| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi hàng vạn ha

Thứ Sáu 05/07/2013 , 09:31 (GMT+7)

NNVN có cuộc trao đổi với ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng...

NNVN có cuộc trao đổi với ông Phan Trọng Hổ (ảnh), GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ổn định SXNN trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán ngày càng diễn ra khó lường đã gây khó như thế nào cho SXNN ở địa phương, thưa ông?

Quá khó! Muốn chống hạn phải có nước. Trong khi ở Bình Định ngoài 14 hồ chứa nước lớn do Cty TNHH KTCTTL tỉnh quản lý tương đối ổn định, còn có 161 hồ chứa nhỏ tổng dung tích chứa 118 triệu m3 do các địa phương quản lý phát huy rất ít tác dụng.

Nguyên nhân do xây dựng đã lâu, có hồ được xây dựng từ trước năm 1975, nhiều hồ khác xây dựng từ những năm đầu giải phóng. “Tuổi thọ” đã cao, lại qua nhiều năm vận hành khai thác nên hầu hết các hồ chứa nhỏ nói trên đã xuống cấp, dù năm nào ngành nông nghiệp tỉnh cũng bỏ không ít kinh phí để duy tu, sửa chữa.

 Hiện có đến 34/161 hồ chứa nhỏ đang xuống cấp nghiêm trọng, có đó mà như không. Nếu năm nào “mưa thuận” thì còn tích được nước, nhưng lượng nước tích được cũng giảm dần do đáy hồ bị bồi lắng nặng. Năm nào vắng mưa như năm nay thì trơ đáy, diện tích lúa trong hệ thống tưới phải chịu khát.

Ví như trong năm 2013 này, 161 hồ chứa nhỏ có nhiệm vụ tưới cho 8.700 ha lúa, thế nhưng chỉ tưới được cho 4.000 ha, số còn lại phải bỏ trắng không SX được.

Trước tình hình trên, để ổn định SX, ngành nông nghiệp Bình Định đã có tính toán gì?

Chúng tôi xác định việc chống hạn không thể được thực hiện theo kiểu đối phó tình huống nữa mà phải theo kế hoạch lâu dài.

 Ngoài các giải pháp như: Triển khai các biện pháp tưới tiết kiệm, khai thác nước ngầm, nước mạch, tận dụng nước sông suối, khơi thông các dòng chảy để chống thất thoát nước… chúng tôi nghĩ rằng để có thể “chung sống” với hạn hán, cần phải chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng vừa làm giảm áp lực nước tưới vừa tăng thu nhập của nông dân.

Những diện tích SX lúa thiếu bền vững trong những vùng nguy cơ hạn chúng tôi sẽ lần lượt chuyển hết sang làm các loại cây trồng cạn ít “ăn” nước hơn như: bắp (ngô), đậu phộng (lạc), mè (vừng), rau đậu và các loại cây làm thức ăn cho gia súc như: ngô thu hoạch tươi, cỏ voi, cỏ giống họ thảo, cỏ giống họ đậu.

Ngay từ vụ ĐX 2012-2013 chúng tôi đã chuyển hàng chục ngàn ha đất lúa sang làm các loại cây trồng cạn. Sang vụ hè thu tiếp tục chuyển 2.788 ha, nâng tổng diện tích SX cây trồng cạn lên 13.357 ha, tăng 17,4% so vụ hè thu năm trước.

 Đặc biệt, trong vụ hè thu này chúng tôi xây dựng được CĐML trồng ngô thu hoạch tươi để cung ứng cho các trang trại bò sữa với diện tích 50 ha tại xã Cát Tài (Phù Cát).

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng có gặp khó gì không, thưa ông?

Cái khó trước tiên là về công tác quy hoạch. Cây trồng cạn chỉ có thể phát triển trên chân đất phù hợp với nó. Nếu được trồng trên đất lúa mà để bị ngập úng là chúng chết ngay. Thêm vào đó, cây trồng cạn tuy “ăn” ít nước nhưng không được để chúng bị hạn, nếu chúng bị khô nước sẽ chết nhanh hơn cả cây lúa.

 Do đó, công tác quy hoạch phải được làm thật kỹ, phải rà soát từng vùng đất, căn cứ thực tế nguồn nước để chọn ra loại cây thích hợp đưa vào trồng. Cái khó thứ 2 là phải nắm chắc tình hình thị trường, cân nhắc chọn ra các loại cây phù hợp với thị trường tiêu thụ, ít bấp bênh về giá.

Thực tế hiện nay giá lúa quá thấp, nông dân làm lúa không có lãi. Các loại cây trồng cạn như đậu phộng, ớt tuy giá cả có bị dao động bất lợi nhưng so với cây lúa vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn, do đó nông dân rất đồng thuận trong việc chuyển đổi.

Tuy nhiên, cái khó nhất là phải làm sao thay đổi được tập quán canh tác của nông dân. Làm cây trồng cạn ngoài đòi hỏi nông dân có kỹ thuật canh tác còn phải bỏ nhiều công chăm sóc, thường xuyên bám đồng. Trong khi đó đang trồng lúa “sướng” quá, chẳng cần chăm sóc gì nhiều nay chuyển sang làm cây trồng cạn cứ lúng túng.

Vậy ngành chức năng đã có giải pháp nào giải quyết “cái khó nhất” trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng?

Sở NN-PTNT đã thành lập các tổ chỉ đạo SX. Các tổ này phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thường xuyên tổ chức truyên truyền đến nông dân các giải pháp kỹ thuật canh tác cho từng loại cây trồng cạn, trực tiếp hướng dẫn nông dân quy trình canh tác theo kiểu cầm tay chỉ việc.

 Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo cho Trung tâm Khuyến nông xây dựng nhiều mô hình về các loại cây trồng cạn tại những vùng dự kiến sẽ chuyển đổi trong thời gian tới. Nói tóm lại, trong những vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cán bộ nông nghiệp các cấp phải xắn ống quần bám ruộng cùng với nông dân thường xuyên hơn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.