| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi cây trồng đối phó nắng hạn

Thứ Ba 02/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Để sống chung với sự biến đổi khí hậu, nông dân ở bang Gujarat, miền trung Ấn Độ phải chuyển đổi cây trồng hoặc thay đổi thời điểm gieo trồng cho phù hợp với lượng mưa theo mùa trong năm./ Người Ấn đối phó nắng nóng 50 độ C

Sống chung với các hiện tượng thời tiết cực đoan, nông dân Ấn Độ đã có những thay đổi để thích nghi như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thay đổi cung cách canh tác truyền thống, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp (SXNN).

SXNN ở Ấn Độ từ lâu liên quan mật thiết với các cơn mưa theo mùa, diễn ra chỉ bốn tháng trong năm.

Nhưng nông dân nói mưa theo mùa ngày càng khó dự báo trong hai thập kỷ qua, cả về lượng mưa lẫn thời điểm. Điều này khiến người nông dân rất khó quyết định loại cây trồng nào phù hợp nhất trong mùa mưa, theo tạp chí National Geographic.

Chuyển đổi cây trồng

Để sống chung với sự biến đổi khí hậu, nông dân ở bang Gujarat, miền trung Ấn Độ phải chuyển đổi cây trồng hoặc thay đổi thời điểm gieo trồng cho phù hợp với lượng mưa theo mùa trong năm.

Nông dân nói nếu mùa mưa đến đúng hạn, họ sẽ trồng bông bởi đây là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao nhất ở vùng này. Tuy nhiên, nếu mưa đến trễ, nông dân sẽ chuyển qua trồng thầu dầu, một loại cây công nghiệp phổ biến ở Ấn Độ.

Loại cây này có đặc điểm chịu hạn tốt. Nông dân cũng tăng cường tận dụng hệ thống thủy lợi trong những năm lượng mưa thấp.

Ở bang Gujarat, vì điều kiện SXNN ngày càng khắc nghiệt nên nông dân buộc phải cân nhắc kỹ loại cây trồng, vật nuôi nào đem lại hiệu quả cao nhất.

Trước đây họ rất ưa chuộng giống bông BT nhập từ Mỹ. Tuy nhiên sau một số năm, nông dân nhận thấy giống bông này đòi hỏi chi phí thuốc trừ sâu ngày càng tăng nên họ phải cân nhắc lại.

Khi trồng trọt gặp nhiều khó khăn, rủi ro do thời tiết, nông dân Ấn Độ có xu hướng chuyển qua lấy chăn nuôi làm nguồn thu chính, thay vì trồng trọt như trước kia.

Một trong những hướng đi quan trọng là phát triển chăn nuôi để SX sữa và các sản phẩm từ sữa. Nông dân ở Gujarat nói đầu tư SX sữa là sinh kế ít nguy cơ, ít rủi ro hơn bởi sản lượng sữa ít phụ thuộc, ít nhạy cảm với sự biến đổi khí hậu hơn hoạt động trồng trọt.

Ngành SX này cũng có thu nhập cao hơn, có thu nhập quanh năm. Tất nhiên không phải nông dân nào cũng có đủ điều kiện chuyển đổi bởi số vốn ban đầu mua con giống khá lớn. Chỉ một con bò sữa cũng có giá tới 1.000 USD.

Ứng dụng công nghệ cao

Một số năm gần đây, ngành nông nghiệp Ấn Độ cùng chuyên gia nước ngoài đã đưa ứng dụng công nghệ vào SXNN ở một số vùng, nhằm ứng phó với các tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, theo trang indiaclimatedialogue.net.

Ở quận Karnal thuộc bang Haryana, nông dân được khuyến khích thay đổi cung cách canh tác.

Thay vì giữ ruộng lúa luôn có nước như truyền thống, nay người nông dân chủ động tưới tiêu, sử dụng một thiết bị giúp quyết định khi nào thì cần đưa nước vào, khi nào rút nước đi để tiết kiệm nguồn nước bởi phương pháp này giúp ngăn chặn sự bốc hơi của nước đến 48%.

Người ta cũng dùng các công cụ hiện đại như các cảm biến, bảng màu lá cây để quyết định lượng phân bón cần thiết.

 “Chúng tôi đã chứng kiến việc bón phân quá mức không chỉ làm tăng chi phí SX, mà còn làm hư hại đất, làm ô nhiễm nguồn nước ngầm”, một nông dân ở làng Taraori nói.

Nông dân bang Haryana cũng được giới thiệu phương pháp trồng trọt không làm đất, giúp giảm chi phí SX tới 79USD/ha. Người ta còn sự dụng thiết bị laser được gắn vào máy kéo giúp làm phẳng bề mặt ruộng, tăng sản lượng gieo trồng và tiết kiệm 933 triệu m3 nước mỗi năm.

Phương pháp làm phẳng bề mặt ruộng bằng laser và không làm đất trong các nông trang trồng lúa mì còn giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Một phân tích năm 2014 cho hay phương pháp làm phẳng ruộng bằng laser ở bang Haryana giúp tăng sản lượng lúa mì thêm 258kg/ha, tăng sản lượng gạo thêm 322kg/ha nếu so với phương pháp canh tác truyền thống.

Nhiều giống ngô chịu hạn, chống chọi khí hậu khắc nghiệt, sản lượng cao đã được giới thiệu đến nhiều bang của Ấn Độ. Nông dân còn được khuyên nên trồng thêm đậu Hà Lan quanh các cánh đồng ngô, quanh vườn nhà để tăng thêm nguồn dinh dưỡng.

Những nông dân như Inderjeet Singh Mann ở làng Birnarayana, quận Karnal có thời điểm đã phải đứng trước quyết định khó khăn: nếu trồng ngô thì cần sức lao động hơn nhưng ngô thì cần ít nước hơn. Trồng lúa bán được giá hơn nhưng lại cần nhiều nước.

Mann thích trồng lúa hơn, nhưng anh điều chỉnh bằng cách chuyển qua trồng các loại cây ngắn ngày.

“Vì nước ngày càng khan hiếm, đặc biệt là khi không có mưa, chúng tôi không còn cách nào khác là phải chuyển qua trồng ngô”, Vikas Choudhry, nông dân làng Taraori nói.

Bốn năm trước, anh bắt đầu ứng dụng phương pháp canh tác không làm đất. Một năm trước đó, anh cũng đã áp dụng phương pháp trồng lúa mới là gieo hạt trực tiếp, bỏ qua khâu làm mạ.

Bạn anh, nông dân Manoj Kumar Munaj cũng có cùng ý kiến. “Trước đây có nhiều mưa. Nhưng giờ khí hậu biến đổi, mực nước sông suối giảm, mưa ít đi, trời nóng hơn, nước ngầm cũng suy giảm, chúng tôi phải chuyển đổi cây trồng”, anh bảo.

Lúa cần được tưới hai, ba lần/tuần, trong khi ngô cứ nửa tháng mới phải tưới một lần.

Ở làng Taraori, 20 nông dân đã thành lập hợp tác xã, hùn tiền mua máy làm ruộng gắn thiết bị laser, được cho thuê với giá 600 rupie một giờ. (Hết)

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất