| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ở Hồng An: Vài Nòn, 100% đói

Thứ Ba 12/05/2015 , 09:55 (GMT+7)

Ở xã Hồng An (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), đói nghèo không chỉ hiện diện trong những bữa ăn thường nhật của người dân. Có những cái đói vô hình nhưng dai dẳng và đáng lo khác, đó là “đói” chữ, “đói” cơ hội, “đói” tương lai...

Nhìn những bữa cơm thường nhật chỉ có “cháo bẹ, rau măng”, ít ai ngờ, mỗi chàng trai người Dao ở xóm Vài Nòn (xã Hồng An) phải kiếm cả trăm triệu đồng mới cưới được vợ. Nếu không có đủ ngần ấy tiền, họ phải ở rể cho nhà gái cả đời.

Hộ nào cũng đói

Làn khói trắng từ chiếc lò đất bốc lên nghi ngút khiến đôi mắt Phùng Mùi Ly nheo nhúm vì cay. Trong không gian mờ ảo, người phụ nữ bền bỉ rắc bột ngô vào chiếc nồi nước sôi ùng ục, dùng đũa khuấy đều cho đến khi đặc quện. Người Dao ở xóm Vài Nòn gọi đó là cháo bẹ - món ăn thường nhật thay cơm.

Bưng bát cháo bẹ vàng khè mời khách phương xa ăn bữa tối, khuôn mặt trưởng xóm Xiêm Lùng Viện (SN 1983) lộ vẻ ngượng ngùng. Mua lạng gạo ở Vài Nòn thời điểm này rất khó khăn. Anh Viện bảo: Số hộ còn gạo ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà nào khá lắm mới đủ cơm ăn 3 - 4 tháng, còn lại triền miên ăn ngô.

Vài Nòn theo tiếng Tày nghĩa là con trâu nằm. Người trong xóm giải thích: Ở đây bốn bề núi đá. Con trâu leo núi về nhà cũng quỵ chân mỏi gối. Ruộng không có, ngô là thứ cây độc canh, mỗi vụ kéo dài 8 tháng. Thế nên, phụ nữ trong xóm vẫn đùa nhau: “Khi tao có chửa tao lên nương gieo ngô. Khi thu ngô xong tao về nhà đẻ con”.

Vợ chồng anh Viện đều là cán bộ xóm và đều... mù chữ. Không nói được tiếng phổ thông, hỏi chuyện sinh đẻ kế hoạch, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Vài Nòn Phùng Mùi Ly chỉ lắc đầu, cười tủm. Tôi đành chuyển sang chuyện đói nghèo.


Bữa ăn quen thuộc của người dân Vài Nòn nói riêng và xã Hồng An nói chung

Anh Viện thống kê số hộ nghèo trong xóm là 27/27. Đợt tết vừa rồi, toàn bộ 159 nhân khẩu của xóm phải trông chờ vào gạo cứu trợ của Nhà nước mới được 1 tháng no cơm.

Cưới vợ, nợ ngập đầu

Thiếu gạo, ừ thì ăn ngô vẫn lấp đẫy dạ dày. Nguy ở chỗ, trai tráng trong xóm muốn lấy vợ phải có tiền, rất nhiều tiền. 15 tuổi, trưởng xóm Xiêm Lùng Viện đã phải cõng trên lưng món nợ mấy chục triệu đồng mới cưới được Phùng Mùi Ly.

Thời ấy, nhà Viện bán 5 con bò cóc (giống bò bản địa) được 30 triệu đồng, cộng thêm 10 triệu đồng của ông bố Phùng Chàn U vừa đủ tiền thách cưới của nhà gái. Nhận được cái gật đầu của bố vợ tương lai, Viện lại vã mồ hôi lo cỗ bàn để tổ chức lễ rước dâu. Theo tục lệ, nhà trai phải chuẩn bị khoảng 800 kg lợn hơi, 100 kg thịt gà và ít nhất 400 lít rượu.

800 kg lợn hơi được xẻ 2/3 + 1 tạ thịt gà để làm cỗ phục vụ nhà trai và nhà gái ăn uống trong 2 ngày. Đánh chén no say, mỗi vị khách còn được gia chủ tặng ít nhất 1 kg thịt lợn và 1 lít rượu trước khi ra về.

Viện thống kê, để sắm đủ số thịt, rượu trên, anh phải vay hai ông chú Phùng Chàn Chìu và Triệu Kiểm Chiêu 20 triệu đồng; mượn nhà Phùng Chàn Lường, Phùng Chòi Phín, Phùng Chàn Diện, Phùng Chàn Sinh 450 kg lợn hơi; mượn Phùng Chàn Quân 30 kg gà, còn thiếu bao nhiêu thịt, rượu ôm tiền đi mua bù.

Đằng đẵng suốt 10 năm trời, vợ chồng Viện phải vác củi thuê, làm hùng hục đến còm người để có tiền trả nợ. Hai cô con gái học hết lớp 3 phải bỏ trường theo bố mẹ lên nương, thế mà cái ăn vẫn thiếu. Năm 2014, Viện đành gả cô con cả Xiêm Mùi Ghển (15 tuổi) cho một thanh niên ở bản Lũng Lài, xã Huy Giáp để bớt một gánh nặng trên vai.

Ở rể trọn đời

Xóm Vài Nòn đang có 4 thanh niên ở ngoài xã đến ở rể. Một trong số đó là Phùng Ton Pết (SN 1993), quê ở xóm Phìn Sảng, xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc).

Khi tôi đến thăm, Pết đang lui cui giặt chậu quần áo cáu bẩn. Tôi hỏi: “Vợ đâu, sao không giúp?”. Đôi mắt Pết trùng xuống, như thể đeo vật nặng trên mi: Bốn năm em về đây làm rể chưa bao giờ nó giặt cho em. Ông Chìu (bố đẻ của Phùng Mùi Kiều, SN 1996, vợ Pết) đã bỏ ra gần 100 triệu đồng mua em thì em phải lao động suốt đời để trả nợ thôi.

Bố mất sớm, mẹ Pết không đủ sức nuôi 5 người con. Nghe tin ở Vài Nòn có người muốn kiếm rể, cậu sang xin ở rể, chẳng cần có tình yêu, chẳng cần rung động với người vợ tương lai.


Phùng Ton Pết phải ở rể cả đời để trả ơn bố vợ đã chi gần 100 triệu đồng tổ chức đám cưới cho mình

Sau khi trả 20 triệu đồng cho mẹ Pết và mua một “núi” thịt lợn, gà; hàng trăm lít rượu đón chàng rể mới, gia đình ông Chìu cũng lâm cảnh khốn khó. Không có đất trồng lúa, mỗi năm gia đình ông Chìu chỉ thu được 40 - 50 gùi ngô (cả bẹ), 7 khẩu ăn trong 4 - 5 tháng là hết, cộng thêm 5 bao gạo cứu trợ của Nhà nước vẫn thiếu đói 5 - 6 tháng.

Ngày ngày, Pết phải thấp thểnh leo núi kiếm củi về bán mỗi bó 15.000 đồng hoặc đi phun thuốc diệt cỏ thuê để kiếm gạo nuôi gia đình vợ.

Cán bộ toàn thanh niên

Trưởng xóm Xiêm Lùng Viện cho biết cứ 10 đứa trẻ trong xóm đi học thì may mắn lắm mới có 1 cháu học lên cấp 2. Người lớn tuổi không ai biết chữ và giao tiếp thông thạo tiếng phổ thông, thế nên trọng trách “soi đường, chỉ lối” cho dân được nhường cho lớp thanh niên.

Ngoài vợ chồng trẻ mù chữ Xiêm Lùng Viện và Phùng Mùi Ly, đội ngũ cán bộ xóm Vài Nòn còn có công an viên Phùng Chòi U (25 tuổi, học hết lớp 6); Bí thư Đoàn xóm Phùng Chòi Lường (22 tuổi, học hết lớp 3), Trưởng ban Mặt trận xóm Phùng Chòi Phin (23 tuổi, học hết lớp 5); Xóm đội trưởng Phùng Chòi Quyên (29 tuổi, học hết lớp 5).

Phùng Vần Hin (trình độ học vấn 9/12) năm nay 19 tuổi nhưng đã đảm nhận chức Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm được 3 năm. Tôi hỏi Hin từ ngày làm cán bộ đã hướng dẫn cho nông dân trồng cây, nuôi con gì? Hin bảo: Quanh quẩn vẫn 3 cây ăn quả là mận, lê, đào, chỉ cần cắm xuống đất là sống thôi mà.

Cảnh “đói" tri thức không chỉ diễn ra ở Vài Nòn mà hiện diện ở khắp các xóm Lũng Sâu, Ca Dằm, Mỹ Lủng, Hoi Ngửa (xã Hồng An). Thậm chí, nguồn cán bộ hiếm hoi đến mức một thanh niên ở Mỹ Lủng tên Hoàng A Tu, có trình độ văn hóa 7/12, được kiêm nhiệm cùng lúc 5 chức vụ gồm: Bí thư Chi bộ xóm, Bí thư đoàn xóm, Công an viên xóm, Y tế thôn bản, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm và cũng là đại biểu HĐND xã. Còn, trưởng xóm Mỹ Lủng Hoàng Can Dinh là… một người mù chữ.

Hiệu trưởng trường THCS xã Hồng An Tô Văn Lực giãi bày: Tổng số học sinh cấp THCS chỉ có 29 em (trong đó lớp 6 có 17 em, lớp 7 có 7 em, lớp 8 có 2 em và lớp 9 có 3 em) chưa bằng sĩ số trung bình một lớp học dưới xuôi. Tỷ lệ học sinh đi học chưa đến 50%.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.