| Hotline: 0983.970.780

Chuyện nhà toán học Lê Văn Thiêm bỏ quên vợ ở rạp chiếu phim

Chủ Nhật 08/04/2018 , 07:15 (GMT+7)

Tôi gặp bà tại nhà riêng thuộc phường 26, quận Bình Thành, thành phố Hồ Chí Minh. Bà đang mệt nhưng biết tôi từ Hà Nội vào, muốn hỏi chuyện về GS Lê Văn Thiêm (1918-1991), bà vẫn thu xếp dành thời gian tiếp chuyện.

11-17-38_29939291_865806263605702_479229022_n
Bà Võ Lệ Hồng

Cuộc trò chuyện dù không dài vì điều kiện sức khỏe của bà không cho phép nhưng qua nỗi hoài nhớ khôn nguôi trong từng mẩu chuyện tôi càng hiểu thêm về hậu phương của một nhà bác học tài danh, một người vợ âm thầm cáng đáng mọi công việc gia đình. Đó là bà Võ Lệ Hồng, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngoại - Bệnh viện Y dược Dân tộc học (Thành phố Hồ Chí Minh).
 

Cuộc tình sắp đặt

Từ Sở Y tế Nam Bộ tập kết ra miền Bắc, cô nữ hộ sinh Võ Lệ Hồng công tác tại Bệnh viện Hồng Gai do ông cụ thân sinh làm giám đốc. Trong số bạn thân của gia đình có ông bà Trần Văn Giàu là đồng hương Vĩnh Long. Không có con nên vợ chồng ông bà Trần Văn Giàu coi Võ Lệ Hồng như con gái. Biết cô cháu gái chưa yêu ai, GS Trần Văn Giàu có ý tác thành với GS Lê Văn Thiêm lúc này mải mê nghiên cứu mà chưa lo gia thất.

Nhà khoa học nổi danh, bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ Toán học quốc gia tại Pháp, tin về Việt Nam khiến GS Tạ Quang Bửu trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc (1948) phải cất lời khen: “Chàng thanh niên 30 tuổi này đã nghiễm nhiên đứng vào hàng ngũ bậc thầy của chúng ta”; vậy nhưng chuyện tình cảm thì ông lại rất vụng về. Bà Võ Lệ Hồng kể lại rằng ông chẳng biết tán tỉnh gì hết. Gặp nhau, ông chỉ hỏi: “Chị có khỏe không?”, “Công việc thế nào?”… Ngay cả bức thư viết cho người mình yêu, khi đến tay, bà Hồng đếm được có mấy chục chữ. “Tôi thấy ông ấy hiền lành chứ không biết tán tỉnh gì cả”.

Năm 1958 lễ cưới của họ được tổ chức tại 18 Hàng Chuối. Khi lập gia đình GS Lê Văn Thiêm đã 40 tuổi nhưng trông ông rất trẻ, xấp xỉ tuổi vợ. Chẳng ai nghĩ có sự chênh lệch tuổi tác giữa hai người.

“Thấy anh Thiêm trẻ, tôi hỏi ông Trần Văn Giàu: Chú à, thế anh Thiêm bao nhiêu tuổi? Ông Trần Văn Giàu la: Cháu lộn xộn quá, biết thế thôi, cháu hỏi tuổi làm chi. Thế là tôi không hỏi nữa. Chứ lúc đó tôi biết tuổi chắc tôi không đồng ý rồi”. Một nụ cười thoảng nhẹ trên gương mặt bà Võ Lệ Hồng khi kể về lễ thành hôn với nhà khoa học hơn mình tới 17 tuổi.
 

Kiến thức hơn tiền bạc

Một trong những thử thách với bà Võ Lệ Hồng là thiếu thốn về đời sống trong những năm bao cấp. Lương tháng của cả hai vợ chồng chỉ đủ chi tiêu trong 2 tuần, dù bảng lương của ông đã cao hết mức. Bà xoay xở mở phòng mạch tư, để có thêm thu nhập cải thiện trong gia đình, vừa đủ trang trải các chi phí, trong đó có hai người con đang tuổi ăn học.

Thấy GS Lê Văn Thiêm đi nước ngoài thường xuyên, nhiều người đoán già đoán non rằng gia đình ông hẳn sắm sửa đủ đầy. Nhưng với ông thì trái lại, trong những chuyến ra nước ngoài tham dự các hội thảo khoa học, chẳng bao giờ ông sắm sửa thứ gì, ông càng không biết những mẹo lận hàng như một số người khác. Có lẽ món hàng lớn nhất ông mua sắm khi đi nước ngoài đó là chiếc xe nôi cho con trai Lê Hồng Phi mới sinh. Gửi thư từ Mátxcơva (Liên Xô) về cho vợ, GS Lê Văn Thiêm viết: “…Học thêm được kiến thức quý hơn tiền bạc nhiều”.

11-17-38_29894145_865805913605737_1161090198_o
Vợ chồng GS Lê Văn Thiêm

Ông chẳng bao giờ xâm phạm vào của công dù là thứ bé mọn nhất. Bà Hồng nhớ khoảng năm 1972-1973, kiều bào ở Canada ủng hộ cơ sở vật chất và cả tiền, nhờ đoàn công tác do GS Lê Văn Thiêm dẫn đầu chuyển về nước. Tới Hà Nội, ông dặn bà đếm từng loại và làm biên bản nộp về Bộ Tài chính. Lần đầu tiên được nhìn thấy đồng đô la, bà Hồng muốn giữ lại 1 đô la để chơi, nhưng GS Lê Văn Thiêm không đồng ý, ông yêu cầu phải nộp toàn bộ cho Nhà nước.
 

“Đãng trí bác học”

Toàn tâm toàn ý trong công việc, cả ngày GS Lê Văn Thiêm chỉ ngồi nghiên cứu trong chuyên môn của mình. Suy nghĩ và viết lách thì thạo, còn trong sinh hoạt đời thường ông đúng là “đãng trí bác học”.

Một lần, ông chở bà trên xe đạp tòng tọc đi xem phim ở Rạp Tháng Tám (Hà Nội). Đến rạp, ông cầm 2 tấm vé rồi đi thẳng vào bên trong. Ngồi mãi, thấy ghế bên cạnh còn để trống, ông mới sực nhớ ra là chưa đưa vé cho vợ. Ông hớt hải chạy ra. Bà Hồng rất giận nhưng may là chưa quay về nhà. Ngồi xem phim mà đầu óc ông vẫn đang mê mải với những công trình toán học dở dang. Xem xong, ông Thiêm lại đạp xe thẳng một mạch về nhà. Nửa đường, không thấy vợ đâu, ông mới sực nhớ là bỏ quên vợ ở Rạp Tháng Tám.

GS Lê Văn Thiêm (1918-1991) đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Kỹ thuật. Tên ông được đặt tên đường phố tại Thủ đô Hà Nội.

 

(Kiến thức gia đình số 14)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm