| Hotline: 0983.970.780

Chuyển lúa sang ngô: Khả thi

Thứ Tư 23/07/2014 , 13:13 (GMT+7)

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những chiến lược chủ yếu của kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Chính phủ.

Với lợi thế về đất đai, khí hậu, ĐBSCL vẫn là vùng trọng điểm SX lúa gạo của cả nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc SX, tiêu thụ lúa gạo gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh… khiến thu nhập từ nghề trồng lúa không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Trong khi đó, các nông sản khác như ngô, đậu tương... dùng để chế biến thức ăn gia súc lại thiếu hụt trầm trọng khiến hàng năm Nhà nước và DN phải bỏ ra một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu.

Trong bối cảnh này, việc chuyển đổi một phần diện tích hay giảm bớt vụ trồng lúa kém hiệu quả tại ĐBSCL sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt là cây ngô là rất cần thiết, phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ.

Một số địa phương như các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An... đã tận dụng những điều kiện ưu đãi về đất đai, khí hậu triển khai mô hình “chuyển lúa sang ngô” để phát triển loại cây trồng này nhằm giúp người nông dân phong phú hóa cơ cấu luân canh, tăng giá trị nông sản, gia tăng thu nhập và giảm thiểu áp lực canh tác lúa.

Với mục tiêu trên, dự án “Xây dựng mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong SX nông nghiệp” ở ĐBSCL đã được Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao TBKT nông nghiệp, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam thực hiện.

Việc triển khai dự án bước đầu đã cho thấy những kết quả khả thi khi toàn bộ 20 ha ruộng mô hình SX giống ngô NK7328, NK66, NK67 tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa (Long An) bước vào thời điểm thu hoạch với những trái bắp đặc hạt vàng óng hứa hẹn một vụ mùa “chắc như bắp”.

Mặc dù gặp một số điều kiện bất thuận như nắng hạn, không có mưa vào thời điểm xuống giống, cuối vụ mưa nhiều nhưng với sự chăm sóc đầy đủ của bà con, cây bắp vẫn phát triển rất tốt, lá xanh, bắp to, ít sâu bệnh, chứng minh khả năng sinh trưởng tốt, tiềm năng năng suất cao của các giống bắp này trên đồng đất địa phương.

Thực tiễn SX đã chứng minh bắp là cây trồng phục vụ chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa tại Long An nói riêng và tại các tỉnh ĐBSCL nói chung.
Nếu khắc phục được một số khó khăn hiện thời như áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong canh tác để giải phóng công lao động, giảm chi phí SX, kết nối được với các DN thu mua tiêu thụ sản phẩm thì thói quen chỉ biết thâm canh cây lúa đã ăn sâu vào trong ý nghĩ của nông dân cũng sẽ không khó để thay đổi.
Và khi cây bắp có sức bật để đi nhanh hơn trên ruộng lúa thì bức tranh về những cánh đồng bắp tốt tươi sẽ nhanh chóng là hình ảnh của một tương lai không xa trên nhiều địa phương của vựa lúa miền Nam.

Đến thời điểm này, ước tính năng suất bắp tươi đạt khoảng 8 - 10 tấn/ha trong khi năng suất lúa cùng vụ đạt khoảng 4,5 - 4,8 tấn/ha. Với giá thu mua hiện nay là 3.900 đ/kg bắp tươi, sau khi trừ chi phí, người dân tham gia mô hình có lãi từ 9,4 - 17,2 triệu đ/ha, cao hơn so với trồng lúa từ 2,5 - 8,4 triệu đ/ha (trên 36%).

Ông Nguyễn Thanh Tùng, GĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An cho biết, 3 loại cây trồng được xác định là chủ lực trong công cuộc chuyển đổi đất lúa của Long An là bắp, mè và đậu phộng; trong đó bắp được xác định là cây trồng quan trọng.

Cái mới ở mô hình này là lần đầu tiên chuyển đổi đất lúa sang bắp trong vụ xuân hè. Từ thành công của mô hình này có thể khẳng định việc đưa thử một cây trồng mới vào đất lúa bước đầu có hiệu quả.

Về việc tiêu thụ sản phẩm, Cty CP Nông trại sinh thái (Ecofarm) đã “đóng đô” tại huyện Đức Hòa, Long An để xây dựng khu liên hợp SX bao gồm nhà máy sấy, chế biến bắp nguyên liệu nhằm tận thu sản phẩm, nâng cao thu nhập, tạo sự an tâm về đầu ra cho bà con.

Ông Tùng nhận định, khâu giống luôn là khâu đi đầu trong canh tác để làm bật lên năng suất vụ mùa. “Chúng tôi đánh giá cao bộ giống ngô của Cty Syngenta bởi có đặc tính thân cây khỏe, vững, sức chống chọi tốt, tạo tiền đề cho năng suất cao. Đây chỉ là giống lai, về sau có các công nghệ và giải pháp mới thì việc trồng bắp sẽ còn khỏe hơn nữa”, ông Tùng chia sẻ thêm với bà con tham quan mô hình.

Ông Ngô Lành, GĐ Phát triển giải pháp của Cty Syngenta cho biết, trong những năm tới Syngenta sẽ luôn song hành cùng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Chính phủ thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu những sản phẩm, giải pháp nông học nhằm tối ưu hóa năng suất đặc biệt là những biện pháp canh tác cho những vùng chuyển đổi để giúp bà con nông dân tăng thu nhập trên cùng một diện tích cây trồng.

Các DN cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm cùng sát cánh với cơ quan quản lý Nhà nước để phục vụ nông dân, vì lợi ích của nhà nông cũng là mong muốn của Chính phủ như ông Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam bày tỏ.

“Có thể khẳng định đây là mô hình thành công, chúng tôi khuyến khích bà con chuyển đổi những vùng đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hiệu quả hơn, mà cụ thể là cây ngô để nâng cao lợi ích kinh tế. Mô hình cần được mở rộng với sự tham gia của nhiều bà con”, ông Kha cho biết.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất