| Hotline: 0983.970.780

Chuyện đế vương sinh ra sau giấc mơ rồng

Thứ Năm 01/02/2024 , 11:55 (GMT+7)

Các vị quân vương xưa được coi là có xuất thân tôn quý, được mệnh danh là 'thiên tử' thay trời hành đạo, trị quốc an dân.

Thế nhưng “con trời” lại do người trần thế sinh ra, thế nên dân gian đã đặt ra nhiều thuyết lạ với những chi tiết li kỳ về họ, trong đó có câu chuyện về những giấc mơ hạ sinh ra đế vương nhuốm màu sắc huyền bí, khác thường.

Việc ghi chép sử liệu bằng văn bản ở nước ta xuất hiện muộn, manh nha từ thời Lý và đến đời Trần mới có một số các tác phẩm, chính vì vậy chuyện từ đời Tiền Lê trở về trước phần lớn ghi chép ngắn gọn, tản mạn nên hậu thế ít biết được các thông tin thú vị về các đế vương ở những thời kỳ đó. May mắn là các nguồn giai thoại dân gian về sau được ghi lại trong thư tịch thần tích, ngọc phả đã cung cấp thêm những điều hay, điều lạ trong đó có những giấc mơ báo trước về việc sẽ có những người là bậc trí thánh phi phàm ra đời.

Trẻ em cưỡi rồng (tranh Lê Thái Dũng vẽ lại).

Trẻ em cưỡi rồng (tranh Lê Thái Dũng vẽ lại).

Giấc mộng rồng giáng, sinh người tuấn kiệt

Con người tuấn kiệt đó chính là Lý Nam Đế - vị hoàng đế đầu tiên của nước ta, ông tên thật là Lý Bí, xuất thân trong một gia đình thế gia, “đời đời là hào hữu”.

Người tuấn kiệt hẳn phải có huyền tích ly kỳ, theo truyền tụng đất Thụy Anh (nay thuộc huyện Thái Thụy, Thái Bình) thì thân mẫu của Lý Nam Đế sắp đến ngày sinh, vì có việc gấp phải đi, đến chùa ấp Quang Lang gặp mưa giông, trời lại sắp tối, bèn vào chùa xin trú qua đêm. Đến giờ Thìn, xuất hiện ánh hào quang rồi rồng vàng giáng xuống, bà trở dạ sinh con trai, đặt tên là Lý Bí.

Trong bản “Việt Thường thị Tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ lục” cũng viết: “Một hôm Thái bà nằm nghỉ ở ngoài sảnh đường thiếp đi, bỗng thấy trời đất tối đen, ngước nhìn thấy từ trên trời có đám hào quang ngũ sắc, trong đó có hai rồng, một màu trắng, một màu vàng, cùng tranh giành sao Thái dương. Sao Thái dương bỗng nhiên dáng xuống miệng Thái bà, rồng vàng giáng thẳng xuống bụng Thái bà. Thái bà bỗng tỉnh dậy, biết đó là giấc mộng, liền nói với Thái ông. Thái ông nói rằng theo như báo mộng thì tất thị nhà ta có phúc lớn… Vào giờ Thìn ngày 12 tháng 9 năm Quý Tỵ sinh hạ một nam. Thần tướng lẫm liệt, diện mạo khác thường, mày như mày vua Nghiêu, mắt như mắt vua Vũ, lưng như lưng vua Thang, quả là không phải người thường. Khi sinh có mây sa sầm, mưa gió nổi lên, hương thơm đầy phòng, khí lành tràn ngập trong phòng”.

Mẹ vua Triệu và giấc mộng rồng vàng uốn mình giáng thế

Theo thần tích làng Thiện Đăng, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định thì ở huyện Chu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây có hào trưởng Triệu Túc nổi tiếng nhân nghĩa, sống lương thiện. Vợ ông là Hàn Thị Siêu một đêm nằm mơ thấy có ánh hồng rực sáng khắp phòng, một lát sau có con rồng vàng uốn mình bay vào, sà xuống chỗ bà nằm. Bà ôm đầu rồng vào lòng. Khi tỉnh dậy bà đem giấc mộng kể lại cho chồng, ông Triệu Túc mừng rỡ nói:

- Tôi xem gia phả họ ta, vào đời tam đại có thầy địa lý đặt cho một ngôi đất tốt, một trăm năm sau mới phát một đời, trước làm tướng sau làm vua. Nay nàng mộng thấy ôm được đầu rồng, đó làm điềm lành. Rồng là biểu tượng đế vương, nhà ta ắt sẽ sinh con làm vua.

Từ đó bà Hàn Thị Siêu mang thai, trong thời kỳ thai kỳ phòng của bà thường có ánh hào quang sáng rực chiếu vào. Sau đó, bà sinh được người con trai tuấn tú, khôi ngô kỳ vỹ…, lúc sinh có hương thơm ngào ngạt. Nhân đó người cha đặt tên con là Triệu Quang Phục. Đến khi trưởng thành, Triệu Quang Phục rất chăm chỉ đọc sách, rèn luyện võ nghệ nên giỏi văn giỏi võ, lại có chí lớn. Khi Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, Triệu Quang Phục đã cùng cha đem lực lượng theo giúp, lập nhiều công lớn trong sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập cho đất nước. Nhà nước Vạn Xuân được thành lập, Lý Bí lên ngôi hoàng đế (Lý Nam Đế), phong Triệu Quang Phục làm Tả tướng quân…

Mấy năm sau giặc Lương lại sang xâm lược, thế giặc mạnh, Lý Nam Đế rút vào động Khuất Lão (nay thuộc Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) rồi lâm bệnh mà mất. Triệu Quang Phục thì đem quân vào đầm Dạ Trạch (nay thuộc xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) dựa vào vùng đầm lầy ngập nước đánh du kích, cuối cùng chém được chủ tướng giặc khiến quân Lương phải rút chạy về nước. Sau đó Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương, đúng như lời nói của người cha năm xưa: “Phát một đời, trước làm tướng sau làm vua”.

Tiên cưỡi rồng (tranh Nam Chi).

Tiên cưỡi rồng (tranh Nam Chi).

Đám mây rồng và chuyện ra đời vua Đinh Thiếu Đế

Sử sách chép rằng vua Đinh Tiên Hoàng có nhiều vợ, trong đó có 5 người được lập làm hoàng hậu, một là Đan Gia, hai là Trinh Minh, ba là Kiểu Quốc, bốn là Cồ Quốc, năm là Ca Ông.

Về các bà hoàng hậu, không rõ tên họ chính xác nhưng dã sử có nhắc đến một số giai thoại về họ. Bấy giờ có bà hoàng hậu họ Dương và hoàng hậu họ Trịnh một hôm ngồi hóng mát ở hồ Liên Hoa trong cung cấm Hoa Lư thì bất ngờ có một đám mây kéo dài một dải thành hình một con rồng lớn có màu hồng, sau đó chuyển thành màu vàng bay lượn trên đỉnh núi Đại Vân. Được một lát, đám mây hình rồng vàng bay sà xuống trước mặt hai hoàng hậu rồi hóa thành hai con chim sẻ bay qua bay lại trước mặt. Hoàng hậu họ Dương nhanh tay bắt được cả hai con và đưa cho Hoàng hậu họ Trịnh. Sau đó cả hai bà đều mang thai, Hoàng hậu họ Dương sinh hoàng tử Đinh Toàn, Hoàng hậu họ Trịnh sinh hoàng tử Đinh Hạng Lang cách nhau chỉ mấy tháng và cùng trong năm Giáp Tuất (974).

Vua Đinh rất vui mừng nên vào đầu năm Mậu Dần (978) đã lập Hạng Lang làm hoàng thái tử, phong Đinh Toàn làm Vệ Vương. Thế nhưng hai hoàng tử đều có hậu vận không tốt, dân gian cho rằng đám mây rồng biểu tượng cho chân mệnh đế vương nhưng mây tụ rồi tan không vững, cho nên Hạng Lang được phong làm Thái tử tưởng sẽ được kế vị ngôi vua vậy mà bị ám sát vào mùa xuân năm Kỷ Mão (979), đến tháng 10 năm đó Đinh Tiên Hoàng cũng bị ám sát, Đinh Toàn được tôn làm vua. Ở ngôi chưa được bao lâu thì đến tháng 6 năm Canh Thìn (980), Đinh Toàn bị phế truất với tước Vệ Vương thời Tiền Lê, rồi tử trận trong một lần theo Lê Đại Hành đi dẹp loạn năm Tân Sửu (1001).

Lê Đại Hành, rồng bay trên vầng thái dương

Lê Đại Hành tên thật là Lê Hoàn, người Ái Châu (Thanh Hóa), vị vua sáng lập ra nhà Tiền Lê. Theo bản ngọc phả “Tiền Lê tam vị hoàng đế” ở đền Bảo Thái (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) thì cha của ông tên là Lê Hiền, lấy vợ người xã Trường Yên Hạ (nay thuộc Hoa Lư, Ninh Bình) tên là Đặng Thị Khiết. Một hôm bà Đặng Thị mơ thấy cưỡi rồng lên trời ôm được vầng thái dương mang về, rồi sau đó có mang, tới ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu (941) sinh ra một trai mặt mũi khôi ngô, tinh thần sáng suốt bèn đặt tên là Hoàn. Ngày qua tháng lại, khi lên bảy tuổi, chẳng may vận nhà gặp cơn nguy biến không lường trước được, ông Lê Hiền tự nhiên không bệnh qua đời, bà cũng tiếp theo từ giã cõi trần. Từ đó gia kế cùng quẫn, Lê Hoàn phải tìm đến nương nhờ ông quan Sát sứ họ Lê”.

Còn trong chính sử, chuyện lạ kỳ về việc ra đời của Lê Đại Hành được viết như sau: “Cha vua là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị; khi đang mới có thai, chiêm bao thấy trong bụng nở ra hoa sen rồi kết thành hạt sen, bà lấy đem chia cho mọi người nhưng phần mình lại không ăn. Tỉnh dậy, bà lấy làm lạ lắm, đến ngày 15 tháng 7 mùa thu năm Tân Sửu (941) khi sinh nhà vua. Đặng Thị thấy phong thai hình dáng đều khác thường, bà nói với mọi người rằng: Thằng bé này về sau ắt đại quý! Được vài năm thì mẹ chết, cha ít lâu sau cũng qua đời. Có viên Quan sát họ Lê ở Ái châu trông thấy vua cho là người khác thường, vì là người cùng họ nên nhận làm con nuôi. Một hôm mùa đông giá rét, vua phải nằm phục xuống như hình cái cối úp, chẳng dè đêm ấy, nhà sáng rực cả lên vì có con rồng vàng nằm che lên cho…” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Long vân khánh hội (tranh Nam Chi, theo phong cách tranh Hàng Trống).

Long vân khánh hội (tranh Nam Chi, theo phong cách tranh Hàng Trống).

Rồng tranh nhau mặt trời và bi kịch của hai vị vua nhà Tiền Lê

Lê Đại Hành ở ngôi 25 năm (980 - 1005), mất tháng 3 năm Ất Tị (1005), thọ 64 tuổi; sau khi ông mất người con thứ ba được vua lựa chọn kế vị là Lê Long Việt chưa kịp đăng quang thì các anh em đem quân tranh giành ngôi báu đến 8 tháng mới dứt. Sau đó Lê Long Việt lên ngôi nhưng mới được 3 ngày thì bị em trai là Lê Long Đĩnh giết chết để đoạt ngai vàng.

Tương truyền sự việc đau lòng về chuyện vì ngôi báu mà anh em chém giết lẫn nhau, dường như đã có điềm báo trước trong giấc mơ của thân mẫu hai vua Trung Tông, Ngọa Triều. Theo dã sử, mẹ của hai vua sau một lần đi cầu tự, lúc trở về cung nằm mơ thấy hai con rồng từ trên trời bay xuống hóa thành hai đứa bé trai tranh nhau mặt trời, một đứa nói:

- Ta là anh, sao dám tranh giành với ta?

Đứa bé kia ngần ngừ một lát rồi trao trả mặt trời sau đó quay đi, nhưng suy nghĩ một lát nó chạy lại cầm dao đâm anh gục xuống mà nói:

- Mặt trời là của báu của thiên hạ, anh thì anh, ta cứ giành cho được.

Sau đó đứa bé ấy cướp lấy mặt trời chạy đi. Bà Diệu Nữ giật mình tỉnh giấc, lòng lo lắng bất an. Ít lâu sau bà có mang, đến năm Quý Mùi (983) sinh một người con trai, nhớ lại giấc mơ rồng giáng hạ mới đặt tên con là Long Việt; năm Bính Tuất (986) sinh thêm một người con trai nữa đặt tên là Lê Long Đĩnh. Hai người con sau này đều làm vua, đó chính là Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều và bi kịch em giết anh cướp ngôi đã diễn ra đúng như trong giấc mộng năm xưa của người mẹ.

Chạm rồng đình Đức Hậu (Sóc Sơn, Hà Nội), niên đại thế kỷ XVII - XVIII. Ảnh: Hiếu Trần.

Chạm rồng đình Đức Hậu (Sóc Sơn, Hà Nội), niên đại thế kỷ XVII - XVIII. Ảnh: Hiếu Trần.

Con rồng trong sự tích lạ kỳ về sự ra đời của vua Lê Lợi

Theo thần tích giáp Trung Lê, xã Như Quỳnh, huyện Gia Lâm, xứ Kinh Bắc (nay là thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) thì thân thế và sự ra đời của Lê Lợi (tức Lê Thái Tổ) - vị vua đầu tiên của nhà Hậu Lê hoàn toàn kỳ lạ và khác hẳn những ghi chép trong chính sử.

Bản thần tích cho biết cha vua là Lê Đức, người ở sách Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, xứ Thanh Hoa (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) do gia cảnh sa sút phải làm nghề buôn gỗ, sau đó đến ngụ cư ở thôn Tiểu Lê, xã Như Quỳnh, huyện Gia Lâm. Do chăm chỉ làm ăn nên một thời gian sau trở nên giàu có, ông Lê Đức cưới một người vợ tên là Lê Thị Quế, người bản thôn. Một lần ông Lê Đức lên núi Tản Viên, tình cờ gặp một cụ già là thầy phong thủy, ông mới tâm sự về lòng mong mỏi có con trai nối dõi. Cụ già liền dắt ông lên cao trên đỉnh núi rồi chỉ vào tượng một con rồng đá ngậm ngọc mà nói:

- Đây là huyệt quý, trời đã định cho ông từ lâu, nếu táng vào đó ắt sẽ sinh con là Thiên tử. Việc này phải cẩn thận, đừng tiết lộ thiên cơ.

Nói xong cụ già biến mất. Theo lời chỉ dẫn, ông Lê Đức đem hài cốt cha táng vào đó, phút chốc trời đất tối tăm mù mịt, kiến mối đùn đất xông lên thành một ngôi mộ lớn. Cũng trong đêm đó, bà Lê Thị Quế mơ thấy hai con rồng vàng từ trên trời bay xuống, bà bắt được bỏ vào mồm nuốt. Từ đó có mang 14 tháng thì sinh một bọc có hai con trai tướng mạo hùng vĩ, lúc bà sinh thì có đám mây vàng bay đến phủ khắp nhà, lại có chim thú trên rừng đến hội tụ. Được 100 ngày, ông Lê Đức đặt tên con lớn là Lê Lợi, con thứ là Lê Thận, khi trưởng thành đều là bậc quý nhân có chí khí.

Sau này Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh rồi lên ngôi vua, Lê Thận được phong là Thái phó quốc công. Một hôm Lê Thận về thăm thôn Tiểu Lê, đang yến tiệc cùng dân làng thì trời nổi cơn cuồng phong rồi ông hóa, có con rồng vàng từ người ông vút lên không trung rồi biến mất. Vua Lê được tin em mình đã mất rất đau buồn, đã cho xây đền thờ, ban sắc phong Thượng đẳng phúc thần, cho dân Tiểu Lê xã Như Quỳnh là nơi thờ chính.

Chạm rồng trên vì nách đình Chu Quyến (Ba Vì, Hà Nội), niên đại thế kỷ XVII - XVIII. Ảnh: Hiếu Trần.

Chạm rồng trên vì nách đình Chu Quyến (Ba Vì, Hà Nội), niên đại thế kỷ XVII - XVIII. Ảnh: Hiếu Trần.

Chuyện cầu tự và giấc mộng rồng vàng giáng hạ

Vua Lê Thánh Tông có nhiều con (14 hoàng tử, 20 công chúa), trước khi mất, ông để di chiếu truyền ngôi cho người con cả là Lê Tranh (có tên khác là Lê Sanh, Lê Huy).

Theo chính sử thì Lê Tranh (tức vua Lê Hiến Tông) do bà Trường Lạc sinh ra, chuyện ra đời của vị hoàng đế này cũng nhuốm màu sắc ly kỳ: Trước đây, (Lê) Thánh Tông chưa có con nối, Quang Thục hoàng thái hậu (mẹ vua Thánh Tông - tác giả) đã từng cầu đảo, sai (Nguyễn) Đức Trung đến cầu ở am Từ Công núi Phật Tích, chiêm bao thấy đến trước mặt thượng đế cầu hoàng tự. Thượng đế phán: "Cho sao Thiên Lộc làm con Nguyễn thị". Nói rồi cho ẵm đến ngồi ở trước. Bấy giờ, Trường Lạc hoàng thái hậu ở cung Vĩnh Ninh, tức thì có mang. Đến khi đủ ngày tháng, chiêm bao thấy rồng vàng từ trên trời sa xuống, bay vào trong phòng, một lát sau thì sinh ra vua. Vua sinh vào ngày mồng 10 tháng 8, năm Tân Tỵ, Quang Thuận năm thứ 2 (1461). Xét bài "Thiên Phúc tự bi ký" của Nguyễn Bá Bằng có nói: Trường Lạc hoàng thái hậu có điềm rồng vàng nhập vào sườn bên tả” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Về chuyện Trường Lạc nằm mộng mà sinh ra hoàng tử, có nhiều tài liệu ghi chép lại, như sách "Đại Việt thông sử" ngoài các thông tin trên còn cho biết: “Đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, bà lại nằm mộng thấy rồng vàng từ trên trời hiện xuống, bay vào nơi bà ở; trong chốc lát thì sinh ra hoàng tử, đó là vua Hiến Tông”. Ngoài ra, trên tấm văn bia "Đại Việt Lam Sơn Dụ lăng bi" đặt tại lăng vua Lê Hiến Tông ở Lam Sơn (Thanh Hóa) soạn năm Giáp Tý (1504) cũng có viết như sau: “Quang Thục Hoàng Thái hậu từng làm lễ cầu đảo, một đêm mộng thấy đến chỗ Thượng đế khẩn cầu sinh được hoàng tử. Thượng đế nói: “Cho Thiên Lộc làm con Nguyễn thị”, rồi cho ẵm về. Bấy giờ Thái hậu vừa mới vào ở cung Vĩnh Ninh thì có mang, khi đủ tháng, mộng thấy rồng vàng từ trên trời bay vào chỗ ở, một lát thì sinh vua "Hiến Tông)”.

Rồng giáng nhà thuyền chài và sự ra đời vị vua đầu nhà Mạc

Mạc Đăng Dung là người mở đầu triều Mạc, quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng); xuất thân làm nghề đánh cá sau thi đỗ Đô lực sĩ rồi dần dần thăng tiến đến tước Vương, nắm đại quyền trong triều đình Lê sơ. Khi triều đình nhà Lê suy thoái, dân tình nghèo đói, xã hội phân ly, năm 1527, Mạc Đăng Dung đoạt ngôi lập ra triều Mạc và cho xây Dương Kinh ở Nghi Dương với nhiều lăng tẩm, cung điện nguy nga tráng lệ, nhiều đình chùa, đạo quán khang trang, đẹp đẽ.

Thuận điềm xuất chấn thừa quyền,

Trời cho họ Mạc thiên nhan xem chầu.

Đất thiêng cấu khí đã lâu,

Rồng vàng hùm chiếu bấy lâu lạ dường.

Truyền rằng cha của Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá và lái đò chở khách qua sông, mẹ ông bán quán nước tại bến đò; hai vợ chồng hiền lành, cơ chỉ và không ham của cải nên được một thầy địa lý giỏi đặt cho một ngôi đất phát đế vương. Ít lâu sau người vợ có mang, bà nằm mơ thấy một con rồng đỏ từ trên trời giáng xuống bay vòng quanh thân bà 9 lần rồi chui vào trong bụng. Khi Mạc Đăng Dung sinh ra, tướng mạo khôi ngô, thân thể to lớn khác người, dân chúng đồn nhau rằng đứa trẻ đó sau này ắt sẽ có sự nghiệp lớn. Câu chuyện vợ chồng lão lái đò sinh quý tử cho đến nay vẫn được người dân trong vùng lưu truyền mãi.

Vua Khải Định “khoe” về giấc mộng giáng sinh lạ kỳ của mình

Các vị quân vương xưa luôn coi mình có xuất thân tôn quý, được xưng tụng là “thiên tử” (con trời), nhưng “con trời” lại do người trần thế sinh ra, thế nên người đời và sử sách đã đặt ra nhiều thuyết lạ với những chi tiết li kỳ bao quanh xuất thân và sự ra đời của những vị vua để tăng thêm vẻ uy nghi, oai dũng của họ nhằm quy phục và cố kết lòng người trong thiên hạ.

Các câu chuyện nhuốm màu huyền bí đó đều do sử sách và người đời thêu dệt, không có một vị vua nào tự nói về điều này, ngoại trừ Khải Định. Trong một bản dụ ban bố với toàn quốc vào ngày mồng 2 tháng 9 năm Bính Tý (1916), vua Khải Định “khoe” rằng:

“Tháng 9 năm Ất Dậu niên hiệu Đồng Khánh, Tiên mẫu bấy giờ đang có thai sắp sinh nở, ban đêm buồn ngủ chợt mộng thấy Rồng thần chui từ dưới đất lên, nước từ vòi phun ra ướt hết cả trong cung. Lát sau lại có bốn vị Thiên quan áo mũ cực kỳ chỉnh tề đứng thành hai hàng nghênh đón một đồng tử áo vàng, tóc dài rủ xuống, cùng bước lên bàn hương. Rồi vị đồng tử đó nhập vào bụng Tiên mẫu mà biến mất. Tiên mẫu hoảng hốt bừng tỉnh, rồi sau đó sinh ra quả nhân” (Theo "Khải Định chính yếu sơ tập").

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.