| Hotline: 0983.970.780

Chuyện người anh hùng mù lòa

Thứ Sáu 20/12/2013 , 08:30 (GMT+7)

Ông Alăng Bhuốch (SN 1940, ở thôn Aruung, xã Bhalêê, Tây Giang, Quảng Nam) từ nhỏ đã sống trong bóng tối nhưng vẫn mang vác lương thực, vũ khí… phục vụ bộ đội kháng chiến chống Mỹ. Vì thành tích đó, ông được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Ông Alăng Bhuốch (SN 1940, ở thôn Aruung, xã Bhalêê, Tây Giang, Quảng Nam) từ nhỏ đã sống trong bóng tối nhưng vẫn mang vác lương thực, vũ khí… phục vụ bộ đội kháng chiến chống Mỹ. Vì thành tích đó, ông được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. 

>> Chữ tình nơi non cao
>> Tây Giang ký sự

MÙ MẮT VẪN ĐI TẢI ĐẠN

Tây Giang là huyện miền núi nằm dọc dãy Trường Sơn. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng bào dân tộc Cơ Tu nơi đây đã trực tiếp cầm súng tham gia giết giặc và giúp bộ đội vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến. Trong số những người con đồng bào Cơ Tu ấy có ông  Alăng Bhuốch, tuy bị mù mắt nhưng làm được bao điều kỳ diệu.

Chúng tôi tìm về nhà ông Bhuốch, ngôi nhà bé nhỏ phía trước là đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua, phía sau nhà là dòng sông Tà Làng. Trong căn nhà ấy, đâu đâu cũng thấy bằng khen của ông, của vợ ông…

Bên bếp lửa, ông Bhuốch tâm sự với chúng tôi: “Việc bố làm đã được Nhà nước công nhận rồi. Đó không phải là niềm vui của cá nhân bố mà là niềm tự hào của cả cộng đồng người Cơ Tu sống dọc dãy Trường Sơn”.


Anh hùng Alăng Bhuốch mù lòa nhưng làm nhiều việc phi thường

Ông Bhuốch sinh ra trong một gia đình nghèo. Năm 12 tuổi, Bhuốch phải chịu cảnh sống chung với bóng tối sau lần mắc bệnh sởi. “Trời cướp đi đôi mắt của bố nhưng bù lại cho bố nhiều biệt tài. Bố mù thật nhưng việc gì người sáng mắt làm được, bố cũng không thua”, ông Bhuốch khẳng định.

Mặc dù mù mắt nhưng khi tròn 18 tuổi, ông Bhuốch đã xung phong làm dân công. Công việc của ông là gùi hàng cho bộ đội. Hết ngày qua ngày khác, khắp những cánh rừng giữa đại ngàn Trường Sơn đều hằn in dấu chân ông. Hết vũ khí đến lương thực, ông Bhuốch ngày đêm khuân vác phục vụ cho tiền tuyến.

Đến năm 1967, Alăng Bhuốch được bổ sung vào Đoàn Trung Sơn trực thuộc Tỉnh đội Quảng Đà (nay là Quảng Nam và Đà Nẵng) để vận chuyển vũ khí, lương thực cho kho 31, tại hang Khỉ, chân dốc Alơơl, ranh giới giữa huyện Hiên, tỉnh Quảng Đà và huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). 

Năm 1968, giặc Mỹ dùng B52 và bom Napan để đốt cháy dãy Trường Sơn. Lúc này,  Alăng Bhuốch miệt mài gùi vũ khí liên tục cả ngày lẫn đêm trong 3 tháng để phục vụ cuộc kháng chiến. Trên vai Alăng Bhuốch lúc nào cũng mang 70 kg đạn dược trở lên.

Sau chiến dịch, Alăng Bhuốch được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc và được chọn đi báo cáo điển hình tại các đơn vị quân đội. Đến năm 1972, ông Bhuốch phục viên về địa phương.

“Ngày đó mọi người thấy bố mù mắt, ai cũng sợ bố không làm tròn nhiệm vụ. Họ bảo người mắt sáng đi đã khó, nói gì đến người mù đi giữa rừng. Cây, đá khắp nơi nhưng bố vẫn xung phong. Bố nói với mọi người cứ cho đi thử thì sẽ biết. Bố không đi nhanh được nhưng sống quen ở rừng nên việc gì cũng làm được”, Alăng Bhuốch nhớ lại.

Tính ra, từ năm 1958 đến năm 1972, bình quân mỗi ngày gùi 50 kg đạn dược và nhu yếu phẩm thì Alăng Bhuốch đã gùi khoảng 182.000kg hàng các loại. Trong đó, vũ khí, súng đạn khoảng 120.000kg, lương thực 62.000kg.


Alăng Bhuốch mang vũ khí trong chiến dịch Mậu Thân 1968

Với những chiến công hiển hách này, Alăng Bhuốch đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất… Và vào tháng 8/2012, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

CƯỚI VỢ CHO CHỒNG

Năm 1970, ông Bhuốch nên duyên vợ chồng với bà Tarưng Thị Tinh (SN 1949). Thế nhưng sau nhiều năm chung sống, bà Tinh không sinh được cho ông đứa con nào.

Theo tục lệ của người Cơ Tu, nếu vợ không sinh được con thì chồng cưới thêm vợ hai để gìn giữ giống nòi.

Chuyện ông Bhuốch cưới bà Tinh là cơ duyên trong chiến tranh, hai người đều phục vụ quân đội. Lúc đó, ông Bhuốch là chàng trai khỏe mạnh, bà Tinh mến phục con người như ông nhưng làm được việc phi thường nên đem lòng yêu thương, rồi về ở với nhau.


Alăng Bhuốch và bà Tarưng Thị Tinh

Nhưng nay, ông Bhuốch đã 41 tuổi, chuyện cưới thêm vợ sẽ không dễ dàng. Biết hoàn cảnh như vậy, bà Tinh tính rằng bất cứ giá nào cũng phải đi tìm người phụ nữ khác để sinh con cho chồng. Khi biết tin, Alăng Bhuốch nhất quyết không đồng ý.

Đêm đêm, không những ông Bhuốch mất ngủ vì lo lắng chuyện con cái mà đôi mắt bà Tinh cũng đẫm lệ. Phần vì bà thấy cuộc đời mình không đem lại niềm vui cho chồng, phần vì bà nghĩ đến chuyện san sẻ người đàn ông của mình với một người phụ nữ khác.

Nhưng vì thương người chồng mù nên cuối cùng bà Tinh cũng đã giấu ông Bhuốch, tự mình đi hỏi vợ cho chồng. Trong vòng một năm trời, bà gặp nhiều người phụ nữ để ngỏ ý nhưng chẳng ai chịu lấy một người mù như ông Bhuốch.

Đi hết các xã lân cận không tìm được người phụ nữ nào, vào năm 1981, bà vượt gần 50 km đường rừng, vào tận xã Gary. Tại đây, bà Tinh gặp được người phụ nữ  tên là Bling Ktít (SN 1950) có hoàn cảnh chẳng may mắn cho lắm. Chồng bà Ktít đã qua đời, lại chưa có con, sống một mình cô đơn giữa núi rừng. Khi hỏi chuyện, bà Ktít đồng ý liền.

Bà Tinh vui mừng vì đã có người chấp nhận nhưng cũng lo ông Bhuốch không đồng ý thì sẽ có tội với bà Ktít. Đắn đo mãi, bà Tinh liều nói với ông Bhuốch: Alăng Bhuốch à! Tui phải cưới thêm vợ mới cho ông thôi. Có thêm vợ để có thêm con thì ông mới vui được, không sợ mất giống nòi.


Căn nhà bé nhỏ của Alăng Bhuốch cùng hai vợ và các con

Nghe vậy, ông Bhuốch cáu giận nhưng bà Tính thuyết phục chuyện con cái sau này, và sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Bhuốch đã đồng ý. Ngày cưới, một mình bà Tinh đứng ra quán xuyến mọi việc để bà Ktít trở thành vợ ông Bhuốch.

Cưới vợ xong cho chồng đáng lẽ bà Tinh phải vui mới đúng nhưng lúc nào bà cũng lo lắng. Bà Tinh sợ bà Ktít cũng giống mình không sinh được con thì nỗi buồn nhân lên nhiều lần. Trong khi tuổi ông Bhuốch cũng đã già, bà Ktít cũng đã ngoài 30 tuổi.

Nhưng rồi niềm vui cũng đã đến. Về ở với ông Bhuốch hơn một năm, bà Ktít sinh cho ông Buốch một đứa con trai, đặt tên là Alăng Nuôi. Niềm vui được nhân đôi khi năm 1985, bà Ktít sinh tiếp đứa con thứ 2, đặt tên là Alăng Nước. Trong mái nhà luôn có tiếng cười nói của trẻ con, một người chồng và hai người vợ sống hạnh phúc.

“Tui cũng không nghĩ mình lại lấy người mù mô. Nhưng về ở với nhau thấy ông ấy mù mà chẳng thua gì người mắt sáng, việc chi ông cũng mần được hết. Càng ở với ông, tui càng yêu thương ông nhiều hơn. Chị em tui chung một người chồng nhưng sống với nhau bao nhiêu năm chẳng cãi nhau lần nào, sống hòa thuận lắm. Hai người con tôi sinh ra cũng thương bà Tinh như mẹ đẻ”, bà Ktít tâm sự.

Có thêm vợ, thêm con, ông Bhuốch vất vả với cuộc sống nhiều hơn. Ông không chấp nhận cảnh đói nghèo. Hằng ngày, một mình ông Bhuốch tự mày mò làm đường ra ruộng, khai hoang trồng lúa nước. Ông dẫn nước từ trên núi về ruộng đồng, đào ao thả cá. Trước đây, năng suất lúa rẫy chỉ vài chục kg/sào, ông Bhuốch đã nâng lên hơn 1 tạ/sào.

Ông Âlăng Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang, khẳng định: Chính Alăng Bhuốch là người đầu tiên làm cuộc "cách mạng" đưa mô hình lúa nước vào SXNN ở Tây Giang. Từ đó, đồng bào ai cũng học tập theo và từng bước đẩy lùi được cái đói nghèo. Ông được mệnh danh “người hùng trên mặt trận chống đói nghèo”.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất