Sau khi bị bắt, ông Mai và các con bạc được đưa về Công an tỉnh để lấy lời khai, hoàn thiện hồ sơ. Và, 20 ngày sau, ông Mai bị xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng. Sau “sự cố” nói trên, một số việc làm của ông Mai có dấu hiệu vi phạm quy chế công ty và quy định pháp luật bắt đầu bị tố giác…
Quyết định xử phạt hành chính ông Mai do đánh bạc trái phép.
“Canh bạc”… cuối đời?
Vụ án đánh bạc xảy ra khá lâu nhưng ít phóng viên báo chí có được thông tin. Ngày 13/1/2016, chúng tôi được bạn đọc công ty cho biết: Ông Hồ Ngọc Mai vừa bị ông Thái Khắc Thư - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An (ĐUKDN.NA), ký quyết định “thi hành kỷ luật” bằng hình thức “Cách chức ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công ty”. Nhận được thông tin, ngày 14/1/2016, chúng tôi liên lạc với ông Mai và được nhận lời tiếp, làm việc.
Tại phòng giám đốc công ty, ông Mai với vẻ mặt “buồn oan khuất”, gửi chúng tôi lá đơn viết tay, đề nơi gửi là: Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Tên lá đơn là “Xin đề nghị xem xét lại hình thức kỷ luật”.
Trong đơn, ông Mai trình bày về quá trình công tác hơn 30 năm của mình, trong đó nêu cao tinh thần, trách nhiệm cá nhân trong tổ chức, lãnh đạo công ty từ tháng 7/2010 đến khi bị bắt quả tang về hành vi đánh bạc nói trên. Minh oan cho mình, ông nêu trong đơn: “Trong thời gian qua, do uống rượu say ở nhà riêng, cùng anh em trong gia đình đánh bài ăn tiền và bị công an bắt xử phạt hành chính, tôi đã ăn năn hối cải, vì say rượu không làm chủ được bản thân”.
Trần tình với phóng viên, ông Mai thắc mắc: “Ngày 12/1/2016, tại 3 cuộc họp thuộc Đảng bộ công ty là: Chi bộ Văn phòng, Ủy ban Kiểm tra và Ban Chấp hành Đảng bộ của công ty, anh em đều thống nhất đề nghị hình thức kỷ luật “khiển trách” về đảng đối với tôi. Nhưng không hiểu sao, ĐUKDN.NA lại kỷ luật tôi bằng hình thức “cách chức ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ?”. Ông Mai cho rằng, hình thức kỷ luật về đảng chỉ có 3 mức là khiển trách, cảnh cáo và khai trừ, không có hình thức kỷ luật như Đảng ủy ĐUKDN.NA áp dụng(!?).
Quyết định cách chức ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy đối với ông Mai.
Hé lộ những bất thường
Sau khi biết tin có phóng viên về làm việc, một số cán bộ, nhân viên công ty đã tìm cách gặp chúng tôi để cung cấp thông tin với hi vọng những sai phạm của ông Mai từ khi làm giám đốc đến nay phải được điều tra, xác minh, làm rõ.
Một kỹ sư thủy lợi lâu năm (xin được giấu tên), hiện đang công tác tại công ty này cho rằng, cơ quan điều tra cần vào cuộc để làm rõ quy trình xả lũ tại hồ Vực Mấu vào đêm 30/9 rạng sáng ngày 1/10/2013. Do việc xả lũ ẩu, không đúng quy trình, kỹ thuật, nên đã làm chết 3 người (trong đó có ông Nguyễn Tài Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An), gây thiệt hại 800 tỷ đồng của người dân thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Thiệt hại này, đến nay, nhiều hộ dân nuôi tôm đầm ở thị xã Hoàng Mai vẫn chưa thể gượng dậy được do nợ nần vì vốn đầu tư quá lớn.
Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) chìm trong nước do xả lũ trong đêm 30/9/2013.
Một cán bộ khác cho biết, vào thời điểm ông Mai lên giám đốc, tổng số cán bộ, nhân viên, lao động của công ty là 380 người. Sau 5 năm điều hành, mặc dù không còn phải thu thủy lợi phí nữa do nhà nước miễn cho nông dân, nhưng biên chế của công ty “phình” thêm gần 50 người. Việc tuyển dụng lao động vào công ty hàng năm có dấu hiệu “chạy việc”, cần phải được làm rõ.
Liên quan đến quy chế của công ty về xét kỷ luật đối với cán bộ, nhân viên sinh con thứ 3 là: Tự nguyện viết đơn xin thôi giữ chức vụ, không nâng lương liên tục trong 3 năm. Thế nhưng, chính ông Mai đã cho phép một số cán bộ, nhân viên công ty “lách quy chế” bằng cách trước khi (vợ) cán bộ, nhân viên hoặc chính nữ lao động đó sinh con khoảng 1 tháng, tự họ viết đơn xin thôi việc.
Sau khi sinh xong, chi bộ, chính quyền địa phương nơi người vi phạm “kế hoạch sinh đẻ” đó kiểm điểm, nhắc nhở xong, họ lại xin trở lại công ty làm việc bình thường. Giải thích về “chiêu” này, ông Mai nói: “Xin nghỉ là họ tự nguyện. Sau khi công ty đồng ý cho nghỉ, họ không còn thuộc diện quản lý của công ty nữa. Sau khi sinh xong, họ xin trở lại làm việc là vì hoàn cảnh gia đình và vì tình anh em”…
Chính cách làm này của ông Mai mà từ khi ông lên giám đốc, Chi bộ Văn phòng công ty có 2 cán bộ sinh con thứ 4 (trong đó có 1 phó Ban), nhưng vẫn không bị xử lý kỷ luật. Chi bộ Văn phòng và Đảng ủy Công ty vẫn liên tục đạt danh hiệu “trong sạch, vững mạnh”. Cá nhân giám đốc được tặng bằng khen “lao động sáng tạo” và nhiều bằng khen khác.
Mặc dù đang trong quá trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét kỷ luật về chức vụ do hành vi đánh bạc trái phép nêu trên, nhưng ngày 18/1/2016, ông Mai đã bất chấp dư luận, ký quyết định bổ nhiệm ông Hồ Ngọc Liêm (cử nhân Kinh tế, sinh năm 1987), từ nhân viên phòng Tài vụ lên Phó Trưởng phòng.
Qua xác minh, ông Hồ Ngọc Liêm là con ruột ông Hồ Ngọc Mai, mới được công ty tuyển dụng cách đây hơn 2 tháng. Để “che mắt dư luận” ông Mai đã chỉ đạo nhân viên văn thư ghi ngược thời gian ký quyết định về trước là ngày 30/12/2015 (!?).
Dư luận đang mong chờ Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An có ý kiến chỉ đạo để những sai phạm của giám đốc doanh nghiệp nhà nước này sớm được làm rõ. Nếu có oan khuất, ông Mai cũng cần phải sớm được minh oan.