| Hotline: 0983.970.780

Chuyên gia 'bất đắc dĩ'

Thứ Hai 02/09/2019 , 13:05 (GMT+7)

Tốt nghiệp Đại học Kinh - Tài (Kinh tế - Tài chính), nay là Đại học Kinh tế Quốc dân, từ ngày 5/8/1967, Vũ Trọng Khải được nhà trường phân công công tác về Bộ Nông nghiệp.

Ông bà luật sư Vũ Trọng Khánh song thọ 80 tuổi (1992). Ảnh tư liệu gia đình.

Dù xuất thân trong một gia đình luật sư danh giá, ông lại trở thành chuyên gia kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn. Năm 2010, nghỉ hưu ở tuổi 65, ông tự trào phúng đó là việc bất đắc dĩ.
 

Thị dân học nông nghiệp

Thân sinh của Vũ Trọng Khải là luật sư Vũ Trọng Khánh (1912 - 1996), Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong thời gian 181 ngày luật sư Vũ Trọng Khánh đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ cũng như xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hòa non trẻ: Sắc lệnh số 4 ngày 10/10/1945 tổ chức các đoàn Luật sư; (nay là ngày truyền thống của Liên đoàn Luật sư Việt Nam); Sắc lệnh số 53 ngày 20/10/1945 quy định quốc tịch Việt Nam, trong khi chờ Bộ Dân luật của nước Việt Nam; Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946 tổ chức các tòa án và ngạch thẩm phán; Sắc lệnh số 21 ngày 14/2/1946 tổ chức tòa án quân sự. Đồng thời, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh còn ký Nghị định số 37 đặt cơ sở đầu tiên cho việc tổ chức Bộ Tư pháp và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp.

Anh vợ của luật sư Vũ Trọng Khánh là luật sư Trịnh Đình Thảo (1901 - 1986), Tiến sĩ Luật khoa tại Pháp (19128), Luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn (1929 - 1950), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ Trần Trọng Kim (1945), Chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (1960), Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 - 1976)…

Theo truyền thống gia đình, có thể Vũ Trọng Khải cũng theo nghề luật. Tôi từng được nhiều dịp trò chuyện cùng ông và thấy rằng ông đúng là con nhà tông vì thực sự trong ông có năng khiếu của "thầy cãi". Nhưng thời của ông, Nhà nước đã giải thể Bộ Tư pháp, trường Đại học Pháp lý cũng không còn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe chuyển về Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) làm chuyên viên nghiên cứu. Hơn 20 năm, Nhà nước hoạt động bằng pháp chế. Cho mãi đến năm 1981, Bộ Tư pháp mới được tái lập.

Trở lại năm 1963, Vũ Trọng Khải tốt nghiệp phổ thông rồi dự thi vào Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngành Vô Tuyến điện. Sau thời gian phấp phỏng đợi kết quả, giấy báo gọi nhập học của chàng sinh viên tuổi 18 ngày ấy lại là Đại học Kinh - Tài, Hà Nội. Thời bấy giờ, mỗi khi kể lại, ông cười hàm tiếu, học ngành gì là do phân công, cá nhân không có quyền quyết định.

Đã không được học đúng trường theo nguyện vọng, vào trường Đại học Kinh - Tài, tổ chức lại phân Vũ Trọng Khải học ngành Kinh tế Nông nghiệp, thuộc khoa “công - nông” (kinh tế công nghiệp và kinh tế nông nghiệp).

Theo lời ông kể, những năm kháng chiến chống Pháp, gia đình theo Chính phủ tản cư. Sống ở núi rừng Việt Bắc, dù còn nhỏ tuổi, cậu con út trong gia đình chưa đến 10 tuổi đã biết chăn dê, nuôi gà và trồng rau. Cậu còn biết vào rừng tìm kiếm lâm sản giúp mẹ. Sau năm 1954, gia đình về thành phố cảng Hải Phòng sinh sống. Cậu trở thành thị dân đất Cảng, gắn bó với đường phố, hoàn toàn xa lạ với nông nghiệp, nông thôn.

Đành bằng lòng học ngành Kinh tế nông nghiệp, sau bốn năm miệt mài đèn sách, Vũ Trọng Khải tốt nghiệp khóa 5 (1963 - 1967) của Đại học Kinh - Tài.

Từ ngày 5/8/1967, ông được nhà trường phân công công tác về Bộ Nông nghiệp. Có lần, ngồi trò chuyện với tôi dưới mái hiên báo Nông nghiệp Việt Nam, nhưng kỷ niệm một thời về Bộ được ông kể lại, khiến cả hai bác cháu cùng nổ những trận cười.

Cái thời ấy nó thế. Câu này quen thuộc cũng như của nhà giáo Hoàng Ngọc Hiến mỗi khi gặp những chuyện hài trong đời sống vẫn tự động viên: Cái nước mình nó thế!
 

Trường đại học lớn nhất là thực tế

Trong một bài viết, được in trong cuốn sách mà ông coi như khóa sổ, Vũ Trọng Khải nhớ lại: “Bộ Nông nghiệp lại phân tôi về Vụ Kế hoạch, làm cán bộ nghiên cứu chính sách và giá cả, theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp thời bây giờ.

Từ đó cho đến khi về hưu, tôi không được dự bất kỳ một khóa học nào, kể cả trong nước và nước ngoài, nhưng tôi đã được học ở trường đại học lớn nhất là thực tế quản lý nông nghiệp ở Việt Nam, qua những đợt khảo sát kế tiếp nhau. Nhờ vậy, tôi đã trở thành chuyên gia về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Việt Nam”.

Từ ngày nghỉ hưu, ông dị ứng với những tiền tố xúng xính học hàm, học vị trước tên gọi. Cái tên ông có lẽ đã là một thương hiệu riêng trong ngành. Cuối tháng 8/2019, ông lại từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội dự hội thảo khoa học trong 3 ngày. Tiếng ông vẫn sang sảng, hùng biện trên các diễn đàn. Vậy nhưng, ông khiêm tốn tự nhận mình chỉ xứng đáng là nhà nghiên cứu và giảng dạy kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam và chỉ của Việt Nam mà thôi.

Bốn năm đèn sách, “anh nông dân cày đường nhựa” khiến cho bạn bè nể phục. Không chỉ tiếp thu sự truyền thụ kiến thức của thầy và sách giáo khoa một cách thụ động, đi tìm cái mình chưa biết, dựa trên cái đã biết của mình. Ông tự nhận đó là “cách học theo phương pháp nghiên cứu khoa học”. Chính nhờ những kiến thức từ thực tế cuộc sống đã giúp ông những kiến thức quý báu, đúng đắn. Sau này, trong quá trình công tác gắn bó, mẫn cảm với thực tiễn nông nghiệp, nông thôn, nên ông ngộ ra nhiều điều về tính hợp lý của kinh tế thị trường.

Bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (1982), thêm một lần nữa ông ngộ ra một điều: Muốn giảng dạy tốt, giáo viên phải nghiên cứu khoa học. Đó là vận dụng lý luận vào thực tiễn, nhận dạng và phân tích bản chất kinh tế xã hội của các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn quản lý nông nghiệp ở tầm vĩ mô và vi mô. Trên cơ sở đó có thể đề xuất các giải pháp khắc phục để phát triển. Những kết quả nghiên cứu ấy, ông đưa vào giảng dạy theo phương pháp nghiên cứu tình huống. Ông đề ra phương châm “Nhất thể hóa quá trình: Thực tiễn quản lý - Nghiên cứu ứng dụng - Tư vấn và Giảng dạy”. 

Từ chính thực tiễn cuộc sống đã thúc giục ông viết nhiều bài báo chuyên luận, phản biện các chính sách và cơ chế quản lí nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như các phương thức quản lý doanh nghiệp nông nghiệp.

Bạn đọc thấy chuyên gia Vũ Trọng Khải cùng bài viết của ông đăng tải trên các báo Nông nghiệp Việt Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thời báo Kinh tế Việt Nam, tạp chí Khoa học Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…

Chủ đề của các bài báo ông viết hay trả lời phỏng vấn bao gồm từ chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách ruộng đất, mua lúa gạo, đến tổ chức sản xuất theo hợp đồng trong nông nghiệp, quản lý chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, quản lý hợp tác xã, trang trại, xây dựng nông thôn mới…

Dù đã tuyên bố “bẻ bút” song đã mang lấy nghiệp vào thân, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ sở II) tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không thôi trăn trở với nông nghiệp Việt Nam. Ông vẫn ra Hà Nội, Hải Phòng tham dự các hội thảo khoa học, vẫn lên tiếng trước những vấn đề cấp thiết của thực tiễn đời sống. Đôi khi, những ký vãng của ông được ghi lại, rồi gửi cho bạn bè đọc qua email, dù chỉ là lát cắt khi nửa đêm sực tỉnh, đều được mọi người đón nhận với đầy sự thú vị. 

"Trong khi phần lớn các bạn đồng nghiệp cùng trang lứa với tôi, công tác ở các cơ quan khác nhau, lần lượt được cử đi học ở nước ngoài, thì tôi lao vào các chuyến đi công tác thực tế ở nông thôn, hết đợt này đến đợt khác. Đó cũng là cơ duyên. Chính điều đó đã tạo nên sự khác biệt giữa tôi và các bạn đồng môn, đồng nghiệp. Cũng chính sự khác biệt đó đã làm nên “thương hiệu” của tôi".

(Ông Vũ Trọng Khải)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất