Đồng hành vượt qua mưa bão
Những bóng người nhạt nhòa trong mưa. Những con đường bắt đầu trắng xóa, loang loáng nước. Thành phố lùi xa, thôn xóm ngoại thành thu gần dần vào trong tầm mắt. Cuối cùng thì con đường nội đồng cũng không thể đi được nữa vì lồi lõm ổ gà, bê bết bùn đất, chúng tôi buộc phải rời ô tô để dầm mưa, cuốc bộ đến trang trại giữa đồng không mông quạnh của anh Nguyễn Đình Lượng ở xã Đại Đồng huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
Đi được nửa chừng thì thấy gia chủ ra đón. Gặp nhau mà ai nấy quần áo đều ướt sũng, rét run người. Chưa ngồi ấm chỗ thì anh Nguyễn Duy Nam-Trưởng phòng quản lý quỹ -Trung tâm Khuyến nông Hà Nội giục phải ra chuồng bò ngay. Lại tiếp tục đội mưa để xem 4 con bò nái, 6 con bê tơ trong đó 2 con giống mới 3 B đẹp như tranh vẽ, khe khẽ ngoáy đuôi, miệng kêu ậm ò đón nắm cỏ non từ tay chủ. Mấy năm nay kinh tế khó khăn, lại cộng thêm dịch bệnh triền miên nên người nông dân rất khó tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ đầu tư. May nhờ có nguồn quỹ của Trung tâm khuyến nông Hà Nội mà anh Lượng cũng như nhiều nông dân khác đã vượt qua được cơn 'giông gió' của thị trường.
Không giấu nổi vẻ tự hào anh Lượng nói: “Bò dạo này được giá, bê lai Sind 6 tháng tuổi năm ngoái chỉ được 7-8 triệu thì nay được 10-12 triệu tùy đực cái, còn loại mới 3 B 6 tháng tuổi được tới 16-17 triệu bất kể là đực hay là cái”. Kỳ này trong phương án vay vốn khuyến nông của anh, nếu được duyệt 200 triệu thì sẽ mở rộng quy mô nái lên 20 con. Để đáp ứng cho đàn bò lớn đó, ngoài khu chuồng trại đang sử dụng anh còn mới xây thêm một khu nữa rộng hơn 100m2, máng ăn, máng uống đầy đủ, mượn thêm 2 mẫu ruộng để trồng cỏ voi, cỏ xả lá to làm thức ăn. Một lợi thế nữa là trong vùng hiện đang có nhiều người trồng ngô nếp bán bắp làm quà nên sẵn thân lá thừa có thể xin về để bổ sung chất thô xanh cho bò.
Đây là lần thứ hai anh Lượng làm phương án vay vốn quỹ khuyến nông. Lần trước, vào năm 2018 anh vay 200 triệu để nuôi vịt đẻ, làm ăn khấm khá đã trả xong cả gốc lẫn lãi cách đây mấy tháng nên lần này dấn tới mở rộng đàn bò vì thấy giá luôn ổn định và ít dịch bệnh hơn con lợn, con gà: “Lãi suất rẻ, 6 tháng mới trả một lần phí đã đành mà cô Kiều Thị Hải phụ trách quỹ của Trạm Khuyến nông Thạch Thất còn thường xuyên qua lại trại của tôi, hỏi vịt bao nhiêu ngày tuổi, ăn cám gì, dùng thuốc gì, nhắc nhở sử dụng vốn đúng mục đích kẻo lần sau sẽ không cho vay nữa”…
Rời trại bò của anh Lượng chúng tôi sang trại vịt đẻ quy mô 3.000 con của anh Nguyễn Văn Vui ở xã Lại Thượng huyện Thạch Thất để xem xét kỹ hệ thống ao, vườn và không thể thiếu chuồng nuôi dù đối với gia cầm thì yêu cầu này không cao như gia súc. Anh Vui có một xưởng mộc nhỏ, mang tính thời vụ còn nghề chính vẫn là chăn vịt đẻ với kinh nghiệm đã trên mười năm. Tôi hỏi anh tại sao biết được đến quỹ khuyến nông để làm phương án vay thì anh trả lời: “Trước đây tôi vẫn vay ngân hàng nhưng vừa qua thấy một số hộ trong vùng vay được vốn VAC (anh vẫn quen miệng gọi vốn vay khuyến nông là vốn vay VAC-PV), lãi suất thấp chỉ 0,5%/tháng, thời hạn 2 năm chỉ phải trả lãi 4 lần, trả gốc 1 lần nên mới tiếp cận để mở rộng sản xuất. Lứa vịt trước tôi đã bán loại thải hết vì đến thời điểm đẻ kém, giờ chỉ đợi vốn là vào lứa mới thôi. Nếu thời gian vay được kéo dài hơn 2 năm thì tốt cho nhà nông lắm…”.
Ngoài Phòng quản lý quỹ thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thì còn có 19 tiểu ban quỹ ở các quận, huyện thuộc Trạm Khuyến nông trong đó Trưởng tiểu ban là lãnh đạo Trạm, 1 cán bộ kỹ thuật và 1 hợp đồng lao động phụ trách quỹ nên luôn đồng hành cả về kỹ thuật lẫn tài chính, thị trường với nông dân
Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp
Qua huyện Thạch Thất chúng tôi trực chỉ hướng thị xã Sơn Tây. Chị Khuất Thúy Thỏa-Trưởng Trạm Khuyến nông tranh thủ thời gian trên xe cho biết trên địa bàn có hơn 1.000 ha đất lúa thì khoảng hơn 300 ha bỏ hoang vì canh tác khó khăn do thủy lợi bị chia cắt trong quá trình đô thị hóa, vì hiệu quả sản xuất thấp mà công lao động mỗi lúc lại cao. Bởi thế mà giờ đây phát triển nông nghiệp của thị xã chủ yếu theo hướng chăn nuôi tập trung. Để hỗ trợ cho nhu cầu vốn của bà con, hiện 18 hộ đã được vay quỹ khuyến nông và Trạm đang xem xét duyệt các phương án sản xuất mới.
Chuyện một hồi đã đến trại của chị Nguyễn Thị Lâm ở xã Sơn Đông người vừa vào lứa gà công nghiệp trắng 6.000 con, mới 34 ngày tuổi chúng đã to lớn lộc ngộc. Đây là giống gà nuôi theo kiểu siêu tốc, ở trong chuồng khép kín, suốt ngày vục đầu vào máng thức ăn nên tăng trọng rất nhanh, mỗi lứa từ lúc vào đến lúc ra thị trường chỉ 45 ngày. Dù giá gà loại này đang xuống rất thấp, chỉ 22.000đ/kg nhưng chị Lâm bảo với chúng tôi phải tính giá bán trung bình của cả năm. Có nhiều thời điểm giá trên 30.000đ/kg thậm chí 40.000đ/kg trong khi giá hòa vốn tính cả khấu hao chỉ là 23.000đ/kg.
Sau một thời gian tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, thị trường tiêu thụ, để nuôi ước mơ khởi nghiệp nông nghiệp chị đã đầu tư gần 1 tỉ đồng dựng lên một trại gà diện tích 570m2 theo đúng quy cách. Vẫn còn thiếu vốn, chị bàn với chồng thế chấp mảnh đất của bố mẹ cho để làm phương án vay quỹ khuyến nông thêm 300 triệu nữa...
Chỉ trong một buổi sáng chúng tôi phải đi thẩm định tới 6 trường hợp nên ra khỏi trại của chị Lâm lại sang phải các trại khác cách xa nhau cả vài cây số. Thời tiết thất thường cộng thêm dịch bệnh Covid 19 hoành hành đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nhiều hộ. Hơn bao giờ hết nguồn vốn quỹ khuyến nông là thứ rất quý giá, mang tính bệ đỡ đối với họ.
Anh Nguyễn Duy Nam bảo với tôi rằng quỹ khuyến nông dành để cho vay các khoản vốn lưu động như giống, thức ăn, thuốc thú y, công lao động…trong đó người dân phải đối ứng 50% để tăng thêm tính trách nhiệm. Khi thẩm định phương án vay với chăn nuôi phải xem xét kỹ tài sản thế chấp ra sao, ý kiến nguyện vọng của hai vợ chồng thế nào và cả trang trại, nhà kho, địa điểm trồng cây thức ăn nữa. Nuôi bò chuồng phải được hơn 4m2/con, nuôi lợn chuồng phải được hơn 1m2/con, nuôi gà vịt chuồng phải khoảng 10 con/m2…Có cơ sở vật chất, đường điện, đường nước đàng hoàng dẫn vào trại chứ không phải là cái lán chơ vơ giữa cánh đồng…Trong quá trình sản xuất của những hộ được duyệt vay, cán bộ chuyên quản về quỹ của Trạm khuyến nông huyện, thị phải thường xuyên đến để xem sử dụng vốn có đúng mục đích không, nếu sai sẽ phải thu hồi ngay.
Mưa mỗi lúc một tầm tã, ô không đủ, áo mưa cũng không ai kịp mang nhưng mọi người vẫn xăm xăm lội vào chuồng, xông ra vườn hay hỏi han gia chủ một cách rất tỉ mỉ. Đến tận 1 giờ chiều chúng tôi mới được ăn cơm trưa mà không ai có một lời ca thán, phàn nàn.
Hà Nội là nơi duy nhất trong cả nước có quỹ khuyến nông, được ngân sách thành phố cấp lần đầu khi thành lập năm 2002 là 5 tỉ đồng và bổ sung hàng năm cùng nguồn trích từ phí quản lý quỹ. Hiện tổng nguồn kinh phí của quỹ đạt hơn 199 tỉ đồng, đã giải ngân cho hơn 3.700 lượt hộ vay với số vốn quay vòng trên 700 tỷ đồng. Các phương án vay vốn phát triển sản xuất và phát triển cơ giới hóa cơ bản có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân Thủ đô, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, an toàn , góp phần thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.