| Hotline: 0983.970.780

Chuyện chưa kể về trùm ma túy Hiệu "chuột" và chuyên án ma túy lớn nhất TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư 18/07/2018 , 13:51 (GMT+7)

Chuyên án 168H được phá thành công, bắt giữ 7 đối tượng do Phạm Hữu Hiệu cầm đầu, thu giữ tang vật gồm; 179 bánh hê-rô-in, hơn 4 tỷ đồng, 2 xe ô tô và nhiều tang vật khác có liên quan.

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng để có được chiến công xuất sắc này, Ban Chuyên án đã phải cắt cử hàng trăm lượt  trinh sát và lính đặc nhiệm lần theo dấu chân các đối tượng đến nhiều tỉnh, thành phố để thu thập thông tin, nắm bắt quy luật hoạt động của đường dây ma túy cực kỳ nguy hiểm này.
 

Lần theo dấu vết “ông trùm”

Đầu tháng 4/2018, các trinh sát Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, (C47, Bộ Công an) đã phát hiện một đường dây mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn từ Lào về Việt Nam, sau đó đưa vào thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Mỗi lần “giao dịch”, các đối tượng thường vận chuyển từ 100 đến 150 bánh hê-rô-in.

Sau nhiều ngày theo chân các “ông trùm”, trinh sát đã xác định được đối tượng cầm đầu là Phan Hữu Hiệu (hay còn gọi là Chuột, SN 1970, quê Nghệ An), trú tại số nhà 139/6 Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Dưới trướng của Hiệu còn có 6 đàn em thân tín tham gia vào đường dây ma túy khủng này đều trú tại thành phố Hồ Chí Minh.

Với thủ đoạn ma mãnh, hành tung vô cùng bí ẩn, các đối tượng luôn thoắt ẩn, thoắt hiện và thường xuyên thay đổi địa điểm để cắt đuôi lực lượng chức năng theo dõi. Đặc biệt đối tượng Phan Hữu Hiệu luôn thể hiện bản lĩnh “ông trùm”, đối với những vụ có số lượng ma túy nhỏ lẻ ở vùng giáp biên, Hiệu không bao giờ ra mặt mà “ủy quyền” cho đám thuộc hạ thực hiện giao dịch. Hắn chỉ nhúng tay vào những phi vụ làm ăn có giá trị hàng chục ngàn đô trở lên. Vì vậy, Phan Hữu Hiệu thường xuyên đi từ thành phố Hồ Chí Minh sang Lào để bàn bạc, thống nhất việc “giao dịch” ma túy với số lượng lớn.

Đối tượng Phan Hữu Hiệu cùng tang vật trong chuyên án 168H

Cuộc giao dịch thành công, ma túy sau đó được vận chuyển qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình hoặc cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị vào Việt Nam rồi tập kết tại Đà Nẵng. Tại đây, ma túy sẽ được hai “đàn em” thân tín của Hiệu là Bùi Đình Trung, (sinh năm 1970, quê Nghệ An) và Nguyễn Thành Nam, (sinh năm 1981, quê Nghệ An) vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh bằng đường bộ. Sau khi hê-rô-in cập bến tại nhà của Hiệu ở thành phố Hồ Chí Minh hắn sẽ chia nhỏ “hàng” giao cho các đại lý chân rết gồm; Lý Thơ Phước, (hay còn gọi là A Tỷ, sinh năm 1967), Phan Thạch Dinh (sinh năm 1954), Trần Ánh Nguyệt (sinh năm 1962) và Trần Đức Trâm, (sinh năm 1957) đều trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi lần giao dịch thường từ 40 đến 60 bánh hê-rô-in để các đối tượng này bán lại cho các đại lý khác đi tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh.

Xác định đây là đường dây ma túy xuyên quốc gia hoạt động khép kín, mang tính chất, mức độ cực kỳ nguy hiểm. Cục C47 Bộ Công an đã xác lập chuyên án 168H phối hợp với Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) miền Nam, Cục PCMT&TP BĐBP, Tổng cục Hải quan, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Phòng PC47 Công an tỉnh Nghệ An và Phòng PC47 Công an tỉnh Bình Dương để triệt phá.

Chuyên án 168H được xác lập do Đại tá Lê Thanh Liêm, Phó Cục trưởng C47B làm trưởng ban, Thượng tá Nguyễn Thế Anh, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam làm phó ban. Quá trình đấu tranh chuyên án, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng Cục trưởng kiêm Cục trưởng Cục C47 Bộ Công an. Trong chuyên án này, Đoàn đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam đã cử 20 trinh sát tham gia các tổ đánh án, trong đó có 2 tổ giám sát phía các tỉnh miền Trung gồm Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng, 8 tổ giám sát, đánh án một số quận tại thành phố Hồ Chí Minh.
 

“Cất lưới” đường dây ma túy khủng

Dù đã nắm bắt được các “mắt xích” quan trọng trong đường dây ma túy được tổ chức hết sức kín kẽ do Phan Hữu Hiệu cầm đầu, nhưng để hốt trọn “ổ nhền nhện” này là điều không phải dễ. Điều quan trong lúc này Ban Chuyên án đặt ra là phải bắt được toàn bộ đối tượng cùng tang chứng, vật chứng.

Các đối tượng và tang vật 179 bánh hê-rô-in, hơn 4 tỷ đồng và nhiều tang vật khác có liên quan trong Chuyên án 168H

Qua quá trình theo dõi, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát nắm bắt được thông tin, ngày 10/7/2018, đối tượng Pham Hữu Hiệu đáp chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Nghệ An, sau đó đi bằng đường tiểu ngạch sang Lào mua 100 bánh hê-rô-in để vận chuyển vào Việt Nam, dự kiến ngày 12/7 các đối tượng sẽ giao nhận tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi thống nhất được “nguồn hàng”, Hiệu nhập cảnh lại vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh.

Xác định thời cơ phá án, chuyển hóa tài liệu trinh sát, bắt quả tang các đối tượng khi giao nhận và đồng loạt đột nhập vào 7 địa điểm là nơi cất giấu ma túy. Lúc này Ban Chuyên án bố trí 10 tổ công tác đồng loạt triển khai giám sát đối tượng Phan Hữu Hiệu bắt đầu nhập cảnh từ Lào vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và các đối tượng ở những địa điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, đây là nhóm đối tượng cực kì nguy hiểm nên Ban Chuyên án đã tính toán rất kỹ lưỡng, bóc tách để “cất vó” từng tên một.

Đúng như Ban Chuyên án nhận định, vào hồi 17 giờ 30 phút, ngày 12/7, Hiệu thống nhất giao ma túy cho Phan Thạch Dinh và Lý Thơ Phước tại Chung cư Oriental, địa chỉ 685 Âu Cơ, phường Tân Thạnh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Để qua mặt lực lượng chức năng tên “trùm” Phan Hữu Hiệu đã thay đổi chiến thuật, không giao ma túy cho Phan Thạch Dinh mà giao cho Lý Thơ Phước. Nhưng mọi hành động của hắn đã bị Ban Chuyên án bắt bài.

Đúng 10 phút sau, khi Phan Hữu Hiệu đang giao hàng cho Lý Thơ Phước, từ các mũi tấn công, các trinh sát ập vào bắt tại trận Phan Hữu Hiệu và Lý Thơ Phước cùng 60 bánh hê-rô-in. Tiếp tục khám xét nơi ở của đối tượng Lý Thơ Phước thuê để cất giấu ma túy, các trinh sát phát hiện thêm 32 bánh hê-rô-in và hơn 4 tỷ đồng tiền mặt.

Cùng thời điểm trên, tại số nhà 134 Ba Vân, phường 14, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, các trinh sát đã áp sát, khống chế và bắt quả tang đối tượng Phan Thạch Dinh, SN 1954, trú tại số nhà 368B Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Thu giữ tang vật 40 bánh hê-rô-in. Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, các trinh sát thu giữ thêm 47 bánh hê-rô-in. Tại 5 mũi tấn công khác, các trinh sát đã đồng loạt tấn công, bắt giữ các đối tượng có liên quan đến đường dây ma túy “khủng” gồm; Nguyễn Thành Nam, (SN 1981), Trần Ánh Nguyệt, (SN 1962), Trần Đức Trâm, (SN 1957) và đối tượng Bùi Đình Trung, (SN 1970) các đối tượng này đều trú tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đối tượng Phan Thạch Dinh cùng tang vật trong chuyên án 168H

Thượng tá Nguyễn Thế Anh, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam, Phó Ban Chuyên án cho biết: “168H được xem là một chuyên án có sự phối hợp chặt chẽ giữa ý chí và hành động tấn công truy quét tội phạm ma túy. Thành công của chuyên án đã chặt đứt được một đường dây ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn vận chuyển từ Lào về Việt Nam tiêu thụ. Đặc biệt, đây là một chuyên án thành công trọn vẹn từ việc bắt giữ đối tượng và tang vật vụ án đến việc giữ an toàn tuyệt đối về mọi mặt cho lực lượng đánh án”.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm