| Hotline: 0983.970.780

Chuyện dài hạt lúa 3.000 năm nảy mầm: Trường hợp của lúa

Thứ Tư 02/06/2010 , 10:34 (GMT+7)

Các giống lúa cổ điển Á châu chịu ảnh hưởng quang kỳ, chỉ phát hoa khi gặp ngày ngắn (dưới 14 giờ kể cả hoàng hôn và rạng đông, tháng 10, 11), và hạt phải hưu miên (dormancy) 3-5 tháng...

Mẫu lúa được bảo quản ở Viện lúa Quốc tế
Việt Nam cũng là cái nôi nguồn cội của lúa Á châu (Oryza sativa) và các giống lúa hoang dại như “lúa ma” (Oryza rufipogon) vùng Đồng Tháp, hay Oryza nivara mọc hoang trong đồng lúa khắp nơi. Vì nằm trong vùng ảnh hưởng gió mùa, trải qua hàng vạn năm tiến hóa thích nghi để sinh tồn, lúa nẩy mầm vào đầu mùa mưa (tháng 5, 6), phát hoa trổ đòng vào cuối mùa mưa (tháng 11, 12), hạt phát triển và lúa chín đầu mùa khô (tháng 1), hạt rụng xuống đất và ngủ yên trong đất cho tới khi gặp mưa thật nhiều (để bảo đảm không bị chết nếu khô hạn), nẩy mầm và sinh trưởng cho chu kỳ mới.

Vì vậy, các giống lúa cổ điển Á châu chịu ảnh hưởng quang kỳ, chỉ phát hoa khi gặp ngày ngắn (dưới 14 giờ kể cả hoàng hôn và rạng đông, tháng 10, 11), và hạt phải hưu miên (dormancy) 3-5 tháng cho tới khi có đầy đủ nước để bảo đảm sinh tồn. Đó là đặc tính chung của các giống lúa cổ điển, như các giống “lúa mùa”, “lúa muộn” ngày xưa. Các giống tân tiến do con người tuyển chọn, với khuynh hướng không quang cảm (để có thể trồng bất cứ mùa nào trong năm), không hay ít hưu miên (để mau nẩy mầm khi có nước), vì vậy chu kỳ từ gieo đến chín khoảng 100-150 ngày, tùy giống, nhờ vậy có thể làm 2-3 vụ lúa/năm. Các giống lúa rẫy cổ điển cũng diễn tiến như vậy, nhưng độ hưu miên ở hạt nhiều hơn, hạt nẩy mầm chậm hơn cả tháng sau trận mưa đầu mùa để bảo đảm sinh tồn.

Về đặc tính tồn trữ, lúa thuộc loại tồn trữ “hạt-ưa-khô”, vì vậy có thể tồn trữ khô, hay tồn trữ ẩm. 

Trường hợp tồn trữ khô: tuổi thọ tối đa sẽ bao nhiêu?

Như đã trình bày ở phần trên, tuổi thọ tối đa ở mỗi nhiệt độ tồn trữ (ví dụ trong hầm ở Thành Dền là 20ºC) chỉ đạt được ở ẩm độ tối thích, m=4,6% (tương ứng với 10% rh ở 20ºC).

Thay thế công thức (1): v = Ki - p/10KE - CWlog10m - CHt - CQt2 (xem chi tiết NNVN số 108) với các hằng số của lúa Á châu (Oryza sativa): KE = 8,096; CW = 4,246; Ki = 2,3263 (nẩy mầm 99% trước khi tồn trữ); t = 20ºC; CH = 0,0329 và CQ = 0,000478. Bài tính cho biết tuổi thọ (độ nẩy mầm giảm từ 99% xuống còn 5%) là 107.560 ngày, tức 295 năm. Nếu hầm ở Thành Dền có nhiệt độ 15ºC, tuổi thọ sẽ là 190.459 ngày, tức 522 năm. Muốn sống 3.000 năm, tức 1.095.000 ngày, hầm Thành Dền phải có nhiệt độ -5 ºC (độ âm).

Nếu loài lúa ngày xưa thật hoang dại, như lúa rẫy Phi châu (Oryza glaberrima) thì tuổi thọ bao nhiêu? Thay thế công thức (1) với KE = 8,786, CW = 4,727 của loài lúa Phi châu. Bài tính cho biết tuổi thọ (độ nẩy mầm giảm từ 99% xuống còn 5%) là 253.434 ngày, tức 694 năm tồn trữ ở 20ºC. Nếu hầm ở Thành Dền có nhiệt độ 15ºC, tuổi thọ sẽ là 448.762 ngày, tức 1.229 năm. Muốn hạt lúa sống 3.000 năm, tức 1.095.000 ngày, hầm Thành Dền phải có nhiệt độ 6ºC.

Không phải dễ dàng giữ ẩm độ hạt không thay đổi ở 4,6% trong suốt 3.000 năm. Chỉ có thể với silica gel và phải chứa trong bình thủy tinh khằn kín. Ở lu vại đất nung, chỉ sau 10 năm, ẩm độ hạt sẽ gia tăng. Tro bếp cũng là chất làm khô (desiccant), nhưng rất yếu. 

Trường hợp “tồn trữ ẩm” sẽ cho tuổi thọ tối đa bao nhiêu? Như đã nói ở phần trên, muốn tồn trữ ẩm thành công, hạt lúa phải hưu miên thật mạnh, trong lúc lúa Á châu chỉ hưu miên trong 3-4 tháng tối đa ở nhiệt độ 30ºC. Lúa Phi châu có hưu miên nhiều hơn. Hiện tại, không có thí nghiệm nào về tồn trữ ẩm cho hạt lúa, chỉ biết rằng tuổi thọ không cao. Kinh nghiệm của nông dân ở vùng “lúa ma” Đồng Tháp, sau khi đào mương lập vườn, lúa ma nẩy mầm nhiều trong năm đầu, nông dân diệt trước khi phát hoa, thì năm sau mọc ít hơn, và như vậy tiếp tục trong 5 năm, trong vườn không còn lúa ma khi mùa mưa đến. Lúa ma Mỹ châu (Zizania palustris) có hưu miên rất mạnh nhưng tuổi thọ không quá 5 năm khi tồn trữ ẩm ở nhiệt độ 5ºC.  

Reading (UK), 22/5/2010. 

* Vài hàng về tác giả: 6 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Phân Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ, và 30 năm nghiên cứu tại Seed Science Laboratory, Đại học Reading (Anh quốc). Ông là tác giả của 7 quyển sách và trên 80 bài nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí khoa học Âu Mỹ, đề cập chung quanh các vấn đề khoa học và kỹ thuật hạt liên hệ đến ngân hàng hạt giống.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.