| Hotline: 0983.970.780

Chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm dược liệu cho người dân

Thứ Tư 11/04/2018 , 10:30 (GMT+7)

Ông Hoàng Xuân Kha, thôn Hà Thượng, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là nông dân đầu tiên ở địa phương này ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trồng thành công nấm linh chi đạt chất lượng tốt.

07-26-04_linh_chi_qt
Ông Trần Ngọc Lân, GĐ Sở KH-CN Quảng Trị kiểm tra mô hình trồng nấm linh chi tại nhà ông Kha

Được sự hỗ trợ của Sở KH-CN Quảng Trị, mô hình trồng thử nghiệm nấm linh chi được ông Kha triển khai từ tháng 9/2017 đến nay đã có kết quả. Chất lượng nấm tốt, tai nấm to đẹp, lớp bào tử có màu nâu đồng nhất trên bề mặt.

Mô hình trồng nấm của ông Kha có diện tích 100m2, nhà nuôi trồng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật với cột bê tông, vì kèo bằng sắt hộp mạ kẽm, lợp tôn chống nóng, xung quanh che lưới chống côn trùng và lưới đen giảm nóng. Hệ thống tưới phun sương gắn chip cảm biến độ ẩm đảm bảo ổn định cho quá trình sinh trưởng của nấm.

Theo ông Kha, trồng nấm linh chi đòi hỏi phải cẩn trọng, tỉ mẩn trong từng công đoạn. Nhà trồng phải thoáng mát, sạch sẽ, duy trì độ ẩm từ 80 - 90% và nhiệt độ dưới 24 độ C dùng lưới che chắn không cho côn trùng lọt vào gây hại nấm. Trung bình mỗi ngày tưới nước cho phôi 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Những ngày nắng nóng, lượng nước và số lần tưới có thể tăng lên 3 lần. Trong quá trình chăm sóc phải hoàn toàn được bảo đảm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu cung cấp giống, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản.

Ông Kha trồng được nấm linh chi là nhờ Sở KH-CN Quảng Trị chuyển giao quy trình công nghệ nuôi trồng, chế biến các loại nấm. Sở này hỗ trợ ông Kha 1 lò hơi hấp thanh trùng với năng suất từ 800 - 900 bịch/mẻ đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, 5.000 bịch phôi nấm linh chi sạch, trọng lượng bịch từ 1,2 - 1,4kg. Ông Kha cho biết trung bình với 1.000 bịch nấm linh chi cho ra khoảng 20kg nấm khô. Với giá khoảng 600 - 700 ngàn đồng/kg nấm khô thì gia đình ông thu được lãi gấp đôi từ nghề trồng nấm linh chi.

Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh rất vui trước mô hình này và cho biết trồng nấm linh chi đã góp phần tái cơ cấu trong trồng trọt, tạo ra việc làm ổn định cho nông dân. Đặc biệt, tại các xã vùng biển bãi ngang của huyện, người dân rất cần được chuyển giao công nghệ để trồng nấm linh chi để tăng thu nhập sau những tháng ngày đi biển gặp khó khăn. Tuy nhiên, số hộ trồng chưa nhiều vì bà con đang gặp khó khăn khâu kỹ thuật...

Chia sẻ với trăn trở của Chủ tịch huyện Gio Linh, ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở KH-CN Quảng Trị cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm linh chi cho người dân huyện Gio Linh, cũng như cung cấp giống chất lượng tốt trồng để có sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sau khi mô hình được nhân rộng, tiến tới Sở sẽ giúp huyện xây dựng thương hiệu nấm linh chi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế...

Cũng theo ông Lân, các nghiên cứu dược học hiện đại đã chứng minh nấm linh chi là một loài thảo dược quý chứa tới 120 chất, bao gồm các hợp chất hữu cơ, các nguyên tố vi lượng và các vitamin, có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều hòa huyết áp, giảm cholesteron, hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ, ngăn ngừa các khối u... tốt cho sức khỏe lại cho thu nhập cao hơn so với trồng các loại cây trồng khác. Hiện nay, do đời sống tăng cao, người dân ngày càng quan tâm tới sức khỏe nên nhu cầu nấm linh chi cho thị trường cũng lớn hơn.

Việc nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi về các xã ở huyện Gio Linh nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào sạch, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để sản xuất các loại sản phẩm mang giá trị kinh tế cao hơn như linh chi hòa tan, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Đây cũng là chủ trương của tỉnh Quảng Trị nhằm đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.