| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 21/11/2020 , 07:20 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 07:20 - 21/11/2020

Chuyện nhỏ người già

Bà ngồi xe lăn từ khi vào tuổi tám mươi. Cứ hình dung rồi sẽ biết tâm trạng của một người không bước đi được nữa.

Những từ bứt rứt không diễn tả đủ. Vật vã. Đúng, vật vã. Ngày đã dài, đêm chừng như còn dài hơn.

Ban ngày réo con cái cháu chắt hoặc ô-sin đẩy xe ra trước nhà, tay bợ cằm mắt thẩn thờ xem con người với cái kiếp con người như bà đã từng.

Ban đêm con cháu ngủ vùi. Thạch sùng rột rẹt bên máng đèn, con chuột lục lọi trong bếp, con chó tru dài trong xóm, bà nghe thấy hết và đập tay đập chân trên giường. Chém cha cái lũ ham ăn ham ngủ!

Thời trẻ một bầy con bà làm và làm. Bếp củi, cơm không được khét, bữa ăn thường ba món, nếu có khách thì vắt chân lên cổ.

Hầu như ai đến chơi đều được ông bà nội giữ lại ăn cơm, rồi ở thêm nữa, gấp gáp chi vậy? Con dâu lụi đụi chân trần không bén đất, bữa tắm bao giờ cũng vắng lặng vì khi ấy cả xóm đã đi ngủ. Có thức cùng thì chỉ là con chim cú con chim ụt ngoài vườn, nghe phát chán.

Các con không hiểu sao má ngày xưa im lìm như cái cối đá mà giờ, bất kỳ cái gì trái ý bà đều muốn đay muốn nghiến cho hả. Ông bà nội qui tiên lâu rồi, bây giờ má là nhà chồng của con dâu, má đường đường là thái hậu nha má.

Nói gì bà cũng hấm hứ, không nghe nhưng cố chấp, chạm vào thì bà phủi. Với con trai và con dâu, bà gắng gượng cười, một bầy con gái thì hôm nay đứa này bị mắng hôm khác đứa kia bị nguýt. Sao vậy má ơi, má hiền từ của tụi con đâu rồi má?

Khổ tâm nhất của các con là mỗi khi nhà có khách, má không cười với ai cả. Bất kỳ ai liên quan đến cái từ khách là bà hục hặc với người đó.

Mẹ của con rể đến thăm và ở lại chỉ dám chào bà rồi phải biến, con trai đành giác đác: “Má vợ con đổi tánh rồi, mẹ đừng để bụng nghen”.

Khách ăn một bữa cơm ở trong căn bếp mà bà vẫn là thái hậu, thật đến khổ với bà, cho dù đó là sui gia đi nữa. Các con nhìn nhau kinh ngạc, má đổi tánh kiểu gì vậy trời? Lẽ nào bếp núc và khách khứa liên miên là nỗi ám ảnh duy nhất của má?

Một bà cụ khác chưa đến mức ngồi xe lăn nhưng các con hay đặt bà trên xe lăn để di chuyển nhẹ nhàng khi bà ở trong nhà hoặc khi ra ngoài trời. Bà đã vào tuổi chín mươi, theo cách tính bây giờ, là đã vào diện U100.

Mắt rất thần, giọng nói còn oách lắm, tuy không còn nhớ tên các đứa con. Hình như bà chỉ nhớ mỗi một điều: ngày xưa chồng bà từng có ô tô và có vợ bé. Chuyện đó các con lờ mờ biết khi hai ông bà hục hặc lời qua tiếng lại, những đứa con út it thì không biết gì cả.

Nhưng bây giờ thì luôn luôn một câu ấy khi con cái chạm vào săn sóc bà: “Muốn làm bé hay làm lớn? Làm bé sướng lắm. Làm bé được chồng cưng, chồng đưa xe hơi cho đi, sướng lắm”.

Các con sững sờ, rồi quen dần. Chúng nó cười khúc khích sau lưng bà, ngày xưa ba vậy vậy đó. Họ còn tặc lưỡi, trai năm thê bảy thiếp, cũng không trách ba mình được. Bởi vì ba đi làm việc, má ở nhà chăm con làm vợ làm dâu. Ba vi vu thì ba phải bồ bịch mà đã vậy thì…

Thì sao má kỳ há, ngày xưa má nín nhịn hết, giờ má dữ dằn một cách kỳ lạ mà chỉ nhớ mỗi chuyện bà lớn với bà bé? Lẽ nào chuyện đó quan trọng hơn tên của những đứa con do chính má đẻ ra, kỳ há?

Một cụ ông tầm U90 từng là cán bộ. Về hưu đã lâu, con trai qui tiên trước, ông sống với con dâu và cháu nội. Nhà mặt tiền khu chung cư nhỏ, sân rào thấp tới vai cho thoáng. Sáng nào ông cũng pijama sọc đứng bên trong khuôn rào nhìn mọi người đi qua đi lại.

Thấp thoáng bóng phụ nữ, nón lá, hay áo sống màu mè phấp phới là ông hóng nhìn, đón đợi. Rồi cười hết cỡ, cười không thành tiếng, chỉ cái khuôn miệng rộng mở. Vì vậy mà ông không là cho đám đàn bà ấy sợ.

Với lũ con gái thiếu nữ, hay các cô gái trẻ, ông nghiêm mặt đứng yên, không cười. Chỉ những người phụ nữ đứng tuổi mới khiến ông ngóng đợi. Và ánh nhìn cùng với khuôn mặt sáng ngời một cách tội nghiệp thì rê theo cho đến khi họ đi khuất.

Đứa cháu nội trai hay chép miệng với mẹ nó: “Nếu ba con còn sống, nữa già có như ông nội không ta? Cả một đời tu thân, già tự dưng cười cười ngây dại trơ trẽn vớt vát vậy sao?”

Tin chấn động khu phố về một ông cụ U80 vừa bị nhà chức trách mời đi về tội sàm sỡ một bé gái tiểu học. Có chết không chứ?

Ngày còn đi làm ông ta đạo mạo lắm, về hưu rồi vẫn thẳng tưng, mắt nhìn chết dính đằng trước, chân bước đều như đang duyệt binh. Sao một người nghiêm ngắn có tiếng mà bỗng dưng đổ đốn như vậy?

Có lý giải được không sự biến đổi kỳ quái khó hiểu này?

Bình luận mới nhất