| Hotline: 0983.970.780

Chuyện lạ Việt Nam: Dưa... nghe nhạc

Thứ Hai 20/01/2020 , 12:34 (GMT+7)

Bản giao hưởng số 5 của Beethoven vang lên hoành tráng giữa một không gian bát ngát màu xanh mà “thính giả” duy nhất không gì khác là những… gốc dưa lưới Nhật lúc lỉu quả.

Hệ thống loa được bố trí gần ở mái vòm nhà kính.


“Nhà hát lớn” của cây trồng

“Ten ten ten tèn. Ten ten ten tèn. Ten ten ten tén tén tén ten. Ten ten ten tén tén tén ten…”. Trước những cơn sóng âm thanh tuôn trào đầy phấn khích đó, bộ lá tươi tắn của chúng dường như cũng mở to hơn, nhẹ rung như đang nhảy múa.

Kỹ sư Nguyễn Đức Thiện - Chủ nhiệm dự án sản xuất dưa lưới Nhật bằng công nghệ Nhật ở trại Nậu Phó (Phú Thọ) trực thuộc Công ty Cổ phần Giống Vật Tư Nông nghiệp Công nghệ Cao Việt Nam vừa chỉnh âm lượng trên chiếc ampli cho phù hợp vừa cười thật tươi bảo với tôi rằng: “Tí nữa mời anh ăn thử sản phẩm nhé. Đây là lần đầu tiên ở miền Bắc trồng được dưa lưới trong vụ đông và là vụ thứ hai chúng tôi thử nghiệm cho chúng nghe nhạc.

Kỹ sư Thiện đang chỉnh nhạc cho dưa lưới.
 

Ngoài nghe nhạc ra, dưa còn được bổ sung phân ủ vi sinh hữu cơ gồm hỗn hợp đậu tương, sữa, rỉ mật… được tưới bằng nước giếng lọc qua than hoạt tính. Quả sản xuất ra đạt chuẩn VietGAP, độ brix (độ đường) trên dưới 15% nên ăn ngọt đậm nhưng vẫn để lại dư vị thanh mát, thơm ngon”.

Tôi nghe mà nước miếng tự dưng trào ra không thể ngăn cản. Khu nhà màng rộng hơn 2.000m2 được lắp đặt 4 chiếc loa gần với mái vòm để sóng âm thanh khuếch tán đều khắp các vị trí sao cho không một “thính giả” cây nào bị bỏ sót.

Những quả dưa, vỏ nổi vân hình mai rùa, cuống cong cong hình cánh hạc, no tròn, lúc lỉu trĩu trên dây. Qua hai vụ thử nghiệm cho dưa nghe nhạc bước đầu các kỹ sư đã thấy những kết quả khá khả quan so với khu đối chứng không phát nhạc.

Dàn loa phục vụ các 'thính giả dưa'.

Thời gian sinh trưởng của dưa lưới từ lúc trồng đến khi thu hoạch được rút ngắn khoảng 5-8 ngày (từ 75 - 80 ngày xuống còn 70 - 72 ngày) nhưng trọng lượng quả vẫn không đổi (trung bình 1,4 - 1,5kg/quả), hình dạng, màu sắc, gờ vân nổi đồng đều. Tùy theo thời tiết mà thời gian nghe nhạc của cây có sự điều chỉnh, trung bình 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 1 tiếng vào thời điểm giao thoa giữa ngày và đêm, sáng và chiều.

Vào những ngày mây mù, ít nắng, thời gian nghe nhạc thường kéo dài hơn. Anh Thiện khẳng định, nhờ đó, lá cây vẫn tươi, thân mình cứng cáp và nhất là tỷ lệ sâu bệnh giảm đi đáng kể.

Đặc biệt quá trình cho dưa nghe nhạc còn làm kìm chế hóc môn ethylene có trong thịt quả giúp cho đường không bị lên men, tránh tình trạng chín nẫu từ vị ngọt thường chuyển sang ngọt cay.

Kỹ sư Thiện kiểm tra tình trạng của dưa.

Loại nhạc phù hợp cho cây là những bản hòa tấu du dương của Mozart hay các bản giao hưởng đầy chất anh hùng ca hoành tráng của Beethoven. Ngoài dưa lưới, các kỹ sư ở đây còn thử nghiệm cho dưa lê vàng Hàn Quốc, dưa chuột nghe nhạc.

Dưa chuột thể hiện sự khác biệt thấy rõ ở thời gian thu hoạch sớm hơn 5 ngày, cây trẻ hóa lâu hơn. Bình thường cho thu hoạch trong 2 tháng nhưng nay kéo dài thêm 1 tuần nên năng suất thêm được khoảng 15%.

Không chỉ có vậy quả khi ăn giòn và ngọt hơn. Còn dưa lê vàng Hàn Quốc do trồng vụ đầu tiên, lại không có điều kiện làm đối chứng giữa cho nghe nhạc và không nghe nhạc nên chưa thể nói thêm được điều gì.
 

Chuyện ở Tây và chuyện ở Ta

Mối quan hệ giữa âm nhạc và sự sinh trưởng của cây cối đang được các nhà khoa học thế giới nghiên cứu và chứng minh. Chỉ cần gõ cụm từ khóa “music for plants” hay “Playing music to your plants” trên google là có thể ra hàng loạt kết quả từ bài viết, ảnh đến video clip.

Dùng dịch dinh dưỡng mật, sữa và các chất đã lên men để tưới nhỏ giọt.

Nhật Bản, Pháp, Mỹ là những quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực này. Ở đó có không ít phòng thí nghiệm cũng như trang trại thử ứng dụng âm nhạc vào trồng trọt để làm rút ngắn thời gian sinh trưởng, tăng năng suất cũng như chất lượng của nông sản.

Theo như phân tích thì các rung động của sóng âm ở một tần số phù hợp có thể làm tăng tốc độ chuyển động của các chất trong các tế bào và hỗ trợ sự phát triển, tạo ra sức đề kháng cho cây mạnh hơn, năng suất tốt hơn. Bởi vậy cần phải thử nghiệm nhiều lần các thể loại âm nhạc để xem thứ gì thích hợp với từng loại cây trồng, thời gian cho nghe bao nhiêu là vừa đủ.

Thử kiểm tra chất lượng dưa.

Mấy năm trước, trong một lần cùng đoàn doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ sang Nhật, chị Nguyễn Thị Tâm-Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giống Vật Tư Nông nghiệp Công nghệ Cao Việt Nam đã bị mê hoặc khi được đến thăm một quan trang trại trồng dưa lưới theo công nghệ cho nghe nhạc. Nghĩ đến giá mỗi quả dưa quy ra tiền Việt 500-700.000đ mà ham nhưng nghĩ đến khoản đầu tư cho một nhà kính để trồng tới lên vài ba tỉ đồng lại vã mồ hôi chán. Cuối cùng sự quyết tâm đã chiến thắng nỗi sợ hãi.

Trên vùng đất tổ của các vị vua Hùng một khu nhà kính theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Làm vườn Nhật đã được dựng lên. Nó có khả năng chịu được gió cấp 11 với nhịp vòm dầy hơn giúp phân tán tải cục bộ lên các vật liệu quan trọng như màng nylon, lưới côn trùng, lưới cắt nắng…từ đó nâng cao tuổi thọ lên tới 20 năm. Tuy nhiên cũng do đặc thù thiết kế này mà giá thành cao hơn kiểu nhà kính phổ thông khác đang dựng ở Việt Nam khoảng 30 - 40%.

Niềm vui ngày thu hoạch.

Cây trồng ở đây không sử dụng đến đất mà được cắm trên giá thể là xơ dừa. Các cảm biến sẽ chuyển mọi dữ liệu về dinh dưỡng, ánh sáng trong nhà truyền về bộ điều khiển trung tâm nhờ kết nối Internet, được đồng bộ với giải pháp trang trại thông minh. Từ đó, mọi diễn biến của cây trồng và những kỹ thuật quan trọng trong trồng trọt như bón phân, tưới nước, cắt ánh sáng được các kỹ sư giám sát, điều chỉnh trực tuyến qua máy tính hay điện thoại thông minh ở bất cứ đâu...

Những ngày này, chị Nguyễn Thị Tâm - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giống Vật Tư Nông nghiệp Công nghệ Cao Việt Nam luôn tất bật với hai cái điện thoại trên tay. Những cuộc gọi đến nóng ran cả máy.

Mặt chị chợt đăm chiêu đồng thời dặn nhân viên: “Dừng tất cả đơn đặt hàng mới lại để ưu tiên cho các đơn hàng cũ nhé vì đã chuẩn bị hết rồi!”. 170 quả dưa lưới cuối cùng đang được đóng vào thùng để chuyển đến tay những vị khách hàng may mắn của cuối năm Kỷ Hợi. Với giá bán mỗi 1kg dưa lưới, dưa lê tại vườn là 70.000 đồng, lợi nhuận ròng cho 2.000m2 nhà kính ước tính sẽ vào khoảng 500 - 600 triệu đồng một năm, đủ hấp dẫn để có thể nghĩ cho một cuộc chơi lớn hơn trong năm canh tí này.

Kỹ sư Nguyễn Đức Thiện kể với tôi rằng khi anh còn đang học trong Học viện Nông nghiệp Việt Nam có thầy giáo đã kể cho nghe thí nghiệm về sự tương tác của âm thanh với cây trồng.

Cùng một giống, cùng cách chăm bón như nhau nhưng một bên thì con người thường xuyên trò chuyện với cây, một bên thì không, chỉ đơn giản coi chúng là thứ vô tri, vô giác.

Kết quả, năng suất và chất lượng đã có sự khác biệt nghiêng về những cây thường xuyên được con người trò chuyện.

Nghe qua thì tưởng viển vông, xa lạ thế mà giờ đây chính mình lại đang chứng minh bằng thực tế những lời của thầy giáo nói năm xưa.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất