Có đến cả mấy tháng nay, dù có nhiều sự kiện nóng bỏng, như lũ lụt miền Trung, nạn cúm Covid-19, rồi chuyện nhân sự ở đại hội các cấp, nhưng dư luận vẫn cồn lên quanh bộ sách Giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của nhóm biên soạn Cánh Buồm được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào dạy đại trà trong năm học mới này.
Các nhà khoa học giáo dục, các nhân sĩ trí thức, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh học sinh có những ý kiến rất gay gắt. Có người còn yêu cầu thu hồi bộ sách. Thật đáng tiếc. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo mở rộng cánh cửa, ngoài Hội đồng nghiệm thu, mời một số nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu giáo dục, các thầy cô giỏi rà soát lại trước khi phát hành thì chắc chắn sẽ tránh được những sơ suất đáng tiếc.
Rất nhiều hạt sạn. Không lớn đâu, nhưng vẫn là những hạt sạn ở một giáo trình đòi hỏi phải có sự chuẩn mực và chính xác rất cao. Nhiều câu tiếng Việt không chuẩn. Ví dụ: Thỏ nhá rau. Người Việt không ai nói ngô nghê như thế. Người soạn sách biện giải rằng, vì các em mới chỉ học đến chữ nhà, chữ nhá, nên Thỏ mới nhá rau.
Điều này cũng y hệt như lỗi của sách giáo khoa trước đây, khi các em phải học: Nhà cô na ở phố. Trong khi tên riêng cô Na thì lại không viết hoa. Người soạn sách cũng lại bảo: Cô Na thành cô na vì các em chưa học chữ viết hoa. Thật máy móc và lẩm cẩm. Ngay những bài học đầu tiên đã dạy các em viết sai rồi.
Thuở tôi đi học từ những năm chiến tranh xa lắc xa lơ có rắc rối thế đâu. Thầy dạy chúng tôi từng chữ, ngay mỗi chữ đã cho các em nhận biết chữ viết thường, chữ in hoa và chữ in thường. Tên riêng thì phải viết hoa. Rồi ghép các chữ thành từ, ghép các từ thành câu. Rất đơn giản. Các em nhớ được ngay. Các thầy thường biến những điều phức tạp thành đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Bây giờ chúng ta làm ngược lại: Biến những điều đơn giản thành phức tạp, rối tinh rối mù.
Nhưng thôi, bộ sách giáo khoa rất tai tiếng này, chúng ta sẽ bàn sau. Trong bài viết nhỏ này, tôi muốn cùng các bạn khảo sát những chuyện khác, những chuyện mà chúng ta vẫn luôn quan tâm.
Trong việc dạy văn, học văn của ta ở các trường phổ thông, có chuyện lạ lùng này: Những học sinh giỏi văn, từng đoạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi văn toàn quốc, sau này ra trường, chẳng ai thành nhà văn, hay nhà phê bình nghiên cứu văn học. Có người “lặn mất tiêu” chẳng vẩn lên một chiếc tăm cá nào. Ngược lại, những nhà văn nổi tiếng, hồi đi học, chẳng có ai giỏi văn. Thậm chí có người còn bị các thầy cô coi là học sinh cá biệt, “dốt đến không thể đào tạo được”.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có lần “khoe” với tôi và mấy giáo sư soạn sách giáo khoa, trong đó có các nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đăng Suyền, rằng "hồi đi học, tớ dốt văn lắm. Tớ chưa bao giờ được điểm 5 là điểm trung bình".
Nhà văn Lê Lựu cũng vậy. Tác phẩm của Lê Lựu đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ở Mỹ, người ta còn gọi anh là Hemingway của Việt Nam. Như thế là họ đánh giá Lê Lựu rất cao. Vậy mà hồi còn đi học, Lê Lựu cũng chẳng có dấu hiệu gì để các thầy cô nhận ra anh có năng khiếu văn. Cụ Lê Huân, thầy dạy nhà văn Lê Lựu hồi học lớp 7, có lần bảo tôi:
- Mình không ngờ Lê Lựu lại có thể trở thành một nhà văn nổi tiếng. Thuở học mình, anh ấy dốt văn lắm. Có lần mình còn cho anh ấy điểm 2...
Nhưng thôi. Đó là chuyện thời trẻ con. Trẻ con thì có gì mà nói. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Cái lũ cá biệt chỉ đứng sau ma với quỷ, có bị điểm kém văn cũng là chuyện thường tình. Nhưng khi đã thành nhà văn lớn, rất nổi tiếng rồi mà vẫn bị điểm kém văn mới là chuyện lạ.
Ấy là trường hợp nhà văn Nguyễn Khải. Đây không phải giai thoại, mà là chuyện thật. Thật 100%. Chính Nguyễn Khải đã kể cho tôi và Lê Lựu nghe. Thoạt đầu, tôi cứ tưởng ông đùa. Nhưng ông không đùa. Ông có thằng con trai học lớp 10. Lớp 10 tương đương lớp 12 bây giờ. Cô giáo ra đề văn cho học sinh luyện viết ở nhà. Đề văn phân tích tác phẩm “Mùa Lạc” của Nguyễn Khải. Thế là “ông giời con” cứ năn nỉ nhờ bố làm hộ. Bố viết văn. Bố lại bình văn bố thì còn gì bằng. Trong đời mình, chưa bao giờ Nguyễn Khải sa vào trường hợp như vậy. Ông viết rồi hồi hộp chờ cô trả bài. Và kinh ngạc hơn cả ông là thằng con. Con đã phải nhờ đến bố, mà bố lại bị điểm 3 với lời phê, lời khẳng định “đanh thép” của cô: “Em không hiểu ý nhà văn!”.
Gần đây, bạn đọc cũng lại bất ngờ nữa khi nhà văn Di Li công bố học bạ của mình. Di Li là nhà văn nổi tiếng. Cô đang là giảng viên Tiếng Anh của Học viện Ngân hàng. Cô nói Tiếng Anh rất điêu luyện, nhuần nhuyễn như tiếng mẹ đẻ. Cô từng giúp Hội Nhà văn phiên dịch và làm MC cho nhiều cuộc gặp gỡ Quốc tế. Để an ủi và cảm thông với các cháu không may mắn trong đường học hành, Di Li đã chụp từng trang học bạ hồi học phổ thông của mình rồi đưa lên facebook. Bạn đọc không thể nhịn được cười khi biết nữ nhà văn nổi tiếng này chỉ là học sinh trung bình yếu. Cô yếu toàn diện. Chẳng có môn nào đạt điểm khá. Ngay cả hai mảng đã biến cô thành nhà văn, nhà dịch giả nổi tiếng, là văn và ngoại ngữ, cô cũng chỉ đạt điểm trung bình. Mà trung bình yếu.
Có phải Di Li kém không? Không! Rồi các cây bút bậc thầy như Nguyễn Quang Sáng, Lê Lựu, Nguyễn Khải… Có phải ở lứa tuổi học trò, họ kém văn không? Không! Chắc chắn không! Văn kém thì làm sao thành nhà văn nổi tiếng được. Họ có thể bị điểm văn kém, nhưng không kém. Tại sao vậy?
Trong thực tiễn sáng tác, những người có năng khiếu văn, thường có cá tính và cách nghĩ rất riêng biệt, thậm chí là khác người. Họ không chịu tuân theo các khuôn mẫu khô cứng. Mà văn nhà trường lại đòi hỏi sự mực thước, khuôn mẫu. Nhiều khi rất khô cứng ở một số thầy cô. Ví như văn tả cảnh ở bậc tiểu học, nếu đã tả ngôi trưởng thì cứ phải tả “từ xa đến gần”. Anh bạn học thời phổ thông của tôi, nhà báo Trịnh Bá Ninh hồi ấy bảo: “Trường mình mà từ xa nhìn lại thì trông nó chẳng khác gì một cái trại chăn nuôi. Chả lẽ mình lại viết: Từ xa nhìn lại, ngôi trường của em như một cái chuồng bò”.
Bài văn tả trường của tôi in trong tuyển tập văn hay dành cho học sinh lớp 3 của Nhà xuất bản Giáo dục những năm 80, cũng có đoạn: “Từ xa nhìn lại, ngôi trường thân yêu của chúng em như một cái gọng bừa. Đến gần đó là ba căn nhà xinh xắn, mái ngói đỏ tươi”. Đấy là câu văn cô giáo chữa cho tôi hồi học lớp 3. Và tôi cũng không biết ngôi trường mà lại như một cái gọng bừa thì có được đẹp không? Đoạn văn rất ấn tượng trong truyện ngắn “Anh xẩm” của nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan, nếu đưa cô chấm, chắc chắn ông sẽ bị điểm 2 vì câu què, câu cụt:
“Từ chiều, lại bắt đầu trở rét.
Gió.
Mưa.
Não nùng”.
Tôi ở đội tuyển văn của tỉnh, được tu luyện rất bài bản để thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Hồi đó chưa thống nhất đất nước. Tôi thi hai lần đều đoạt giải cao. Lớp 4 giải Nhì. Lớp 7 giải Nhất. Bài giải Nhất với điểm tuyệt đối 20/20. Bài văn này còn được in trên trang 4 báo Nhân Dân năm 1972. Tôi đã mất gần 10 năm phấn đấu thuần thục mọi quy phạm để trở thành một học sinh giỏi văn và rồi cũng phải mất gần mười năm gỡ bỏ những câu văn khuôn mẫu nhà trường để trở thành một nhà văn, nhà báo. Cứ tưởng đó chỉ là chuyện riêng của mình, ở thời của mình. Ai dè bây giờ, việc học văn dạy văn vẫn không có gì mới hơn.
Cháu Nguyễn Bình, con trai út nhà phê bình Nguyễn Hòa, là một cậu bé khá đặc biệt. Năm lớp 4 cậu đã viết tiểu thuyết viễn tưởng trường thiên 8 tập: “Cuộc chiến ở hành tinh Phantom”. Tôi và nhà văn Chu Lai đã viết “Lời giới thiệu” cho bộ sách này. Nguyễn Bình cũng có thể được xem như một hiện tượng văn học. Nhà phê bình Nguyễn Hòa bảo tôi: “Thằng con tôi lạ lắm ông ạ. Nó viết tiểu thuyết thì hùng hổ thế nhưng lại không biết làm bài Tập làm văn. Cô giáo ra đề tả con chó mà nó cứ loay hoay mãi không làm được. Nó chẳng biết tả con chó thì phải tả như thế nào”.
Tôi nghĩ, cu cậu chưa quen, hoặc không chịu chấp nhận lối viết văn theo kiểu nhà trường. Thì cũng như Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải hay Di Li sau này thôi. Có người quật lại tôi: “Vậy thế nào là văn nhà trường?”. “Muốn biết văn nhà trường như thế nào ư? Xin cứ đọc những bài văn mẫu dành cho học sinh bày bán la liệt trên thị trường sách”.
Bạn đọc từng dở cười dở khóc khi đọc những bài văn của học sinh từng được các phóng viên đưa lên báo giấy, báo mạng. Tiểu thuyết gia Nguyễn Bình không biết tả chó thì hãy tham khảo bạn bè tả chó đây này: “Nhà em có nuôi một con chó. Con chó nhà em có cái đầu như cái xô múc nước…”. Ở tuổi ấu thơ, tôi cũng đã tả chó. Bài thơ tả chó của tôi cũng đã in đi in lại đến cả trăm lần rồi. Nhưng tôi vẫn không thể hình dung được, cũng không biết ở góc nhìn nào mà em bé lại thấy đầu chó thành cái xô múc nước. Sau này có dịp gặp tác giả, tôi mới biết câu văn ấy là do cô giáo lấy ví dụ gợi ý trên lớp. Cũng tương tự như vậy, một em tả ông ngoại còn kinh dị đến thế này: “Nhà em có nuôi một ông ngoại. Ông ngoại em có cái đầu trắng như đầu mèo”…
Thật kinh khiếp!
Thực chất các em có kém đến mức như thế không?
Không! Tôi đã hơn chục năm, từng tham gia ban giám khảo trong cuộc thi dành cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở của báo Phụ nữ Thủ đô. Đây là sáng kiến của nhà thơ Hữu Việt và nhà thơ Giáng Vân. Báo Phụ nữ Thủ đô chỉ muốn hướng các em đến với việc đọc sách. Cuộc thi viết giới thiệu những cuốn sách mà các em yêu thích. Tôi đã mấy lần đọc thẩm định. Lần nào đọc cũng kinh ngạc. Các em viết rất hấp dẫn. Cùng một cuốn sách nhưng mỗi em có một cách nhìn khác nhau. Đọc các em, tôi còn thấy hứng thú hơn rất nhiều đọc những bài điểm sách của các nhà phê bình. Cái tài của các em là dù người đọc chưa tiếp cận được cuốn sách, qua cách bình của các em, cũng biết được nội dung cuốn sách, với nội dung ấy, tác giả đã viết như thế nào? Cái hay của cuốn sách ở đâu. Rồi cả cái chưa hoàn thiện của nó. Và điều tôi thích nhất, các em viết rất lôi cuốn, hấp dẫn. Đọc bình luận mà cứ như đọc sáng tác. Nó không lạnh, tẻ, và nhạt như đọc những bài viết của các nhà lý luận phê bình.
Tôi cũng may mắn hiểu được thực chất năng lực của các em khi tham gia làm giám khảo cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” của các nhà sản xuất Honda Nhật Bản và cuộc thi Viết thư UPU của Liên đoàn Bưu chính Viễn thông quốc tế.
Trong khi chúng ta cứ ngô nghê hóa trẻ con, còn bạn bè quốc tế thì không như vậy. Họ rất tôn trọng con trẻ. Lắng nghe tiếng nói của con trẻ. Tất nhiên tôi cũng không ngây thơ mà nghĩ rằng, các nhà khoa học Nhật Bản bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua ý tưởng của trẻ con. Không! Họ chỉ tạo cho các em có một sân chơi thú vị và họ cùng tham gia chơi với các em. Cũng như táo vẫn rụng từ ngàn đời. Táo rụng và nó vẫn rụng. Nhưng táo rụng trước mặt Newton thì lại thành một định luật khoa học, giúp con người bước lên một tầm cao. Các nhà khoa học Nhật Bản cũng tạo một sân chơi để cho các em ném táo. Và biết đâu trái táo rơi của các em lại gợi ý cho các nhà khoa học sáng chế ra những cỗ máy thông minh trong tương lai.
Nhiều khi các em ném ra những ý tưởng mà chính các nhà khoa học Nhật Bản cũng phải ngỡ ngàng. Có em cho rằng, rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Việt Nam đều do lái xe say rượu hoặc nghiện ma túy. Các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra rất nhiều biện pháp ngăn cản, nhưng vẫn không triệt để. Ngay các chú công an kiểm soát giao thông cũng có người bị mua chuộc. Ở Việt Nam có quan niệm rất đáng sợ: Cái gì không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng số tiền lớn hơn. Để khắc phục thảm cảnh này, chúng cháu mong các bác sáng chế ra những chiếc xe thông minh. Mà cũng không đắt lắm. Trong buồng lái chỉ cần một con chíp cảm biến. Cứ có hơi rượu hay ma túy là máy sẽ tắt. Không thể khởi động được. Quả là một sáng kiến bất ngờ.
Ở sân chơi viết thư UPU cũng rất thú vị. Viết thư là thể loại văn các em được học từ lớp 3. Đề tài của ta thường chỉ kể chuyện con mèo con chó hay châu chấu cào cào. Nhưng các bạn quốc tế không lủn mủn như vậy: “Hãy tưởng tượng em là trợ lý của Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Với chức trách của mình, em thấy có vấn đề gì quan trọng của toàn cầu mà em cần gợi ý đề xuất để Tổng Thư ký cần phải giải quyết trước tiên”. Hàng triệu em học sinh tiểu học đã say mê bàn với Tổng Thư ký Liên hợp quốc về những vấn đề nan giải của toàn cầu. Hóa ra các em không ngớ ngẩn, cũng không tủn mủn trẻ con như chúng ta nhầm tưởng.
Tôi còn nhớ mãi cuộc gặp gỡ với các em học sinh Trường Đội Lê Duẩn. Hôm ấy, đến dự có cả các vị lãnh đạo, nhiều nhà văn, nhà thơ và phóng viên báo chí. Khác hoàn toàn với nhiều cuộc tiếp xúc của thiếu nhi, nhưng lại do người lớn tổ chức, chuẩn bị, các em chỉ thụ động đọc những bài diễn văn, những lời phát biểu cứng nhắc do người lớn viết hộ, ở đây, trong cuộc giao lưu này, các em tự tổ chức và tự điều hành.
Không khí hội trường sinh động, tươi trẻ, linh hoạt và ấm nóng ngay từ giây phút đầu tiên. Các em đều nói vo. Không có văn bản chuẩn bị trước. Nhưng ý kiến nào cũng chân thực và sắc sảo. Nhiều vấn đề được đặt ra rất nghiêm túc. Một cuộc hội thảo khoa học đích thực.
Vấn đề đầu tiên các em đưa ra là sự chật chội, ngột ngạt trong đời sống của các em ở các phố thị. Liệu có giải pháp nào cải thiện được không? “Trong khi các cô bác cứ nói quan tâm đến thiếu nhi với bao nhiêu khẩu hiệu, mà khẩu hiệu nào nghe cũng hay: Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai, rồi Tất cả vì tương lai con em chúng ta… Riêng cái quan niệm này, chúng cháu thấy có cái gì đó không được ổn lắm. Bởi các bác chỉ nghĩ đến tương lai mà không quan tâm đến hiện tại. Tương lai là cái gì còn rất mù mờ ở phía trước. Tương lai có thể đến, hoặc không bao giờ đến. Hoặc giả dụ, nếu tương lai có đến thật thì lúc ấy, chúng cháu cũng đã thành các cụ già rồi, làm sao còn thú vui của con trẻ để thụ hưởng những gì tốt đẹp các bác ban cho. Còn hiện tại chúng cháu đang sống thì chẳng có gì cả. Thôi khỏi bàn đến những ước mơ cao siêu, vì như thế viển vông quá. Chúng cháu chỉ khát khao có chỗ để nhảy dây, có chỗ đánh chuyền hay đá bóng. Phóng túng hơn nữa là thả diều. Trên thị trường diều được bán rất nhiều, đủ các kích cỡ, hình dáng. Người lớn bán rất nhiều diều cho trẻ con để thu lợi nhuận nhưng lại không cho trẻ con chỗ thả diều. Có bạn đành leo lên tầng thượng, leo lên nóc nhà thả diều. Có bạn liều lĩnh đá bóng ngay trên đường phố. Đó là những việc làm vô cùng nguy hiểm. Có bạn ngã nhào từ tầng 5 xuống đất chết. Có bạn đá bóng dưới lòng đường bị xe cán gẫy chân. Không biết các bác người lớn, nhất là các bác lãnh đạo có thấy đau lòng không? Cháu cũng không thực biết là như thế nào, bởi nếu các bác có đau lòng thật, thì chắc đến nay tình hình đã phải khác chứ. Nhiều bạn bị các bác Cờ đỏ quát mắng om sòm vì “gây mất trật tự đường phố”. Thực sự chúng cháu có lỗi không? Trẻ con có quyền được vui chơi không?”.
“Trẻ em rất cần được vui chơi - một nhà văn tiếp lời. Nhưng các em cũng phải thông cảm với các cô các bác. Bởi hiện nay vẫn còn rất nhiều người nghèo không có nhà ở. Vậy thì theo các em, giữa việc xây nhà cho người nghèo có chỗ trú mưa nắng với chuyện làm sân chơi cho các em, ta cần ưu tiên cái nào trước đây?”.
“Theo cháu, chúng ta không nên đặt vấn đề như thế? Không nên lấy cái nọ triệt tiêu cái kia. Tại sao các bác không nghĩ đến việc vừa xây nhà cho người nghèo, vừa làm sân chơi cho con trẻ? Chưa kể có nơi cả hai cái đều không có, mà chỉ có các khẩu hiệu căng xanh đỏ đầy cả ở ngoài đường: HÃY DÀNH CHO TRẺ EM NHỮNG GÌ TỐT NHẤT MÌNH CÓ... nhưng chẳng có cái gì. Vài cái kẹo đêm trung thu chăng?”. “Nhưng làm bằng cách nào được, trong khi phố phường chật chội như thế?”. “Chúng cháu nghĩ rằng phố phường chỉ chật chội đối với những nhà quản lí không có tầm nhìn xa vàkhông biết quy hoạch cụ thể. Với người có khả năng tổ chức, quy hoạch, thì dân số hiện tại ở Hà Nội không phải là đông và đất đai cũng không hề chật hẹp…”.
“Vậy thì theo cháu cần phải làm thế nào? - Nhà báo Đặng Nam - Chủ nhiệm chương trình Truyền hình “Vì trẻ thơ” - quay lại hỏi một cháu gái vừa đưa ra lời lí giải - Giả sử bây giờ, cháu không phải là Liên đội trưởng Đội Thiếu niên Tiền phong mà lại là bà Chủ tịch thành phố, cháu sẽ “quy hoạch” thành phố của chúng ta như thế nào đây?”.
“Trước hết, cháu sẽ xóa tất cả những căn nhà ổ chuột, những căn nhà mỏng dính, những căn nhà lô nhô cao thấp, cái thò ra, cái thụt vào, trông rất nhếch nhác, bẩn thỉu. Tất nhiên là phải tìm chỗ ở khác tốt hơn cho các chủ hộ, chứ không phải xua họ ra đường... Nhìn chung, nhà cửa, phố phường của ta, từ trước đến nay, vẫn xây dựng theo kiểu tự phát, chủ yếu là do dân tự làm, ai thích kiểu gì thì làm kiểu đó, lại làm tùy theo túi tiền của từng nhà, nên rất lộn xộn và hoang toàng như cỏ dại. Đi trên đường phố, cháu có cảm giác như mình đang đứng trước một dàn nhạc khổng lồ, có đến hàng triệu nhạc cụ, nhưng lại thiếu nhạc trưởng, nghĩa là thiếu một bàn tay chỉ huy, nên cứ mạnh ai nấy tấu. Rốt cuộc chẳng ra làm sao cả. Vậy cần phải quy hoạch lại bằng cách dựng nhà cao tầng như nhiều Thủ đô văn minh của các nước tiên tiến. Chỉ một khu nhà cao tầng đã giải quyết được chỗ ở cho bà con cả một khu phố. Nếu làm được thế, Hà Nội sẽ rất thoáng và rất hiện đại, nề nếp. Chúng ta vừa giải quyết được chỗ ở cho dân, vừa có chỗ xây dựng khu vui chơi giải trí. Làm sao ở bất kì căn hộ nào, bật cửa sổ ra cũng thấy bóng cây xanh và công viên sinh thái. Đó là nơi vui chơi cho con trẻ, là chỗ đi dạo cho người già…”.
“Trời ơi! Cháu gái mơ mộng quá - tôi kêu lên - Cháu đang dẫn các bác vào thế giới cổ tích đấy!”.
“Tại sao lại cổ tích? Cháu nói thật với chú Khoa là cháu không thích truyện cổ tích. Từ bé, cháu đã không đọc chuyện cổ tích rồi. Cháu không đọc vì đó là những chuyện hoang tưởng, bịa đặt và nhảm nhí”.
“Thế nhưng cháu lại đang sáng tác chuyện cổ tích đấy. Vì những điều cháu nói rất khó thành hiện thực. Dân mình vừa đơn giản lại vừa rất phức tạp. Người nào cũng muốn có mảnh đất riêng, căn nhà riêng. Dù méo mó, nhưng vẫn thích, vì đó là nhà riêng của mình chứ không phải nhà tập thể. Bao nhiêu công trình công cộng không giải tỏa nổi cũng vì dân đó thôi…”.
“Đó không phải vì dân đâu. Dân không tin nên không ủng hộ đấy. Ấy là chưa kể, chưa có hoặc đã có nơi không giải tỏa được vì quá ít tiền đền bù, hay là tiền hỗ trợ di chuyển gì đó. Nhà người ta đẹp thế, các bác trả một dúm tiền đến không thể kiếm nổi một túp lều. Trường hợp Thủ Thiêm là thế. Và còn rất nhiều những Thủ Thiêm...Đó là lỗi tại các bác chứ, đâu có phải tại dân. Nhiều trường hợp người dân đã giao nhà, đã đóng tiền và ở vạ vật, nhưng mãi vẫn không xây xong. Thế thì làm sao mà tin được. Theo cháu, với dân, nên rõ ràng, không nói một đằng, làm một nẻo. Có gì khó khăn nảy sinh cũng thông báo với dân, dân sẽ cảm thông. Ngày xưa, xem trên báo, trong sách sử, cháu biết dân từng hiến vàng, hiến nhà cửa, có người còn hiến cả mấy cái biệt thự cực kì sang trọng cho Cách mạng. Vậy mà bây giờ, con cái họ, kiếm một chỗ ở thông thường cũng không xong... Có người buồn bực quá, còn làm đơn đòi lại. Vì những cái nhà ấy người khác ở, cũng có “cách mạng” gì đâu... Cháu nghĩ không phải lỗi tại họ đâu. Tại chúng ta làm mất niềm tin của họ đấy. Nếu được dân tin thì việc gì, dù khó đến đâu cũng vẫn làm được. Cháu nghĩ đất đai ở trong dân. Tiền bạc ở trong dân. Công sức cũng ở trong dân. Dân tin yêu, ủng hộ thì những chuyện cổ tích sẽ thành hiện thực, còn nếu dân không tin, không ủng hộ, thì những việc đơn giản, có sẵn trong tầm tay, hoặc căng đầy đường các khẩu hiệu xanh đỏ cũng sẽ thành chuyện cổ tích xa vời, lại rất hoang tưởng… đừng nghĩ chúng cháu tin theo...”.
Đấy! Lí lẽ của trẻ em đấy. Vậy thì cách học văn hay dạy văn cho các em bây giờ cũng cần phải thay đổi. Hóa ra người lớn chúng ta đâu đã hiểu các em. Cũng đừng nghĩ trẻ con khôn trước tuổi. Từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước, cậu bé mười một tuổi Hoàng Hiếu Nhân đã từng diễn giải:“Các anh đừng nghĩ chúng em già khôn trước tuổi. Cái gì cần nhớ trước thì nhớ trước, có cái cũng cần nhưng để tính sau”.