| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 15/11/2022 , 10:07 (GMT+7)
Xích Lô

Xích Lô

10:07 - 15/11/2022

Chuyện có, chuyện không và hành trình tri thức hóa nông dân

Trên đời này hình như không có gì dễ dàng trả lời hơn câu hỏi: 'Có hay không?'.

Có thì trả lời là có, mà không thì trả lời là không, quá đơn giản như không thể đơn giản hơn được nữa. Cũng tương tự như vậy, nhưng nếu hỏi “tồn tại hay không tồn tại” thì có vẻ hơi phức tạp và trừu tượng hơn! Hình như ngay cả “có” và “không”, “tồn tại” hay “không tồn tại” cũng không hẳn có câu trả lời nhận được sự đồng thuận của tất cả mọi người. Đơn giản là luôn có những những góc nhìn khác nhau, thậm chí còn do cảm xúc khác nhau.

Nhiều người thường tự ti “Quê tôi chẳng có gì”, “Tôi vào đời chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng”… . Do nghĩ vậy nên cám cảnh, tôi nghèo do tôi “chẳng có gì”, quê tôi khó khăn do “quê tôi chẳng có gì”. Do nghĩ rằng “mình không có gì” nên thường ngồi trông đợi người khác đến giúp cho mình, lo cho mình. Vậy là có khẩu hiệu “Chung tay chăm lo cho người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau”. Vậy là có nhiều tổ chức chính trị - xã hội, những nhóm thiện nguyện ra đời. Những việc làm đầy tính nhân văn: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tất cả là đều một mục đích mang những cái “có” đến những người “không có”.

Nhưng ông bà mình đã đúc kết một chân lý: “Của cho không bằng cách cho”. Vậy “cách cho” là gì? Ai là người “có” lo cho người “không có”. Và thật sự thì “có hay không?”.

Có một câu chuyện đáng để cho cả “người có” và “người không có” cùng suy ngẫm. Một nông dân oán thán với một người giàu rằng do “mình không có gì” nên cuộc sống luôn nghèo khó, túng quẫn. Và sau đây là đối đáp giữa hai người. Người giàu: “Anh nói không có gì, vậy tôi xin mua cánh tay anh giá 1 triệu đồng, anh đồng ý không?”. Người nông dân: “Ông đùa à, tôi mất cánh tay thì làm sao còn làm ăn gì được!”.

Và những câu đối đáp tiếp theo vẫn theo cách ngã giá từng bộ phận cơ thể: đôi mắt giá 10 triệu, trái tim giá 100 triệu, bộ não giá 500 triệu… Tất cả đều không được người nông dân chấp nhận dù bất kỳ giá nào. Lúc ấy, người giàu mới nói: Vậy thì anh đâu phải “không có gì”, thậm chí còn “có nhiều” là đằng khác, nào chân tay, nào đôi mắt, nào trái tim, nào khối óc”. Tất cả đều có thể tạo ra của cải, mà của cải chính là tiền kia mà!

Câu chuyện trên để nhắc nhở rằng, nếu chỉ ngồi than vãn “mình không có gì”, thì người nông dân sẽ ngồi trông chờ người “có” đến lo cho mình, từ đó càng trông chờ, càng ỷ lại. Như vậy phải thay đổi “cách cho”. Đó là chỉ cho mọi người rằng “mình đang có” chứ đừng ngồi chìm sâu trong cách nghĩ “mình không có”. Đó là không chỉ mang đến cho người nông dân con cá hoặc cần câu mà còn giúp cho người nông dân nhìn được những cái “mình đang có”.

Từ nhìn được “cái mình có”, biết cách phát huy “cái mình có” thành giá trị. “Cái có” đầu tiên và quan trọng nhất ở tất cả địa phương là có “cộng đồng dân cư”. Nếu cộng đồng được nâng cao sự hiểu biết, chắc chắn sẽ tạo thành sức mạnh, nguồn lực, sức sống trong từng địa phương. Sự hiểu biết cùng với kỹ năng chính là tri thức. Khởi nguồn ý tưởng “tri thức hóa nông dân” bắt đầu là như vậy. 

Như vậy đến lúc phải có cách tiếp cận khác. Phải cung cấp kiến thức, huấn luyện kỹ năng cho bà con nông dân. Người nông dân quanh năm bám ruộng, bám vườn khó có cơ hội tiếp cận tri thức mới. Không tiếp cận cái mới thì vẫn quanh quẩn cách nghĩ cũ, cách làm cũ.

Tri thức hóa nông dân giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm. Tri thức hóa không phải chuyện gì to tát lắm đâu. Tri thức hóa không phải là đưa tất cả bà con đến trường để học dài hạn với những lý thuyết hàn lâm. Những không gian cộng đồng, nhà văn hóa ấp, thôn, bản; những trung tâm học tập cộng đồng cấp xã sẽ là những nơi đều có thể giúp tri thức hóa nông dân.

Những chương trình hướng nghiệp trong các trường phổ thông cũng là nơi ươm mầm thế hệ nông dân tri thức mới. Ngay cả các chương trình “đồng hành cùng nông dân nơi đầu bờ, dưới tán vườn” cũng là những buổi chia sẻ tri thức rồi. Tri thức hóa nông dân không có nghĩa là một lần là xong, một lớp là xong, một chương trình là xong. Phải phát triển dần lên, từ thấp tới cao về không gian học tập, từ thấp tới cao về cấp độ tri thức.

Hình như chúng ta đã quen với tư duy đi từ trên xuống dưới. Tư duy đó sẽ tạo ra sự trông chờ, ỷ lại. Cấp dưới chờ cấp trên, người dân chờ Nhà nước, cộng đồng chờ xã hội. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã có cách tiếp cận khác. Đó là từ dưới lên, từ người dân đến cộng đồng, từ cộng đồng đến xã hội, chính quyền. Đó là cách tiếp cận “phát triển cộng đồng dựa vào nội lực”.

Thay vì tìm hiểu cộng đồng cần gì để hỗ trợ từ bên ngoài thì giúp cộng đồng có gì, chuyển từ cách tiếp cận truyền thống là dựa vào những vấn đề, những khó khăn hay nhu cầu của cộng đồng sang cách tiếp cận là dựa vào những gì mà cộng đồng có hay là tài sản của cộng đồng như tiềm năng nhân lực, con người, các tổ chức cộng đồng và tài nguyên thiên nhiên hay nói cách khác là cách tiếp cận dựa vào nội lực.

Quá trình đó đòi hỏi phải tri thức hóa nông dân, thông qua triết lý xây dựng “xã hội học tập”, nâng cao “năng lực xã hội” của nhiều quốc gia phát triển đi lên từ nông nghiệp. “Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực” cũng là quá trình tri thức hóa nông dân.

“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân!”. Thay vì ngồi do dự, chần chừ, nâng lên đặt xuống, hãy cùng nhau bước những bước đầu tiên trên hành trình tri thức hóa nông dân!