| Hotline: 0983.970.780

Chuyện đời thường ở Trường Sa

Thứ Năm 22/04/2010 , 12:10 (GMT+7)

Huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà, hiện có 2 xã là Song Tử Tây, Sinh Tồn và một thị trấn Trường Sa lớn. Tôi cũng giống như rất nhiều người đến với Trường Sa lần đầu đều rưng rưng tự hào, Trường Sa giờ đây đã thực sự không còn xa nữa.

Tôi cũng giống như rất nhiều người đến với Trường Sa lần đầu đều rưng rưng tự hào, Trường Sa giờ đây đã thực sự không còn xa nữa.

Ánh mắt Song Tử Tây

Tất cả các vị tướng ra đảo Song Tử Tây vào giữa năm 2009 đã cùng nhau đặt tên cho công dân đầu tiên được sinh ra trên quần đảo Trường Sa là: Hồ Song Tất Minh. Và, Hồ Song Tất Minh đã viết lên một huyền thoại mới ở Sông Tử Tây anh hùng…  

Đảo cũng là Tổ quốc

Vợ chồng Hồ Dương và Trương Thị Liền vốn sống ở Bình Ba, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà với nghề đánh bắt cá và nuôi tôm. Dù không phải dân không nghề nghiệp, cũng chẳng phải lười biếng, ham chơi nhưng để nuôi 4 miệng ăn của gia đình không bị đứt bữa, anh Dương chị Liền quanh năm suốt tháng đánh vật với cái nóng cháy da còi xương của vùng cát trắng Cam Ranh. Những tưởng, cuộc đời sẽ đổi thay sau khi anh Dương chị Liền vay mượn để nuôi tôm, nào ngờ số phận anh chị cũng như nhiều ngư dân khác, mặn chát như nước biển Cam Ranh khi thời tiết chẳng thuận, gió chẳng hoà đã cuốn phăng toàn bộ sản nghiệp của anh chị ra biển, chỉ để lại cho anh chị một sự tuyệt vọng tột cùng và một núi nợ nần.

“Chạy trốn. Chúng tôi chỉ có thể nghĩ được như vậy. Nhưng bể khổ ở giữa cuộc đời này đi đâu mới thoát được chứ? Rồi, trong lúc tuyệt vọng nhất, tỉnh Khánh Hoà thông báo đưa dân ra Trường Sa, xây dựng vùng kinh tế mới, chúng tôi đã nhanh chân đăng kí để được đi theo tiếng gọi của Trường Sa và đã có mặt tại đảo Song Tử Tây này sớm nhất”, chị Liền tâm sự.

Ra với Song Tử Tây chưa có giáo viên dạy cấp hai, chị Liền để lại đất liền đứa con đang học lớp 6 cùng với ông bà nội. Sinh sống trên đảo một thời gian, chị Liền mang thai, như lời chị nói thì do khí hậu trên đảo tốt hơn trong bờ, như mùa xuân, ươm mầm và tạo dựng sự sống mới. “Tôi không biết có phải thật thế không nhưng tôi tin là như thế và bây giờ tôi cũng tin như vậy. Vì trong suốt thời gian tôi mang thai, tôi rất khoẻ mạnh, không đau ốm, cũng chẳng nghén. Đến lúc gần sinh, nhiều bà con ở đất liền bảo với tôi xin vào bờ mà đẻ, có việc gì còn xử lý được và ở trong này còn có anh có em, có bà con. Nhưng tôi nhất quyết không, tôi đã viết đơn, tự nguyện chịu mọi hậu quả nếu xảy ra để được sinh con trên đảo. Và cháu đã chào đời ngày 16/5/2009 tại trạm xá xã đảo Song Tử Tây. Đất liền cũng là Tổ quốc, đảo cũng là Tổ quốc Việt Nam mình mà anh”.

Nằm giữa khu dân cư trên xã đảo Song Tử Tây, nhà chị Liền không có ngày nào không tràn ngập tiếng cười và sự đầm ấm của tình làng xóm, tình quân dân. Tôi đến, bé Minh mới gần một tuổi đã biết cúi chào, hát và vỗ tay giữa vòng vây của các anh chị lớn tuổi hơn ở khu dân cư. Bé Minh rất nhanh nhẹn, ngoan, đôi mắt sáng lóng lánh. Chị Liền cho hay, từ ngày sinh ra đến nay cháu không ốm đau gì. UBND TP Hồ Chí Minh đã nhận đỡ đầu nuôi nấng bé Minh từ lúc sinh ra đến hết 18 tuổi. 

Bé Hồ Song Tất Minh bên các chị trên đảo Song Tử Tây

Nói chuyện với tôi, chị Liền không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc: “Ra đây, gia đình có thu nhập khoảng 10 triệu/tháng, gạo, rau, cá lúc nào cũng dư thừa. Công việc nấu cơm cho bộ đội và ra biển đánh bắt cá, câu mực bán cho bộ đội hoặc đổi lấy các loại thức ăn khác cũng thường xuyên. Có ti vi để xem, có điện thoại để làm cầu nối tình cảm giữa đất liền với hải đảo. Chúng tôi rất hạnh phúc với cuộc sống ở nơi này - một điều mà hai năm trước, tôi chỉ dám mơ cho con cái của mình”.

Ngời sáng tương lai

Bảy hộ dân với 23 nhân khẩu đang sinh sống trên xã đảo Song Tử Tây vốn hầu hết là dân chài lưới với cuộc sống qua ngày đoạn tháng nay câu được mực thì ăn mực, mai câu được cá thì ăn cá, không câu được gì thì nhịn. “Nhưng bây giờ, cứ nhìn vào chúng tôi xem, từ những con người chỉ có da bọc xương cháy sém, giờ dù nước da vẫn nhuốm màu biển mặn nhưng thịt đã căng phồng dưới da; cứ nhìn lũ trẻ ngây thơ vui đùa, hào hứng lên lớp học, ánh mắt sáng rực những ước mơ, hoài bão về tương lai thay vì trước đây lam lũ trong những bộ quần áo tả tơi từng ngày cướp đi của các em những nụ cười sẽ thấy hết được những đổi thay đối với mỗi chúng tôi", anh Nguyễn Hồng Thưởng - một cư dân ở đây cho biết. 

Những em bé bên chiến sỹ hải quân trên đảo Song Tử Tây

Huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà, hiện có 2 xã là Song Tử Tây, Sinh Tồn và một thị trấn Trường Sa lớn. Mỗi xã, thị trấn có 7 hộ dân đang sinh sống và làm việc.

Cũng như gia đình anh Dương chị Liền, gia đình anh Thưởng đi theo tiếng gọi của Trường Sa ra với Song Tử Tây để tìm kiếm một sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời. Và sau hai năm, tương lai sáng ngời đã mở ra với họ. Ngày ngày anh Thưởng ra biển đánh bắt cá tráp, cá bò, mực… còn vợ ở nhà trồng rau, chăm con và nấu phụ giúp hậu cần cho bộ đội. Bắt được cá, anh bán lại cho bộ đội, hoặc đổi lấy các thực phẩm khác. Tính ra, mỗi tháng anh cũng có khoản thu từ biển từ 1-1,5 triệu đồng. “Cá nhiều, nhưng tàu mình chưa lớn. Khi nào có đủ lực mình sẽ đóng tàu lớn để đánh bắt được nhiều hơn”.

Quả thực, tôi hay bất kỳ một cán bộ nào trong đoàn công tác ra Trường Sa lần này khi bước chân vào khu dân cư trên đảo Song Tử Tây đều không khỏi xúc động. Và, dù đã nhiều lần ra Trường Sa nhưng ngay trong buổi sáng đặt chân lên đảo Song Tử Tây, nhạc sỹ Đức Trịnh, Hiệu trưởng Đại học VHNT Quân đội đã kịp viết ca khúc Ánh mắt Song Tử Tây. Ngay tối hôm đó, bài hát được chính những đứa trẻ, những người lính và người dân ở đảo Song Tử Tây đứng lên sâu khấu hát cho toàn đảo nghe: “Bi bô bi bô những đôi mắt tròn bé thơ/ Bé hát người lính đảo Trường Sa/ Sóng gió bão táp giữa mây trời/Ánh mắt tin yêu Song Tử Tây...” (Còn nữa)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Bình luận mới nhất