| Hotline: 0983.970.780

Chuyện 'lạ' ở Hai Căn

Thứ Ba 09/03/2021 , 05:31 (GMT+7)

Lạ ở chỗ, những người dân nghèo, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, nhưng khi thuyết phục về nơi ở mới, đàng hoàng hơn, tốt đẹp hơn, thì phải 'năn nỉ' mãi mới chịu về.

Và hôm nay, những người dân ở khu tái định cư 119 (thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, (Bình Phước), ai ai cũng hồ hởi, sung sướng khi cuộc đời họ được lật sang trang mới, không còn cảnh “màn trời chiếu đất”, cuộc sống thiếu thốn, “giật gấu vá vai” như xưa nữa.

Diện mạo khu tái định cư Hai Căn hôm nay. Ảnh: Văn Lâm.

Diện mạo khu tái định cư Hai Căn hôm nay. Ảnh: Văn Lâm.

Một thời “nhiều không”

Họ là hàng trăm con người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, sống trong cảnh “vất vưởng”, nay đây mai đó. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Ông Trần Đại Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, kể, những hộ dân này phần lớn là Việt kiều Campuchia khu vực Biển Hồ, sinh sống bằng nghề chài lưới. Khi cuộc sống nơi xứ người ngày càng khó khăn hơn, họ rủ nhau về Việt Nam, và cũng mưu sinh bằng nghề câu cá, chài lưới trên sông Bé, hồ thuỷ điện. Thu nhập bấp bênh, bữa đói bữa no, đời sống vật chất quanh năm “gật gấu vá vai”, còn “món ăn” tinh thần là con số 0 tròn chĩnh.

Ấy là những hộ sống dưới nước, còn những hộ sống trên bờ, tình cảnh cũng chẳng hơn gì. Cuộc sống của họ đặc biệt khó khăn, họ sống cách xa trung tâm xã, cơ sở hạ tầng chưa có gì, đường đất, mùa mưa lầy lội, mùa khô bụi mịt mù, phương tiện đi lại là… cuốc bộ, chẳng có xe cộ gì. Một vài hộ có nhà nhưng đều tạm bợ, mái tranh vách nứa, dột nát, nước sinh hoạt lấy dưới sông hồ, chỉ vài hộ có đất canh tác.

Hầu hết họ không có nghề nghiệp, thu nhập chủ yếu là xuống sông, hồ kiếm vài con tôm con cá và đi làm thuê, nên bữa đói, bữa no, người lớn mù chữ, số trẻ em từ biết chữ đến lớp 1 lớp 2, cao lắm hết cấp 1, không nhiều. Chứng kiến cuộc sống của người dân như vậy, chúng tôi cũng day dứt lắm, nên đề xuất lên huyện, tỉnh, lập khu tái định cư, “gom” họ về một chỗ, ổn định cuộc sống cho họ.

Mặc dù cuộc sống ở khu tái định cư Hai Căn đã dần ổn định, nhưng chính quyền địa phương vẫn thường xuyên xuống tận nơi để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết khi có khúc mắc. Trong ảnh, ông Trần Đại Lợi (bìa phải), Phó chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa đang trao đổi với người dân trong thôn. Ảnh: Văn Lâm.

Mặc dù cuộc sống ở khu tái định cư Hai Căn đã dần ổn định, nhưng chính quyền địa phương vẫn thường xuyên xuống tận nơi để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết khi có khúc mắc. Trong ảnh, ông Trần Đại Lợi (bìa phải), Phó chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa đang trao đổi với người dân trong thôn. Ảnh: Văn Lâm.

Năm 2013, huyện Bù Gia Mập được tỉnh giao 279 lô đất, mỗi lô từ 350 - 400m2 để làm khu tái định cho dân di cư tự do. Có đất, địa phương phối hợp với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đóng trên địa bàn triển khai xây dựng khu dân cư mới cho đồng bào dân tộc S’tiêng. Đó chính là khu Hai Căn hiện nay.

Ông Lợi nhớ lại: “Khi khu tái định cư hoàn thành, việc thuyết phục người dân về ở cũng vô cùng gian nan. Khi chúng tôi đến vận động “lên bờ”, họ kiên quyết không lên, họ nói bao năm nay sống trên mặt nước quen rồi, lên bờ tối ngủ cái giường nó không có dập dềnh là không ngủ được, rồi lên bờ làm gì có cá mà lưới, lấy gì bán mua gạo ăn?

Trước tình huống “trời không chịu trời, đất không chịu đất” của người dân, cán bộ chúng tôi ngày đêm tiếp tục đến tận vận động, thuyết phục, cùng ăn, cùng nhậu với bà con. Mất cả năm trời như vậy, 42 hộ đầu tiên đã đồng ý rời bỏ nơi ở cũ, đến với quê hương thứ hai - khu Hai Căn.

Các hộ được sống trong những căn nhà tình thương xây dựng khá khang trang, vững chắc với kinh phí từ 50 - 70 triệu đồng/căn, do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 hỗ trợ, trên diện tích 350 - 400m2. Bên trong căn nhà đã có sẵn các vật dụng thiết yếu như giường, bộ bàn ghế, tivi, quạt máy, bếp ga… và cả bò giống để nuôi”.

Ông Điểu Đé, Bí thư Chi bộ thôn Hai Căn: 'Cuộc sống của người dân bây giờ tốt lắm rồi. Ai cũng mừng hết. Tất cả là nhờ chính quyền'. Ảnh: Văn Lâm.

Ông Điểu Đé, Bí thư Chi bộ thôn Hai Căn: "Cuộc sống của người dân bây giờ tốt lắm rồi. Ai cũng mừng hết. Tất cả là nhờ chính quyền". Ảnh: Văn Lâm.

Sau thành công từ 42 hộ đồng bào ban đầu, từ nhiều nguồn hỗ trợ kinh phí, huyện tiếp tục mở rộng xây dựng khu dân cư Hai Căn. Lần này, việc vận động đồng bào đến nơi ở mới không còn khó khăn như lần đầu nữa. Bởi vì họ thấy rõ cuộc sống mới của 42 hộ đến trước rồi. Đến nay, Hai Căn đã có 119 hộ, gần 500 nhân khẩu với đủ thành phần dân tộc như S’tiêng, Tày, Nùng, Mường, Kinh... Tổng kinh phí từ các nguồn đổ vào khu Hai Căn đến nay khoảng hơn 12 tỉ đồng.

"Nhiều không" đã trở thành quá khứ

Gặp chị Điểu Thị Đúp, 45 tuổi, ở khu tái định cư, lúc chị đang cho cặp bò trong chuồng ăn, chị cười tủm tỉm, kể: “Trước đây nhà nghèo lắm, không có vườn rẫy nhưng lại 4 miệng ăn. Đói thì không đói nhưng có khi chưa biết no là gì. Chồng bệnh tật, nhà có gì cũng bán để chữa cho ổng, nhưng tốn bao nhiêu tiền rồi ổng cũng chết, mẹ con tôi buồn lắm.

Cách đây 3 năm, cán bộ đến đưa ba mẹ con về đây, cho nhà, cho đất rồi cho nhiều thứ trong nhà nữa, hồi tết rồi lại cho thêm 2 con bò này. Tôi giờ vừa nuôi bò vừa đi làm thuê nuôi 2 đứa con đi học, đứa lớn lớp 8, đứa nhỏ lớp 4. Lúc nào không học chúng nó đi làm thêm kiếm tiền phụ mẹ nó. May mà có nhà nước giúp nên ba mẹ con tôi giờ cũng sống được rồi”.

Chị Điểu Thị Đúp vui mừng khi được cấp nhà, cấp đất sản xuất, còn được nhà nước tặng hai con bò. Ảnh: Văn Lâm.

Chị Điểu Thị Đúp vui mừng khi được cấp nhà, cấp đất sản xuất, còn được nhà nước tặng hai con bò. Ảnh: Văn Lâm.

Bà Huỳnh Thị Vân, 65 tuổi, và con trai Huỳnh Công Phúc, 41 tuổi, từ Campuchia về Việt Nam không có nhà cửa, đất đai, cuộc sống nay đây mai đó, công việc không ổn định, bữa đói bữa no, nay được cấp nhà đất tái định cư đã ổn định cuộc sống ở khu Hai Căn. “Vì già không đi làm công ty được nên tôi lấy điều về bóc vỏ lụa, còn con tôi đi phụ hồ, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống, không như trước đây khó khăn triền miên”, bà Vân nói.

Cách nhà bà Vân không xa, gia đình anh Nguyễn Chí Linh, 37 tuổi và chị Nguyễn Thị Thi là một điển hình trong thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống ở khu Hai Căn. Gia đình anh được “vớt” từ lòng hồ (thuộc xã Phước Minh, huyện Phú Riềng) lên bờ. Sau khi được cấp nhà, đất, từ tiền tích cóp và vay thêm, anh chị đã mở cửa hàng tạp hóa tại nhà phục vụ bà con trong thôn. Ngoài ra, anh chị liên hệ với các doanh nghiệp lấy hạt điều về giao cho những lao động nhàn rỗi ở thôn bóc vỏ lụa tại nhà. Công việc không chỉ tạo thu nhập cho gia đình mà còn giúp hàng chục lao động nhàn rỗi có việc làm tương đối ổn định.

Anh Điểu Tứ, một trong những người làm ăn giỏi nhất ở Hai Căn. Ảnh: Văn Lâm.

Anh Điểu Tứ, một trong những người làm ăn giỏi nhất ở Hai Căn. Ảnh: Văn Lâm.

Một trong những hộ khá giả nhất ở khu Hai Căn phải kể đến gia đình anh Điểu Tứ, 52 tuổi. Vốn tính siêng năng, chí thú làm ăn, nay anh đã xây dựng được cơ ngơi khá bề thế. Sau khi chia tài sản cho 4 người con ra ở riêng, hiện gia đình anh còn 6ha cao su, điều. Thu nhập của gia đình anh Điểu Tứ mỗi năm cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh còn có 0,5ha đất trồng hoa màu, vừa để ăn, vừa bán rẻ cho bà con trong xóm, nhà nào khó khăn quá anh cho không lấy tiền.

“Được như hôm nay là nhờ bao nhiêu năm tích cóp, được đồng nào tôi lại dồn hết vào mua đất, mua vườn. Tôi cũng mong bà con khá cùng nhau, nên ai cần giúp là tôi giúp ngay thôi”, anh Điểu Tứ nói.

Anh Điểu Tứ còn là người đi đầu trong việc liên hệ với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 để đào tạo nghề cạo mủ cho lao động trong thôn. Sau đó giới thiệu vào đơn vị này và các công ty, hộ cá thể trong vùng cạo mủ cao su, tăng thêm thu nhập.

Ông Điểu Đé, 63 tuổi, người có 24 năm làm Trưởng thôn Hai Căn, hiện là Bí thư Chi bộ thôn Hai Căn, cho biết: “Ngày xưa ở vùng đất này chỉ có 2 căn nhà, một của ông Điểu Đanh, sinh năm 1940 và một của ông Điểu Nan, sinh năm 1945, là cha của tôi. Cả hai cụ nay đã mất hết rồi. Vì chỉ có 2 căn nhà nên người ta gọi là sóc Hai Căn, trở thành thôn Hai Căn như hôm nay.

Thôn Hai Căn hiện có tổng số 364 hộ dân, chỉ còn 4 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo. Hai Căn nay tốt hơn xưa nhiều lắm rồi, đường đẹp, điện sáng, nước sạch, trường cho con em học cũng gần nơi ở, chỗ chăm sóc sức khỏe cũng gần khu dân cư”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất