| Hotline: 0983.970.780

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Chuyện chưa kể về Bí thư 'mo cơm quả cà' Nguyễn Hữu Đợi: Kỳ 1 - Người truyền cảm hứng

Thứ Hai 13/05/2019 , 15:04 (GMT+7)

Nếu hỏi bất cứ một người dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, đã từng sống trong chiến tranh chống Mỹ đến nay: “Ai là cán bộ Quỳnh Lưu có ấn tượng sâu sắc nhất”, thì họ không ngần ngại trả lời rằng: “Đó là Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Đợi”. Những gì được chứng kiến về ông, tôi thấy đúng như vậy.

 

Năm ấy tôi đang học lớp 10, là Phó bí thư Đoàn trường cấp 3 Quỳnh Lưu 1 nên là đại biểu chính thức đi dự Đại hội Huyện đoàn lần thứ XV. Đất nước vừa thống nhất, niềm vui chiến thắng ngời ngời trên sắc mặt mọi người. Cả hội trường rực rõ cờ hoa. Sau phần báo cáo thành tích của Đoàn thanh niên huyện, ban tổ chức hân hoan giới thiệu người lãnh đạo cao nhất huyện lên nói chuyện với đại hội. Đó là Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Nguyễn Hữu Đợi. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe ông bí thư nói chuyện.

Tổng Bí thư Lê Duẩn làm việc với Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Nguyễn Hữu Đợi năm 1976

Ông khỏe mạnh, người hơi đậm, chân tay rắn chắc, da hơi ngăm. Ông có cái nhìn thẳng, ánh mắt chiếu thẳng vào cử tọa. Mới đầu ông nói chậm chạp, có tính khái quát, tôi có cảm giác hơi khô khan. Cả hội trường thanh niên im lặng nghe như một bổn phận. Nhưng chỉ dăm phút sau, ông trở nên lôi cuốn lạ lùng. Không bài vở, không tài liệu nào trước mắt ông, nhưng mọi nguyên tắc lí luận thực tiễn số liệu ở đâu, năm nào tự nhiên tuôn ra dào dạt.

Giọng ông càng hùng hồn, càng cuốn hút, những nhấn nhá, những khoảng lặng của ông làm cho cả hội trường nín thở. Tất cả đại biểu thanh niên lặng ngắt, dường như nuốt từng lời. Ông chỉ nói vo, không cần chuẩn bị, ông nói bằng lòng nhiệt huyết cách mạng của ông, nói bằng những năm tháng cam go hoạt động địa phương và xây dựng phong trào cách mạng của mảnh đất ông sinh ra.

Quả thật, ông là nhà hùng biện, nhà chính trị, nhà tuyên truyền cách mạng, nhà thuyết khách, tất cả trong ông đều ở mức sục sôi, ào ạt, cuồn cuộn. Hai tay ông như đôi đũa thần thu phục lòng người, khi giơ cao, khi chém xuống, khi gạt ngang, khi phải, khi trái như dẫn dắt người nghe lên rừng xuống biển, lên chỗ tươi vui cũng như xông vào những chỗ hiểm nguy.

Ông diễn thuyết liền một mạch, không nghỉ. Khi nào cũng đầy cảm hứng, khi nào cũng như đang ở cao trào cách mạng, hay ở chính tâm bão. Mồ hôi ông vã ra, nóng. Lúc đầu ông cởi cái áo bốn túi, bỏ ra sau ghế. Một lúc sau, ông xắn tay áo sơ mi. Nói đến những khó khăn thiếu thốn của bà con xã viên hợp tác xã ông liền cởi hẳn áo sơ mi để giữa bục nói chuyện, trên người chỉ mỗi cái áo dệt kim cộc tay. Và ông tiếp tục cuộc hành trình chinh phục lớp thanh niên đang ngồi kín cả hội trường.

Ông nói, đất nước chúng ta đã liền một dải rồi, phải không các bạn? Phải rồi. Nước ta đã thống nhất, chúng ta phải đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, lên chủ nghĩa cộng sản đại đồng. Chủ nghĩa xã hội là gì? Là chính quyền Xô viết, là cơ khí hóa và điện khí hóa. Huyện ta đang nghèo, đang thiếu thốn mọi thứ. Sau chiến tranh mà. Nhưng tiến lên chủ nghĩa xã hội không thể làm ăn cò con nhỏ hẹp được, phải tiến lên sản xuất lớn. Không thể hợp tác xã thôn được. Phải là hợp tác xã toàn xã, hợp tác xã liên xã. Rồi tiến lên xây dựng xí nghiệp liên hợp công nông toàn huyện hoặc toàn vùng. Chúng ta có nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và chúng ta sẽ cơ khí hóa, hiện đại hóa nền kinh tế của Quỳnh Lưu.

Tổng Bí thư Lê Duẩn (thứ 2 phải qua) cùng với Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Nguyễn Hữu Đợi (thứ 3 phải qua) thăm mô hình kinh tế Quỳnh Lưu – năm 1976

Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì chúng ta cần lực lượng nào? Ồ, là thanh niên, các bạn nói rất đúng. Các bạn sẽ là nòng cốt hiện tại và chủ nhân trong tương lai. Chúng ta đang nghèo, Quỳnh Lưu đang nhiều khó khăn, nhưng với: MO CƠM QUẢ CÀ VÀ TẤM LÒNG CỘNG SẢN CHÚNG TA SẼ TIẾN LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI...

Cả hội trường liền đứng dậy vỗ tay rầm rầm.

Ông nói tiếp, các bạn là con em của mảnh đất Quỳnh Lưu giàu truyền thống cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hi sinh, chúng ta cũng không sợ va vấp. Khi ta đi từ điểm a đến điểm b, nếu một người sợ va chạm, họ đi cẩn thận, chậm chạp, rón rén thì người đó cũng đi đến đích nhưng rất lâu. Thanh niên như các bạn thì đi nhanh, tay vung vẩy không chạm người này thì cũng đụng người khác, nhưng đến đích sớm hơn.

Ta chọn cách nào? Chắc chắn có sai sót, ta cố chịu nhận chút khuyết điểm, chút khó chịu nhưng đến đích được sớm là hơn. Có đắm mình vào thực tiễn cách mạng, có nhảy vào thì mới tóe ra, nếu cứ đứng ngoài thì co lại… Phải tiến công, tiến công và tiến công. Xóa tan đói nghèo và lạc hậu, xóa tan sản xuất nhỏ manh mún. Chúng ta mạnh tay THAY TRỜI ĐỔI ĐẤT, SẮP XẾP LẠI GIANG SƠN…

Một lần nữa, cả hội trường như bị thôi miên, lại đứng dậy vỗ tay hưởng ứng rầm rầm như sấm vang.

Không ai nghĩ đến thời gian, chỉ có những đợt sóng ngôn từ và tư tưởng, từng đợt từng đợt dội lên rồi lại ào ra, tràn khắp bờ bãi từ tình cảm, tư tưởng của mọi người. Tiếng vang của bài nói chuyện ấy không phải trong thanh niên, trong huyện mà truyền dẫn ra cả tỉnh, cả nước. Diễn giả Nguyễn Hữu Đợi suốt cả một buổi không nghỉ giải lao mà cả hội trường im phăng phắc, họ bị cuốn hút, bị thu phục, bị lôi kéo, nó chinh phục hoàn toàn tâm tư của thanh niên.

Ông để lại ấn tượng không những mạnh mẽ, sâu sắc mà kích hoạt lòng nhiệt tình của hàng vạn người trong huyện, trong tỉnh. Nó gây cho thanh niên chúng tôi cảm hứng hoạt động, đưa lại niềm tin vững chắc có một chủ nghĩa xã hội rất gần, một nền sản xuất lớn được cơ khí hóa, điện khí hóa không xa, ngày mai trên cánh đồng trước mặt sẽ là thẳng cánh cò bay tạo điều kiện cho máy gặt đập liên hợp làm việc.

Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh kiểm tra xây dựng công trình nghĩa trang liệt sỹ huyện Quỳnh Lưu năm 1976

Ở huyện lớp tuổi thanh niên học sinh chúng tôi được ông nói chuyện về vai trò thanh niên trong giai đoạn mới cứ như mật rót lỗ tai và sau khi nghe ra về vẫn muốn làm một việc gì đó cho quê hương đất nước. Có thực sự chứng kiến ông nói chuyện mới thấy kiến thức ông phong phú và giọng nói ông hùng hồn, thuyết phục, lạc quan. Những câu nói đó làm cho chúng tôi dũng mãnh lên, ham việc thêm. Nó theo chúng tôi đi suốt cuộc đời.


Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, cả dân tộc rực rỡ ánh hào quang. Theo đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Tổng Bí thư Lê Duẩn là kiến trúc sư, muốn đưa nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa thì cấp huyện sẽ là đơn vị cơ sở về kinh tế. Chọn cấp huyện vì dưới sự hỗ trợ của Liên Xô và các nước XHCN, Việt Nam sẽ biến hơn 200 huyện thành pháo đài kinh tế. Ở đó riêng về nông nghiệp, máy móc hiện đại sẽ tạo ra những xí nghiệp nông công nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, từ đó đưa nền kinh tế phát triển và đời sống người lao động sẽ được nâng lên.

Mô hình cấp huyện đã thành công ở nước xã hội chủ nghĩa anh em. Còn nếu là cấp xã như xưa thì ruộng đồng manh mún, sức lao động phân tán, tiền vốn nhỏ nhoi không thể làm công trình lớn và hình thành nền sản xuất lớn được. Ông Đợi sống gặp thời đại ấy. Nhưng trước đó, ông Đợi và những người tiền nhiệm cũng đã tạo ra "thời thế tiền đề" để hai điều gặp nhau.

Ở Việt Nam, chuẩn bị cho đất nước sau khi thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội thì Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Nghệ An và sau này là Nghệ Tĩnh đã chọn huyện Quỳnh Lưu làm điểm đi đầu, hình thành mô hình và rút kinh nghiệm chung. Sở dĩ chọn Quỳnh Lưu vì một trong những nguyên nhân cơ bản, là ở đây có một Bí thư Huyện ủy có tư duy đổi mới và biết cách tổ chức thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết thành hiện thực mau chóng và sáng tạo. Quỳnh Lưu thời kỳ ấy đã xuất hiện những con người đáp ứng được đòi hỏi của thời đại ấy ngay từ trong chiến tranh chống Mỹ mà Nguyễn Hữu Đợi là ngọn cờ tiêu biểu nhất.

tu-lieu-3-pht-dong-lm-thuy-loi-ho-vuc-mu141537607
Phát động làm thủy lợi hồ Vực Mấu

Ông sinh năm 1927 (Đinh Mão) cầm tinh con mèo, ở một xã nghèo, thuần nông (xã Quỳnh Hồng). Dấu ấn của một gia đình bần nông đã ảnh hưởng nhiều đến lối sinh hoạt, tính cách của ông sau này. Đi hoạt động cách mạng và trải qua cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng trong chín năm chống Pháp ở địa phương, sau mới thoát ly lên huyện. Điều ấy chứng tỏ lập trường cách mạng của ông kiên định, có những biệt tài nổi trội, sàng lọc qua thực tiễn từ cơ sở mà lên. Ai cũng biết, những người làm chính trị xuất thân từ trí thức thì nhanh nhạy nhưng khó hòa nhập quần chúng hơn là những người lăn lóc từ nông thôn, nông dân mà làm cán bộ.

Từ khi bỏ cày làm cán bộ, ông đã tỏ ra có năng khiếu về tài ăn nói biện thuyết. Trước đám đông, ông như người nghệ sĩ, càng nói càng hăng, càng nói càng hấp dẫn. Trong nghệ thuật tuyên truyền miệng ông biết đúc rút vấn đề dưới góc nhìn hài hước, để "cù" vào sự thích thú của người nghe. Cứ nhìn tướng mạo ông - người thấp đậm, vạm vỡ, khuôn mặt phương phi, bước đi nhanh và tự tin - đủ biết ông là người có năng lực chỉ huy và là thuộc tạng người hành động quyết liệt.

Ngay từ trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, tên tuổi Nguyễn Hữu Đợi gắn với huyện Quỳnh Lưu anh hùng đã nổi lên như cồn ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thành tích nổi bật nhất là thâm canh nông nghiệp đạt năng suất cao. Trong huyện đã có nhiều xã, từ Quỳnh Hồng đến Quỳnh Hậu, Quỳnh Giang, Quỳnh Bá đã chạm tới mốc 6 tấn/ha, ngang ngửa với Thái Bình đất lúa. Nhờ năng suất lúa lên, Quỳnh Lưu làm nghĩa vụ lương thực, cung cấp cho tiền tuyến "thóc không thiếu một cân".

Đời sống nhân dân theo đó cũng bảo đảm mức tối thiểu, lòng người phơi phới đi lên. Những công trình nổi tiếng như cải tạo đồng muối, Quỳnh Thuận thành quy mô; đào kênh tiêu úng Bình Sơn, tiêu úng cho hàng ngàn ha ruộng ngập sâu, xây dựng nhà thương, trường học, nghĩa trang liệt sĩ huyện, trại an dưỡng thương bệnh binh… đã thành những hình ảnh làm say lòng người.

Đến năm 1975, mới 3 năm ngớt tiếng bom Mỹ, Quỳnh Lưu đã trở thành hiện tượng trong cả nước và truyền thông thời đó đã có nhiều bài viết ngợi ca rất hình ảnh "Quỳnh Lưu đã chạm một tay vào chủ nghĩa xã hội". CNXH ở Quỳnh Lưu là đây: Năng suất lúa cao, thủy lợi được hoạch định, đời sống nhân dân được cải thiện, người già và thương bệnh binh được chăm sóc, đồng ruộng và thôn xóm được sắp xếp lại, trường học, bệnh viện được xây dựng khang trang…

Nghiệm thu kênh đào

Từ đó nhiều trường học lý luận về xây dựng Đảng, về xây dựng nền kinh tế sản xuất lớn, về đường lối dân vận... đã ùn ùn về Quỳnh Lưu đúc rút kinh nghiệm, coi đó là trường học thực tiễn mà người cầm cương nảy mực là Bí thư Huyện ủy. Thời ấy các ngôi sao khác tự mờ đi, suy tôn cho một người xứng tầm để  thêm cho ngôi sao đứng đầu tỏa sáng. Có thể nói trường lớn nhất về lý luận là trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (Hà Nội) cũng đã về đây khảo sát hàng chục đoàn, có đoàn thời gian công tác hàng tuần. Nét chung là đoàn nào khi kết thúc cũng đề nghị được Bí thư Huyện ủy nói chuyện. Người ta xem ông Đợi là tác giả, xem Quỳnh Lưu là cái nôi của phong trào cách mạng. Tất cả cần phải nhân rộng ra, tiếp lửa cho miền Bắc và cả miền Nam buổi đầu sau giải phóng.

Trên cái nền như vậy, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh khóa đầu tiên (giai đoạn 1976 - 1979) đã trân trọng ghi tên Nguyễn Hữu Đợi vào Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cũng trên cái đà đó, Đại hội IV của Đảng cộng sản Việt Nam dự kiến có đồng chí Nguyễn Hữu Đợi vào Ban chấp hành Trung ương. Nếu không có một trục trặc nhỏ trong công tác tổ chức thì ông đã trở thành Ủy viên Trung ương Đảng đầu tiên là lãnh đạo cấp huyện.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm