| Hotline: 0983.970.780

Chuyện cổ tích mang tên "cây vua"

Thứ Tư 03/03/2010 , 10:21 (GMT+7)

Bà con bản dân tộc ấp 5 (xã Thanh Hoà, huyện Bù Đốp, Bình Phước) gọi cây điều là "cây vua” khi nó giúp cả bản có của ăn của để, trẻ con được học hành, đường sá mọc lên và ánh điện đang từng ngày bừng sáng…

Nằm heo hút tận cùng vùng đất Đông Nam bộ, giáp ranh biên giới Campuchia, bản dân tộc ấp 5 (xã Thanh Hoà, huyện Bù Đốp, Bình Phước) lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng điều đang độ sung mãn. Bà con dân tộc nơi đây gọi cây điều là "cây vua” khi nó giúp cả bản có của ăn của để, trẻ con được học hành, đường sá mọc lên và ánh điện đang từng ngày bừng sáng…

Chúng tôi về bản dân tộc ấp 5 ngay sau những ngày nghỉ Tết, đúng vào dịp cây điều cho thu hoạch rộ. Trên con đường trải nhựa phẳng lì mới toanh, trưởng bản A.Điềm vừa dẫn chúng tôi đi vừa hào hứng kể: “Đường đẹp thế cũng có công từ cây điều đó. Khi nhà nước kêu gọi, bà con đều vui vẻ trích tiền bán điều ra để đưa cái giao thông nó lại gần hà!”.

Mùi thơm ngạt ngào của những vườn điều chi chít trái mọng đỏ khiến chúng tôi liên tục hít hà như cố thay đổi luồng khí ô nhiễm đầy cát bụi và khói xe nơi Sài thành náo nhiệt. “Không khí trong lành thế này, bà con mình sướng thật…”, tôi nói. Trưởng bản A.Điềm cười khà khà: “Cũng mới sướng gần đây thôi, chứ trước kia hoang vu rừng rú, rắn rết, muỗi vắt, chẳng ai đến đây mà… dám khen bà con sướng đâu!”.

Mải mê trò chuyện, mọi người đi lọt vào khu vườn điều rộng ngút tầm mắt của già làng A.Ray mà không hề hay biết. Đang lúi húi thu nhặt những trái điều chín rơi vãi la liệt khắp khu vườn, già làng A.Ray lấy tay quệt mồ hôi nhễ nhại, cất tiếng: “Chào đồng bào, đồng bào đi đâu nớ?”. Trưởng bản A.Điềm tiếp lời: “Tới thăm già đây. Vụ này già thu hoạch tốt hà?”. “Tốt, tốt” già làng A.Ray oang oang nói, rồi cất tiếng cười to vọng vang cả núi rừng.

Là một trong những người đầu tiên vào chinh phục vùng đất từng là chốn khỉ ho cò gáy, 20 năm trước, già làng A.Ray người dân tộc Nùng rời quê hương Cao Bằng đến đây lập nghiệp. Cả một vùng đất rộng mênh mông sát biên giới Campuchia chỉ toàn cây cỏ, rắn rết và muỗi vắt cũng khiến A.Ray không hiếm khi nản lòng. Nhưng vốn là một nông dân cần cù, chịu khó, lại có lời động viên khích lệ của người bạn đời và cả gánh nặng từ 2 đứa con thơ, A.Ray quyết tâm gây dựng cơ đồ. Từ những năm tháng làm thuê làm mướn vất vả, vợ chồng A.Ray tích góp được một số tiền nhỏ liền mua ngay một mảnh đất rộng 1ha và bắt đầu gây dựng “câu chuyện cổ tích” với cây điều. “Cũng là làm thử thôi, ai dè cây điều dễ trồng, lại cho thu nhập đều đặn và khấm khá quá” – già làng A.Ray nhớ lại thời điểm bước ngoặt cuộc đời mình. Vậy là thừa thắng xông lên, chỉ qua vài vụ bán điều, A.Ray đã tậu thêm 4 ha nữa và tiếp tục trồng thêm hàng trăm gốc điều rộng ngút tầm mắt. Đến nay thì già làng A.Ray đã dư của ăn của để, thậm chí còn giúp vốn không lấy lãi cho nhiều hộ đồng bào mới lập nghiệp trong nhiều năm qua.

Thành quả đạt được của A.Ray xây dựng từ lòng ý chí, nghị lực quyết tâm chinh phục núi rừng, biến đất hoang cỏ dại thành những vườn điều trù phú, hiệu quả kinh tế đã nhanh chóng vang xa và có sức hút mãnh liệt. Một làn sóng chuyển cư của đồng bào các dân tộc Nùng, Tày, Stiêng… theo gương A.Ray vào đây lập nghiệp đã nhanh chóng làm đổi thay bản dân tộc ấp 5. A.Minh người dân tộc Nùng, một trong những người đầu tiên noi gương A.Ray, giờ đã có trong tay 4 ha trồng điều nhớ lại kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình: “Ngay khi đến, chứng kiến cảnh đồng bào bị sốt rét, không thuốc chữa, nhiều người đã chết khiến tôi rất sợ. Rồi chính tôi bị sốt rét, vật vã chống chọi với bệnh tật bằng những phương thuốc tự nhiên của núi rừng nên càng thấy những đổi thay của vùng đất này thật như… trong mơ”. A.Minh cũng kể trước đây bắt được con cá, chẳng bao giờ có mỡ để rán, chợ thì cách xa hàng chục cây số và chỉ có mỗi cách đi bộ vài giờ để trao đổi, mua bán vài thứ lặt vặt. Giờ thì đường nhựa đã chạy về tận bản, xe máy nhà nào cũng sắm, riêng A.Minh có 2 chiếc, còn A.Ray có tới 4 chiếc xe để giao dịch bán điều, chở phân thuốc và đi chơi những dịp lễ Tết.

Ông Mai Văn Rạng – Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Hoà:

Bản dân tộc ấp 5 có 179 hộ với 795 nhân khẩu, hầu hết là người các dân tộc Nùng, Tày, Stiêng, Khơme. Khi mới đến đây lập nghiệp tất cả đều rất nghèo, nhưng cây điều đã thay đổi vùng đất này và giúp nhiều hộ trở nên khá giả. Bản dân tộc ấp 5 hiện chuyên canh 250 ha điều, chiếm gần 50% diện tích trồng điều của toàn xã.

Hiện tại chúng tôi đã giao cho Hội Nông dân tiếp tục mở các lớp khuyến nông phát triển cây điều, đồng thời ưu tiên đầu tư chuyển giao KHKT, giống điều mới, thâm canh tăng năng suất để phát huy hết tiềm lực của loài cây “vua” ở những vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc.

Tiếp bước A.Ray, A.Minh, nhiều hộ đồng bào dân tộc đến đây lập nghiệp cũng thành công và nhanh chóng tạo dựng một bản làng mới chuyên canh cây điều. Người dân ở đây thường lấy hộ nông dân Vi Văn Mình dân tộc Nùng, hiện có 6 ha trồng điều để minh chứng cho cách gọi cây điều là cây “vua” của mình. Khi mới vào lập nghiệp, ông Mình mang theo tới 7 đứa con nheo nhóc, nhưng giờ cả 7 người con đều được ông dựng vợ, gả chồng, có nhà cửa, công việc ổn định, tất cả đều nhờ vào vườn điều. Rồi các hộ như Liêu Văn Pín dân tộc Nùng, Triệu Thị Hoa dân tộc Tày, Triệu Thị Nhình dân tộc Tày… đều có nhà cửa khang trang, kinh tế khá giả nhờ những năm tháng gắn bó với cây điều. Trưởng bản A.Điềm khoe: “Năm 2006 bà con nơi đây còn hùn tiền kéo tới 2km lưới điện tới tận bản đấy. Chính cây điều đã góp công đưa ánh sáng về tới bản làng chúng tôi”.

A.Điềm tiếp tục dẫn chúng tôi đi dọc ngang các tuyến đường trong bản để minh chứng cho những lời nói của mình. Điều trưởng bản A.Điềm “sướng” nhất là bà con dân tộc dù tứ xứ tới lập nghiệp nhưng các lễ hội văn hoá như ném còn, đập niêu, đẩy gậy, kéo co hay những làn điệu hát then, đàn tính… của các dân tộc vẫn được gây dựng và phát triển. Nhà văn hoá cộng đồng tại đây được xây dựng rất rộng rãi, khang trang và trở thành điểm sinh hoạt, giao lưu văn hoá rất thường xuyên của bà con các dân tộc. “Thành quả lớn nhất là 100% trẻ em tại bản chúng tôi đều biết cái chữ anh à!” - Trưởng bản A.Ray sáng ngời đôi mắt khi chỉ tay về phía ngôi trường tiểu học Thanh Hoà, nơi hàng trăm con em đồng bào bản dân tộc ấp 5 đang học tập, vui đùa dưới mái trường ngói đỏ, tường mới rợp bóng mát cây điều.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.