| Hotline: 0983.970.780

Chuyện con cá, mớ rau đến cái ô tô

Thứ Tư 23/10/2013 , 10:40 (GMT+7)

Khăm Chăn (bản Noỏng Phông, huyện Hạt Xai Phoong, thủ đô Viên Chăn, Lào) ngắm cảnh gặt hái nhộn nhịp ở “ruộng lúa chuyên gia” bằng con mắt tò mò, lạ lẫm.

Khăm Chăn (bản Noỏng Phông, huyện Hạt Xai Phoong, thủ đô Viên Chăn, Lào) ngắm cảnh gặt hái nhộn nhịp ở “ruộng lúa chuyên gia” bằng con mắt tò mò, lạ lẫm.

>> Năm ngày trên đất Vạn Tượng

Nhà Khăm Chăn vụ này cấy 1 ha nhưng chỉ thu được có 1,5 tấn thóc, vừa đủ cho đôi vợ chồng già ăn cả năm. Cách Khăm Chăn trồng lúa như sau: Sạ vãi bằng tay rồi để đấy chẳng bón phân cũng không trông nom gì đến vụ thu hoạch nếu lúa có hạt thì gặt nếu ít quá để cho… chim ăn. Sở dĩ ông không mặn mà với hạt lúa bởi đã có nghề mối lái cho cánh buôn bò và đang sở hữu một chiếc ô tô van 9 chỗ để bão dưỡng cho đôi chân những lúc đi tìm mối tại các bản xa.

Noỏng Phông, một bản nghèo điển hình vùng ngoại ô Viên Chăn, nhiều nông dân cũng nhạt lòng với nghề nông như Khăm Chăn bởi họ đang dắt lưng những nghề khác kiếm tiền dễ hơn.

Bản có 513 hộ nhưng có 75 chiếc ô tô con, một tỉ lệ được cho là rất khiêm tốn so với nhiều vùng nông thôn khác ở Lào. Trong mỗi gầm nhà sàn của một gia đình nông dân Lào thường có một chiếc ô tô bán tải. Đến mùa vụ thùng xe dùng để chở phân, chở giống ra ruộng, hết vụ nó lại là phương tiện để cả nhà đi mua sắm ở siêu thị hay rong chơi ăn uống đâu đó ngoài thành phố thậm chí sang cả các tỉnh lân cận của Thái Lan.

Trong mỗi ga ra của một nhà dân ở thành thị Lào thường có 2-3 cái ô tô, những nhà cán bộ cỡ to còn có 5-7 cái. Ô tô cho chồng, ô tô cho vợ, ô tô đi chơi, ô tô đi làm thậm chí ô tô cho người giúp việc.

Chính phủ Lào đánh thuế ô tô rất thấp nên giá ô tô mới chỉ bằng già nửa ô tô ở Việt Nam còn giá xe cũ chỉ bằng cỡ phần ba. Sở hữu xe hơi là chuyện nhỏ, không đáng tính, kiểu như xe máy ở ta vậy.

Đất đai dạo này ở Lào bỗng có giá theo sự đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn, đối tác người Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan khiến giá bán mỗi ha cỡ rơi vào cỡ 1 tỉ đồng tùy vào độ tốt xấu, gần xa.


Đường sá ở thủ đô Viên Chăn khá thông thoáng

Đất tốt và bằng phẳng thường được trồng cà phê, cao su bởi thế ở xứ Vạn Tượng mới có câu: “Khôn trồng cây cao su. Ngu trồng cây báng súng (cây tếch)”. Cây báng súng thẳng tắp, gỗ rất tốt và nhẹ nhưng phát triển chậm, đã trồng là xác định để hồi môn lại cho con, cho cháu còn cao su trồng dăm bảy năm đã có thể cạo ra muôn, ức, vạn kíp mỗi ngày.

Dọc đường Thà Đừa từ Hạt Xai Phoong về Viên Chăn tôi thấy bày la liệt những sạp trên đó chồng chất những quả dưa ngọt mà thoạt trông đã phải nén quay đi nuốt nước miếng đến ực. Kêu tài xế dừng lại định mua thì Su Văn, một cán bộ Sở Nông nghiệp bỗng nháy mắt ra hiệu cho tôi một cách tế nhị.

Xe tiếp tục chạy một quãng xa anh mới thủng thẳng bảo lý do: “Ăn dưa đó cẩn thận có thuốc sâu đau bụng đấy”. Dăm ba năm gần đây, một số nông dân Lào đã bắt đầu sử dụng và mê… thuốc trừ sâu dù phần đa thực phẩm của họ vẫn từ nguồn tự nhiên cung cấp.

Ở những chợ vùng nông thôn hay thành phố người ta có thể thấy bày bán ngan ngát từ những đùi lợn rừng còn nguyên lông lá loàm xoàm, những chậu dế mèn, châu chấu, những thúng tổ ong nhộng con nào cây nấy to ngang con nhộng tằm, những con cá sông Mê Kông nặng cả yến, những mớ rau hoang dại…

Mùa mưa ở Lào vốn khắc nghiệt điển hình cho xứ nhiệt đới với 6 tháng lút trời khiến cho mọi loại rau trồng hầu như bị dập nát hết. Các chuyên gia Việt Nam lại phải hướng dẫn dân bản làm bốn cái nhà lưới để thí nghiệm trồng các loại rau gia vị như xà lách, hành lá.

Đã sạch lại còn độc quyền, các loại rau trồng nghịch vụ kia bán giá hơn rau chính vụ mươi, mười lăm lần khiến người trồng rất thích. Hướng tới của mô hình trồng rau trong nhà lưới sẽ là thay thế khung sắt đắt tiền bằng khung tre, khung gỗ sẵn có để có thể mở rộng ra nhanh hơn.

Đất Triệu Voi chỉ có cấp thành phố, tỉnh, huyện rồi xuống bản chứ không hề có xã. Đã có một thời ở Lào người ta định thử nghiệm gom mấy bản vào thành một xã nhưng rồi lại thôi.

Thủ đô Viên Chăn dài cỡ dăm bảy chục cây số nhưng dân cư cả thảy chưa quá 800.000 người. Ở phố mà nhà ai hầu như cũng có vườn cây bao quanh, có ghế đá hoặc xích đu làm chỗ nghỉ, có ga ra để “nhốt” vài chiếc ô tô.

Tốc độ tăng dân số khá nhanh nhưng mật độ dân thưa thớt khiến dăm ngày tại đất Lào tôi chưa hề thấy một người mang bầu. Khác hẳn với ở Việt Nam đi đâu cũng ninh ních những phụ nữ bụng lùm lùm, bụng ung ủng, bụng tròn vo, nặc nè di động như những chú gấu Bắc Cực.

Dân chín giờ mở cửa hàng, bốn giờ đóng cửa, mười giờ tối đường phố đã vắng ngơ, vắng ngắt, chỉ còn ánh sáng vàng vọt hắt ra từ những bóng đèn tiết kiệm điện năng được giăng mắc từ Viên Chăn đến sân bay quốc tế.

Lào là sự quần cư của các bộ tộc nhưng ý thức chấp hành luật pháp của họ khá tốt. Giữa đêm khuya chẳng có bóng công an nào vẫn thấy người dân đứng nhẫn nại dưới mưa chờ đèn chuyển tín hiệu.

Quốc gia này có một quy định rất độc đáo là phụ nữ làm công sở hay nữ sinh đều phải mặc váy. Tất thảy váy đều cùng một kiểu với chân váy dài ngang bắp chân, dĩ nhiên không có chuyện “lộ hàng” ầm ĩ như ở ta.

Mười mấy năm làm chuyên gia ở Lào, anh Nguyễn Văn Duẩn thú thật chưa bao giờ anh nhìn thấy cảnh đánh nhau hay tiêm chích, còn trộm cắp thì có một lần nghe kể nhưng cũng chỉ là trộm vặt.

Viên Chăn là thiên đường cho những cơ hội kiếm tiền. Ở đó tôi nghe thấy đủ thứ tiếng Việt, Bắc -  Trung - Nam. Ở đó tôi thấy đủ thứ Việt Kiều lẫn Việt Nam chính hiệu sang bán kem, mực, võng đến hàng ăn, sửa chữa xe máy, cắt tóc, gội đầu. Mỗi tháng một lao động chân tay ở Lào có thể thu nhập từ 10-15 triệu đồng.

Công thức phổ biến cho người Việt tại Lào là thủa hàn vi bán hàng ăn sau dăm bảy năm khấm khá rồi chuyển sang xây nhà hàng, khách sạn. Thu nhập bình quân đầu người của Lào ước khoảng trên 1.200 USD nhưng tại thủ đô Viên Chăn con số ấy phải nhân lên gấp năm gấp bảy lần.

Một bát phở hạng xoàng ở đây đã 50.000đ, bát trung bình 70.000 đồng, bát đặc biệt lên tới 100.000 đồng mà nhiều quán buổi sáng tôi thấy nườm nượp các chị giúp việc hay các bà bán hàng rong ra vào, ăn uống.

Gần khách sạn La Ong Dao ở quận Sisattanak nơi tôi ở trên đường phố bày bán rất nhiều chậu hoa sen, hoa súng và cả những chậu lúa bông còn đang uốn câu. Những chậu lúa như gửi gắm cả ước mơ xuất khẩu gạo của nước Lào.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất