| Hotline: 0983.970.780

Chuyên gia ngôn ngữ nói ý kiến của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở "không ổn"

Thứ Bảy 29/06/2019 , 20:31 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) khẳng định: “Mở lon Việt Nam” với việc gắn tên gọi Việt Nam thay cho danh từ tên sản phẩm, hàng hóa, thể hiện sự không trang trọng, gây phản cảm.

Không trang trọng, gây phản cảm

Trả lời câu hỏi của PV về dấu hiệu quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam trong quảng cáo của hãng Coca - Cola? Bà Hương cho biết đó là nằm ở cách sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”.

Nội dung chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca - Cola trên Cổng thông tin điện tử của Bộ VH-TT&DL.

Theo bà Hương, về cơ bản, từ “lon” là từ ngữ được chấp nhận trong Tiếng Việt, nhưng nếu nói “lon” thì phải gắn với tên sản phẩm, lon Coca Cola hay một nhãn hàng bia, nước ngọt, ... 

“Việc ngắt chữ “lon” không gắn với tên sản phẩm hàng hoá sẽ làm cho người tiêu dùng không có được thông tin rõ ràng về sản phẩm. Tuy nhiên, điều đó vẫn có thể chấp nhận được nếu nội dung quảng cáo này không sử dụng cụm từ: “Mở lon Việt Nam” với việc gắn tên gọi Việt Nam thay cho danh từ tên sản phẩm, hàng hóa, thể hiện sự không trang trọng, gây phản cảm”, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương bày tỏ.

Tiếp đó, bà Hương cho biết thêm: “Là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quảng cáo, Cục Văn hóa cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp kiểm tra, phát hiện dấu hiệu chưa tuân thủ thì việc chấn chỉnh kịp thời hoặc phối hợp xử lý vi phạm là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, Cục cũng chia sẻ với góc độ một doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình hoạt động tại Việt Nam khi không được tư vấn kỹ về sự phù hợp về từ ngữ, văn hóa Việt thì việc họ vô ý xây dựng một nội dung quảng cáo không đảm bảo thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục và sự trong sáng của tiếng Việt cũng có thể xảy ra, do vậy, Cục chỉ yêu cầu chỉnh sửa từ ngữ khi tiếp tục quảng cáo”.

Trước đó, trả lời báo Tuổi trẻ, bà Ninh Thị Thu Hương còn lo xa: “Hãy giả sử người người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó… Từ “lon Việt Nam” có rất nhiều vấn đề”.

Trên cổng Thông tin điện tử của Bộ VH-TT&DL, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương bày tỏ: Việc gắn chữ "lon" như cách của Coca- Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như "ở Việt Nam", "tại Việt Nam"… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ.
 

“Mở lon Việt Nam” không có gì phản cảm

Đó là đánh giá của PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Chia sẻ ý kiến của mình với Báo NNVN, ông Tình cho biết: “Trong Luật Quảng cáo (2013), điều 8 có 13 khoản cấm, trong đó có khoảng 4-5 khoản liên quan đến ngôn ngữ, có thể suy luận về ngôn ngữ. Nếu đối chiếu với Luật Quảng cáo thì chẳng có chỗ nào quy định từ Việt Nam không được dùng”.

Cụ thể, khoản 3 quy định cấm “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”; khoản 11 cấm “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ VH-TT-DL”.

PGS. TS Phạm Văn Tình: Tổ hợp “Mở lon Việt Nam” của Coca - Cola không có vấn đề gì.

Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phân tích, Luật Quảng cáo được áp dụng cho tất cả người Việt Nam và những đối tác kinh doanh với người Việt Nam ở trên đất nước Việt Nam, cho nên sử dụng từ Việt Nam chẳng có vấn đề gì là vi phạm.

“Honda họ sử dụng slogan “Tôi yêu Việt Nam”, Bitis có slogan “Nâng niu bàn chân Việt”, hay những chương trình khác vẫn dùng 2 chữ Việt Nam đi cùng đấy chứ. Cho nên cấm không cho sử dụng từ Việt Nam, từ Hà Nội hay bất kỳ từ nào đi kèm trong quảng cáo sản phẩm nghe nó không ổn. Đấy là chưa nói đây là hoạt động quảng cáo mang tính PR của hãng kinh doanh người ta thực hiện”, PGS.TS Phạm Văn Tình nêu.

Bàn tới tổ hợp “Mở lon Việt Nam”, về mặt ngôn ngữ, ông Tình cho biết, từ “lon” trong Từ điển tiếng Việt có 5 nghĩa, là một loại cầy bé nhỏ, lon là giã cua, lon là một từ ngoại lai được sử dụng quá quen thuộc trong tiếng Việt như lon bia, lon nước ngọt… Lon còn được sử dụng để chỉ đơn vị đo lường như nấu 2 lon gạo… Lon còn sử dụng để chỉ phù hiệu, quân hàm: lon đại úy, lon đại tá…

Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam khẳng định: “Trong tất cả các từ “lon” tồn tại trong tiếng Việt thì không hề có nghĩa xấu”.

Bình luận về ý kiến của bà Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở giải thích việc gắn chữ "lon" của Coca- Cola không có danh từ, trạng từ ở phía sau như "ở Việt Nam", "tại Việt Nam"… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ, ông Tình cho rằng ý kiến này cũng không ổn.

Bởi vì một trong những nguyên tắc người ta làm slogan hay làm quảng cáo người ta có quyền rút gọn hoặc tạo ra các cấu trúc mới, lạ, gây ấn tượng, miễn là nó không đi quá xa. Bởi vì đấy là quyền của đơn vị kinh doanh.

"Từ đó, cơ quan quản lý có thể góp ý chứ không thể đưa ra một văn bản cấm và coi như người ta vi phạm pháp luật thì điều này tôi nghĩ là không ổn. Tôi nhắc lại, về mặt ngôn ngữ học, tổ hợp “Mở lon Việt Nam” của Coca - Cola không có vấn đề gì. Có nhiều chương trình quảng cáo khác còn gây bất ổn hơn nhiều", PGS.TS Phạm Văn Tình thẳng thắn nói.

Xem thêm
Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV 'Going Home' - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam.

Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm