| Hotline: 0983.970.780

Chuyện con gái du học và bạn trai bản xứ

Thứ Sáu 12/12/2014 , 08:25 (GMT+7)

Nó báo tết này sẽ đưa cậu bé về để giới thiệu với ba mẹ và em. Chuyện quá nhanh cô ơi, cháu chưa nắm bắt được gì thì đã bị đặt trước chuyện đã rồi vậy đó.

Cô Dạ Hương kính!

Vợ chồng cháu đều là viên chức, đồng lương ổn định, đã mua sắm nhà cửa từ sớm nhờ hồi chưa có các dự án, giá đất rẻ như bèo. Nhờ thế nên ngoài tiền lương chỉ đủ ăn, chúng cháu cũng có nhà cho thuê, đủ lo cho con cái ăn học.

Sự học ở nước mình ngốn hết tâm sức của dân mình, tiền bạc, phòng thân, dự trữ tuổi già, quỹ đau ốm… đúng không cô?

Chúng cháu cũng có hai con trong tiêu chuẩn như mọi người, gái lớn và trai út. Vì sinh khó nên sau khi có con đầu lòng, cháu ngán sợ nên đứa nhỏ cách đứa lớn tới 10 tuổi.

Cô gái lớn của cháu năm nay đã 20, còn đứa em nó thì còn tuổi tiểu học. Nuôi con bây giờ thấy thăm thẳm đó cô, vì tốn kém và công phu, âu lo quá.

Chồng cháu rất thương con nên anh làm thêm nhiều việc, không có ngày cuối tuần. Cháu thì có một số phòng trọ để lui tới, thôi thì đủ thứ việc bận rộn cô ơi.

12 năm con gái học trường công, lại phải học thêm suốt nên khi con vào đại học, chồng cháu cho nó học trường quốc tế ngay. Học phí khá cao, anh lo được và loại trường này năm thứ ba là phải sang nước ngoài học.

Chúng cháu đã chuẩn bị tinh thần và tiền bạc cho việc đó. Nơi con gái cháu đến có mấy người bạn của cháu có thể nhờ vả được. Nhưng sang bên đó rồi mới biết, nhập gia tùy tục, văn hóa bản địa nó làm thay đổi quan hệ và cả lời hứa đi.

Con gái cháu chỉ ở nhờ nhà bạn cháu được có mấy tuần. Thấy người ta khó chịu, nó thư về, nó sẽ bỏ ra ngoài ngay. Vì cho nó ở nhờ thì căn phòng ấy người ta thất thu mà bên ấy người ta cho thuê phòng trong nhà, tiền thuê tính bằng tuần đó cô.

Vậy là, cô biết không, tiền chúng cháu chuẩn bị cho nó phát sinh kinh khủng. Tội nghiệp con gái cháu cô ơi, xứ lạ quê người, chân ướt chân ráo, tiền nhà cao gấp ba lần tiền ăn cô ạ.

Sợ chúng cháu lo không nổi, nó bươn chải làm thêm. Làm đến không có thời gian nấu ăn nữa. Một đứa con rời xa mình, giống như chim non rời tổ, chưa đủ lông đủ cánh mà mưa gió tơi bời. Cháu khóc mỗi ngày đó cô.

Nhưng mới đây, nó mail, nó chat, nó cho xem ảnh một đứa con trai mới 19 tuổi. Chúng nó quen nhau ở chỗ làm thêm, cậu này gia đình bên ấy, mà gia đình họ cũng lạ, ở gần mà con họ vẫn đi ở ngoài, làm thêm, vừa học vừa tự nuôi sống bản thân.

Nó báo tết này sẽ đưa cậu bé về để giới thiệu với ba mẹ và em. Chuyện quá nhanh cô ơi, cháu chưa nắm bắt được gì thì đã bị đặt trước chuyện đã rồi vậy đó.

Chồng cháu giận dữ, bảo con nít con nôi, mới qua mà học thói tự do, bảo con bất hiếu. Đưa con du học, chưa vui gì, đã thấy buồn thêm buồn cô ạ.

Cô giúp cháu lời khuyên đi cô.

---------------------

Cháu thân mến!

Câu chuyện con du học ngày nay, có lẽ là chuyện nằm bàn của mọi gia đình trung lưu Việt Nam. Các cháu như vậy là vừa gặp may, cũng vừa giỏi xoay sở nữa đó. Không phải ai cũng nhìn thấy một đám bèo hay một ruộng rau muống sau này sẽ thành đất vàng đất bạc đâu.

Du học là con đường nhiêu khê nhưng lại hiệu quả. Tuy vậy, đúng như cháu viết, nó ngốn hết tâm sức, tiền bạc và cả niềm vui của những gia đình đáng ra, sự học nước nhà ít nhếch nhác, thì họ sẽ được bên nhau mỗi ngày, thấy nhau, lo cho nhau, hạnh phúc.

Đưa con đi, có người ngất xỉu ở sân bay ấy chứ. Và từ đó, không có tiếng cười trọn vẹn cho những người ở nhà, nơi mà một người du học bỏ lại phía sau.

Vậy mà chuyện đâu đã suôn sẻ. Miếng cơm nhà người, giấc ngủ nhà người phập phồng làm sao. Cô thông cảm chứ, tiền của người mình bao giờ chả ít mà “bắn” con đi thì tiền núi chứ không đùa.

Có lẽ vì thế mà con gái cháu đã tìm thấy một chỗ dựa ở chàng trai bản xứ ấy. Rủi hay may? Sao không nghĩ là nó giỏi, vẫn đi làm, vẫn đi học mà có đôi có lứa để tựa nhau vẫn hơn chứ?

Người mình định kiến trai trẻ hơn thì vô lo hơn. Không hẳn vậy, vì cháu cũng biết rồi, chàng nàng bên ấy 18 tuổi là rời nhà, tiền học vay Chính phủ, tiền ăn ở tự lo, cha mẹ có của vẫn không giúp gì. Đó là văn hóa, là thói quen, là quan niệm, để con người tự lập, đứng thẳng bằng đôi chân của mình.

Cô không nghĩ chuyện trầm trọng như chồng cháu nghĩ. Nếu mình không cho con nó đưa bạn trai về thì làm sao duyệt hay không duyệt?

Và ở bên ấy, văn hóa cá nhân bao trùm, chúng cũng đâu có kiêng dè gì chuyện ăn riêng hay ngủ riêng, chúng có ngày rộng tháng dài để tìm hiểu chán chê nhau kia mà.

Nên nghĩ, hay là cô con gái mình có hiếu ở chỗ, nó chọn một giải pháp đi nhanh, để định cư, quốc tịch, quyền lợi và bao thứ nữa cho nó và em trai nó nữa.

Vui lên, lạc quan lên, như bao gia đình ở các nước văn minh họ tung con lên trời, như cánh chim và mất hút, chỉ có thư và ảnh gửi về thì sao?

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất