| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi gần 800 ngàn ha đất lúa

Thứ Ba 19/08/2014 , 13:10 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014-2020. 

Theo đó, sẽ chuyển đổi gần 800 ngàn ha đất lúa sang cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Con số cụ thể về diện tích đất gieo trồng lúa sẽ chuyển đổi trên cả nước mà Bộ NN-PTNT đưa ra là khoảng 770 ngàn ha, gồm 260 ngàn ha chuyển đổi trong các năm 2014-2015 và 510 ngàn ha giai đoạn 2016-2020.

Ngô sẽ là cây trồng chủ lực trong việc chuyển đổi với 80 ngàn ha đất gieo trồng lúa sẽ chuyển sang trồng ngô trong các năm 2014-2015 và 156 ngàn ha giai đoạn 2016-2020.

Các cây trồng khác trong giai đoạn 2014-2015 như sau: đậu tương 16 ngàn ha; vừng, lạc 41 ngàn ha; rau, hoa 51 ngàn ha; cây TĂCN 13 ngàn ha; cây khác 24 ngàn ha; kết hợp nuôi trồng thủy sản 35 ngàn ha. Trong giai đoạn 2016-2020: đậu tương 33 ngàn ha; vừng, lạc 54 ngàn ha; rau, hoa 116 ngàn ha; cây TĂCN 37 ngàn ha; cây khác 58 ngàn ha; kết hợp nuôi thủy sản 56 ngàn ha.

ĐBSCL sẽ là khu vực có diện tích gieo trồng lúa được chuyển đổi nhiều nhất. Trong 260 ngàn ha chuyển đổi giai đoạn 2014-2015, ĐBSCL chiếm gần 1 nửa với 112 ngàn ha. Diện tích chuyển đổi tập trung vào 3 vụ lúa gồm đông xuân (58 ngàn ha), hè thu (45 ngàn ha) và mùa (9 ngàn ha).

Sang giai đoạn 2016-2020, tiếp tục có 204 ngàn ha đất gieo trồng lúa ở ĐBSCL được chuyển đổi sang cây trồng khác và kết hợp nuôi thủy sản (vụ đông xuân 102 ngàn ha; vụ hè thu 84 ngàn ha; vụ mùa 19 ngàn ha). Cũng như trên cả nước, ngô là cây trồng số 1 trong quy hoạch chuyển đổi ở ĐBSCL với diện tích trồng trên đất lúa trong cả 2 giai đoạn là 83 ngàn ha.

Ở ĐBSH, sẽ chuyển đổi 42 ngàn ha giai đoạn 2014-2015 và 87 ngàn ha ở giai đoạn sau. Chuyển đổi ở ĐBSH tập trung trong 2 vụ đông xuân (63 ngàn ha cả 2 giai đoạn) và mùa (65 ngàn ha). ĐBSH tập trung chuyển đổi mô hình 2 lúa sang trồng các loại rau, hoa, màu.

Ở trung du và miền núi phía Bắc, tổng diện tích đất gieo trồng lúa chuyển đổi từ nay đến 2020 là 100 ngàn ha, tập trung chuyển một số diện tích 2 vụ lúa sang trồng rau các loại, hoa. Mô hình 1 vụ lúa chân cao, thiếu nước trong vụ đông xuân, chuyển sang trồng rau, màu.

Bộ NN-PTNT cũng nêu rõ những quan điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa: phải dựa trên nhu cầu thị trường; khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết gắn với sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững.

Tập trung chuyển đổi mô hình 2 lúa sang các loại rau, hoa, màu, sẽ được đẩy mạnh ở Bắc Trung bộ. Cũng ở khu vực này, những diện tích 1 lúa chân cao, thiếu nước được chuyển sang rau, màu. Bên cạnh đó, mô hình 1 lúa ở chân ruộng trũng bấp bênh trong vụ mùa sẽ chuyển sang lúa – cá và tăng diện tích cây màu vụ đông trên đất lúa. Tổng diện tích chuyển đổi từ 2014-2020 ở Bắc Trung bộ là 60 ngàn ha.

Vùng Duyên hải Nam Trung bộ sẽ tập trung chuyển đổi mô hình trồng 3 vụ lúa sang trồng màu xen giữa 2 vụ lúa; mô hình 2 vụ lúa chủ động nước chuyển sang 2 lúa – cây rau, màu vụ đông; mô hình 2 lúa (thiếu nước tưới vụ đông xuân) sang 1 lúa hè thu và 1 vụ màu đông xuân; mô hình 1 lúa thiếu nước, bấp bênh sang trồng rau, màu. Tổng diện tích chuyển đổi ở Duyên hải Nam Trung bộ trong cả 2 giai đoạn là 105 ngàn ha.

Vùng Tây Nguyên tập trung chuyển đổi mô hình 3 vụ lúa sang trồng màu xen giữa 2 vụ lúa; mô hình 2 vụ lúa chủ động nước chuyển sang 2 lúa – rau, màu (vụ đông); mô hình 2 lúa thiếu nước tưới (vụ đông xuân) sang 1 lúa hè thu – 1 vụ màu đông xuân; mô hình 1 vụ lúa thiếu nước tưới, bấp bênh sang rau, màu; mô hình 1 lúa (vụ hè thu) nhờ nước trời sang cây màu – lúa hè thu. Diện tích chuyển đổi ở Tây Nguyên là ít nhất với 14 ngàn ha từ nay đến 2020.

Ở vùng Đông Nam bộ sẽ tập trung chuyển đổi diện tích chuyên lúa sang các loại cây có giá trị kinh tế cao như hoa, cây cảnh, rau an toàn. Các diện tích 3 vụ lúa cũng sẽ chuyển thành 2 lúa – màu. 48 ngàn ha là diện tích đất gieo trồng lúa sẽ chuyển đổi ở khu vực này.

Trên cơ sở quy hoạch nói trên, Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh, TP lập quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở địa phương trong quá trình xây dựng đề án hoặc kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất