| Hotline: 0983.970.780

Chuyện đặt tên

Chủ Nhật 05/05/2019 , 09:10 (GMT+7)

Người bình dân miền Bắc hay gọi con là thằng cu cái đĩ. Âu yếm mà cũng để tránh cái tên thật dù ai cũng có tên thật. Tên khai sinh sẽ được đích danh khi đứa con vừa lớn.

Nhưng thường thì ở trường lớp tên của mình là của mình, ở làng ở phố đứa con hay bị gọi kèm với tên bố tên mẹ. Ví như cu ấy con nhà bà Bằng (mà Bằng là tên của chồng, vợ lấy chồng phải chịu mất tên).

Hình mang tính minh họa

Người bình dân miền Nam có hai cấp nếu nhìn vào cách đặt tên con. Bình dân thấp nhất thường không mơ ước cao xa. Họ cũng không sành chữ, họ cứ những vật dụng hay cây lá gần gũi mà đặt cho con. Thằng Lờ con Lọp, thằng Đen con Mén, thằng Gộc con Mắm. Người ít bình dân hơn thì thằng Biền con Bông, thằng Học con Vấn, thằng Sang con Mới…

Đa số nhà có chữ ở hai miền đều tìm chữ có nghĩa để đặt cho con. Chữ thông dụng nhưng ý nghĩa và khiêm nhu. Họ chuẩn bị sẵn những cái tên đẹp cho một đàn con, vì vậy nhìn vào tên các đứa con thì biết ngay gia đình ấy có học hay không, ấy là chưa kể những gia đình danh giá kỹ càng hết mức với việc đặt tên con. Xin không được đơn cử vì kê ra thì hoặc là thiên vị trong bài báo hoặc mắc lỗi chưa xin phép mà đã. Tóm lại, miền Bắc cội nguồn, ngày trước cái tên cho con nói lên gia cảnh hoặc gia thế của người đó. Miền Nam chân chất đất mới nên ngoài những cái tên đặc trưng buồn cười, đa phần đều có cái tên không cần hoa mỹ, trừ những gia đình tây học và giàu có nức danh.

Không biết từ bao giờ, địa danh của chúng ta đã bị biến tướng chói gắt, lộ liễu, chướng tai. Ví như ở ven Cần Thơ có những cái tên xưa nghe đã thấy yêu và muốn tìm về: Long Tuyền, Giai Xuân, Mỹ Khánh, Bình Thủy. Thật thơ mộng, rõ nghĩa và dịu dàng. Nhiều nơi khác thời ấy địa danh cũng na ná êm đềm Phương Ninh, Phụng Hiệp, Mỹ Tú, Bình Minh… Không khí đặt tên mới nghe cho oách cho kêu ở miền Bắc rõ hơn: Thành Công, Quyết Chiến, Tiến Lên, Nhất Định, Thắng Lợi…

Tên cho con, tên cho người cũng trào lưu nghe cho nóng, cho kêu, cho mạnh mẽ, cho đã tai. Anh Chiến Binh, anh chiến binh suốt cả một đời ư? Chị Thi Đua, chị thi đua mãi mà không mệt sao? Anh Thành Đạt, anh đã thành đạt chưa anh? Chị Nhân Nghĩa, chị có thực sự nhân nghĩa mãi mãi mọi nơi mọi lúc không? Anh Công Danh, anh mơ công danh gì vậy anh? Chị Hồng Chuyên, có chắc chị hồng chuyên không chị? Anh Quyết Tâm, anh quyết tâm chuyện gì vậy anh? Vân vân và vân vân. Có những gia đình chuẩn bị sẵn tên cho một bầy con: thằng Thông con Minh, thằng Thành con Đạt, thằng Sung con Túc. Nhưng người mẹ chỉ sinh được năm người con rồi kết thúc ở đứa Sung, thế là thiên hạ tha hồ ghép để đùa vui và để cợt nhã nữa. Có những người muốn gia tộc mình đỏ thắm đã chuẩn bị một dãy tên: Thừa Thắng Xông Lên Nhất Định Như Ý, nhưng người vợ ngưng đẻ ở cái đứa Như. Dở dang thực sự, không biết sẽ như cái gì!

Có những cái tên mà người thấu đáo sẽ không đặt cho con mình. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thái Học, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Đình Chiểu… Và dù có khát vọng con mình sẽ là bác học thì người ta cũng tránh những cái tên Lê Quý Đôn, Lương Định Của, Tạ Quang Bửu…

Không ít gia đình thực sự kỹ càng cả chữ lót cho con, ví như Hiển sẽ không ghép với Vinh để là Vinh Hiển, ví như Dũng sẽ không lót bằng hùng để con khỏi phải cả đời Hùng Dũng, ví như Tài sẽ không đi cùng với chữ phát để khỏi cho con số mệnh phải Phát Tài, ví như Vọng thì chữ lót không nên là kỳ để khỏi phải băn khoăn rằng nó đã được Kỳ Vọng. Tên là mệnh mà cũng là vận, tránh trước để con không phải đau khổ vì cái tên quá nổi bật, quá kêu hoặc quá trái khoáy với con người của mình. Da không sáng mà cứ phải là Bạch Tuyết, trí óc tầm tầm mà cứ phải là Trí Tuệ, người lỡ lùn tè mà tên lại là Hữu Cao. Vân vân và vân vân.

Năm ấy tôi viết trên mục “Tiếng nói nhà văn” của báo Văn Nghệ một ý kiến ngắn về việc đặt tên người. Số là Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội dạo đó là ngài Lê Quý Đôn với những phát ngôn hay gây sửng sốt (như nhiều quan chức hay nói sảng bây giờ). Bài báo lên, trong cuộc bình báo đầu tuần ấy, ngài Phó tổng biên tập cơ quan tôi nói độp: “Đồng chí Dạ Ngân có biết rằng bài báo của đồng chí vừa làm tan mảnh đất mà Hà Nội hứa cấp cho chúng ta làm thêm một khu tập thể nữa hay không? Tên của người ta do cha mẹ người ta đặt, can hệ gì viết báo xỏ xiên”.

Không sao cả. Làm báo và xây xước, chuyện thường. Những đứa trẻ không có quyền với cái tên của nó. Nhưng cha mẹ chúng không thể vô can trong chuyện hết sức quan trọng này, xin các chàng các nàng cha mẹ tương lai cẩn trọng.

(Kiến thức gia đình số 18)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất