| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ít biết về Đội cận vệ: Được Bác Hồ mai mối

Thứ Sáu 05/08/2016 , 13:15 (GMT+7)

Bà Lê Thị Lịch vừa là điểm tựa cùng chồng chèo chống cả gia đình vượt qua khó khăn, vừa không quên những địa phương đã từng có đóng góp cho cách mạng.

Bác đặt tên là Lê Thị Lịch

Khi tôi hỏi kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, bà vẫn bồi hồi. Đầu tháng 8/1945, bà được cử đi dự Hội nghị Tân Trào. Đội phái nữ đồng chí Thuận (tức Thái Bảo - sau này là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) sang thay bà phụ trách huyện Đa Phúc.

Lên tới Tân Trào, các đại biểu vừa gặp nhau thì có tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh. Ngay đêm 13/8/1945 Trung ương Đảng ra lệnh Tổng khởi nghĩa và quyết định cử một số cán bộ về địa phương trước để kịp thời chỉ đạo. Vậy là cơ hội lần đầu tiên gặp Bác ở Tân Trào của bà bị lỡ.

Ngày 23/8/1945, trên đường từ Tân Trào về Hà Nội, Hồ Chủ tịch, đồng chí Trần Đăng Ninh và các đơn vị giải phóng quân đi qua Đa Phúc, Đông Anh, qua bến đò sang bên kia làng Xù (thôn Phú Xá). Đồng chí Đào Khánh (tức Hoàng Tùng, phụ trách phía nam sông Hồng), đón Bác về làng Gạ, thôn Phú Gia (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ).

Sau đó các đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đến đón Bác về ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang của ông Trịnh Văn Bô  - tư sản yêu nước và bà Hoàng Thị Minh Hồ.

Nữ đồng chí Thái Bảo thay mặt Huyện ủy Đa Phúc ra đón Bác. Hồ Chủ tịch dừng lại nói chuyện với đồng chí, đồng bào. Hôm ấy, bà Lê Thị Lịch lại bận công tác khác nên khi trở về, nghe tin Bác đến, bà tiếc ngẩn ngơ.

Rồi ngày Độc lập 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình, bà chỉ nghe giọng nói của Bác chứ chưa hề gặp mặt.

“Tôi nhớ mãi lần đầu gặp Bác ở nhà ông Thư Bạ - làng Gượm. Có tiếng ôtô, anh Toàn (tức Tổng Bí thư Trường Chinh) nói: “Bác về đấy”. Tôi mừng run cả chân, còn anh Toàn dắt tay tôi đi như chạy. Cụ đội cái mũ đen, đi giầy ba ta. Cụ nắm tay tôi hỏi: “Cô có khỏe không?”. Sao Ông Cụ hốc hác quá thế kia? Tự dưng tôi muốn khóc...

Bí danh của bà lúc ấy là Liên đã có vẻ khá lộ. Bác liền bảo: “Ở đây có hai chị em, chị tên là Lê Thị Thanh rồi, em tên là Lịch, Thanh - Lịch mà”. Bà mang tên là Lê Thị Lịch từ đó. Nói rồi Bác thưởng cho bà tấm khăn dù mà chiến sĩ đã thêu biếu Bác. Bác nói: “Bác thưởng cho cô Lịch vì làm việc tốt”. Năm 1949, khi chuyển sang công tác khác, bà đem tặng lại đồng chí Tuấn là người thay bà làm Trưởng ban công tác đội Trung ương.

“Những ngày ấy được ở bên Cụ, tôi thấy Cụ hình như không nghỉ lúc nào. Có đêm tôi nằm nhà ngang, ngủ một giấc dài, mở mắt, qua khe liếp lên nhà trên vẫn thấy Cụ ngồi bên đèn Hoa Kỳ cọc cạch máy chữ...”.

Về sau này, trong những lần bà sinh con ở chiến khu, Bác Hồ biết tin liền gửi cho bà chai mật ong rừng và hai mét lụa.

Sau khi đã về Hà Nội, do quá bận, một nách 5 con mọn và bận công tác làm Trưởng ban Kiểm tra Công đoàn ngành Giao thông Vận tải nên nhiều lần có ý định xin vào gặp Bác, bà cứ chần chừ. Ngày Bác mất, bà khóc ròng... Đó là điều bà cứ tiếc nuối mãi.

 

Điểm tựa vượt khó khăn

Dấn thân vào hoạt động cách mạng quên cả tuổi thanh xuân dần trôi qua, năm 1949, ở ATK Việt Bắc, Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh đã đứng ra mai mối bà với ông Lê Dung, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Giao thông Công chính (nay là Bộ Giao thông Vận tải).

Ông Lê Dung sinh ra trong gia đình trí thức, quê tỉnh Quảng Bình, đã tốt nghiệp kỹ sư cầu đường của Pháp, nên những lúc rảnh rỗi thường dạy thêm kiến thức cho vợ. Nhờ những ngày học “bổ túc” với sự chỉ bảo tận tình của ông mà bà có được trình độ học vấn (tương đương) hết cấp 3. Ông bà có một gia đình hạnh phúc với 5 người con, trong đó có võ sư Lê Công - Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Karatedo Việt Nam.

Trở về cuộc sống đời thường, không phải mọi việc đều suôn sẻ. Cũng có những sự cố bất thần đến với gia đình. Một thời chủ nghĩa lý lịch thành phần và những thành kiến đối với người trí thức khiến cho những đóng góp của ông Lê Dung ở Bộ Giao thông Vận tải phải dở dang. Song, như lời người con trai thứ Lê Thông kể lại, bà đã là điểm tựa cho ông, bà cùng ông chèo chống cả gia đình vượt qua khó khăn. Và đối với những địa phương đã từng có đóng góp cho cách mạng bà cũng không quên. Khi biết tin các cơ quan chính quyền có trách nhiệm thành lập khu di tích lịch sử ATK lại chỉ nhắc đến tỉnh Thái Nguyên, là người đã tổ chức ATK, bà đã làm đơn đề nghị phải có cả tỉnh Tuyên Quang vào thì mới đúng với lịch sử. Đề nghị của bà đã được cơ quan chức năng thực hiện.

Hai lần cắm cờ Đảng ở Chùa Hương

Chùa Hương năm nào cũng ba tháng hội, nghìn nghịt người đi chùa lễ Phật.

Mùa xuân năm 1941, đồng chí Trần Tử Bình - Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, giao nhiệm vụ cho bà Lịch và các đồng chí khác tổ chức tuyên truyền tinh thần yêu nước đến với đồng bào đi hội chùa Hương. Nhận xong nhiệm vụ, bà đi khảo sát nhiều lần để tìm địa điểm cắm cờ đỏ búa liềm và nơi rải truyền đơn. Còn ông Lê Thành, ông Trần Quyết (sau này là Thứ trưởng Bộ Công an) thường lấy ngọn măng chấm vào vôi trắng viết chữ lên nền vải đỏ những lời ủng hộ Việt Minh và chống giặc.

Việc treo cờ, rải truyền đơn ở hội chùa Hương thắng lợi, gây tiếng vang lớn trong vùng. Bà Lịch lại cùng các đồng chí treo cờ ở hội Phủ Giầy tháng 3 năm 1942. Ít lâu sau, trong dịp lễ hội chùa Hương mùa xuân năm 1943 cùng với đồng chí Bình Phương, bà treo cờ Đảng lần thứ hai.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất