| Hotline: 0983.970.780

'Chuyên canh' con cá

Thứ Tư 18/07/2018 , 10:05 (GMT+7)

Từ một người chỉ quản lý hơn 1ha nuôi cá nước ngọt, đến nay ông Chu Văn Vệ ở thôn Chung 1, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã sở hữu một đầm rộng 15ha, cũng "chuyên canh" cá.

08-13-24_img_0014
Hồ cá của ông Vệ

Là một nông dân thực thụ, xuất phát điểm là làm ruộng, nhưng chẳng đủ ăn, ông Vệ xoay sang làm nghề xây dựng. Mới đầu đi làm thợ phụ, sau làm chủ thầu công trình nhỏ. Đổi lại là sự vất vả và thu nhập cũng bấp bênh, ông Vệ chuyển sang nhận ao, hồ nuôi cá.

Chung nhau với gần chục người, thuê 11ha nuôi cá nước ngọt. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, lãi ít, lỗ nhiều, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Vệ lại bỏ cá, trở về nghề xây dựng. Lần này ông đã dám nhận những công trình lớn, “tầm cỡ” ở các tỉnh khác, như Hà Tây (cũ), Hà Nội…

Nhưng làm xây dựng thời điểm đó, gặp rất nhiều khó khăn do giá vật liệu thay đổi từng ngày, càng công trình lớn càng thua lỗ lớn. Cuối cùng, ông Vệ quyết định trở về “làm cá” ở ngay quê hương mình. Lần này, ông dồn vốn liếng thuê một cái đầm tại xã Ngũ Kiên với diện tích hơn 15ha, quyết tâm kinh doanh cá.

Nhận một đầm có diện tích lớn, khai thác bằng cách “tát” là không khả thi, nên cách chủ động hơn, khả thi hơn, là khai thác quay lưới, đánh bắt, theo phương châm “đánh tỉa, thả bù”. Nhưng việc khai thác không theo định kỳ, mà theo giá cả thị trường. Thường là đánh bắt vào gần Tết âm lịch, hoặc vào khoảng tháng 4 DL. Ấy là lúc cá bán dễ và được giá. Tránh thời điểm cuối năm, cá rẻ lại khó tiêu thụ. Nhưng có năm, nhất là những năm nguồn cá từ Trung Quốc tràn sang, thì vào dịp trước Tết âm lịch, giá cá rẻ, nên lại phải lùi thời gian đánh bắt vào quãng tháng 5,6 DL, cá dễ bán và được giá.

Ông Vệ cho biết, nếu khai thác tập trung, đầm của ông có thể thu được trên 70 tấn cá. Nhưng khai thác tập trung không hiệu quả, nên ông thường khai thác theo kiểu nhỏ, lẻ. Mỗi năm đánh bắt từ 2,3 lần. Mỗi lần thu vài chục tấn cá các loại. Vừa được giá, vừa dễ bán.

Cá ở đầm ông Vệ thả theo nhiều tầng. Những loại cá chủ lực của ông có: Trôi, mè, trắm, chép, trê, quả… Thức ăn cho cá cũng theo “tầng” và chủ yếu khai thác thức ăn tự nhiên, có sẵn ở địa phương hoặc các tỉnh lân cận, như cỏ, bã đậu công nghiệp (sản xuất sữa đậu nành), bã bia, ngô hạt, sắn củ…

Nguyên tắc nuôi cá của ông Vệ, là dùng thức ăn thừa của loại cá này, sử dụng cho loại cá khác, vừa tiết kiệm, vừa làm sạch môi trường nước. Hoặc chất thải của loại cá này, giúp phát triển rong rêu, tảo, lại là thức ăn cho loại cá khác. Bởi thế, loại cá nào cũng được “vỗ béo” mà môi trường luôn trong sạch.

Các cụ nói: “Thứ nhất thả cá…”, nhưng việc nuôi cá cũng không phải cứ “nhìn mà ăn”. Theo ông Vệ, có thời điểm thì lấy công làm lãi, có thời điểm lỗ nặng, bán 2kg cá không mua nổi 1kg rau. Đầm to, tuy có các công trình giao thông bao quanh, nhưng cũng có khi mưa lớn, nước tràn cục bộ, thì cứ gọi là nhìn cá to cá nhỏ lũ lượt ra đi, mà tiếc.

Tuy vậy, do có nhiều năm kinh nghiệm, Chu Văn Vệ đến nay đã  vững vàng trong nghề nuôi cá. Giá bán tuy mỗi năm thay đổi trồi sụt không chừng, nhưng nói chung, cá của ông Vệ vẫn ở mức trung bình khá. Giá cá mè vào loại thấp, trung bình chỉ 15.000 đồng/kg. Giá trắm chép vào loại cao, có thể được 60.000 – 65.000 đồng/kg. Bình quân các loại được 35.000 đồng/kg. Mỗi năm hơn bù kém, trừ chi phí cũng được ngót nửa tỷ đồng. Ấy là mức chủ nhân cho biết, chứ thực tế có thể còn được nhiều hơn…

 

Xem thêm
Người nuôi thủy sản Thái Bình chuẩn bị kỹ cho vụ nuôi mới

Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang khẩn trương cải tạo hệ thống ao đầm, lồng bè…, sẵn sàng thả nuôi vụ mới vào tháng 4.

Thừa Thiên - Huế đề xuất đầu tư 350 tỷ đồng cho hạ tầng nghề cá

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất bổ sung 350 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá địa phương, góp phần nâng cao năng lực ngành thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU

TIỀN GIANG Khai thác hải sản là nghề truyền thống của ngư dân thị trấn Vàm Láng. Thời gian qua, người dân khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU.