| Hotline: 0983.970.780

Chuyện buồn Đà giang

Thứ Năm 16/02/2012 , 14:29 (GMT+7)

Thời gian gần đây, đoạn sông Đà qua xóm vạn chài Trung Hà dưới chân cầu Hòa Bình (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đang phải oằn mình gánh chịu họa dùng điện đánh cá...

"Nhân họa" trên sông

Cả ngày đi thả lưới, người dân vạn chài cũng chỉ bắt được vài con cá nên họ cũng lười gỡ lưới

Thời gian gần đây, đoạn sông Đà qua xóm vạn chài Trung Hà dưới chân cầu Hòa Bình (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đang phải oằn mình gánh chịu cảnh người dân dùng xẻo điện càn quét, khiến cho cá tôm nơi đây ngày càng cạn kiệt.

Từ "nhân" xung điện...

Xưa, sông Đà được coi là mỏ tôm cá. Không ai coi cái nghề chài lưới là khổ, mà họ còn hãnh diện với nguồn tài nguyên vô kể trên sông Đà đã mang về cho dân chài một cuộc sống ấm no. Chỉ cần vài tiếng đồng hồ đi giăng câu, thả lưới cũng mang về cả yến cá, tôm. Có những con cá to đến 5, 7 kg với nhiều loại đặc sản như: cá ngạnh, cá chiên, cá leo, lăng…. Nhưng giờ những loại cá đó chỉ còn trong tiềm thức của người dân làng vạn chài, khi sự tiến bộ của “công nghệ” dùng điện đánh bắt cá thay thế cho chài lưới.

Ông Ngô Văn Tám (75 tuổi) đã ba đời làm nghề chài lưới trên sông cho biết: "Trước đây nghề đánh cá khá lắm, mỗi chuyến thả câu cũng kiếm được 400-500 nghìn đồng, có bữa bắt được mẻ cá lớn mang ra chợ bán rẻ cũng được cả triệu. Giờ cá cũng hết rồi, đánh bắt cả ngày trời mà bán cũng chỉ được vài ba chục bạc. Nghề cá bây giờ bạc lắm, chẳng đủ ăn đâu chú à”.

Trước đây sông Đà nhiều cá, các làng chài nơi khác như Ba Vì (Hà Nội), huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), những hộ dân cư sống dọc khu vực bờ sông Đà làm nghề chài lưới cũng đổ xô lên khu vực cầu Hòa Bình đánh bắt. Thời gian đầu họ còn dùng lưới, câu truyền thống nhưng rồi thấy trên sông nhiều cá, lòng tham nổi lên, họ dùng thuyền lớn với hệ thống lưới quét, kích điện để tận thu.

Thấy nhiều người nơi khác đến dùng điện đánh bắt hết cá trên địa bàn, các hộ dân làng vạn chài Trung Hà từ đó cũng dùng điện bắt tôm cá. “Chim trời cá nước có phải của mình đâu mà giữ. Thấy người nơi khác đến bắt hết cá bằng điện, mình không làm thì lấy gì mà ăn. Từ đó dân làng chài chúng tôi cũng dùng kích điện đánh bắt”, ông Tám cho biết.

Có thời kỳ các làng chài tranh giành nhau địa bàn, họ đi cả chục chiếc thuyền giăng ngang sông bắt cá cả ngày lẫn đêm nên đến giờ dòng sông sạch sành sanh sản vật.

Lão ngư Tám cho biết thêm, hiện các hộ dân làng vạn chài ngoài lưới và câu thì nhà nào cũng có một bộ kích điện. Bộ đồ nghề kích điện cũng đơn giản, chỉ có một bình ắc quy khoảng 6-12 kg, kèm theo đó là bộ kích gắn vào hai đầu của lưới xúc hình chữ V được gắn ở đầu thuyền. Dòng điện khi được kích lên tới 220V, con cá nào dính vào chỉ có nước chết.

Vừa thả xong ba tay lưới, anh Ngô Văn Mạnh, người làng chài Trung Hà, buồn rầu cho nói: Ba tay lưới này trước kia tôi thả thì gỡ cá mỏi tay. Giờ vớt lưới cả ngày may ra được vài con cá cơm. Vì trót làm nghề sông nước nên mọi người đành phải chấp nhận, nếu không thì chẳng biết làm gì để sống.

...đến "quả" tha phương

Hậu quả của việc đánh cá bằng điện, đến nay người dân vạn chài dưới chân cầu Hòa Bình đang phải dở khóc dở cười về việc không biết quý trọng những gì thiên nhiên ban tặng. Cá sông Đà nơi họ sinh sống đã cạn kiệt. Hàng ngày người dân làng chài phải đi cả hàng chục cây số, có người còn phải xuống tận cầu Ba Vì (Hà Nội) cách đó 50km để đánh bắt. Cả chuyến đi hai ba ngày trời như vậy nhưng thu nhập chẳng đáng là bao.

Thấy chúng tôi thắc mắc tại sao đi đánh bắt xa mà anh lại chỉ đem mấy tay lưới mắt nhỏ? Anh Mạnh cười rồi tặc lưỡi: “Giờ lấy đâu cá to mà đánh, đem đồ đi làm gì cho vất vả hả anh? Mang lưới nhỏ thế này mà cũng chẳng hi vọng gì, chịu khó nhặt may ra cũng kiếm được dăm bảy chục ngàn trong ngày là tốt lắm rồi".

Theo anh Tuyền, ở Sơn La hiện nay vẫn đang còn nhiều cá to, nhưng lo ngại thời gian tới nguồn cá cũng sẽ hết như khúc sông Đà ở Hòa Bình bây giờ, vì người dân đánh bắt nơi đây lại đang tái diễn cảnh bắt cá bằng xung điện. Hiện nay, trung bình một tháng anh Tuyền đi Sơn La đánh bắt, trừ mọi chi phí cũng dư ra được 5 - 7 triệu đồng.

Bà Lê Thị Thư (76 tuổi), người sống trọn đời với nghề sông nước, cho biết: Chưa năm nào tôi thấy cá tôm lại cạn kiệt như bây giờ. Đi thả lưới mà bắt được con nào to như bàn tay thì đó là một ngày may mắn. Giờ mỗi lần đi đánh bắt người dân chỉ có thể đánh được ít tôm, cua còn sót lại.

Đang ngồi nói chuyện cho chúng tôi nghe, bà Thư đưa tay chỉ về hướng chiếc thuyền cách đó khoảng 100 mét rồi nói tiếp: Chiếc thuyền đó đang dùng điện đánh bắt đấy, giờ cá hết rồi nó không đánh ở giữa dòng nữa mà chỉ đi men bờ thôi may ra thì vẫn còn cá nhỏ.

Giờ người dân vạn chài Trung Hà không mấy khi đánh bắt ở nhà, để đảm bảo cho cuộc sống họ phải lên tận Sơn La đánh cá. Mỗi chuyến đi như vậy thường một tháng, hoặc hơn một tháng mới về nhà một lần. Trưởng tàu Ngô Văn Tuyền cho biết, chỉ có đi xa như vậy may ra mới còn cá mà đánh. Với người dân vạn chài, khu vực sông suối ở Sơn La hiện nay vẫn đang còn được coi là “kho” tài nguyên lớn. Tuy nhiên, kho tài nguyên đó cũng đang dần bị cạn kiệt bởi hàng ngày có tới cả trăm chiếc thuyền từ khắp nơi đổ về đánh bắt. Chỉ tính riêng xóm vạn chài Trung Hà có 58 hộ dân thì có tới 40 chiếc thuyền đi Sơn La đánh cá.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.