăn của các cháu mầm non cũng bị cán bộ chặn hết thì công lý để ở đâu? Rồi mấy người già dẫn tôi đến trường mầm non thôn Cấm. Một căn nhà be bé. Một nhúm đồ dùng học tập nghèo nàn, đa số bằng nhựa rẻ tiền. Điểm trường có 2 lớp với 34 cháu và 3 cô giáo, do cô Nguyễn Thị Ngoan phụ trách.  

Nhiều cháu mẫu giáo bị suy dinh dưỡng mà tiền hỗ trợ ăn lại bị thất thoát

Theo chế độ của nhà nước, mỗi cháu được 70.000đ/tháng phụ cấp tiền ăn bán trú, một năm 9 tháng được phụ cấp nhưng từ tháng 9/2009 đến giờ chẳng có đồng xu nào. Cô giáo Ngoan phiền muộn than: “Không có phụ cấp rót về, chúng em phải thu tiền của phụ huynh, khi nào có chế độ thì hoàn trả lại. Nhưng thôn Cấm này nghèo nhất xã, xã lại nghèo nhất nhì huyện nên chẳng mấy phụ huynh đóng nổi 70.000đ/tháng để cho con em mình được ăn trưa tập trung”. Trước khó khăn ấy các cô giáo mầm non chỉ biết kêu lên đến nhà trường chứ “thấp cổ, bé họng”, làm gì dám kêu xuống đến xã.

Cô hiệu trưởng cũng bất lực mà rằng: “Xã chưa rót tiền về cho cũng chẳng biết làm thế nào. Cứ bảo phụ huynh nộp tiền vào đi”. Vậy là kêu cũng chỉ để mà kêu, kết quả vẫn là công cốc. Phụ huynh chẳng bòn đâu ra tiền để đóng góp nên các cô giáo lại phải muối mặt đi lấy thức ăn chịu hết hàng này đến quán khác cứ thế mà xoay vòng đến khi chẳng nơi nào chấp nhận cho chịu được nữa. “Trong khi lớp học cả ngày, trẻ đi học sáng, trưa về nhà ăn rồi chiều không ra lớp nữa bởi nhà xa vài cây số, thậm chí phải đi thuyền, đi đò nữa, đành phải ở nhà. Sự ciệc đó không đảm bảo cho sự học hành của các cháu theo đúng chương trình đã định từ trước”. Không chỉ bị nợ đọng tiền hỗ trợ xuất ăn mà theo cô Ngoan, ngay cả tiền phụ cấp của giáo viên của năm học 2007-2008, mỗi tháng chỉ vẻn vẹn có 350.000đ nhưng đến giờ cũng không được lĩnh. Lên hỏi nhà trường thì hiệu trưởng bảo: “Xã đang giải quyết, bao giờ thu hồi được tiền thì trả”.

Vậy là cả năm đó, giáo viên mầm non phải còng lưng, làm việc không công, không khác gì những cây dương xỉ trên rừng, chỉ “ăn” sương đêm, hít khí trời mà sống. Tình trạng đó chung cho cả 7 điểm trường mầm non của xã chứ không riêng gì điểm trường thôn Cấm, khiến người dân cùng các cô đều phẫn nộ.

“Cán bộ ruộng nương không làm, gà lợn trâu bò không chăn, lương ba cọc ba đồng, vợ con chẳng buôn bán gì mà ngẫu nhiên là xây cái nhà cao to ngần ngật, là có người đi họp còn dùng taxi cho khỏi lấm bùn, là cắm quán nghe bảo đến cả vài chục triệu đồng. Những đồng tiền ấy chẳng phải tiền bòn rút là tiền ở đâu?”. Lời của một người dân thôn Cấm.

Giờ ra chơi, cô Ngoan dẫn tôi ra chụp ảnh lũ trẻ. Những đứa trẻ gày gò, nhiều đứa đầu to, tóc thưa, chân tay khẳng khiu mang nhiều dấu hiệu của sự thiếu cân, suy dinh dưỡng. Có đến 12/34 em bị suy dinh dưỡng ở điểm trường này trong khi những đồng tiền ăn mà nhà nước hỗ trợ cho các em đang phiêu diêu tận chân trời nào các em hồn nhiên chẳng hay.

Biết có cán bộ trên “trung ương” về bà con thôn Cấm đến mỗi lúc một đông. Ai cũng có những phản ánh, bức xúc của riêng mình, mong tôi là một thứ “đèn giời soi xét” bởi họ ở tít vùng sâu, vùng xa, có người còn chưa hề biết đến Hà Nội, có nói cũng chẳng biết gửi gắm cho ai, có phẫn nộ cũng không biết bày tỏ ở chỗ nào.

Dân nghèo ở thôn Cấm

Ví như đợt lụt lớn gây đổ nhà năm 2008, chị Hoàng Thị Mạnh ở thôn Cấm không được hỗ trợ gì trong khi những nhà khác được hỗ trợ, về đã dựng nhà mới. Chờ đợi đến nẫu ruột, chị kêu lên xã, đơn lên huyện, thậm chí còn lên thẳng tỉnh. Trong những tháng ngày khiếu kiện ấy, mấy tháng ròng vợ chồng cùng con cái nhà chị phải ở nhờ nhà bố mẹ chồng, mỗi lần nhìn về căn nhà sụp mà đau. Kiện mãi, cuối cùng chị cũng được đại diện cơ quan công quyền trả lời rằng dưới… báo cáo chậm quá nên bỏ sót và được hỗ trợ 5 triệu đồng.

Dân làng bảo, nếu nhà Mạnh cứ thấp cổ, bé họng có khi chẳng được một đồng nào. Hết chuyện hỗ trợ sót, lại sang chuyện trên hỗ trợ mỗi thôn một máy tuốt lúa để cơ giới hoá, giảm mồ hôi, công sức cho dân vùng cao. Mỗi máy tuốt trị giá gần 20 triệu đồng/máy, dân chỉ đối ứng 2 triệu đồng. Hồi đấy, chiếc máy tuốt mang về thôn Cấm để ở nhà Bí thư chi đoàn thôn trong niềm hân hoan của toàn bộ dân chúng. Chiếc máy chẳng được sử dụng ngày nào mà mất tích luôn. (Còn nữa)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất