| Hotline: 0983.970.780

Chuyện chưa kể về tí hon

Thứ Tư 30/12/2020 , 05:19 (GMT+7)

Cậu bé tí hon nổi tiếng trên mạng, báo chí trong và ngoài nước là Đinh Văn K’rế, người dân tộc H’rê ở làng Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

Đinh Văn K’rế chỉ cao trên đầu gối bạn bè cùng lớp. Ảnh: Văn Chương.

Đinh Văn K’rế chỉ cao trên đầu gối bạn bè cùng lớp. Ảnh: Văn Chương.

Cậu bé vừa đột ngột qua đời đã thu hút sự thương cảm về một số phận khác thường. Cậu bé có nhiều câu chuyện lạ chưa kể hết.

Ghế băng như vách nhà

Đinh Văn K’rế được báo chí gọi tắt là chú bé tí hon. Vì năm 12 tuổi thì cậu chỉ bé choắt như một chú khỉ con tinh nghịch, chỉ số của cậu vào năm đó là nặng 3,9kg, cao 58cm, trong khi bạn bè cùng lớp với cậu đã cân nặng 30kg.

Một nhà hảo tâm từ TP Hồ Chí Minh từng tới Quảng Ngãi và được tôi đưa đi thăm cậu bé tí hon để gởi ít tiền tài trợ và ông đã sững người, đứng lặng đi khi nhìn thấy cậu tí hon có bề ngoài quá khác thường trong lớp học.

Báo chí có rất nhiều câu chuyện về tí hon. Lần gặp cuối cùng của tôi với cậu là năm 2019. Trong lớp học, các bạn hí hoáy viết bài, còn cậu thì chăm chú vào đồ vật đặt trên bàn, đó là một bộ chữ bằng nhựa được gắn vào khung màu vàng. Cậu có vẻ thích thú bộ chữ đẹp đẽ này hơn là những dòng chữ viết trên bàng. Vị trí ngồi trong lớp của cậu tất nhiên là bàn đầu và vị trí đầu bàn.

Cô giáo tên Giang đang đứng lớp cho biết, K’rế đã tiến bộ hơn trước rồi. Sự tiến bộ đó là gì? Cô cho biết, dĩ nhiên không phải là học giỏi, mà là sự dạn dĩ hơn, nghe được một số tiếng nói, hiểu hơn ngôn ngữ của người H’rê.

Năm 2018, tôi cũng từng gặp K’rế tại trường học ở xã Sơn Ba. Lần đó, K’rế giống như một người lạc loài. Cậu len lén đi giữa đám đông rồi chui vào một góc nhà đứng nhìn ra. Ánh mắt của cậu nom thật tội nghiệp, đó là cái nhìn của một số phận biết rõ mình có điều gì đó quá khác biệt. Bạn bè trong lớp đều cao gấp đôi tí hon. Nếu giờ ra chơi, chỉ cần một cậu bé nào đó chạy xô mạnh vào người cậu thì K’rế thậm chí có thể bị chấn thương nặng.

Nhưng lần gặp vào năm 2019, tí hon đã trở thành cậu bé hòa nhập với môi trường tập thể. Khi tiếng trống ra chơi vừa vang lên, K’rế tụt vội xuống ghế để lao trước ra sân, trong lúc bạn bè của cậu vẫn chưa buông bút. Rõ ràng là chiếc ghế đã quá nguy hiểm đối với thân hình của cậu. Bạn bè của cậu đứng lên rồi bước đi, riêng K’rế thì cứ phải loay hoay đu người trên chiếc ghế mới có thể tụt xuống. Nếu chỉ cần sơ suất thì cậu có thể ngã lộn cổ xuống đất, bị chấn thương nặng.

Trong lúc K’rế đánh đu trên chiếc ghế băng thì cô giáo vội vã chạy tới “cắp” cậu đặt xuống đất. Chỉ cần một cái “cắp” nhẹ là K’rế đã chạm chân xuống đất rồi lao ngay ra sân trường với đôi chân nhún nhảy, đôi tay ve vẩy, nụ cười nở trên môi với vẻ khoái chí.

Trước khi qua đời, khuôn mặt cậu có vẻ sáng hơn và đã hòa nhập được với mọi người. Ảnh: Văn Chương.

Trước khi qua đời, khuôn mặt cậu có vẻ sáng hơn và đã hòa nhập được với mọi người. Ảnh: Văn Chương.

Bên người khổng lồ

Nhớ lần đầu gặp gỡ tí hon và người cha nuôi là thầy Đặng Văn Cương, thầy Cương đã lôi ngay ra một xấp hồ sơ với những lời nhận xét của bác sĩ về căn bệnh hiếm gặp của cậu. Đó là Seckel, bệnh người lùn đầu chim và trên thế giới chỉ có vài trường hợp.

Mà nhìn kỹ  khuôn mặt của K’rế, nhất là ánh mắt của cậu thì đúng là giống như một chú chim chích tội nghiệp. Cậu tí hon nhìn vào ống kính máy ảnh rồi len lén chui dưới gầm bàn, gần chỗ người cha nuôi đang ngồi. Căn phòng làm việc được bài trí đơn giản và không có nhiều ngóc ngách, khe hở như hang chuột. Vì cậu có thể biến mất ở đâu đó giữa những khe tường mà người lớn phải vã mồi hôi mới tìm ra được.

Lần gặp cuối cùng với tí hon tại trường, cậu đã quen với chiếc máy ảnh và không lo ngại với vật đen sì của chúng tôi chĩa vào người. “Có rất nhiều nhà báo, từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đã đến quay phim và chia sẻ câu chuyện của K’rế”, thầy Cương, người cha nuôi của cậu chậm rãi nói và có vẻ phấn khởi với khuôn mặt vui hơn trước đây của tí hon.

K’rế được tôi cù nhẹ vào lưng, cậu mỉm cười rồi chạy dọc cầu thang, chui qua gầm ghế, len vào đống đồ đạc. Cậu cầm chiếc dùi đánh trống và tôi phì cười vì hình ảnh quá ngộ nghĩnh, nổi bật sự tương phản. Đó là một học sinh cùng trang lứa như cậu thì có thể cầm dùi gõ trống, nhưng tí hon thì ôm chiếc dùi ngang người giống như một người bình thường vác cột nhà ngang hông. Cậu tập gõ trống, nhưng chiếc dùi quá nặng nên chả có tiếng trống nào phát ra nổi sau mỗi nhịp gõ.

Vui chơi hồi lâu, K’rế bắt đầu hiện ra sự giận dỗi trong ánh mắt. Miệng tí hon liên tục nói từ gì đó hơi khó hiểu. Một thầy giáo đã quen với “ngôn ngữ” và sự ra hiệu của cậu nên vội vã chạy đi tìm chai nước khoáng. K’rế uống nước ngon lành. Tuy nhiên, nước khoáng không được rót ra cốc, mà rót ra nắp chai. Chỉ 2 nắp là cậu đã ra hiệu “no nước”.

Nhìn K’rế, tôi liên tưởng đến những bộ phim về người khổng lồ của điện ảnh nước ngoài. Hóa ra, đứng bên cạnh tí hon, chúng tôi đã trở thành người khổng lồ. Vì vậy, khi có K’rế xuất hiện thì mọi người bước đi đều phải nhìn xuống đất. Vì một cú dậm chân vô ý cũng có thể khiến K’rế bị thương.

Chiếc cặp, quần áo, đôi giày của cậu là của 3 nước Đức, Mỹ và Úc sản xuất. Cậu đã ra đi trong niềm thương tiếc của nhiều người. Ảnh: Văn Chương.

Chiếc cặp, quần áo, đôi giày của cậu là của 3 nước Đức, Mỹ và Úc sản xuất. Cậu đã ra đi trong niềm thương tiếc của nhiều người. Ảnh: Văn Chương.

Áo quần "đa quốc gia"

Cha mẹ của tí hon ở thôn Gò Da, một nơi khó khăn, heo hút của tỉnh Quảng Ngãi. Thầy Đặng Văn Cương khi đi vận động học sinh tới trường vào thời điểm 5 năm trước đã mủi lòng khi chứng kiến cậu bé quá nhỏ nên nhận về nuôi. Thầy Cương thường nói “cứ cho em vào lớp để em hòa nhập với cộng đồng, nếu để em trong rừng núi với cha mẹ thì rất dễ bỏ mạng vì bệnh tật, bên cạnh đó là ra suối, ra sông chỉ sơ suất một chút là chết đuối”.

K’rế nổi tiếng tới mức có nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã tìm cách kết nối để giúp cậu. Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ghé lại vùng cao để thăm tí hon. Trong thùng quần áo do Việt kiều từ Mỹ gởi về trường tiểu học Sơn Ba để tặng K’rế, có những chiếc áo đóng nhãn Levi’s sản xuất tận San Francico, có chiếc áo sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ, sau đó lại được gởi từ Mỹ về trường; chiếc cặp cậu đeo sau lưng là của Việt kiều ở Đức; còn đôi giày nhỏ nhắn cậu mang là của ông Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh gởi mua từ Úc.

Vì sao có nhiều người gởi mua sắm trang phục cho tí hon? Bởi vì không tìm ra quần áo có kích cỡ vừa với cậu. Phần lớn quần áo gởi về cho cậu đều có khổ quá rộng, nên được mang san sẻ cho các em đang học ở trường. Khó nhất trong số trang phục của cậu là đôi giày. “Cậu rất thích đá bóng, có đôi giày là tí hon vui hẳn lên”, thầy Cương nhớ lại.

Ngày 9/11, những người yêu mến cậu bé tí hon nhận được tin buồn - cậu đã qua đời vì bị bệnh đột quỵ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã gởi lời chia buồn. Ngôi trường tiểu học Sơn Ba nằm ở vùng sâu vùng xa của Quảng Ngãi từ nay sẽ không còn nhiều nhà hảo tâm, nhiều nhà báo tìm đến để thăm cậu và nghe kể câu chuyện cảm động về tình thầy trò. Vì Đinh Văn K’rế - cậu bé mắc bệnh người lùn đầu tim đã về đất, như cánh chim về núi.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất