Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể lý giải tại sao mình lại nhớ được lâu như vậy. Có thể (với mỗi địa phương thường có những ngày lễ riêng) đối với dân tộc Việt những ngày lễ tiết của một năm không nhiều. Có thể kể ra: Sau Tết Nguyên Đán, là Mồng Ba, tháng Ba. Mồng Năm, tháng Năm. Rằm tháng Bảy (xá tội vong nhân), Rằm tháng Tám (Tết Trung thu). Mồng Mười, tháng Mười (Tết Cơm mới)… thế là hết một năm.
Có lẽ chính vì lý do trên nên không riêng gì tôi, mà trong ký ức của nhiều thế hệ, những ngày lễ tiết trong một năm thường để lại nhiều ấn tượng. Lại nữa, khoảng những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ XX đất nước đang trong hoàn cảnh chiến tranh, rồi sau đó là chế độ bao cấp nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Tôi sống ở nông thôn, lúc bấy giờ muốn thịt một con lợn do gia đình mình nuôi được cũng phải làm đơn xin phép chính quyền, không như ở khu vực thành thị và phi nông nghiệp… có tem phiếu để mua thực phẩm. Vậy nên có thể nói cả năm chúng tôi không biết đến mùi vị của thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, đậu phụ… nếu như không có những ngày lễ tiết. Thế là vào những ngày này chính quyền địa phương cho phép các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tổ chức cho bà con trong các tổ sản xuất.
Những ngày ấy vui lắm, trẻ con cả xóm, chẳng đứa nào bảo đứa nào, nhưng tất cả đều có mặt tại nhà ai đó trong xóm được phép mổ một con lợn. Năm ấy tôi khoảng 7 - 8 tuổi, học lớp 2 (theo hệ giáo dục 10 năm). Con lợn được mổ là của một nhà hàng xóm, nó đã nuôi được gần một năm nhưng chỉ khoảng 50 cân hơi (cân khi lợn còn sống). Số thịt này được chia cho 43 gia đình trong tổ sản xuất nhưng không phải chia đều, mà chia theo số nhân khẩu trong toàn đội.
Chúng tôi theo dõi những người hàng ngày là thợ cày, thợ cấy mổ lợn và chia thịt. Không chuyên nghiệp nhưng họ rất khéo, bây giờ có thể gọi là nghệ thuật. Thịt và sườn chia sống, lòng chia chín, chia đến cả nước xuýt (nước luộc lòng). Tôi nhớ khi đưa ra cái phạng da lươn, một người bảo: Cứt cá còn hơn lá rau! Đúng thế, nhìn phạng nước luộc lòng nổi xao mỡ và nóng hổi, nếu được phép có lẽ tôi làm một hơi… cạn luôn. Mãi từ Tết Nguyên Đán đến hôm nay, những đưa trẻ nhà quê chúng tôi mới nhìn thấy thịt lợn! Chúng tôi mắt thì nhìn, nhưng đứa nào đứa nấy… thèm giỏ dãi! Gần trưa, tôi mang số thịt của gia đình mình là 5 nhân khẩu về. Trong chiếc rổ con phần thịt khoảng dăm, bảy lạng, tất cả đều không thiếu một miếng nào từ lòng, thủ, đến thăn, sấn… có điều nó cứ lủn mủn như đầu ngón tay. Cứ thế mà trần qua nước sôi, rồi bày lên đĩa có khi không phải thái nữa!
Ông tôi bảo: Mẹ cu (mẹ tôi) chuẩn bị mâm cúng. Còn thằng cu cầm cái chai đi mua rượu cho ông, nhanh lên! Tôi cầm cái chai đi ra cửa hàng HTX mua bán. Đây là một cái điếm cũ trong xóm thờ thổ thần nay cải tạo thành cửa hàng. Tôi lặng lẽ đứng sau một người đàn ông trong làng, ông này cởi trần, áo vắt vai như vừa đi cày về. Phía trước tôi mấy chục người tay cầm chai, đứng ngoằn nghoèo như một con rắn, nếu cứ xếp thẳng hàng thì không còn chỗ, bởi trước cửa hàng là một vuông sân điếm nhỏ. Cũng may có cái tán bàng nên tránh được nắng non tháng Ba, “nắng tháng Ba chó già lẽ lưỡi”.
Chẳng biết vì nguyên nhân gì hay bản tính tôi là vậy. Tôi hết nhìn người này đến người kia, ai tôi cũng thích… nhìn! Mỗi người đều có một điều gì đó không gọi được thành tên, nói được thành lời nhưng họ đều rất… hấp dẫn. Đến bây giờ vẫn thế, tôi phải luôn cảnh giác mình để tránh bị nói vào mặt: “Vô duyên” hay “Nhìn gì, nhìn đểu phải không”… Đứng bóng thì chỉ còn người đàn ông phía trước là đến lượt mình.
Chủ cửa hàng HTX mua bán là một người đàn bà góa béo tốt và hay cười. Bà vấn khăn, răng đen và cũng thắt một cái bao như những người đàn bà khác trong làng. Do luôn tay đong rượu từ sáng nên bà dắt đầu bao vào cạp quần. Cạp quần thì lẩn “quai cồng”, nhìn bà càng thêm ngồn ngộn… Có lẽ do bà biết chữ nên được bố trí vào công việc nhàn hạ và nhiều bổng lộc này hay còn vì một lý do nào khác… Miệng cười tay múc, bà bảo người đàn ông đứng trước tôi:
- Chai của ông đâu?
- Đây! ông ta đón lấy cái ca của bà cửa hàng.
Tôi trố mắt nhìn, người đàn ông lắc lắc nửa ca rượu tiêu chuẩn của mình, rồi đưa lên miệng uống ựng một hơi. Đoạn ông ta “khà” một tiếng:
- Chai với lọ cho mất việc, đợi từ Tết giờ mới được nửa “cút” rượu (một phần tám lít), bõ bèn gì…
Sau khi nắn nót ghi vào sổ mua hàng của gia đình tôi: “Riệu trắng, 3 hào”. Tôi còn nhớ như in những chữ của bà chủ cửa hàng mua bán to như những hạt bí ngô trên trang sổ giấy màu xin xỉn… Rồi bà quát tôi:
- Thằng kia, chai đâu?
Tôi đưa ra cái chai nhưng miệng chai lại bị tôi đút một ngón tay trỏ vào đó từ lúc nào. Tôi lúng túng đỏ cả mặt, hết sức rút ngón tay ra mà không làm sao được...
- Tránh ra, rõ là mất việc!
Tôi mang cái chai về nhà, ông tôi nhận ngay ra vấn đề. Ông thở dài thườn thượt, mẹ tôi tủm tỉm cười. Tôi biết lỗi của mình im thin thít. Mãi khi có tiếng quát của ông, tôi mới giật mình sực tỉnh:
- Mang cái tay lại đây xem nào!
Tôi đến bên ông, chẳng biết tại sao tôi lại rút được ngón tay mình ra khỏi miệng chai từ lúc nào. Ông tôi bật cười:
- Thằng này lớn lên có khi thành… nhà thơ cũng nên. Thôi, chiều ra xếp hàng lại…
Thế là không làm được mâm cúng tổ tiên ông bà vào buổi sáng hôm Mồng Ba, tháng Ba năm ấy. Phần thịt ít ỏi được cất kỹ. Mấy anh em tôi nuốt nước bọt khan. Anh tôi bảo: Tại mày đấy! Đúng là tại tôi, tại biết bao nhiêu chuyện lý thú đã xảy ra ở “Cửa hàng HTX mua bán”, những chuyện không bao giờ có thể tưởng tượng ra được. Nếu hôm nay có viết được dòng nào thì tôi cũng bắt đầu từ cái làng nhỏ với những câu chuyện sinh động và độc đáo như thế ở làng tôi.
Ông tôi mất đã lâu, mỗi lần cúng giỗ tôi lại nhớ tới ông. Với ông: Phi tửu bất thành lễ (không có rượu không thành lễ). Vậy nhưng cả đời ông tôi uống rượu không bao giờ bị mang tiếng là… nát! Trong những năm tháng khó khăn, mấy tháng trời mới được phân phối chút rượu trong những ngày lễ tiết, ông tôi trịnh trọng dâng cũng tổ tiên với một tấm lòng thành kính. Nay, rất nhiều loại rượu của các địa phương trong nước có thế xếp loại "Mỹ Tửu". Tôi cất công mua về, chúng tôi học được từ ông điều đó, chén rượu trong ngày lễ tiết là rất quan trọng với đời sống của người Việt!