| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi cây trồng chưa đủ sức hấp dẫn

Thứ Sáu 20/06/2014 , 08:10 (GMT+7)

Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha chuyển đổi SX cho nông dân trồng lúa sang cây trồng khác ở ĐBSCL. 

Với mức hỗ trợ chuyển đổi như trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân có vốn đầu tư, song vẫn chưa đủ sức hấp dẫn.

Tầm nhìn

Số tiền này giúp nông dân cải tạo hệ thống canh tác phù hợp điều kiện SX cây trồng mới, nhưng vẫn chưa hấp dẫn cái mà họ cần là đầu ra sản phẩm. Đó là chưa kể tới nhiều rủi ro, dịch bệnh trong quá trình canh tác cây trồng mới.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi ở ĐBSCL cần tổ chức theo quy trình SX tiên tiến như chọn giống tốt, kỹ thuật canh tác phù hợp để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế đặt ra theo từng phân khúc thị trường.

Chọn lựa cây trồng có sản phẩm chính và phụ phẩm đều tiêu thụ tốt. Bên cạnh đó, tính toán theo chuỗi giá trị để nông dân có thể tái đầu tư, duy trì SX thì chuyển đổi mới thật sự bền vững.

Ở một số nước khi thực hiện dự án chuyển đổi có sự tính toán và bảo đảm hiệu quả từ khâu SX đến tiêu thụ, nông dân tin tưởng áp dụng nên ít khi bị thất bại.

Hơn nữa, các nước phát triển công nghiệp có vùng SX chuyên canh lớn, công tác quy hoạch, định hướng thị trường tốt và còn có sự trợ giá SX cho nông dân dưới nhiều hình thức nên khả năng cạnh tranh cao. Trong khi đó SX nông nghiệp ở nước ta nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ. Đó là một trong những trở ngại lớn.

Ở ĐBSCL, giống cây trồng, vật nuôi rất phong phú, đa dạng. Hơn nữa, nông dân rất nhạy bén tiếp thu, ứng dụng TBKT mới. Vấn đề là tìm thị trường đầu ra sản phẩm tốt, đảm bảo có lãi từ đó sẽ kích thích họ mạnh dạn chuyển đổi SX. Tránh khuyến cáo trồng cây gì, nuôi con gì mà đầu ra sản phẩm chưa có.

Tạo sự đồng bộ

Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã hình thành được hệ thống mạng lưới trên 300 tổ hợp tác SX, CLB với hơn 10.000 nông dân tiên tiến có trình độ canh tác tốt ở khắp các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Các tổ hợp tác, CLB được duy trì hoạt động thường xuyên. Có thể nói đây là hạt giống chuyển giao TBKT thuận lợi trong việc chuyển đổi cây trồng.

Trường ĐH Cần Thơ trước đây thông qua các dự án chuyển giao kỹ thuật SX cho nông dân giống lúa chất lượng cao (CLC) và quy trình canh tác tiên tiến “1 phải 5 giảm” giúp gia tăng hiệu quả SX.

Nhưng đối với vùng SX nhỏ khi chuyển sang trồng lúa CLC vẫn không trở thành vùng nguyên liệu, cộng với ảnh hưởng của xuất khẩu gạo CLC có giá chỉ ngang với lúa thường nên nông dân không mặn mà chuyển đổi. Mặc dù ĐBSCL hiện tại có nhiều tổ hợp tác SX, CLB nông dân giỏi, cán bộ nông nghiệp địa phương giàu kinh nghiệm.

Có thể đơn cử thêm, ở ĐBSCL trước đây trong mục tiêu phát triển đa dạng sinh học nhằm bảo đảm an ninh lương thực, có lựa chọn một số cây trồng luân canh trên nền đất lúa như khoai môn, khoai mỡ, khoai lang, khoai mì thích nghi theo vùng sinh thái phèn, mặn ở các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu rất phù hợp, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa (trong điều kiện cung chưa vượt cầu).

Tuy nhiên, khi trồng nhiều, sản lượng tăng, khâu tiêu thụ lại gặp khó (như khoai lang ở Vĩnh Long, khoai môn ở Đồng Tháp) dẫn đến không ít nông dân thua lỗ.

Từ đó cho thấy cần tạo sự đồng bộ trong quá trình chuyển đổi. Ngoài thị trường cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch để tránh tình trạng cùng lúc thu hoạch rộ, thị trường biến động bất lợi dẫn đến rớt giá.

(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ)

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.